Hiệu quả chuyển đổi số trong giáo dục
Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong phương thức giảng dạy, quản lý và trong lớp học đã giúp ngành giáo dục nâng cao hiệu quả quản lý và đổi mới chất lượng dạy và học.
Ứng dụng công nghệ thông tin
Xu hướng ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy, học tập ngày càng được mở rộng. Ngành giáo dục đã phát triển mô hình dạy học trực tuyến để người học có thể học mọi nơi, mọi lúc, chủ động trong việc học tập hiệu quả hơn. Thời gian qua, các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã chủ động về các phương án dạy học trực tuyến và trực tiếp để chuyển đổi linh hoạt, ứng phó kịp thời với các tình huống diễn biến của dịch Covid-19 tại địa phương. Theo đó, tất cả cán bộ, giáo viên được tham gia tập huấn về dạy học trực tuyến để chủ động nâng cao khả năng ứng dụng CNTT đáp ứng việc thực hiện dạy học và kiểm tra đánh giá trực tuyến học sinh. Đồng thời, giáo viên tham gia tập huấn để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT) theo 9 mô đun quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo (GDĐT). Đối với học sinh, hầu hết các em biết khai thác tài liệu, sử dụng thành thạo nền tảng học trực tuyến, trao đổi kiến thức qua các trang mạng xã hội như zalo, facebook…
Việc dạy học trực tuyến đã giúp rút ngắn thời gian thực dạy khi học sinh trở lại trường học (trong thời điểm học sinh tạm dừng đến trường để phòng chống dịch Covid-19), tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục học sinh. Hình thức dạy học này cũng giúp giáo viên, học sinh làm quen và tăng cường hơn các kỹ năng công nghệ thông tin, thích ứng với những hình thức học tập mới của giáo dục tiên tiến trong thời đại công nghệ 4.0.
Trường THCS&THPT Lê Lợi ứng dụng CNTT trong giảng dạy và học tập.
Giáo viên sử dụng CNTT.
Cùng với đó, việc quản lý hồ sơ, sổ sách của cán bộ, giáo viên đã được đơn giản hóa bằng công nghệ thông tin. Các dữ liệu của ngành giáo dục đã được cập nhật vào hệ thống phần mềm giúp cho cán bộ quản lý tiện lợi mà không rườm rà về mặt sổ sách. Theo đó, Sở GD&ĐT đã xây dựng hệ thống phòng họp trực tuyến kết nối từ Sở đến các Phòng GDĐT, các trường THPT trên toàn tỉnh. Sử dụng có hiệu quả hệ thống quản lý hành chính điện tử trao đổi văn bản điện tử phục vụ công tác quản lý, điều hành. Nhiều cơ sở giáo dục đã tăng cường sử dụng hồ sơ điện tử (sổ điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử…) cập nhật đầy đủ dữ liệu về cán bộ, giáo viên, học sinh, cơ sở vật chất, đánh giá, xếp loại học sinh… lên hệ thống thông tin quản lý giáo dục để làm cơ sở thống nhất với các phần mềm khác. Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, đến nay, 100% các trường trên địa bàn tỉnh đã thực hiện ứng dụng CNTT trong hoạt động dạy, học và quản lý giáo dục. 100% cán bộ, công chức sử dụng mạng nội bộ hoặc thư điện tử để trao đổi công việc…
Khó khăn
Theo Sở GD&ĐT, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số khó khăn, vướng mắc. Ví dụ như, việc triển khai và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực GDPT chủ yếu mang tính lý thuyết; lồng ghép trong các môn học, giáo dục STEM mà giáo viên, học sinh chưa có điều kiện tổ chức thực hành, tiếp cận công nghệ trí tuệ nhân tạo. Đối với công tác tổ chức dạy học trực tuyến, mặc dù có sự đồng thuận, nỗ lực đồng bộ của ngành, tuy nhiên kết quả chưa đạt 100% do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan tác động.
Về học liệu học trực tuyến nhiều nguồn cung cấp nhưng hiện nguồn học liệu chính thống, đồng bộ của ngành chưa nhiều. Mặt khác, phần mềm học trực tuyến có nhiều phần mềm miễn phí thì còn vướng ở khâu bảo mật lớp học, quản lý lớp học. Hạ tầng internet chưa bắt kịp nhu cầu dạy và học của ngành nên có nhiều nơi còn xảy ra tình trạng rớt mạng, mạng yếu khiến học sinh học trực tuyến chưa được hiệu quả trọn vẹn. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục thiếu thiết bị để giáo viên sử dụng dạy trực tuyến, hầu như giáo viên phải tự mua sắm để sử dụng…
Thời gian tới, Sở GD & ĐT tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên nền tảng công nghệ số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học. Đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý, điều hành dựa trên công nghệ và dữ liệu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ của Nhà nước và các cơ sở giáo dục. Qua đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục…