Hình tượng con hổ trong văn hóa Việt Nam

09:46 06/02/2022

Ngũ hổ, tín ngưỡng thờ Mẫu trong tranh Hàng Trống

Với sức mạnh hủy diệt, ngự trị tối cao của rừng già, trấn giữ ngũ phương, từ xa xưa, hổ đã là vật tổ của nhiều tộc người, được suy tôn, thờ cúng. Vào thời kỳ văn hóa Đông Sơn (cách đây hơn 2.000 năm), hình tượng hổ đã được đúc thành khối trên trống đồng Tấn Minh (Vân Nam, Trung Quốc); mặt thạp đồng Đông Sơn (Vạn Thắng – Vĩnh Phúc), đúc nổi bốn khối tượng hổ cắp mồi rất sinh động; hay ở chuôi kiếm Đông Sơn (Thanh Hóa) do gallery Hioco sưu tầm, được trang trí bức tượng hổ trong tư thế rón rén tiếp cận con mồi trông rất ngộ nghĩnh.

Vào thế kỷ thứ 10, nước Đại Việt ta bước vào thời kỳ độc lập, tự chủ. Để khẳng định sức mạnh vương quyền, chế ngự thiên hạ, vua Lê Đại Hành (968 – 978) đã cho “đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ ở trong cũi, hạ lệnh rằng: người nào trái phép sẽ phải chịu tội bỏ vạc nấu hay cho hổ ăn. Mọi người sợ phục không ai dám trái” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Đến thời Trần, vua Trần Nhân Tông thường cho quân lính đánh nhau với hổ để tăng sức mạnh chiếu đấu trong quân đội: “Thượng hoàng thường làm chuồng hổ ở thềm Vọng Lâu, sai quân sĩ đánh nhau với hổ, Thượng hoàng ngự trên lầu để xem, Thái hậu và phi tần đều theo hầu” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Hổ cùng với long không chỉ là biểu tượng cho vương quyền, mà hình tượng của hổ với sức mạnh được đề cao còn để trấn giữ các lăng mộ của bậc vua, chúa như tượng hổ trong lăng mộ vua Lê Hiến Tông, đặc biệt là tượng hổ trong lăng mộ Trần Thủ Độ (một thái sư có công đầu lập nên triều Trần).

Tượng đá trong lăng mộ Trần Thủ Độ, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, một kiệt tác trong nghệ thuật điêu khắc đá Việt Nam, được tạc với tư thế nằm, dáng vẻ ung dung, hai chân trước sải dài, hai chân sau thu gọn trong bụng, đầu ngẩng cao, đôi mắt lim dim, hai tai dương lên như thu nhận hết mọi âm thanh. Phải chăng đây chính là biểu tượng tính dữ dằn, ác liệt, đầy sức mạnh áp chế của Thái sư họ Trần.

Tượng hổ cũng được đặt ở đầu làng, đắp trên bình phong của các đình, đền để trấn giữ, trừ tà, sát quỷ.

Trong các đền thờ mẫu, tứ phủ, ngũ hổ được thờ có thể là tranh thờ, tượng thờ hoặc vẽ trực tiếp lên hạ ban của điện thờ. Hình tượng ngũ hổ trong tranh Hàng Trống với Hoàng hổ tướng quân (được vẽ vờn màu vàng, tượng trưng cho hành thổ), ở vị trí trung tâm; Thanh hổ tướng quân (màu xanh – hành mộc), ứng với phương đông; Bạch hổ tướng quân (màu trắng – hình kim), ứng với phương Tây; Xích hổ tướng quân (màu đỏ – hành hỏa), ứng với phương Nam; Hắc hổ tướng quân (màu xám đen), hành thủy, ứng với phương Bắc. Ngũ hổ được bố cục cân đối, con đứng, con ngồi, con cưỡi mây, lướt gió, toát lên sức mạnh toàn năng, có thể cứu độ, giúp đời. Ngũ hổ được coi là bộ hạ đắc lực của thánh Mẫu trong việc trừ tà ma, ngoại đạo.

Hình tượng hổ trong các đền, điện, phủ thờ thánh Mẫu có sức mạnh vô song, nhưng khi hiện diện trên các mảng chạm trong các ngôi đình làng, hình ảnh chúa sơn lâm hoàn toàn bị khuất phục trước sức mạnh trí tuệ của con người.

