Hoàng Việt luật lệ trong mối quan hệ so sánh với Đại Thanh luật lệ
Ths. Phạm Ngọc Hường
Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử
Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ
Trong nghiên cứu khoa học, phương pháp so sánh vốn được vận dụng chủ yếu trong các ngành khoa học tụ nhiên, nhưng dần dần đã xuất hiện nhiều trong các lĩnh vực khoa học xã hội như dân tộc học, ngôn ngữ học, luật học, sử học…. Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, phương pháp so sánh trong nghiên cứu sử học là một phương pháp tiếp cận nghiên cứu lịch sử có thể góp phần làm rõ nhiều vấn đề của lịch sử Việt Nam và quan hệ quốc tế của Việt Nam…
Một yêu cầu quan trọng trong việc so sánh là phải đồng thời đặt các đối tượng được so sánh bên nhau. Chỉ khi có hai đối tượng trở lên thì mới có sự so sánh. Trong hai đối tượng cần so sánh thì có một là chủ thể và một là khách thể so sánh của nó. Việc đối chiếu chủ thể với khách thể so sánh của nó nhằm tìm ra những điểm giống nhau và khác nhau giữa nó và khách thể, lý giải về những ảnh hưởng, tiếp nhận, kế thừa, biến đổi… để làm rõ hơn những đặc điểm của chủ thể. Sự so sánh ở đây chú trọng sự tương đồng hơn là dị biệt, trú trọng quá trình mô phỏng, ảnh hưởng, phát thu, dẫn truyền, tiếp biến giữa các đối tượng… Những nguyên nhân của sự tương đồng có thể tìm trong quan hệ giao lưu, trong môi trường dẫn truyền văn hóa, trong truyền thống dẫn truyền dân tộc, trong đặc điểm ý thức tư tưởng, tâm lý dân tộc… trong góc nhìn so sánh, sự giao lưu lịch sử và quy luật lịch sử khách quan là những yếu tố có ý nghĩa mấu chốt.
Trong phạm vi bài viết này chúng tôi muốn tìm hiểu những điểm tương đồng và dị biệt cả về mặt nội dung và hình thức trong bộ Hoàng Việt luật lệ (HVLL) thời Nguyễn và bộ Đại Thanh luật lệ (ĐTLL) của nhà Thanh Trung Quốc. Trên cơ sở đối chiếu, so sánh tìm hiểu cụ thể các điều luật từ hai văn bản để có được cái nhìn khách quan hơn đới với bộ HVLL.
1. Tổng quan về bộ HVLL và bộ ĐTLL
1.1 Đôi nét về bộ HVLL
Cũng như các vương triều khác, nhà Nguyễn ngay sau khi thành lập liền lo việc soạn thảo luật lệ. Cụ thể là vua Gia Long đã sai Tiền quân Bắc thành Tổng trấn Nguyễn Văn Thành biên soạn bộ HVLL (hay còn gọi là Luật Gia Long). Công việc biên soạn luật được tiến hành dưới sự chỉ đạo trực tiếp của vua Gia Long. Bộ luật bao gồm 398 điều, chia thành 22 quyển. Các điều luật được phân loại và sắp xếp theo 6 lĩnh vực, tương ứng với nhiệm vụ của 6 bộ, bao gồm các nội dung chính như: Lại luật (quy định về tổ chức nhà nước và hệ thống quan lại); Hình luật (quy định về các tội danh và hình phạt); Hộ luật (quy định về quản lý dân cư và đất đai); Lễ luật (quy định về ngoại giao và nghi lễ cung đình); Binh luật (quy định về tổ chức quân đội và quốc phòng); Công luật (quy định về xây dựng, bảo vệ đê điều, lăng tẩm). Bộ luật được xây dựng trên cơ sở tham khảo đối chiếu bộ luật Hồng Đức và Đại Thanh luật lệ của Trung Quốc, tuy nhiên có căn cứ vào tình hình trong nước và dân tộc Việt Nam để chọn lọc và biên soạn. Vì vậy nên nó mang bản sắc của riêng và chiếm vai trò quan trọng trong lịch sử pháp luật Việt Nam.
Có rất nhiều học giả trong nước cũng như ngoài nước nghiên cứu, đánh giá, tìm hiểu về bộ HVLL. Trong đó cũng có nhiều ý kiến khác nhau về bộ luật, tích cực cũng có, tiêu cực phê phán cũng có. Bất luận thế nào bộ luật vẫn đóng vai trò chuẩn thằng trong việc quản lý xã hội Việt Nam suốt hơn 70 năm (từ 1815) cho đến khi nước ta bị Pháp đô hộ hoàn toàn. Bộ luật có địa vị trọng yếu trong việc thiêt lập cơ cấu xã hội Việt Nam thế kỷ XIX, đồng thời là tư liệu không thể thiếu khi nghiên cứu, đánh giá tổ chức quốc gia dưới triều Nguyễn.
