Hình tượng con hổ trong văn hóa thời Nguyễn (Hải Vân) – Phật Giáo Bạc Liêu
HÌNH TƯỢNG CON HỔ TRONG VĂN HÓA THỜI NGUYỄN
* Hải Vân
Mười hai con giáp được hợp thành từ 12 con vật, đối ứng với 12 địa chi. Mỗi khi Tết về, người Việt Nam lại nghênh đón con vật biểu trưng cho năm mới và tiễn đưa con vật năm cũ với lời hẹn 12 năm sau gặp lại.
Theo vòng quay như vậy, cứ 12 năm lại có năm Dần thuộc một trong ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Như năm nay là Canh Dần (thuộc hành Mộc), và 12 năm sau sẽ là Tân Dần (thuộc hành Thủy) và đủ một hội 60 năm nữa sẽ lại Canh Dần thuộc hành Mộc.
Hình tượng các con thú không chỉ gắn với 12 con giáp mà còn xuất hiện nhiều trong nghệ thuật trang trí, tạo hình của nhiều nền văn hóa khác nhau. Văn hóa Nguyễn nói chung, trong đó văn hóa kiến trúc, đã tạo nên một thế giới biểu tượng phong phú, gồm cả một số những con giáp nói trên.
Ngày Xuân Canh Dần, lòng người thảnh thơi trong mối giao hòa cùng với đất trời, cảnh vật xứ Huế phơi phới xanh tươi mà nhớ đến những nơi chốn đã lưu giữ hình tượng con hổ, một dấu ấn mang tính tâm linh trong thế giới biểu tượng của Văn hóa Nguyễn.
1. Chuyện Hổ
Hổ (còn gọi là cọp, hùm), động vật có vú thuộc họ Mèo, là một trong bốn loại “mèo lớn”. Truyền thuyết kể rằng, lúc Nguyễn Ánh bị nhà Tây Sơn truy lùng; gặp hoàn cảnh ngặt nghèo, hết cả lương thực, may nhờ có thịt thú rừng do hổ tha tới tiếp tế mỗi ngày mà sống. Về sau, khi lên ngôi vua, ông đã cho lập miếu thờ tại vùng Mô Xoài thuộc tỉnh Bà Rịa để tạ ơn. Dân gian thường gọi là miếu Ông Hổ. Tục truyền, vua còn ban lệnh cấm giết hổ. Nếu kẻ nào lỡ tay giết chết hổ thì bị phạt 30 trượng. Còn nếu bắt sống thì được thưởng 30 quan tiền. Cũng vì lệ này mà hổ còn được gọi là Ông Ba Mươi. Do sức mạnh và sự nhanh nhẹn của chúng, người ta thường phong cho hổ là chúa sơn lâm.
Loài hổ phần lớn sống trong rừng và đồng cỏ. Đối với Đông y hổ có thể cung cấp nhiều phương thuốc quí hiếm như bổ dưỡng, tăng cường sinh lực, chữa các loại bệnh về sinh lý. Xương hổ được dùng để nấu thành cao gọi là cao hổ cốt, giúp trị bệnh suy dinh dưỡng, đau khớp. Hiện nay, nhiều người vẫn tin rằng các chế phẩm từ hổ có thể đem lại nhiều may mắn hay trừ được tà ma. Một phần do sự khai thác hổ lấy da, một phần cũng vì để bào chế các loại thuốc nhằm chữa trị những căn bệnh mà Y học hiện đại chưa tìm ra cách chữa nên hổ tại các nước châu Á đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Đối với văn hóa Việt Nam, hổ là biểu tượng của sự hùng cường, thể hiện sức mạnh vô song. Trong 12 con giáp, Hổ (Dần) đứng hàng thứ ba của địa chi.
2. Hình tượng hổ trong Văn hóa Nguyễn
Kinh thành Huế với địa thế “Tả Thanh long, Hữu Bạch hổ” – Thanh long, Bạch hổ là hai trong bốn thánh thú hợp thành tứ tượng hay tứ thánh thú. Văn hóa Tứ tượng kết hợp các hiện tượng thiên văn Nhị Thập Bát Tú, bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông; bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, tâm tính của con người Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Riêng Bạch Hổ còn được xem là linh vật thiêng liêng thuộc về hành Kim ở phía Tây, tương ứng với mùa thu.
Theo thuyết Âm dương, Tứ tượng ứng với bốn phạm trù trong quá trình biến đổi của vũ trụ: hư vô sinh thái cực, thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái. Chúng tập thành hệ thống ngũ hành: Thanh Long: mộc; Huyền Vũ: thủy; Bạch Hổ: kim; Chu Tước: hỏa. Tương truyền còn có thánh thú thứ năm, Hoàng Lân (kỳ lân màu vàng), hay “Hoàng Lân của trung tâm”. Tất cả các thánh thú hợp lại dưới sự cai quản của “trung tâm” là Hoàng Lân, và Hoàng Lân tượng trưng cho nguyên tố Thổ.
Đối với phong thủy, hội tụ đủ Tứ tượng: Thanh long, Bạch hổ, Chu tước, Huyền vũ là điều cần thiết để có một địa thế đẹp. Ngày xưa, chọn được đất để đặt kinh đô, các nhà phong thủy phải tìm sự hài hòa giữa tứ tượng như nơi đó phải có sông ngòi, đất đai phì nhiêu, dễ đón gió và nhận được ánh mặt trời vừa phải. Xây dựng kinh thành, đặt kinh đô cho vương triều, nhà Nguyễn chắc chắn không thể không xem xét đến các yếu tố phong thủy.
Nơi định đô gắn với việc thịnh, suy của một triều đại, việc chọn địa điểm xây dựng kinh thành rất được coi trọng. Từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa, đã có tám lần các chúa Nguyễn thiên di thủ phủ rồi cuối cùng trở về lại Phú Xuân. Ngày Quý Mùi tháng 4 năm Ất Sửu, năm Gia Long thứ 4 (tức 30-4-1805), Kinh thành Huế được khởi công xây dựng. Tuân thủ theo những nguyên tắc Dịch lý và Phong thủy, nhà Nguyễn đã chọn xây kinh thành về hướng Đông Nam (thuộc phương Nam) vì Kinh dịch viết: “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ” nghĩa là bậc đế vương xoay mặt về hướng Nam để nghe (cai trị) thiên hạ; lấy núi Ngự Bình làm bình phong che chắn cho Kinh thành; lấy sông Hương làm yếu tố minh đường, dòng sông nằm dài giữa hai cồn đất cong như một cánh cung mang lại sinh khí cho Kinh thành; hai bên có cồn Hến và cồn Dã Viên tạo thế Tả Thanh long, Hữu Bạch hổ chầu về trọng địa Kinh thành. Đó là thế rồng chầu hổ phục bảo vệ cho vương triều. Ngoài ra còn có các chi lưu sông Hương, Kẻ Vạn, An Hòa và sông Đông Ba làm Hộ Thành hà (do thiên tạo và nhân tạo).
Riêng cồn Hến và cồn Dã Viên, được cấu tạo bằng phù sa bồi lắng của dòng chảy sông Hương và đều có dạng hình thoi, nổi lên giữ sông Hương. Cái tên Tả Thanh long (rồng xanh ở phía trái) xuất hiện trong thuật phong thủy của kiến trúc Kinh thành Huế, mà người dân chỉ quen gọi cồn Hến, vì có những con hến ngon tạo nên hương vị đặc trưng chỉ có ở bát cơm hến cồn xứ Huế mà ai đã từng một lần thưởng thức cũng nôn nao nhớ mãi không nguôi.
Hữu Bạch hổ (cọp trắng ở phía phải) là chỉ cồn Dã Viên, nằm ở phía tây Kinh thành Huế. Về tên chính thức của cái cồn ấy thì phải đến thời Tự Đức (1848-1883) mới có. Vua Tự Đức đã nhận ra vẻ đẹp lý tưởng của nó trên dòng sông thơ mộng và đã cho biến cái cồn này thành một vườn ngự. Chính nhà vua đã đặt tên là Dữ Dã Viên (vườn Dữ Dã). Ý nghĩa của địa danh Dữ Dã được gợi hứng từ một câu chuyện trong lịch sử được ghi chép ở sách Luận ngữ. Sau khi nói chuyện với 4 môn đệ của mình, Khổng Tử đã khen người học trò tên Điểm (tức Tăng Bích) rằng : « Ta khen cái chí của trò Điểm ». Câu này dịch từ nguyên văn Ngô dữ Điểm dã, ý nói « thầy » cũng có cùng một sở nguyện như « trò Điểm ». Và vua Tự Đức đã tâm đắc với nhân sinh quan thanh tĩnh vô vi ẩn sau câu chuyện ấy, muốn lập khu vườn trên cồn để tìm đến những nơi yên ắng, gần gũi với thiên nhiên để hưởng thú tiêu dao. Do đó, nhà vua đã sử dụng điển tích nói trên và rút gọn 4 chữ Ngô dữ Điểm dã còn lại 2 chữ dữ dã và dùng để đặt tên cho khu vườn ngự của mình là Dữ Dã Viên. Tên vua đặt là thế, nhưng để cho tiện, dân gian còn bớt đi một chữ nữa: Dã Viên. Chẳng hạn như cồn Dã Viên, cầu Dã Viên (nằm trên cồn đó).
