Hình ảnh con chó trong đời sống văn hóa

(TTV) – Đối với người Việt, hình ảnh con chó không chỉ thân thuộc, gần gũi trong cuộc sống đời thường mà còn in dấu đậm nét trong văn hóa – từ văn học dân gian đến văn học hiện đại, hay tín ngưỡng…Nhân dịp đầu năm Mậu Tuất, mời quí vị cùng tìm hiểu về hình ảnh con chó trong đời sống văn hóa của người Việt.

Trong truyền thuyết của người Việt, hình tượng con chó xuất hiện từ rất sớm. Đến nay, dân gian vẫn lưu truyền câu chuyện về quá trình tìm vị trí đất đẹp để xây thành Cổ Loa của vua An Dương Vương hay huyền thoại về sự ra đời của vua Lý Công Uẩn đều liên quan đến “Thần Cẩu”. Cũng trong truyền thuyết, chó còn được xem là vật tổ của nhiều dân tộc, như Cơ Tu, Xê Đăng, S’tiêng, Chăm, Dao, Lô Lô…

Hình ảnh con chó cũng xuất hiện khá nhiều trong thành ngữ, tục ngữ và ca dao với những phẩm chất điển hình là thông minh, trung thành và mang lại nhiều may mắn. “Mèo đến nhà thì khó, cho đến nhà thì sang”,  “Chó giữ nhà, gà gáy sáng”…Qua quan sát về tập tính và sinh hoạt của con chó, dân gian đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm có tính dự báo về thời tiết, về thời vụ mùa màng, về cả cách chọn chó để nuôi: “Ráng mỡ gà thì gió, ráng mỡ chó thì mưa” hay “Nào ai buôn bán trăm bề/ Chẳng bằng nuôi chó huyền đề bốn chân”.

Hình ảnh con chó cũng xuất hiện trong thơ, văn…của nhiều tác giả nổi tiếng, gắn liền với sinh hoạt của con người nơi làng quê thôn dã. Chó là bạn gần gũi của con người, canh gác nhà cửa cho con người, thậm chí có nơi chó được thờ cúng tại các đền thờ, miếu mạo. Trong tín ngưỡng, tâm linh, người ta còn tin rằng, chó có thể canh giữ, xua đuổi tà ma vào ban đêm nên từ lâu, người Việt đã có tục thờ chó đá trước đền miếu, đình, điện, hay đặt chó đá trước cửa các gia đình quyền quý, cổng làng, các khu mộ của người quyền quý, mang ý nghĩa bảo vệ, canh gác phần âm.

Năm Mậu Tuất 2018 – năm của những chú chó thông minh, trung thành được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dự báo sẽ có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế, xã hội.

Năm Mậu Tuất nhắc nhớ con người về sự thân thiết, gắn bó với vật nuôi được thuần dưỡng sớm nhất là những con chó và những dấu ấn thiêng liêng, đậm nét của hình tượng chó đá trong đời sống tâm linh người Việt. Đây có thể sẽ là gợi ý hay, là cơ sở để loại bỏ những biểu tượng, sản phẩm, linh vật ngoại lai, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc mà hiện nay đang được dùng tràn lan ở nhiều nơi.

Cẩm Tú – Đức Tình