1.2 Đôi nét về bộ ĐTLL
ĐTLL là bộ luật phong kiến cuối cùng của Trung Hoa. Bộ luật được chế định từ năm thứ nhất Thuận Trị (1644), đến năm Càn Long thứ 5 (1740) vua Càn Long đích thân chỉnh sửa và chính thức được ban hành. Qua gần 100 năm biên soạn, bộ luật tổng kết kinh nghiệm 2000 năm lập pháp, tư pháp Trung Hoa, được giới nghiên cứu đánh giá là “Tập đại thành pháp điển Trung Quốc”. Bộ luật là sự tổng kết đúc rút kinh nghiệm vận dụng pháp luật để điều chỉnh các mối quan hệ chính trị, văn hoá, xã hội, dân tộc… trong triều Thanh. ĐTLL mang đặc sắc thời đại rõ rệt và chiếm một vị trí quan trọng trong kho tàng văn hoá lập pháp Trung Hoa. Bộ luật được chính thức sử dụng đến năm 1910 (Cách mạng Tân Hợi).
Tên gọi ban đầu của ĐTLL là Đại Thanh luật tập giải, gồm 436 điều chia thành 24 quyển. Các điều luật được phân loại và sắp xếp theo 6 lĩnh vực, tương ứng với nhiệm vụ của 6 bộ: Bộ Lại, bộ Hình, bộ Hộ, bộ Lễ, bộ Binh, bộ Công. Đến năm Càn Long nguyên niên (1736) được nhóm Đại học Tam Thái biên tu lại, vua Càn Long chỉnh sửa và ban hành dưới tên ĐTLL. Tên gọi ĐTLL được sử dụng đến năm 1910. Từ đời vua Càn Long trở đi, các lệ 5 năm 1 lần tiểu tu và 10 năm 1 lần đại tu, nhưng các luật đều được giữ nguyên.
Rất nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng như ngoài nước đã nghiên cứu về bộ ĐTLL. Những năm đầu thời Dân quốc nghiên cứu có khuynh hướng đi vào thông sử. Khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập, các tác giả đã tìm hiểu nghiên cứu bộ luật dưới góc độ phê phán 1 chiều hết sức cực đoan. Nhưng từ khi Trung Quốc mở cửa, nghiên cứu pháp luật Trung quốc có nhiều đóng góp mới mẻ, đa dạng. ĐTLL được nghiên cứu chuyên sâu hơn về vấn đề chuyên môn và phân ra cụ thể các vấn đề như: dân tộc, ngoại thương, dân sự, kinh tế, hành sự, hành chính….
2. HVLL trong mối quan hệ so sánh với ĐTLL
Có thể thấy pháp luật thời kỳ nào cũng đề cập đến vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia, mà việc bảo vệ chủ quyền chính là xuất phát từ yêu cầu bảo vệ chế độ vương quyền của Nho giáo. Như chúng ta đã biết, hạt nhân tư tưởng chính trị Nho gia là chủ trương lễ trị, đề cao đức trị nhân chính, nhất nhất đều tuân thủ theo mọi chuẩn tắc thì mới hợp với Lễ. Vì thế chế định luật lệ các vương triêu đều lấy nội dung tư tưởng từ Nho giáo. Luật Gia Long cũng đã lấy tư tưởng pháp luật Nho giáo đó làm căn cứ lý luận dùng để chỉ đạo phương pháp ứng dụng và nguyên tắc lập pháp của điều luật. Có thể nói Luật Gia Long là sự thể hiện tập trung nhất tư tưởng Nho giáo trong pháp luật phong kiến Việt Nam.
2.1 Những điểm tương đồng
Như chúng ta đã biết, vua Gia Long sau khi thụ phong của triều đình Mãn Thanh, trong vấn đề xây dựng các điển chương chế độ của vương triều mình đã mô phỏng theo nhà Thanh. Tức là xây dựng nền chính trị theo tiêu chuẩn Nho gia. Đây là phương pháp ổn định xã hội khá hiệu quả, kết hợp chính danh Khổng giáo với cơ chế dư luận để đánh vào vấn đề thể diện và tâm lý tôn ty gia đình, dòng tộc của người Việt Nam. Lý thuyết này đã được nhà Nguyễn khai thác triệt để nhằm tạo lập uy và thế cho mình trong các vấn đề đối nội và đối ngoại. Chính vì vậy mà chúng ta không ngạc nhiên khi mà vua Gia Long cho biên soạn luật lại chủ yếu dựa trên bộ luật của triều đình Mãn Thanh. Và không chỉ trong việc chế định pháp luật, mà trong nhiều vấn đề hành chính khác cũng đều là sự mô phỏng từ các triều đại Trung Hoa. Cũng có nhiều ý kiến khác nhau về bộ HVLL. Có nhà nghiên cứu cho rằng đó là sự sao chép y nguyên từ bộ luật Đại Thanh và nó không mang lại sự sáng tạo trong nền pháp chế Việt Nam. Cũng có nhà nghiên cứu lại đánh giá cao về sự sáng tạo của bộ luật. Chúng ta cũng nên nhìn nhận một cách khách quan đế đánh giá. Xét trên bình diện bối cảnh xã hội, lịch sử vấn đề, chính sách cai trị để nhìn nhận bộ luật một cách đúng đắn hơn. Nếu xét trên cả tiến trình lịch sử, chế độ phong kiến Việt Nam càng hoàn thiện thì những chuẩn tắc tổ chức bộ máy nhà nước theo quan điểm Nho giáo càng được đề cao. Do đó cách thức, mô hình quản lý càng ngày càng gần với triều đình Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu đều cho rằng Việt Nam đã tiếp thu tinh thần Nho giáo một cách chủ động để xây dựng nền văn hóa – hành chính sánh ngang với triều đình Trung quốc.
