Hình tượng hổ trong văn hoá Việt

Biểu tượng của sức mạnh, quyền uy thống trị

Theo TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, hình tượng hổ có lịch sử lâu đời trong văn hóa Việt Nam. Các tài liệu liên quan chứng minh hổ là đối tượng sùng bái và là vật tổ của nhiều bộ tộc từ thời tiền sử. “Cách đây trên 2.000 năm, hình tượng hổ bước vào mỹ thuật trên các đồ đồng Đông Sơn, với quan niệm kính sợ và tôn thờ sức mạnh, oai linh của loài vật này.

Cùng với diễn trình lịch sử, văn hóa Việt Nam, hình tượng hổ có những diễn biến và ý nghĩa tương ứng, từ ý nghĩa tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng, biểu tượng vương quyền đến những vật dụng, trang trí đời sống sinh hoạt thường nhật trong dân gian; tạo hình, phong cách, ứng dụng, ý nghĩa của mỗi thời đại cũng tồn tại những khác biệt,” ông nói.

Qua các chặng đường lịch sử, hổ dần trở thành một biểu tượng trong các thần thú mang ý nghĩa tâm linh, tôn giáo do vậy về cấu tạo, thể hình, biểu hiện xa rời hình ảnh của hổ trong thực tế. Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá sự xuất hiện hình ảnh hổ trong nghệ thuật Đông Sơn có liên quan đến quan niệm kính sợ và tôn thờ sức mạnh, oai linh của loài vật này, cũng như có thể liên quan đến tín ngưỡng thờ vật tổ, tín ngưỡng vạn vật hữu linh của cư dân thời kỳ này.

Trong văn hoá phương Đông, những đặc tính của hổ được so sánh với những gì được cho là tốt, mạnh mẽ trong đời sống hàng ngày. Ví dụ như: “Ăn như hổ”, “hùng như hổ”, “hổ dữ không ăn thịt con”, “đừng vuốt râu hùm”… Nó còn nói khá nhiều trên bình diện quan trọng trong một đời sống xã hội với thiết chế xã hội như: “Chơi với vua như chơi với hổ”…

Chính vì sức mạnh đó, không chỉ ở phương Đông, rất nhiều nơi trên thế giới có đại hội sơn lâm. Với tư cách là chúa tể, nó đóng vai trò của quyền uy thống trị, có vai trò điều phối, chia khu vực sơn lâm cho các dã thú khác. Đó là vai trò anh hùng.

Cho đến nay, vùng văn hóa Đông Á rất chuộng hổ, ngày Tết thích treo tranh hổ, đó không phải chỉ để biểu tượng cá tính. Hình tượng hổ còn mang chủ nghĩa nhân đạo, quyền uy, ngay ngắn và đáng nể cùng với công năng về y tế và mỹ thuật khiến hổ sở hữu một phẩm hạnh rất cao để có thể trở thành một linh vật của tôn giáo. Hổ chiếm tòan bộ vũ trụ, ngự 5 phương, được gọi là ngũ hổ, ngũ dinh.

Theo các nhà nghiên cứu thì đạo mẫu đã lấy con hổ làm biểu tượng cho quyền uy. Ngũ hổ là chủ thể quyền uy 5 phương, có một sức mạnh lớn và nhờ sức mạnh có tính chi phối đó, vạn vật có trật tự. Về mặt quan hệ xã hội, 5 phương chính là cộng đồng và đây chính là cộng điểm tuyệt vời đưa hổ lên tầm của sự đại đồng và bảo hộ.

Tục thờ cúng thần hổ trong tín ngưỡng người Việt

Ít nơi nào con hổ mang nhiều tên gọi như ở Việt Nam. Điều đó chứng tỏ vị trí quan trọng của nó trong đời sống văn hóa của người dân. Điều thú vị là cùng với thời gian, sự phát triển của đời sống và tôn giáo, con hổ đã trở thành một linh thú mang rất nhiều nét tính cách của xã hội Nam Á.

Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, hổ là loài vật linh thiêng, được tôn thờ, sùng bái và gọi một cách trân trọng là ông, ngài, cậu, chúa… Thần hổ uy linh và đầy huyền bí đã đi vào đời sống tâm linh của người Việt, trở thành nhân vật được thờ cúng ở rất nhiều điện, đền, phủ… Trong điện thờ đạo Mẫu Việt Nam, Thần hổ được thờ cúng với tư cách là một sơn thần, có ban thờ riêng với một số nghi thức, nghi lễ đặc trưng.

Hình tượng hổ trong văn hoá Việt ảnh 1

Tục thờ cúng Thần hổ của người Việt có nguồn gốc sâu xa từ việc con người phải đối đầu với nhiều loài động vật hung hãn, ghê sợ trong quá trình sinh tồn và phát triển. Tâm lý sợ hãi những loài động vật có quyền uy đã tác động trực tiếp đến việc tôn sùng, lễ bái động vật của con người. Việc phụng thờ Thần hổ chính là một cách giải tỏa tâm lý, tâm linh.

Mặt khác, trong thời kỳ sơ khai, khi trình độ nhận thức của con người còn hạn chế, người ta không thể giải thích được tường tận, thấu đáo nhiều hiện tượng đang diễn ra, vì vậy họ đã đi tìm lời lý giải trong trí tưởng tượng. Cách giải thích nguyên sơ cho rằng, con người được sinh ra từ một loài động vật nào đó, tôn sùng và coi là vật tổ đã được toàn thể cộng đồng chấp nhận.

Một vài dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay như họ Hoàng, Lường, Lộc của người Thái coi hổ là vật tổ; họ Lò, Cầm thờ quạ, họ Hà thờ cuốc… Bên cạnh đó, thờ hổ cũng là vật tổ của một số dân tộc như: Khơ mú (Tây Bắc, miền tây Nghệ An), Tà Ôi (vùng núi phía tây miền Trung), Cor (huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi)…

Từ việc tôn sùng hổ, một số dân tộc đã coi hổ là vị thần may mắn, đem lại bình an cho cuộc sống. Con người đã thần thánh hóa vai trò của hổ để tạo biểu tượng sức mạnh cho cộng đồng.

Người Khơ mú thuộc họ Rvai (hổ) có nghi lễ cúng ma nhà (hrôigang). Họ diễn lại các động tác của vật tổ vào dịp tết Nguyên đán, hội hè…, kiêng động tay vào hổ, không săn bắt, giết, ăn thịt hổ. Khi gặp hổ chết, người Khơ mú khóc than thật sự như tổ tiên mình qua đời. Đặc biệt, người ta đặt bên cạnh người chết một chiếc chăn giống màu lông hổ, để hồn được siêu thoát, trở về với hổ, có nghĩa là về với tổ tiên.

Ở nhiều gia đình Việt Nam ngày nay vẫn treo tranh thờ ngũ hổ như một lá bùa trấn tà ma. Tranh hổ thường được treo chính giữa gian thờ hoặc dưới ban thờ thần thổ công. Khi treo tranh luôn phải chú ý đến địa điểm, tránh treo gần nơi ăn ngủ, tốt nhất là thẳng gian chính điện. Một số gia đình kỵ treo tranh thờ riêng một thần hổ, đó phải là Hoàng hổ mới an thịnh, nếu không phải thờ ngũ hổ. Theo quan niệm dân gian, ngũ hổ có thuật biến hóa khôn lường.