Hashrate là gì? Giá đi theo Hashrate, hay Hashrate đi theo Giá?
Gần đây, thuật ngữ “hashrate” được cộng đồng nhắc đến rất nhiều sau sự kiện Ethereum chính thức chuyển từ PoS sang PoW, dẫn đến lượng hashrate đổ sang các dự án “coin đào” thay thế cho Ethereum tăng vọt. Tuy nhiên bạn có biết Hashrate cũng là một chỉ số quan trọng khi phân tích on-chain từ trước đến nay không? Vậy cụ thể Hashrate là gì? Hashrate tăng thì giá tăng hay giảm? Hãy cùng chúng mình đi tìm hiểu và hashrate, và cụ thể đi sâu vào Bitcoin Hashrate ở bài viết dưới đây nhé.
(Lưu ý: Từ phân tích Bitcoin Hashrate, bạn có thể tự liên tưởng với hashrate của các dự án PoW khác như ETHW, ETC, RVN… bởi nguyên lý hoạt động của chúng cũng khá giống nhau).
Hashrate là gì?
Hashrate hay còn gọi là tỷ lệ băm, là đơn vị đo lường khả năng giải thuật toán của thiết bị đào Coin. Trong các mạng blockchain sử dụng thuật toán đồng thuận Proof-of-Work (PoW), các thợ đào được yêu cầu phải sử dụng sức mạnh tính toán của các thiết bị đào coin (máy tính) để giải quyết các vấn đề toán học phức tạp. Một Hash là đầu ra của một hàm băm. Thợ đào cần phải có những thiết bị máy tính mạnh để giải các thuật toán xác nhận giao dịch, giúp tìm ra hash trong một khoản thời gian ngắn nhất.
Một số điểm quan trọng:
- Hashrate tăng chứng tỏ có nhiều thợ đào, máy móc tham gia vào khai thác và ngược lại.
- Hashrate đại diện cho sức mạnh tính toán trong mạng, đề cập đến
tốc độ mà các thiết bị đào coin tìm ra được một hash
.
- Khi nói đến hashrate của một đồng tiền điện tử, ví dụ Bitcoin thì chúng ta đang cộng sức mạnh tính toán của
t
ất cả các thiết bị đào coin
của mạng Bitcoin lại với nhau.
- Hashrate liên quan đến khả năng bảo mật và khả năng chống tấn công tổng thể của mạng. Việc kiểm soát được nhiều hơn 50% hash ate trong khai thác là vô cùng nguy hiểm, bởi nó dễ xảy ra cuộc tấn công 51%.
Đơn vị đo lường của Hashrate là gì?
Hiện tại, Terahash trên giây (TH/s) là đơn vị tiêu chuẩn cho sức mạnh tính toán (hashrate) và được sử dụng nhiều nhất. Tuy nhiên còn nhiều đơn vị đo lường Hashrate khác như:
- 1 Hash mỗi giây (1 H/s)
- 1 Kilohash mỗi giây (1kH/s) = 1.000 H/s
- 1 Megahash mỗi giây (1 MH/s) = 1 triệu H/s
- 1 Gigahash mỗi giây (1 GH/s) = 1 tỷ H/s
- 1 Terahash mỗi giây (1 TH/s) = 1 nghìn tỷ H/s
- 1 Petahash mỗi giây (1 PH/s) = 1 triệu tỷ H/s
Những máy đào coin khác nhau sẽ có hiệu suất khác nhau. Những máy tính siêu mạnh cũng sẽ đem đến tốc độ tính đoán cao hơn.
Ví dụ: Một máy có tốc độ 60 băm mỗi giây sẽ tạo ra 60 lần đoán mỗi giây khi cố gắng giải quyết một khối. Nhưng máy tính nào khỏe hơn có thể có tốc độ 100 băm mỗi giây vv..vv… Đó chính là lý do các thợ đào cần phải đầu tư nhiều vào máy móc để có thể có được hiệu suất khai thác tốt nhất.
Bitcoin Hashrate là gì?
Bitcoin Hashrate là số lượng Hash (băm) mà tất cả các thợ đào trong mạng Bitcoin có thể tạo ra trong một khoảng một giây.
Định nghĩa tương tự, thì:
- ETHW hashrate là số Hash mà tất cả các thợ đào trong mạng Ethereum POW tạo ra trong một khoảng một giây.
- ETC hashrate là số Hash mà tất cả các thợ đào trong mạng Ethereum Classic tạo ra trong một khoảng một giây.
Để xử lý các giao dịch trên blockchain Bitcoin, các thợ đào trên mạng cần thực hiện một lượng lớn các phép tính để xác thực một khối cụ thể. Các phép tính này bao gồm các phép tính băm và nếu đáp án là chính xác, người khai thác đầu tiên thực hiện sẽ nhận được một lượng Bitcoin được chỉ định. Đây là giải thưởng được tạo ra để khuyến khích các thợ đào đầu tư vốn vào hoạt động khai thác.
Sơ lược về lịch sử hashrate (tỷ lệ băm) của Bitcoin qua thời gian như sau:
- Sau khi Satoshi Nakamoto tạo ra Bitcoin vào năm 2009, mạng lưới này chỉ được duy trì bởi một số ít thợ đào vốn là những người đam mê tiền điện tử ban đầu. Lúc này, các thợ đào chỉ sử dụng phần cứng máy tính bình thường để đào cao. Kết quả là, tổng hashrate của mạng BTC không vượt quá 10 MH/s cho đến đầu năm 2010.
- Khi mọi người bắt đầu đón nhận Bitcoin – và với sự ra mắt của sàn giao dịch tiền điện tử nổi tiếng Mt.Gox -, hashrate của mạng của BTC đã tăng theo cấp số nhân trong suốt năm 2010, đạt đến con số 117 GH/s (tăng 11.700 lần trong một năm).
- Ngoại trừ những lần sụt giảm nhỏ, hashrate của Bitcoin liên tục tăng cho đến khi Bitcoin Halving giảm một nửa vào ngày 28 tháng 11 năm 2012. Khi phần thưởng giảm 50% không khuyến khích một số thợ đào tiếp tục hoạt động của họ, Bitcoin Hashrate đã giảm từ 27 TH/s xuống 18 TH / s trong khoảng ba tuần.
- Tuy nhiên bất chấp sự sụt giảm, Bitcoin Hashrate đã tiếp tục tăng trưởng. Nó chỉ chịu sự sụt giảm lớn đầu tiên xảy ra vào tháng 11/2018, khi giá Bitcoin chỉ còn 3.100 đô la. Kết quả là, một số lượng lớn thợ đào đã ngắt kết nối khỏi mạng Bitcoin khi họ đang vật lộn để kiếm lợi nhuận trong điều kiện thị trường giảm giá. Bitcoin Hashrate đã giảm từ 60 EH/s xuống 34 EH/s trong hơn 30 ngày.
- Đến tháng 3/2019, hashrate bắt đầu ổn định và đạt 50 EH/s, tăng dần lên gần 100 EH/s vào cuối năm.
- Vào năm 2020, Bitcoin Hashrate tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, xu hướng tăng đã bị dừng lại vào đầu tháng 3 do có thể do đại dịch Covid-19, giảm từ 133 EH/s vào ngày 5 tháng 3 xuống 85 EH/s vào ngày 20 tháng 3.
- Tuy nhiên, sau khi đạt mức thấp nhất vào ngày 20/3/2021, hashrate của BTC đã bước vào một xu hướng tăng lớn, và mức tăng được hiển thị như hình dưới đây:
Mối quan hệ giữa Hashrate và tấn công 51%
Khi nhắc đến vấn để bảo mật của các đồng coin Proof of Work, mọi người đều đánh giá nó cao hơn Proof of Stake. Và một chức năng chính của Hashrate cũng là đem lại sự bảo mật cho đồng P.o.W đó.
Để mình minh họa với Bitcoin. Trong mạng Bitcoin, các thợ đào được yêu cầu tận dụng sức mạnh tính toán của họ để giải các câu đố toán học phức tạp trong hệ sinh thái PoW để thêm các khối mới vào chuỗi.
=> Nếu các hacker muốn hack Bitcoin, vậy họ sẽ phải mua các thiết bị khai thác có sức mạnh tính toán bằng hoặc vượt quá 51% tổng số hashrate trong hệ sinh thái BTC để có thể tiến hành cuộc tấn công 51%.
*** Tấn công 51% là một người nào có có khả năng kiểm soát hơn 50% hashrate của mạng. Như vậy họ có hoàn toàn có quyền kiểm soát và thay đổi blockchain đó theo hướng có lợi cho họ ***
Chính vì thế, nếu hashrate thấp, thì các hacker càng dễ dàng thực hiện một cuộc tấn công 51% hơn, vì nó yêu cầu một khoản đầu tư nhỏ hơn. => Ngược lại, hashrate càng cao thì độ bảo mật càng cao, càng khó bị hack.