HVLL hay ĐTLL đều là một bộ hình luật, mà trong mỗi bộ hình luật đều có những quy định trong ngành pháp chế của từng nước, và những quy định cụ thể đó là:
– Những đạo luật về các án thường sự (dân sự) chưa thành luật hẳn mà chỉ là những lời khuyên răn về về lối ăn ở, cư xử lấy trong Ngũ kinh, đặc biệt là lấy trong Kinh Lễ.
– Những quy định coi như là hiến ước dựa theo một bộ sách xưa tên là Chu Lễ chép các lễ tục của nhà Chu.
– Những đạo luật gọi là Lục bộ (Bộ Lại, Bộ Lễ, Bộ Hình, Bộ Công, Bộ Binh, Bộ Hộ) đều liên quan đến sự điều hành các việc công thuộc thẩm quyền của mỗi bộ trong lục bộ.
– Những sắc luật và chỉ dụ mà thật ra vốn là một bộ hình luật.
Trung Quốc cũng như Việt Nam, công việc cai trị trong nước được chia thành sáu loại và được giao cho sáu bộ. Do vậy mới có sáu hạng luật, mỗi hạng dành riêng cho mỗi bộ. Tuy nhiên cả sáu hạng ấy đều nằm chung trong bộ hình luật. Phần lớn những nội dung cơ bản của các điều luật đều là những nội dung có nguồn gốc từ xa xưa. Nhiều điều luật là những án lệ có từ lâu đời và được đưa vào bộ luật để thành luật.
Nhìn chung luật pháp phong kiến Việt Nam chịu ảnh hưởng tư tưởng Nho gia một cách sâu sắc, đến triều Nguyễn thì đạt đến đỉnh cao. Ảnh hưởng của tư tưởng Nho gia thể hiện rõ rệt và sâu sắc trong HVLL. Thể hiện cụ thể nhất ở chỗ dùng Lễ là chủ yếu, Lễ Hình kết hợp, đề xướng đức trị, coi trọng nhân trị, nhân trị và hình trị cùng kết hợp. HVLL đã lấy tư tưởng pháp luật Nho gia làm căn cứ lý luận dùng để chỉ đạo các phương pháp ứng dụng và nguyên tắc lập pháp của điều luật. Có thể nói nó là sự thể hiện tập trung nhất tư tưởng Nho gia trong pháp luật phong kiến Việt Nam. Chúng ta đều biết, hạt nhân của tư tưởng chính trị Nho gia chính là chủ trương lễ trị, nhất định cần tuân thủ chuẩn tắc thì mới hợp với Lễ, đó chính là tư tưởng căn bản của lập pháp phong kiến. Những điều này tất cả đều bắt nguồn từ Trung Quốc. Vua Gia Long đã vận dụng tư tưởng Lễ trị đó trong công việc chế định HVLL. Tam cương ngũ thường đã thể hiện được các loại quan hệ xã hội giữa con người và con người trong suốt thời kỳ phong kiến, nó lại là những quy phạm và nguyên tắc đạo đức cơ bản của xã hội phong kiến, mà việc bảo vệ duy trì quân quyền lại chính là hạt nhân của nó. Vì vậy lễ cương thường luôn trở thành căn cứ chủ yếu của lập pháp phong kiến. HVLL cũng không ngoại lệ, lấy nguyên xi điều luật “Thập ác” – chỉ ra mười trọng tội không thể tha miễn: tội mưu phản, mưu đại nghịch, phản bội, ác nghịch, bất đạo, đại bất kính, bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, nội loạn. Mười tội danh này có từ đời Tần Hán, đến thời kỳ Bắc Tề gọi là “trọng tội thập điều” và chính thức được đưa vào luật. Từ đó trải qua các triều Đường, Nguyên, Thanh thì đều không có gì thay đổi. Sở dĩ đại tội thập ác không thể tha miễn, chính là ở chỗ hành vi của nó phạm đến quy phạm lý luận cơ bản Nho gia về kỷ cương của quân thần, cha con, vợ chồng, uy hiếp đến sự ổn định của xã hội phong kiến và việc củng cố chế độ chuyên chế quân chủ.
