Hàng siêu thị mắc hơn hàng chợ
Thời gian gần đây, rất nhiều người tiêu dùng đến siêu thị mua sắm để được hưởng chênh lệch giá. Tuy nhiên, ngoài một số mặt hàng thiết yếu, hàng tươi sống… ở siêu thị thực sự rẻ, một số mặt hàng ở siêu thị dù đã khuyến mãi vẫn đắt.
Cao hơn giá thị trường
Khảo sát tại các siêu thị trên địa bàn TPHCM, chúng tôi ghi nhận giá một số mặt hàng khá cao so với thị trường. So sánh giá một số mặt hàng giữa 2 siêu thị được xem là có giá cạnh tranh nhất là Co.opMart và BigC với chợ: bột giặt Omo loại 3 kg tại các chợ chỉ 100.000 đồng/bịch; tại Co.opMart 109.300 đồng/bịch, tại BigC 107.900 đồng/bịch; sữa Ensure 400 g tại các cửa hàng giá 253.000 đồng/hộp, tại Co.opMart 268.000 đồng/hộp, tại BigC 268.200 đồng/hộp; bột ngũ cốc dinh dưỡng nhập khẩu từ Singapore tại chợ 58.000 đồng/bịch, tại siêu thị 64.000 đồng/bịch, dầu đậu nành Tường An tại siêu thị 44.900 đồng/lít, tại chợ chỉ 41.000 đồng/lít… Các mặt hàng bia, nước ngọt, quần áo, dầu gội, sữa tắm… tại siêu thị cũng đắt hơn so với sản phẩm cùng loại trên thị trường 0,5% – 20%. Riêng các mặt hàng điện tử, điện máy, mức chênh lệch so với giá tại các siêu thị điện máy có khi lên đến vài trăm ngàn đồng/sản phẩm.
Giá các loại sữa bột bán tại siêu thị thường cao hơn ngoài thị trường ít nhất vài ngàn đồng/hộp. Ảnh: HỒNG THÚY
Trưởng đại diện khu vực TPHCM của một công ty phân phối ngũ cốc, bột dinh dưỡng Singapore cho biết: Hàng công ty vào siêu thị cộng 10% lợi nhuận, chưa kể doanh nghiệp (DN) ký hợp đồng chiết khấu 5%/năm với siêu thị, hằng tháng còn phải chi các khoản phí sinh nhật siêu thị, làm khuyến mãi, chạy chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao, phí trưng bày, thuê đầu quầy, đầu kệ… Tùy mặt hàng và tùy siêu thị, phí “ra” đầu quầy hoặc ụ hàng có giá 8 triệu đồng đến trên 40 triệu đồng/tháng. Nếu DN muốn chào sản phẩm mới cũng phải đóng 5-10 triệu đồng/mã hàng/siêu thị. Tất cả những chi phí đó đều được cộng vào chi phí kinh doanh nên đẩy giá thành lên cao, người tiêu dùng phải chi trả cho tất cả những khoản phí đó.
Quản lý một siêu thị khá lớn tại TPHCM cho biết: Đồ dùng gia đình, may mặc tại siêu thị thường có giá chênh lệch cao so với ở chợ. Ở 2 mặt hàng này, nếu bán theo giá niêm yết của nhà cung cấp, nhà bán lẻ sẽ cộng thêm khoảng 25% – 30% chiết khấu (bao gồm thuế GTGT), các mặt hàng thiết yếu thì tỉ lệ này thấp hơn, khoảng 2,5% – 10%… Tại các siêu thị lớn, doanh số cao thì DN còn trích thêm 10% – 15% cho các khoản như: siêu thị thanh toán tiền đúng hạn, bán hàng Tết, trưng bày, sinh nhật, thưởng doanh số…
Khuyến mãi vẫn còn đắt
Để cạnh tranh, các siêu thị liên tục tung khuyến mãi, giảm giá một số mặt hàng tươi sống, tiêu dùng thiết yếu. Người tiêu dùng ngập trong quảng cáo của siêu thị, chọn siêu thị là nơi mua sắm chính mà ít để ý một số trường hợp, hàng bán ở siêu thị mặc dù đã giảm giá nhưng vẫn đắt hơn ở chợ.
Chị Huyền, nhà ở quận 7 – TPHCM, cho biết vừa mua một bộ quần áo mặc ở nhà tại chợ Thái Bình (quận 1) giá 80.000 đồng. Cũng bộ quần áo y chang như vậy nhưng Co.opMart Cống Quỳnh ghi giá bán trên 130.000 đồng/bộ, giảm giá còn 87.000 đồng/bộ. Chị Thanh, nhà ở huyện Bình Chánh – TPHCM mua một bộ drap trải giường 100% cotton tại BigC Tô Hiến Thành giá 529.000 đồng. Em gái chị mua bộ drap giống hệt tại chợ Tân Định (quận 1) chỉ 280.000 đồng…
Lý giải về chênh lệch giá giữa siêu thị và chợ, các siêu thị thừa nhận phần lớn giá các mặt hàng tại siêu thị đều cao hơn ở chợ vài %. Tuy nhiên, ngay cả với những mặt hàng chênh lệch vài chục ngàn đồng/món, cũng rất khó so sánh giá. Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc quan hệ công chúng và đối ngoại BigC, cho biết: Tùy theo chiến lược giá mà từng siêu thị có chính sách giá riêng. Chẳng hạn, BigC có chính sách riêng cho từng gam hàng như thiết yếu, hàng tiêu dùng, hàng xa xỉ…
Khi đặt hàng, siêu thị thương lượng với nhà cung cấp trên cơ sở chất lượng sản phẩm để có giá thành, giá bán. Vì vậy, cùng một bộ đồ của nhà cung cấp nhưng có thể bán tại siêu thị giá khác, shop lớn giá khác, cửa hàng giá khác. Quan trọng là người tiêu dùng phải biết lựa chọn những mặt hàng nào có giá tốt nhất hoặc phù hợp nhất với mình. Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cũng cho rằng chênh lệch giá ở siêu thị và chợ còn do chiến lược giá của nhà cung cấp.
Các siêu thị cũng khẳng định không có chuyện nhà bán lẻ nâng giá bán hàng rồi khuyến mãi giảm giá để “kéo” giá xuống, thu hút sự chú ý của khách hàng. Tuy nhiên, có tình trạng nhiều DN khi tăng giá thì “chạy” khuyến mãi để tránh gây “sốc” cho khách hàng và sau khuyến mãi, người tiêu dùng sẽ quen với mức giá mới.