Như chúng ta đã biết, đình làng ngoài chức năng là nơi thờ thành hoàng, tôn vinh những người có công với dân với nước; trụ sở của chính quyền làng xã; ngôi nhà chung của cộng đồng, nơi diễn ra các lễ hội thấm đẫm truyền thống văn hóa dân tộc, thì đình làng còn là bảo tàng nghệ thuật, lưu giữ và trình diễn các tác phẩm điêu khắc gỗ, được chạm nổi, chạm bong kênh, chạm thủng, nhiều tầng, nhiều lớp, đạt trình độ điêu luyện với các đề tài gắn với linh vật như long, ly, quy, phượng; với thiên nhiên như tùng, cúc, trúc, mai, chim, thú; với thế giới hiện thực và mơ ước: con người và thần tiên.

Trong nhiều đề tài trang trí xuất hiện ở các ngôi đình làng, hình tượng hổ dưới bàn tay sáng tạo của các nghệ sĩ dân gian đã có sự đổi ngôi, từ ông hổ vồ mồi thành con cọp bị săn đuổi, được thể hiện qua các bức chạm: “Nông dân đâm hổ” ở đình Chảy (Hà Nam); bức chạm gỗ “Hổ chạy” ở đình Lỗ Hạnh (Bắc Ninh), hay bức chạm “Võ Tòng đả hổ” ở đình Tây Đằng (Ba Vì – Hà Nội). Nhân vật Võ Tòng chạm nổi khối, chắc khỏe, nắm lấy đuôi hổ, khiến con vật co dúm người lại, sợ hãi. Ở nhiều mảng chạm khác, hình tượng ông ba mươi bị con người thuần phục như mảng điêu khắc “Chàng trai cưỡi hổ” (đình Tiên Kỳ – Nghệ An), “Tượng người cưỡi hổ” (đình Chu Quyến).

Đặc biệt hoạt cảnh “Táng mả hàm rồng” (đình Chu Quyến) thật đặc sắc: Hình ảnh con hổ chạy theo bước chân chàng trai được cho là Đinh Bộ Lĩnh đang hăm hở và láu lỉnh đưa gói xương cốt vào miệng con rồng, còn con hổ vừa há miệng, vừa vẫy đuôi dễ thương như con chó nhà. Tại đình Đông Viên (Ba Vì, Hà Nội), hổ cùng với mấy chàng trai tinh nghịch xông vào mấy cô gái đang tắm trong đầm sen đùa giỡn.

Vậy là trong nghệ thuật chạm khắc dân gian, hình ảnh ông ba mươi oai hùng, đầy sức mạnh đã bị con người thuần phục, thậm chí trở nên ngộ nghĩnh, đáng yêu.

Và hình tượng hổ còn xuất hiện trong bức chạm “Long hổ hội”, có niên đại thế kỷ 17 (hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hải Phòng), gắn với nho học với mong muốn đỗ đạt cao (Bảng rồng tiến sĩ, bảng hổ cử nhân” cũng có ý kiến cho rằng “Long hổ hội” là sự giao hòa giữa linh vật tầng trên (rồng) và chúa sơn lâm, cai quản tầng đất tạo ra mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Không chỉ có vậy, con hổ còn đi vào lịch pháp Việt Nam với hệ can chi, mà con hổ là chi Dần, đứng hàng thứ 3 trong hệ thống 12 chi. Tháng con hổ là tháng Dần, tháng Giêng, tháng đầu Xuân năm mới, tháng mà ba khí dương cân bằng với ba khí âm, do đó cũng là tháng mở đầu của con người. Theo quan niệm của người xưa, người sinh năm Dần, cầm tinh con hổ là người hành động, có cá tính, mạnh mẽ, quyết liệt, trong tình yêu thì nồng nàn, mãnh liệt.

Thế nên bước sang xuân mới 2022, năm Nhâm Dần, biểu tượng cho sức mạnh, quyết đoán và hành động, hy vọng đất nước ta sẽ gặt hái nhiều thành công trong phát kinh tế – xã hội, chiến thắng đại dịch Covid-19, đem lại cuộc sống bình an, hạnh phúc cho mọi nhà.

Đỗ Xuân Trung