Bản chất của Lễ và hình đều thể hiện lợi ích và ý chí của giai cấp thống trị. Lễ hình cùng bổ trợ cho nhau, lấy lễ làm cái chủ đạo, lấy hình làm khuôn mẫu, lấy lễ để làm thay đổi tư tưởng và quan điểm của người dân, khiến dân hiểu được về lễ; dùng hình để răn giới tà ác, khiến cho dân ý thức được uy nghi của pháp luật; dùng lễ để thương yêu chăm sóc dân chúng, thúc đẩy thi hành pháp luật, đồng thời dùng hình để quy phạm đạo đức, khiến cho người dân xây dựng nên được đạo đức quan chân chính. Việc kết hợp chặt chẽ giữa lễ và hình trong các điều luật đã bảo vệ được giá trị truyền thống của dân tộc như lòng hiếu thảo, tôn kính ông bà, cha mẹ của con cháu, sự hoà thuận giữa vợ và chồng, sự kính nhường hoà thuận giữa anh em, truyền thống tôn sư trọng đạo… Đồng thời nó có tác dụng rất lớn trong việc điều chỉnh hành vi trong gia đình, khiến con người có ý thức về nghĩa vụ, trách nhiệm với bản thân và làm tròn bổn phận ở từng vị trí cụ thể với gia đình mình. Như vậy luật là nền tảng cho sự giáo dục đạo đức trong gia đình, trong xã hội, duy trì những chuẩn mực và giá trị đạo đức truyền thống.
HVLL ngoài những tiếp thu phương diện chỉ đạo về Lễ ra vẫn còn một số điều luật là phiên bản của lễ điển. Lấy ví dụ trong Danh lệ luật “bát nghị” là làm theo bát tịch trong Chu Lễ, Thu quan, tiểu tư khấu, trở thành quy định đặc quyền trong việc miễn giảm hình phạt cận thần, thân tộc của đế vương phong kiến. Nhiều điều luật lấy nguyên xi từ luật nhà Thanh theo nguyên tắc của Lễ. Như trong quyển 1 Danh luật lệ, về quy định nhận chuộc người già, trẻ nhỏ, tàn tật, lúc phạm tội còn nhỏ, già và bệnh tật, lấy từ “tam xá chi pháp” (nhất xá viết ấu nhược, nhị xá viết lão mạo, tam xá viết xuẩn ngu) trong Chu Lễ và “Điệu mạo bất hình” trong Lễ ký. Ngoài ra trong chế độ pháp luật, Nho gia chủ trương thể hiện sự “bao che”. Điều 31 “Thân thuộc tương vi dung ẩn” (họ hàng thân thuộc bao che tội cho nhau) quyển 1, mục Danh luật lệ, còn ở trong luật Đại Thanh là điều 32 “Thân thuộc tương vi dung ẩn” quyển 2, mục Danh luật lệ, đây là điều quan trọng trong pháp luật phong kiến. Cách thức cùng bao che, giấu diếm, yểm trợ cho nhau giữa những người họ hàng thân thuộc này cũng là một loại hành vi phạm tội, nhưng có thể giảm nhẹ tội hoặc miễn trừ hành vi trách nhiệm hình sự của chủ thể. Khổng Tử chủ trương “Cha giấu tội cho con, con giấu tội cho cha”(Luận ngữ – Tử Lộ: “Diệp công tử vấn Tử Lộ”), tôn kính đặt ra cơ sở luân lý cho chế độ “bao che”. Đến Tuyên Đế đời Hán, pháp luật được chính thức xác định chế độ này. Nho gia đề cao đạo hiếu và những lễ nghĩa liên quan làm cho quan hệ máu mủ thân tình cùng với gia đình chuẩn mực được khẳng định một cách đầy đủ. Hiếu đạo chính là cảm giác được bảo vệ mang tính tự nhiên của con người đối với họ hàng thân thuộc. Nó làm cho trong pháp chế có thêm đặc điểm của yếu tố thân tình. Hiếu đạo là mấu chốt quan trọng duy trì các mối quan hệ gia đình gắn bó.
Do lập pháp của triều Nguyễn ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng Nho gia, vì thế trong diễn đàn chính trị, kẻ thống trị cũng biểu dương lấy hiếu để trị thiên hạ. Nên HVLL cũng như ĐTLL thà vì hiếu mà khuất pháp thừa nhận sự bao che giấu tội cho nhau, bảo lưu nguyên tắc phát huy đạo hiếu nuôi dưỡng tình thân. Những việc làm này đều là việc bình thường của tình người, vốn là lẽ tự nhiên. Cho nên tình nghĩa của luật làm dầy thêm phong tục khuyến khích luân lý kỷ cương. Ngoài ra trong pháp luật còn cho phép người thân báo thù. Điều luật này bắt nguồn từ Ngũ luân. Nói chung giết người thì phải đền tội, nhưng vì báo thù cho cha mà phạm tội, thì mức phạt giảm đi so với người thường phạm tội.
Trong thể chế pháp luật của Việt Nam cũng như của Trung Hoa, quan hệ nghĩa vụ quyền lợi của gia tộc chiếm một địa vị rất lớn. Phần lớn các điều luật được ban hành trong thời kỳ này đều thấm nhuần đạo đức của Nho giáo . Luân lý của gia đình nằm trong mối quan hệ rường cột của con người: Quân – thần, phụ – tử, phu – phụ, huynh – đệ, bằng – hữu, trong đó có ba mối quan hệ gắn với gia đình và mối quan hệ quân thần cũng được xem xét dưới góc độ đó. Người chủ gia đình có uy quyền đối với mọi thành viên trong gia đình và họ phải có bổn phận phải phục vụ người chủ gia đình. Thực chất nó chính là duy trì bảo vệ đặc quyền chế độ gia trưởng. Vì thế tôn ti trật tự thân sơ trên quan hệ máu mủ có ảnh hưởng trực tiếp đối với thể chế hành vi xâm hại quyền dân sự và việc định phạt tội.
