Hoài niệm về Vẻ đẹp của Trung Đông cổ đại
Triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan: ‘Thế giới giữa các đế chế: Nghệ thuật và bản sắc của Trung Đông cổ đại’
Tôi đã rất may mắn khi có cơ hội tham quan buổi triển lãm “Thế giới giữa các đế chế: Nghệ thuật và bản sắc của Trung Đông cổ đại” tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan. Triển lãm trưng bày các hiện vật và tác phẩm nghệ thuật vô giá — ví dụ như những tác phẩm lâu đời nhất mô tả về Chúa Giêsu từng được biết đến — từ khoảng giữa Thế kỷ I trước Công Nguyên đến năm 250 sau Công Nguyên, trải dài khắp khu vực thương mại lịch sử từ Trung Đông sang Lưỡng Hà. Đây là một thời kỳ giao thoa lớn giữa các nền văn hóa và tư tưởng, kết nối hai vương quốc vĩ đại là Đế chế La Mã ở phương Tây và đế chế Parthia của Iran ở phương Đông.
Những cổ vật trong buổi triển lãm này còn vô giá bởi một lý do hoàn toàn khác — sự khan hiếm tột độ của các hiện vật sau khi ISIS phá hủy nền văn hóa của vùng đất này.
“Năm 2015, khi ISIS tiến vào Palmyra (Syria ngày nay), mọi tòa nhà nổi bật đều bị làm cho nổ tung,” ông Michal Gawlikowski, Giáo sư danh dự tại Đại học Warsaw và từng là Giám đốc đoàn khảo cổ Ba Lan ở Palmyra cho biết trong một video trên trang thông tin trực tuyến của buổi triển lãm này.
ISIS tàn phá nhiều di sản, cổ vật, và viện bảo tàng trong khu vực. “Họ phá hủy mọi thứ có thể nhắc nhở [mọi người] về hàng thế kỷ trước khi Hồi giáo xuất hiện,” ông Gawlikowski nói.
Ra sức phá hủy văn hóa
Việc ISIS tiến hành tàn phá văn hóa khiến tôi nhớ đến Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc trong những năm 1960 và 1970. Mục tiêu của chế độ cộng sản là xóa bỏ nền văn hóa 5,000 năm phong phú về tinh thần, nhằm áp đặt hệ tư tưởng của chế độ cộng sản lên người dân Trung Quốc. ISIS dường như cũng có cùng mục tiêu như vậy.
Trong video kể trên, ông Gawlikowski nói, người dân và học sinh Syria rất thích đến thăm thành phố cổ Palmyra của người Semitic, để tìm hiểu về lịch sử cổ xưa của họ. “Đó là thứ mà ISIS muốn phá hủy, bởi vì những người này muốn phá hủy khái niệm về nhà nước Syria.”
Trước sự hủy hoại văn hóa trong những năm gần đây, việc trưng bày những cổ vật càng cần thiết hơn để di sản của khu vực ấy không bị lãng quên.
“Đây là một sự đan xen phức tạp giữa các cộng đồng, thành phố, đền thờ, và các nhân, nhưng khi nhìn qua lăng kính nghệ thuật, chúng ta thường có một cơ hội để quan sát cách mọi người chọn đại diện cho chính họ, đại diện cho gia đình, thành phố, và bản sắc tôn giáo của họ,” đồng Giám tuyển Michael Seymour thuyết minh trong buổi triển lãm (tài liệu này cũng có trên nền tảng trực tuyến).
Sự phổ quát của Đức tin
Một trong những khía cạnh lôi cuốn nhất vào thời kỳ cổ đại này là những tác phẩm khắc họa đời sống tinh thần. Từ nhiều tác phẩm tôn giáo được trưng bày tại đây, chúng ta thấy rằng đức tin tâm linh đã thấm sâu vào tâm tưởng những người dân vãng lai hoặc sinh sống tại vùng đất này.
“Đối với ngành khảo cổ học, lịch sử cổ đại, và lịch sử nghệ thuật, thường thì mục tiêu cuối cùng là phải đặt mình vào trong suy nghĩ của một người cổ đại,” ông Seymour nói với tôi sau phần thuyết minh của chuyến tham quan triển lãm này. “Người cổ đại cảm nhận như thế nào về thế giới thần linh?”
Hương và lư hương là hai sản phẩm thương mại phổ biến vào thời ấy, cung cấp cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về sự phổ biến của đức tin. Khắp xứ này, người ta đốt hương ở các ngôi điện, đền thờ, và tư gia. Loại trầm hương từ Nam Ả Rập với mùi hương gỗ ngọt ngào được mệnh danh là có chất lượng bậc nhất.
Trong buổi triển lãm này, “Quý vị cũng sẽ thấy hình ảnh những người dâng hương như một món quà dâng lên các nam thần và nữ thần, và đây là phần trọng yếu trong các nghi lễ tôn giáo,” đồng giám tuyển Blair Fowlkes-Childs, nữ cộng tác viên nghiên cứu từ bộ phận Nghệ thuật Cận Đông Cổ đại của bảo tàng, cho biết trong phần thuyết minh của buổi triển lãm (quý vị có thể tìm thấy phần ghi âm này trên trang thông tin trực tuyến).