Với các loại tiền điện tử có vốn hóa lớn như Bitcoin – nơi có hàng triệu giàn khai thác liên tục chạy để bảo mật mạng – các nhóm hacker gần như không thể sở hữu hashrate mà họ cần để thực hiện một cuộc tấn công 51% thành công. Chính vì thế, việc hack Bitcoin gần như là bất khả thi.
Thử ước tính chi phí của một cuộc tấn công 51% trong mạng Bitcoin;
- Ví dụ hashrate của mạng Bitcoin là 111 triệu TH/s.
- Những kẻ tấn công phải sở hữu sức mạnh tính toán ít nhất 116 triệu TH/s để thực hiện tấn công 51% (Bởi lúc đó tổng hashrate của mạng là (111 + 116) triệu TH/s, nên con số 116 triệu vừa đủ 51%).
- Giả sử rằng các hacker đang sử dụng cùng một giàn khai thác có giá 1.636 đô la và có công suất băm là 70 TH/s cho cuộc tấn công 51%.
=> Những kẻ tấn công 51% sẽ phải mua 1,657,143 triệu sản phẩm này, ước trị giá hơn 2,71 tỷ USD. Mà đây chỉ là chi phí đầu tư ban đầu, chưa tính đến chi phí điện đắt đỏ để chạy các máy móc này. Nó quá đắt đỏ và có lẽ không có một hacker nào trên thế giới đủ giàu để bỏ ra số tiền làm việc này.
Bitcoin Halving, Hashrate và thợ đào
Bitcoin Halving là quy trình giảm một nửa phần thưởng cho thợ đào khi họ khai thác được các khối Bitcoin mới. Cứ mỗi 210.000 Block Bitcoin được sinh ra (khoảng 4 năm/lần), thì phần thưởng cho việc đào Bitcoin mới sẽ bị giảm đi một nửa.
Theo lý thuyết, cứ sau 4 năm thì phần thưởng mà thợ đào nhận được sẽ giảm xuống. Việc giảm một nửa bitcoin nhận được rất quan trọng đối với các thợ đào vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của họ. Trên thực tế, mỗi lần giảm một nửa Bitcoin, doanh thu của họ tính theo Bitcoin sẽ bị cắt giảm một nửa. Đây sẽ là một tin xấu đối với các thợ đào (vì họ kiếm được ít hơn cho cùng một công việc). Điều này sẽ khiến những người chỉ có tỷ suất lợi nhuận thấp – họ sẽ ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, theo lịch sử giá Bitcoin thì sau mỗi đợt Bitcoin Halving xảy ra đều thúc đẩy một đợt tăng giá mạnh mẽ. Chính vì vậy, nếu điều này sẽ xảy ra một lần nữa, các thợ đào vẫn sẽ tham gia mạng lưới Bitcoin để kiếm lợi từ việc tăng giá và tận dụng lợi thế khi sự cạnh tranh thấp hơn (do một số thợ đào đã bỏ đi).
Lý thuyết về Halving Bitcoin và tác động của nó có thể tóm gọn như sau:
Halving Bitcoin → giảm một nửa lạm phát → nguồn cung có sẵn thấp hơn → nhu cầu cao hơn → giá cao hơn → Bởi vì giá cao nên thợ đào Bitcoin vẫn còn động lực đào, bất kể phần thưởng có giảm đi.
Do đó, Bitcoin Halving có thể sẽ khiến hashrate của mạng Bitcoin sẽ giảm trong ngắn hạn, nhưng nó có thể dẫn đến sự gia tăng hashrate trong thời gian dài.
Giá Bitcoin (BTC) có tương quan với Hashrate không?
Mối tương quan của hashrate của Bitcoin và giá BTC đã là một chủ đề nóng trong không gian tiền điện tử thời gian vừa qua. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra: “Hashrate tăng thì giá BTC có tăng không?” “Hashrate giảm sẽ khiến giá BTC giảm theo chứ?”. Tuy nhiên chưa có nhận định chính xác nào có thể trả lời cho việc này.
- Theo dữ liệu của Cointelegraph cho thấy rằng thực sự có mối tương quan cao giữa hashrate và giá của Bitcoin, với tỷ lệ là 86,2% vào năm 2016 và 91,5% vào năm 2017.
- Tuy nhiên, trong khi giá của Bitcoin và Hashrate di chuyển theo cùng hướng trong năm 2016 và 2017, thì mối tương quan chuyển sang tiêu cực (-66,2%) trong thị trường gấu năm 2018.
- Nhưng ngay sau khi “mùa đông tiền điện tử” kết thúc vào năm 2019, mối tương quan giữa hashrate của BTC và giá đã chuyển biến tích cực trở lại, với tỷ lệ hàng năm là 59,5%.