Các điều luật trong hai bộ luật đều ảnh hưởng tư tưởng Nho gia một cách sâu sắc nên rất coi trọng việc duy trì bảo vệ đặc quyền của Hoàng thân quý tộc. Đó chính là duy trì bảo vệ sự uy nghiêm của Hoàng đế. Các nơi tế tự của vua chúa cũng không được tự tiện huỷ hoại và làm hư tổn, cho dù là cố ý hay không cố ý huỷ hoại, đều chiếu theo luật trừng phạt một cách thích đáng.
2.2 Những điểm dị biệt
* Về hình thức, kết cấu văn bản: Các điều khoản trong HVLL chia thành luật và lệ, kết cấu này mô phỏng hoàn toàn bộ ĐTLL (~100% số điều luật, 93% số điều lệ). Tỷ lệ sao chép tương đối lớn (chỉ có 3 điều luật sáng tạo). Các điều luật gần như giữ nguyên, còn các điều lệ lược bớt đi rất nhiều (khoảng 46%). Điều đó chứng tỏ các nhà làm luật đã có sự chọn lọc kỹ lưỡng chứ không hoàn toàn là sự sao chép đơn thuần. Vì vậy nếu nói rằng HVLL là sự sao chép nguyên vẹn từ ĐTLL là quan điểm không chính xác. Cách kết cấu điều khoản thành hai phần luật và lệ như vậy đảm bảo được tính ổn định của luật pháp lại thể hiện được sự linh hoạt trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật, thuận tiện cho người thi hành pháp luật và người chấp hành luật. Vì vậy việc nhà Nguyễn tiếp thu kết cấu của bộ luật nhà Thanh cũng phần nào có thể giải thích được.
Về tên gọi các điều luật thì cơ bản đều có tên gọi giống với luật Đại Thanh, chỉ có một số các điều luật có nội dung thay đổi đơn vị hành chính, lược bỏ một số câu và tên các địa phương đi đày của người phạm tội, còn lại những nội dung khác đều được bảo lưu. Theo thống kê có khoảng vài chục điều luật trong luật Nguyễn không sao chép nguyên xi mà chỉ là sự mô phỏng trên tinh thần giữ lại tên gọi và một số nội dung cơ bản của luật Đại Thanh và có sửa chữa về mặt nội dung cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Ví dụ điều luật thứ 33 của HVLL tên gọi giống với điều thứ 34 của ĐTLL nhưng nội dung thì hoàn toàn khác nhau.
Một số chữ viết trong hai văn bản có khác nhau, hay tên gọi điều luật có sự lược bớt đi một số chữ, tuy nhiên đều có ý nghĩa giống nhau, có lẽ là do thói quen sử dụng từ ngữ của mỗi nước khác nhau, nhưng nó không làm thay đổi nội dung điều luật, vì vậy nên cũng không thể cho đây là sự khác biệt lớn.
Ngoài ra các hình phạt trong HVLL có chút thay đổi so với luật Đại Thanh. Mức hình phạt chủ yếu ở mức nặng hơn so với luật Đại Thanh. Các điều lệ trong HVLL cũng dược giảm bớt đi rất nhiều so với ĐTLL. Điều này cho thấy những nhà làm luật triều Nguyễn đã có những khảo sát, cân nhắc, lựa chọn những nội dung cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam.
* Về nội dung: Cơ bản các điều luật Việt Nam cũng như Trung Quốc đều có căn cứ lý luận và cơ sở triết học chuẩn mực. Những lý luận triết học chính trị phần lớn bắt nguồn từ Nho gia, đều là những luận chứng có tính hợp lý và tính hợp pháp chuyên chế quân chủ và và quyền uy của hoàng đế phong kiến. Đồng thời những điều luật trong pháp lệnh, pháp luật từ các phương diện cụ thể cũng phản ánh được tình hình đặc thù trong nước và và tình hình cuộc sống thực tế của xã hội Việt Nam. Phản ánh được dân tộc Việt Nam vốn có những đặc sắc riêng, hay luật tục riêng về tập quán pháp luật, mà điều này hoàn toàn không có ở luật Đại Thanh. Quan niệm truyền thống trọng nam khinh nữ của Nho giáo Trung Quốc khi vào đến Việt Nam đã không còn ảnh hưởng quá lớn. Bất luận trong luật pháp hay trong cuộc sống đời thường người phụ nữ cũng đều được coi trọng hơn và họ vai trò trong xã hội hơn.
Tổng số điều luật của bộ luật Đại Thanh là 436 điều, HVLL là 398 điều. Vậy những điều luật nào của HVLL mà luật Đại Thanh không có, hay những điều luật nào luật Đại Thanh có mà HVLL không đề cập đến.