Thiết kế của những chiếc lư hương cũng phản ánh lòng sùng kính tôn giáo, bởi vì chúng mô phỏng kiến trúc của những ngôi đền cổ ở tây nam Ả Rập.
Sự giao thoa giữa các nền văn hóa
Mặc dù tâm linh vốn đã bén rễ sâu vào cả hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây, nhưng niềm tin và sự mô tả về đức tin đang thay đổi dần. Ví dụ như bức tượng “Nữ thần khỏa thân đứng” trong buổi triển lãm này được chế tác thủ công trong khoảng giữa Thế kỷ thứ I trước Công Nguyên và Thế kỷ thứ I sau Công Nguyên, thể hiện sự phức tạp về tôn giáo trong khu vực này.
“Thoạt nhìn, bức tượng nhỏ này có thể khiến quý vị nhớ đến nữ thần Aphrodite hay nữ thần Venus,” cô Fowlkes-Childs trình bày trong phần thuyết minh. “Hình dáng nữ tính của vị thần làm bằng thạch cao tuyết hoa [loại vật liệu từ đá xuyên sáng tự nhiên] giống như các vị Thần Sắc Đẹp và Thần Tình Yêu của Hy Lạp-La Mã, thường được tôn thờ ở miền Lưỡng Hà và Trung Đông.”
Tuy nhiên, những viên hồng ngọc khảm ở rốn và đôi mắt quá lớn cho thấy những viên ngọc đó đến từ Miến Điện (còn gọi là Myanmar), chứng minh sự thông thương giữa vùng Lưỡng Hà và Ấn Độ Dương.
“Tôi nghĩ ứng viên sáng giá nhất cho bức tượng nhỏ này là Thần Ishtar của Babylon. Trên thực tế, đây là nữ thần rất quan trọng tại thành Babylon trong nhiều thế kỷ, nhưng vào thời kỳ này có lẽ đang được thể hiện theo những cách mới,” ông Seymour nói.
Triển lãm cũng làm sáng tỏ quá trình chuyển đổi từ Đa Thần giáo sang Độc Thần giáo trong giai đoạn này. Hai bức tranh treo tường được trưng bày là những hình ảnh sớm nhất về Chúa Giê-su từng được phát hiện. Một bức tranh cho thấy Chúa đi bộ trên mặt nước; Ngài đi cùng với Thánh Phêrô và một số môn đồ đang quan sát từ trên một con thuyền. Bức tranh tường thứ hai vẽ cảnh Chúa chữa lành cho người bại liệt.
Bà Fowlkes-Childs giải thích, “Những dữ kiện này có thể rất quan trọng đối với những người mới làm Lễ báp-têm [lễ rửa tội] để truyền cảm hứng cho họ tin vào quyền năng của Chúa Jesus.” Cả hai bức tranh tường này đều được tìm thấy ở Dura-Europos (nay là miền đông Syria) bên trong một nhà thờ Cơ Đốc giáo vào đầu Thế kỷ thứ III, nằm gần một số tòa nhà tôn giáo cổ xưa khác.
“Sự tồn tại của một giáo đường Do Thái cổ xưa và nhà thờ Cơ Đốc giáo sớm nhất, nằm gần các đền thờ tôn thờ nhiều vị Thần khác nhau cho chúng ta cơ hội để tìm hiểu việc làm thế nào những người theo thuyết đa thần — những người thờ phượng nhiều thần khác nhau — và những người theo thuyết độc thần cùng nhau xuất hiện trong cùng một thị trấn ở cùng một thời điểm,” bà Fowlkes-Childs nói trong phần thuyết minh của buổi triển lãm.
Đối với tôi, những tác phẩm nghệ thuật trong buổi triển lãm này mô tả một hành trình theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng mà những người cổ đại đã đi qua. Suốt nhiều thế kỷ, với khoảng cách xa xôi, văn hóa khu vực Trung Đông đã phát triển dần dần, chia sẻ những ảnh hưởng từ hai mẫu quốc đã hình thành nên nền văn hóa đó — đế chế La Mã và Parthia. Hành trình xây dựng nền văn hóa này cần biết bao nhiêu thời gian và công sức, nhưng chỉ mất vài năm để phá hủy. Kiến tạo nên vẻ đẹp luôn mất nhiều thời gian hơn là phá hủy nó.
Trong một video trực tuyến của buổi triển lãm có nhan đề “Cuộc trò chuyện về sự hủy hoại di sản văn hóa ở Iraq và Syria,” bà Zainab Bahrani cho biết, “Con người, các công trình tượng đài và các tác phẩm nghệ thuật của họ đã hòa trộn vào nhau trên mảnh đất này. Việc xóa sạch hay phá hủy các di sản, cảnh quan, di tích, cũng là đang hủy hoại nhân loại.” Bà Zainab Bahrani là một giáo sư người Iraq về Nghệ thuật Cận Đông Cổ đại và Khảo cổ học tại Đại học Columbia. “Vì vậy, chúng ta không thể thực sự tách biệt hai điều này. Để bảo vệ tất cả cộng đồng trong khu vực, chúng ta cũng phải bảo vệ cả di sản của họ.”
J.H. White
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Ông J.H. White là một ký giả về nghệ thuật, văn hóa và thời trang nam, sống ở New York.
Chi Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
CHIA SẺ
CHIA SẺ