Hộ chiếu nước nào quyền lực nhất thế giới năm 2018
Mục lục bài viết
Hộ chiếu nước nào quyền lực nhất thế giới năm 2018
Theo bảng xếp hạng hộ chiếu công ty Henley vừa công bố, công dân Nhật Bản vẫn sở hữu cuốn hộ chiếu quyền lực nhất thế giới.
Henley Passport Index vừa công bố bảng xếp hạng hộ chiếu mới. Theo đó, Nhật Bản tiếp tục là nước có hộ chiếu quyền lực nhất hành tinh. Công dân xứ sở hoa anh đào có thể đến 190 quốc gia và vùng lãnh thổ và không cần visa hoặc có thể làm visa tại điểm đến.
Trong bảng xếp hạng gần đây nhất, công bố tháng 10/2018, Nhật Bản cũng đứng ở vị trí số 1.
Với kết quả này, Nhật Bản xếp trên Singapore và Hàn Quốc, nơi công dân có thể du lịch thoải mái đến 189 quốc gia.
Hai nước Pháp và Đức đồng vị trí thứ 3 với 188 quốc gia và lãnh thổ miễn thị thực. Trong khi đó, Đan Mạch, Phần Lan, Italy và Thụy Điển xếp vị trí thứ 4.
Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Luxembourg và Tây Ban Nha (186 quốc gia và vùng lãnh thổ); Áo, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ, Anh và Mỹ (185 quốc gia và vùng lãnh thổ); Bỉ, Canada, Hy Lạp và Ireland (184 quốc gia và vùng lãnh thổ); Czech (183 quốc gia và vùng lãnh thổ); Malta (182 quốc gia và vùng lãnh thổ).
Australia, Iceland và New Zealand cùng đứng ở vị trí thứ 10 với 181 quốc gia và vùng lãnh thổ miễn thị thực cho công dân của 3 nước này.
Theo bảng xếp hạng lần này, Việt Nam xếp thứ 87, tăng 3 hạng so với lần trước. Công dân Việt Nam được miễn visa tại 51 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bảng xếp hạng của Henley Passport Index dựa trên dữ liệu do Cơ quan Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cung cấp bao gồm 199 hộ chiếu và 227 điểm đến du lịch.
Trước đó, tháng 12/2018, bảng xếp hạng của công ty Arton Capital công bố với các số liệu chênh lệch với bảng xếp hạng của công ty Henley.
Cả xếp hạng hộ chiếu của của công ty Henley và công ty Arton Capital đều dựa trên số quốc gia mà một công dân cầm theo hộ chiếu là có thể đến thăm và không cần xin thị thực. Tuy nhiên, sự khác biệt nằm ở chỗ bảng xếp hạng của Arton Capital xét theo 193 nước thuộc thành viên Liên Hợp Quốc và 6 vùng lãnh thổ. Các lãnh thổ đã sáp nhập với quốc gia khác bị loại trừ.