Bảng so sánh đối chiếu các điều luật giữa hai luật
STT
Điều số
Hoàng Việt luật lệ
Đại Thanh luật lệ
1
9
Không có
Phạm tội miễn phát khiển
(quyển 2 Danh lệ luật)
2
59
Không có
Giao kết cận thị quan viên
(Lại luật – Chức chế)
3
75
Không có
Thoát lậu hộ khẩu
(Hộ luật – Hộ dịch)
4
76
Không có
Nhân hộ dĩ tịch vi định
(Hộ luật – Hộ dịch)
5
73 (1)
Hộ dịch
(Hộ luật – Hộ dịch)
Không có
6
74 (2)
Ẩn lậu đinh khẩu
(Quyển 6 – Hộ luật)
Không có
7
82
Không có
Ẩn tệ sai dịch
(Hộ luật – Hộ dịch)
8
83
Không có
Cấm cách chủ bảo lý trưởng
(Hộ luật – Hộ dịch)
9
85
Không có
Điểm sai ngục tốt
(Hộ luật – Hộ dịch)
10
89
Không có
Thu dưỡng cô lão
(Hộ luật – Hộ dịch)
11
97
Không có
Hoang vu điền địa
(Hộ luật – Điền trạch)
12
113
Không có
Thú nhạc nhân vi thê thiếp
(Hộ luật – Hôn nhân quyển nhị )
13
118
Không có
Tiền pháp (Hộ luật – Thương khố quyển thượng)
14
141
Không có
Diêm pháp (Hộ luật – Khóa trình/Thương khố quyển hạ)
15
142
Không có
Lãm lâm thế yếu trung diêm
(Hộ luật – Khóa trình/ Thương khố quyển hạ)
16
143
Không có
Trở hoại diêm pháp (Hộ luật – Khóa trình/ Thương khố quyển hạ)
17
144
Không có
Tư trà (Hộ luật – Khóa trình/ Thương khố quyển hạ)
18
145
Không có
Tư phàm (Hộ luật – Khóa trình/ Thương khố quyển hạ)
19
148
Không có
Nhân hộ khuy đoái khoá trình
(Hộ luật – Thương khố quyển hạ)
20
152
Không có
Tư sung nha hành phụ đầu
(Hộ luật – Thị triền)
21
153
Không có
Thị tư bình vật giá
(Hộ luật – Thị triền)
22
156
Không có
Khí dụng bố quyên bất như pháp
(Hộ luật – Thị triền)
23
172
Không có
Kiến nhậm quan triếp tự lập bi
(Lễ luật – Nghi chế)
24
164 (20)
Trở nhân gia sự
(Lễ luật – Nghi chế quyển 9)
Không có
25
211
Không có
Tư mại chiến mã
(Binh luật – Quân chính)
26
223
Không có
Đệ tống đào quân thê nữ xuất thành (Binh luật – Quan luật)
27
226
Không có
Tư dịch cung binh
(Binh luật – Quan luật)
28
227
Không có
Mục dưỡng súc sản bất như pháp
(Binh luật – Cứu mục)
29
228
Không có
Tứ sinh mã thất
(Binh luật – Cứu mục)
30
229
Không có
Nghiệm súc sản bất dĩ thực
(Binh luật – Cứu mục)
31
230
Không có
Dưỡng liệu sưu bệnh súc sản bất như pháp (Binh luật – Cứu mục)
32
231
Không có
Thừa quan súc tích phá lĩnh xuyên
(Binh luật – Cứu mục)
33
237
Không có
Công sứ nhân đẳng sách tá mã thất
(Binh luật – Cứu mục)
34
242
Không có
Dịch sứ kê trình
(Binh luật – Bưu dịch)
35
243
Không có
Đa thừa dịch mã
(Binh luật – Bưu dịch)
36
248
Không có
Thừa dịch mã tê tư vật
(Binh luật – Bưu dịch)
37
253
Không có
Tư tá dịch mã
(Binh luật – Bưu dịch)
38
343
Không có
Vu cáo sung quân cập thiên tỷ
(Hình luật – Tố tụng)
39
351
Không có
Phong hiến quan lại phạm tang
(Hình luật – Thụ tang)
40
354
Không có
Tư thụ công hầu tài vật
(Hình luật – Thụ tang)
41
375
Không có
Mãi lương vi xướng
(Hình luật – Phạm gian)
42
428
Không có
Đới tạo đoạn thất
(Công luật – Doanh tạo)
43
429
Không có
Chức tạo vi cấm long phượng văn đoạn thất (Công luật – Doanh tạo)
44
430
Không có
Tạo tác quá hạn
(Công luật – Doanh tạo)
Qua bảng đối chiếu các điều luật của hai bộ luật trên đây có thế thấy rằng: trong HVLL chỉ có ba điều luật mà trong luật Đại Thanh không có, đó là điều số 73 (theo thứ tự trong toàn bộ luật) Hộ dịch, điều số 74 Ẩn lậu đinh khẩu trong quyển 6 phần Hộ luật và điều 20 Trở nhân gia sự trong quyển 9 mục Nghi chế phần Lễ luật. Xét trên phương diện tên gọi các điều luật trong HVLL thì sự khác nhau chỉ chiếm 2%, và trong ĐTLL thì có đến 38 điều luật không có trong HVLL.Về cơ bản, các điều luật còn lại của hai bộ luật đều trùng tên gọi với nhau, chỉ khác chăng trong từng điều luật, có những điều khoản riêng, có căn cứ theo điều kiện hoàn cảnh của từng nước mà đặt ra những điều lệ riêng cho từng điều luật, hoặc có những giải thích rõ ràng để mọi người có thể thấm nhuần hơn các điều luật. Ví dụ: trong 2 bộ luật đều là điều 2, tên điều lệ là “Thập ác” chỉ ra 10 tội ác cần phải trừng trị nghiêm khắc, thì điều ác thứ nhất trong luật Đại Thanh nói rằng: “Nhất viết mưu phản {vị mưu nguy xã tắc}” (一曰謀反 {謂某危社稷}), nhưng trong HVLL, ngoài câu đó ra có thêm lời chú rằng: 社稷者天下之辭社為土神稷為田正所以神地道而司稼穑君為神主食為民天臣下將圖逆節危及天下則社稷安恃 不敢指斥故曰社稷也 (Xã tắc là từ chỉ chung thiên hạ, xã là thổ thần; tắc là thần nông coi ruộng đồng giúp dân lo việc cày cấy lấy thóc ăn. Kẻ làm dân lại mưu đồ phản nghịch làm nguy hại đến thiên hạ, thì xã tắc biết trông cậy vào đâu? Không dám bài xích, nên gọi là xã tắc). Câu chú này trong luật Đại Thanh hoàn toàn không có. Hoặc trong “Thập ác” điều thứ 7, luật Đại Thanh nói về “bất hiếu”: “Thất viết bất hiếu {vị cáo ngôn chú mạ tổ phụ mẫu phụ mẫu phu chi tổ phụ mẫu phụ mẫu cập tổ phụ mẫu phụ mẫu tại biệt tịch dị tài, nhược phụng dưỡng hữu khuyết cư phụ mẫu tang thân tự giá thú nhược tác lạc thích phục tòng cát văn tổ phụ mẫu phụ mẫu táng nặc bất cử ai xưng tổ phụ mẫu phụ mẫu tử}” (mắng chửi ông bà cha mẹ, ông bà cha mẹ chồng, khi ông bà cha mẹ còn sống lại phân chia tài sản ra ở riêng, nuôi dưỡng cha mẹ không chu đáo, đang để tang cha mẹ mà tự ý lấy chồng lấy vợ, mảng vui chơi không mặc đồ tang, nghe tin ông bà cha mẹ mất thì giấu diếm, không cử hành tang lễ, nói dối việc ông bà cha mẹ mất), trong HVLL ngoài câu nguyên văn như trên, còn có thêm chú thích rằng: “Việc bất hiếu có rất nhiều, lời chú chỉ nói về những điều mà luật đã viết để nói mà thôi”. Nhìn từ khía cạnh bên ngoài thì đó gần như là sự sao chép y nguyên, vì thế nên cũng không lấy gì làm lạ khi nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đó là sự rập khuôn theo điển chương, chế độ của triều đình phong kiến phương Bắc. Như trên đã nói thực tế xét trên tiến trình lịch sử và cả chế độ phong kiến Việt Nam thì nền chuyên chế quân chủ càng hoàn thiện thì những chuẩn tắc tổ chức bộ máy nhà nước theo quan điểm Nho giáo càng được đề cao, do đó cách thức, mô hình quản lý cũng càng gần với chế độ phong kiến triều đình Trung Quốc. Vì vậy nên chúng ta hoàn toàn có thể lý giải được tại sao khi xây dựng lập pháp có sự giống nhau giữa các điều luật như vậy. Hơn nữa về phong tục tập quán Việt Nam rất gần gũi với Trung Quốc vì vậy nên khi biên soạn các điều luật gần như là được giữ trọn vẹn lại, trừ một số điều luật, hay điều khoản quá đặc thù thì được lược bỏ bớt đi mà thôi.
Vua Gia Long là người sáng lập ra triều Nguyễn, khi cho soạn thảo HVLL, ông đã dựa trên nền tảng bộ luật Hồng Đức đời Lê và bộ luật nhà Thanh để soạn thảo. Chỉ có khác là đã bỏ bớt ở đôi chỗ này và sửa đổi ở đôi chỗ nọ cho phù hợp với hoàn cảnh phong tục của người Việt Nam lúc bấy giờ. Vua Gia Long là người đã viết lời tựa cho bộ luật. Trong lời tựa nhà vua đã nhấn mạnh vào tính cách Việt Nam của bộ luật. Lời tựa rằng: “Trẫm cậy nhờ liệt thánh linh thiêng phù hộ mà dẹp yên bọn tiếm loạn, thống nhất non sông. Việc cai quản đất nước thường lấy giáo hóa làm đầu, mà công việc hình luật càng phải quan tâm đến hơn. Xem lại sách luật hình của các đời, thì thấy đời Lý, Trần, Lê của nước Việt ta, đời nào cũng có điển chế pháp luật của thời ấy. Thế nhưng đầy đủ nhất phải kể đến đời Hồng Đức. Các đời Hán, Đường, Tống, Minh của Bắc triều, sách luật lệnh đời nào cũng có sửa đổi và hoàn bị nhất là đời Thanh. Trẫm bèn sai các quan trong triều chuẩn theo pháp điển luật lệnh các triều, tham khảo thêm luật lệnh thời Hồng Đức và của nhà Thanh cân nhắc, tuyển chọn xem điều nào đáng dùng, điều nào đáng bỏ, rồi biên tập lại thành sách” (Ngày 12 tháng 6 năm Gia Long thứ 11-1812) (Lời tựa HVLL).