Không rõ vô tình hay hữu ý, cồn Dã Viên không chỉ mang hình ảnh trừu tượng hóa hổ trắng trong Dịch lý và Phong thủy, mà cũng ghi dấu bóng dáng các sơn lâm một cách đậm nét. Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), đã có lần cho tổ chức một trận đấu giữa voi và cọp ở cồn này. Đầu thế kỷ XIX, những trận tử chiến giữa voi và cọp được vua Gia Long cho tổ chức ở bờ bắc sông Hương trước mặt Kinh thành, rồi vua Minh Mạng cho tổ chức tại đấu trường Hổ Quyền xây dựng năm 1830 ở gần bờ nam của dòng sông.
Xin ngoài lề, cồn Dã Viên còn gắn với một dấu ấn khác: cầu Bạch Hổ. Tương truyền, khi cầu Bạch Hổ (lúc đó chưa được đặt tên) đang được xây cất, có một con hổ trắng đến ngồi ở giữa cầu khiến mọi người đều hoảng hốt bỏ chạy. Cũng chính vì thế mà cây cầu này được gọi là cầu Bạch Hổ. Tuy nhiên, cây cầu Bạch Hổ vừa nói ở trên và cầu Bạch Hổ ngày nay thường nhắc đến, lại không phải là một. Cây cầu mà ngày nay chúng ta quen gọi là cầu Bạch Hổ, thực ra là cầu sắt Dã Viên, bắc qua sông Hương, nối từ đường Lê Duẩn, cồn Dã Viên đến đường Bùi Thị Xuân. Còn cầu Bạch Hổ có tên là cầu Lợi Tế, bắc qua sông đào Kẻ Vạn, tức sông Kim Long nằm ở góc Tây nam Kinh thành. Cầu được xây dựng năm 1839, dưới thời Minh Mạng, dân gian quen gọi cầu Kim Long. Cầu nằm đầu đường Kim Long. Đầu cầu phía đông nay thuộc phường Phú Thuận, đầu cầu phía tây thuộc phường Kim Long. Có lẽ do cầu Dã Viên phía bắc gần cầu Bạch Hổ cũ, nên người ta quen gọi cầu này là cầu Bạch Hổ, cũng có thể do cầu bắc qua cồn Dã Viên, mà cồn này trong tư tưởng phong thuỷ của các nhà địa lý thì nó được xem như Bạch Hổ chầu bên hữu của Kinh thành.
Cũng như cồn Hến, cái tên cồn Dã Viên được đa số người dân Huế sử dụng, nhưng hình ảnh Hữu Bạch Hổ cùng với Tả Thanh Long vẫn mãi in dấu trong chiều sâu văn hóa Huế, là hình ảnh trừu tượng hóa cho vẻ đẹp kiến trúc gắn liền với dịch học, phong thủy của một Kinh thành.
Hổ Quyền: Di sản văn hóa độc đáo
Hổ Quyền, còn gọi là Hổ Quyển hay Hổ Khuyên là một di tích trong Quần thể di tích Cố đô Huế.
Do trước đây không có nơi an toàn để diễn ra những cuộc đấu giữa voi và hổ, vua Minh Mạng đã chọn vùng đất ở thôn Trường Đá, làng Nguyệt Biều, nằm về phía tây Kinh thành để xây dựng Hổ Quyền. Như ý nghĩa hai chữ Hổ Quyền bao hàm, đây thực sự là một chuồng nuôi hổ, đồng thời là một đấu trường để tiến hành những cuộc tử chiến giữa voi và hổ một cách an toàn. Mục đích xây dựng chính là để làm nơi rèn luyện sự can đảm cho đội tượng binh, một lực lượng quan trọng của thời bấy giờ; ngoài ra còn nhằm để tế thần trong ngày hội và phục vụ nhu cầu giải trí tiêu khiển cho nhà vua, hoàng tộc và quan lại.
Công trình này được xây dựng 1830, dưới triều vua Minh Mạng. Trận đấu cuối cùng diễn ra ở nơi đây vào 1904 dưới thời vua Thành Thái.
Kiến trúc Hổ Quyền gồm một vòng tường thành cao 5,80m làm bằng gạch vồ và đá, có bề dày 4m ở trên mặt thành và dày 5m ở chân thành. Mặt tường thành được dùng làm khán đài. Có hai cầu thang đá rộng rãi, riêng biệt ở bên ngoài tường thành để đi lên khán đài, một dành cho vua, một dành cho quan dân. Khán đài của vua được xây cao hơn, quay mặt về hướng nam, đối diện với cửa của năm chuồng cọp. Sâu đấu hình tròn, có đường kính 44m và chu vi 140m.
Có thể thấy việc tổ chức các cuộc huyết đấu giữa voi và hổ trước hết xuất phát từ nhu cầu rèn luyện tượng binh, sau mới được nâng dần lên thành trò giải trí tiêu khiển.
Ngày nay, chúng ta có thể khẳng định Hổ Quyền là một di sản văn hóa độc đáo, một đấu trường không hề có ở bất cứ nơi đâu trên thế giới: đấu trường của voi và hổ. Nó là một phần quan trọng của di tích văn hóa lịch sử ở Cố đô Huế.
Dấu ấn hổ trên Cửu đỉnh
Hình tượng hổ đã xuất hiện từ lâu. Trong các di tích văn hoá Ðông Sơn khai quật được, đã xuất hiện rất nhiều tượng hổ. Trong các lăng mộ đời Trần, điêu khắc đá chủ yếu là tượng người, tượng thú chầu và làm thần canh giữ cho thế giới vĩnh hằng của ông vua có vẻ đẹp trầm mặc và sinh động. Tượng hổ ở lăng Trần Thủ Độ (Thái Bình) là một tác phẩm nghệ thuật đẹp trong nền nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam.
Theo tín ngưỡng thì hổ tượng trưng cho vị thần bảo vệ, trấn giữ các phương chống lại tà ma, đảm bảo cho cuộc sống phát triển. Những mô típ “hổ vồ mồi”, “hổ trông trăng”, “hổ và đại bàng”, thường được dùng để diễn tả một sức mạnh, một ý chí và người ta còn khai thác chất thi vị trong cái hùng của loài chúa sơn lâm.
Hệ đề tài trang trí ở các công trình kiến trúc Huế rất phong phú. Với đề tài động vật dù ít nhiều đã được cách điệu hóa theo từng mục đích trang trí riêng. Bên cạnh những hình tượng huyền thoại hóa (long, lân, qui, phụng), là những hình tượng khá phổ biến trong đời sống thường nhật. Riêng con hổ, biểu trưng cho sức mạnh, được dùng cho ngành võ bị, trang trí áo võ quan, miếu võ quan. Có điều đó vì vốn trong chế độ phong kiến, khi rồng được dùng làm biểu tượng dành riêng cho vua chúa thì hổ được xem là biểu tượng của quan lại (quan võ).
Vốn dĩ, cùng một đề tài, có thể được thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau. Nhưng đỉnh cao của một đề tài trang trí, không gì hơn là được thể hiện trên chất liệu đồng. Đồ đồng mang tính bền vững với thời gian. Những sản phẩm đồng và nghệ thuật trang trí trên đồng vốn xuất hiện từ lâu trong lịch sử dân tộc, nó thể hiện sự tài hoa của chủ nhân nền Văn hóa Việt Nam.
Đồ đồng và trang trí trên đồng là một trong những mảng nghệ thuật quan trọng làm nên giá trị đặc sắc của mỹ thuật Nguyễn. Một trong những đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng dưới triều Nguyễn là bộ Cửu đỉnh. Hình ảnh con hổ được đúc vào Cao đỉnh, sánh cùng mặt trời, biển đông, con rồng, chim trĩ, hoa tử vi…tôn hết vẻ uy quyền, là đỉnh của đỉnh cao nghệ thuật tạo hình Việt Nam…
Thế kỷ 19, dân tộc ta đã tạc nên những công trình kiến trúc tuyệt vời, hệ thống mỹ thuật phong phú với những hình tượng trang trí đa dạng. Những biểu tượng trang trí ấy, gửi gắm chiều sâu tâm hồn và tài năng của người Việt Nam, hiện diện ở khắp mọi nơi. Riêng hình tượng con hổ trong Văn hóa Nguyễn đã có sự thể hiện đa sắc, đa diện: từ sự mênh mông lan tỏa một cách trừu tượng hóa qua vị trí địa lý trong phong thủy; đến định hình trong kết cấu kiến trúc, tên gọi di tích cụ thể, hay khắc dấu trên Cửu đỉnh, khoe cùng sương gió thời gian….Tất cả góp phần khẳng định vị trí hình tượng con hổ trong Văn hóa Nguyễn, góp phần tạo nên những nét đặc trưng của nền Văn hiến Việt Nam.