(Con số > 0 là tương quan thuận chiều, < 0 là tương quan thuận chiều, = 0 là không có mối tương quan).
Có thể thấy: Có mối tương quan thuận chiều khá cao giữa giá Bitcoin và hashrate của mạng. Tuy nhiên, nếu một thị trường gấu kéo dài có thể nhanh chóng biến mối tương quan này thành ngược chiều.
Giá đi theo Hashrate, hay Hashrate đi theo giá?
Sở dĩ mình phân tích mục này vì thấy nhiều bạn còn nhầm lẫn khi thấy tín hiệu hashrate tăng cao, thì dự đoán rằng giá cũng (có tỷ lệ) sẽ tăng theo, hoặc khi các thợ đào rời bỏ mạng khiến sẽ khiến giá sụt giảm. Nhưng cá nhân mình thấy điều đó chưa thực sự đúng.
Bạn hãy thử trả lời:
- Thợ đào họ đào coin nào đó vì lý do gì? Vì đồng coin đó bán được nhiều lợi nhuận, hay vì họ dự đoán giá của chúng sẽ tăng trong thời gian tới?
- Nhiều thợ đào tham gia mạng lưới khiến hashrate tăng cao, nhưng có thể làm tăng nhu cầu về đồng coin đó không? – vốn là nguyên nhân chính khiến giá tăng.
Mình muốn nhấn mạnh rằng: Hashrate gắn chặt với giá (hoặc kỳ vọng về giá), chứ không phải hashrate sẽ ảnh hưởng đến giá cả.
Mình sẽ lấy ví dụ với trường hợp của Bitcoin nhé (dữ liệu là giả định cho dễ minh họa):
- Hãy tưởng tượng bạn là một người đào Bitcoin và nắm giữ 10% hashrate trên toàn thế giới.
- Giá Bitcoin là $40k.
- Mạng Bitcoin hiện tại cho phép sản xuất 900 Bitcoin mỗi ngày (tổng toàn mạng).
Vì bạn giữ 10% hashrate, nên giàn khai thác coin của bạn sẽ giúp bạn kiếm được 10% của 900 = 90 Bitcoin mỗi ngày, tức $3.600.000. Giả sử lượng điện bạn tiêu tốn là $3.200.000 (hoặc 80 Bitcoin). => Lợi nhuận của bạn lúc này là $3.600.000 – $3.200.000 = $400.000, hoặc 10 Bitcoin mỗi ngày.
- Giờ tưởng tượng Elon Musk quyết định mua thêm 10 tỷ đô la Bitcoin, khiến mọi người FOMO theo và giá chuyển sang thành $80.000 cho mỗi Bitcoin.
Lúc này, hashrate của bạn vẫn chưa thay đổi, nó mới dừng ở mức thay đổi cung cầu về BTC trên thị trường. Tại thời điểm tăng giá ngay lập tức, bạn vẫn nhận được 90 Bitcoin mỗi ngày (thu nhập tăng lên $7.200.000). Chi phí điện của bạn không đổi, $3.200.000. => Lợi nhuận của bạn lúc này sẽ là $4.000.000, hoặc 50 Bitcoin mỗi ngày.
=> Điều gì sẽ xảy ra sau đó? Giá đã tăng lên. Các thợ đào khác thấy lợi nhuận cao nên đã tham gia vào, khiến hashrate toàn mạng tăng. Bạn có thể sẽ kiếm được ít Bitcoin hơn cho những lao động của mình (vì tỷ lệ nắm giữ hashrate của bạn giảm xuống), nhưng lợi nhuận của bạn có thể vẫn cao hơn bởi giá Bitcoin tăng. Có thể thấy, hashrate đã phản ứng với việc tăng giá. Hashrate luôn đi theo giá, đó mới là điều hợp lý.
Vậy còn quan điểm giá đi theo hashrate, mình sẽ lấy ví dụ ở chiều ngược lại:
- Ví dụ giá Bitcoin là $40.000.
- Bạn đang nắm giữ 10% tổng hashrate. Giờ bạn tăng gấp đôi lượng máy móc khai thác của bạn, thì bạn sẽ nắm giữ 18,18% tổng hashrate toàn thế giới. (À, tại sao mình tính ra con số 18,18% mà không phải 20%, thì cụ thể: Bạn có 10 – thế giới có 100. Bạn gấp đôi máy móc thì bạn sẽ sở hữu 20 – nhưng thế giới cũng chỉ thêm 10, vậy là 110. Lấy 20/110 sẽ là 18,18%).
Trước khi có bất kỳ sự điều chỉnh độ khó khai thác nào, hơn 900 bitcoin mỗi ngày vẫn được sản xuất. Bạn kiếm được 90 Bitcoin ban đầu mỗi ngày, cộng với 90 bitcoin khác sau bạn đã tăng gấp đôi hashrate của chính mình. Doanh thu của bạn đã tăng gấp đôi, nhưng chi phí của bạn cũng tăng gấp đôi.
Thử tính toán:
- 18,18% tổng hashrate sẽ mang lại cho bạn 900 × 0,1818 = 163,6 Bitcoin. Chỉ là 163,6 Bitcoin, chứ không phải là 180 Bitcoin như bạn dự tính sau khi đã tăng gấp đôi lượng máy móc.
- Chi phí điện của bạn tăng gấp đôi. Với hashrate 10% thì chi phí điện bạn tốn $3.200.000, nhưng giờ hashrate của bạn tăng gấp 2, nên bạn sẽ tốn $6.400.000 tiền điện.
Trước đây lợi nhuận là $400.000.000 đô la, và bây giờ sau khi đã tăng gấp 2 máy móc, lợi nhuận lại giảm chỉ còn $144.000.000.
Đó là một thảm họa, nếu bạn tính thu nhập bằng tiền. Nhưng nếu bạn tính thu nhập bằng Bitcoin, thì nó sẽ có vẻ có lợi hơn. Bạn sẽ nhận được 163,6 Bitcoin mỗi ngày và tích lũy chúng, đợi tăng giá. Và thông thường một thợ đào coin sẽ tích lũy lượng BTC của họ và đợi nó tăng giá để bán.
=> Bạn có thể thấy đôi khi hashrate di chuyển trước giá Bitcoin. Nó cho thấy các thợ đào dù lỗ hoặc lợi nhuận ít, nhưng họ sẵn sàng hi sinh lợi nhuận ban đầu để chờ đợi thời điểm có lãi, vì họ lạc quan về tiềm năng tăng giá trong tương lai. Nhưng lúc này có vẻ tâm lý của các thợ đào giống như những người mua hơn là những người khai thác thuần túy, bởi thứ họ kỳ vọng lớn nhất không hẳn là đào được nhiều BTC hơn, mà chính là mong chờ nhu cầu mua Bitcoin tăng lên.
Tóm lại:
- Hashrate là gì? Hashrate đề cập đến tốc độ mà tất cả các thợ đào kết hợp lại để giải được một câu đố trong một mạng lưới PoW.
- Hashrate thường được đo bằng Hash trên giây (H/s). Nó đã tăng theo cấp số nhân kể từ khi Bitcoin ra đời vào năm 2009, nên hiện tại đơn vị phổ biến là Terahash trên giây (TH/s) – tức là 1 nghìn tỷ H/s.
- Hashrate đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chống lại các cuộc tấn công 51%. Hashrate càng cao, mạng lưới càng an toàn, vì chi phí để tiến hành tấn công 51% là rất lớn.
- Hashrate càng cao chứng tỏ nhiều thợ đào và máy móc tham gia vào mạng lưới, nhưng đồng nghĩa với việc độ khó cũng tăng lên.
- Mặc dù Bitcoin Halving có thể dẫn đến giảm Bitcoin Hashrate trong ngắn hạn, nhưng Hashrate có thể tăng trong dài hạn khi giá Bitcoin tăng lên.
- Dựa trên dữ liệu lịch sử, có mối tương quan thuận chiều giữa Bitcoin Hashrate và giá Bitcoin. Tuy nhiên, trong các thị trường gấu kéo dài, mối tương quan này có thể chuyển thành ngược chiều.
- Thông thường, Hashrate sẽ đi theo GIÁ, thay vì GIÁ đi theo Hashrate.
- Một số trường hợp Hashrate đi trước giá, nhưng đó là do các thợ đào kỳ vọng về tiềm năng tăng giá của đồng coin đó trong tương lai.
Trên đây là tất tần tật những giải đáp của chúng mình về Hashrate là gì, có ảnh hưởng ra sao đối với các thợ đào và giá tiền điện tử. Mong rằng qua bài viết này, bạn đã hiểu được phần nào về hashrate, từ đó có thể dựa vào những tín hiệu hashrate để đưa ra nhận định về thị trường. Nếu bạn còn có gì thắc mắc, hãy để lại comment để mình giải đáp nhé. Cảm ơn bạn đã đọc bài và chúc bạn đầu tư sáng suốt, thành công.