Trong bản in khác đời Tự Đức cho in lại bản tấu của quan tổng tài Nguyễn Văn Thành trong sớ tấu dâng lên vua Gia Long năm 1812 cũng nói rõ: “…Lần giở xem bộ luật nhà Thanh, đức thánh thượng nhận thấy trong ấy đã gom hết luật pháp của nhiều triều đại, tổng kết thành pháp luật cho mỗi triều vua đều hết sức sáng tỏ, chặt chẽ. Khi ấy Thánh thượng ra lệnh cho triều thần là hạ thần đây, tham cứu qua bộ luật nhà Thanh, rồi rút lấy những điều ứng dụng được soạn thành một bộ luật riêng hầu dùng trong nước nhằm giúp cho mọi người cùng biết …”
Qua lời tấu của ông chúng ta càng thấy rõ hơn về bộ luật HVLL, trên tinh thần cơ bản là dựa vào luật nhà Thanh, nhưng đều có lựa chọn những điều luật cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Đương nhiên chúng ta đều biết rõ nền tảng pháp luật ấy là pháp luật của thời kỳ phong kiến, nó có sự kết hợp giữa “phép vua” với “lệ làng”. Và cả phép vua lẫn lệ làng đó đều dựa trên đạo lý Khổng Mạnh, kết hợp với đạo lý nhân nghĩa cổ truyền Việt Nam.
Nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển của văn hoá pháp lý Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử đều dễ dàng nhận thấy: bên cạnh “luật nước”, “luật làng” luôn giữ một vị trí quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội ở các làng, xã Việt Nam. Pháp luật nhà nước và lệ làng (hương ước) dường như luôn là những hành trang pháp lý cho các thế hệ người Việt Nam trụ vững và phát triển trong mọi thăng trầm của lịch sử. Điểm lại các giai đoạn phát triển của dân tộc ta suốt mấy nghìn năm qua, đặc biệt từ thuở ông cha dựng nền độc lập, các vương triều Việt Nam đã xây dựng và thực thi nhiều bộ luật lớn, vẫn tích cực duy trì, và tôn trọng các hương ước, lệ làng và xem đó là những công cụ điều chỉnh quan trọng để duy trì mối quan hệ giữa quốc gia, dân tộc và các cộng đồng làng xã. Hương ước, lệ làng là môi trường văn hoá pháp lý đặc thù vừa để phát huy hiệu lực của luật nước và vừa hạn chế luật nước trong mối quan hệ bảo lưu các nét đặc trưng của lối sống cộng đồng ở một quốc gia nông nghiệp. Những điều luật trong các bộ luật lớn tuy là của quốc gia, song nó lại là cơ sở để làng xã định ra điều ước của địa phương mình. Thực tế nhà nước có luật nước thì làng xã có lệ làng. Các lệ làng đó là công cụ điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội, để quản lý làng xã, đồng thời nó là sự biểu hiện dung hoà giữa tục lệ và luật pháp. Các nhà làm luật khi làm luật cũng đều phải căn cứ vào những luật tục lệ làng như vậy để đưa ra những điều luật cho phù hợp với xã hội Việt Nam.
***
Nghiên cứu tìm hiểu về luật cổ Việt Nam, chúng ta có quyền tự hào về một di sản pháp luật mà thế hệ đi trước đã dành nhiều công sức và trí tuệ để xây dựng và ban hành. Luật Gia Long cho dù chủ yếu sao chép từ luật Đại Thanh nhưng nó vẫn được xem là bộ luật hoàn chỉnh và quan trọng, là tập đại thành của toàn bộ nền pháp luật thời Nguyễn. Bộ luật với các chương mục, các điều luật lệ rõ ràng đã phản ánh trình độ lập pháp trong giai đoạn này. Những nghiên cứu sơ bộ về mối quan hệ giữa hai bộ luật cả về nội dung và hình thức văn bản, hy vọng sẽ là nguồn tham khảo để các nhà luật học, nhà sử học có thêm một góc nhìn mới về bộ luật.
PNH
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cổ luật Việt Nam Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ. 2009. Hà Nội: Nxb. Giáo dục Việt Nam.
2. Cổ luật Việt Nam thông khảo.1972. Nxb. Sài Gòn.
3. Đại Việt sử ký toàn thư. 2003. Hà Nội: Nxb. Văn hóa thông tin.
4. Insunzu Yu. 1994. Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII. Hà nội: Nxb. Khoa học xã hội.
5. Luận Ngữ. 1950. Sài Gòn: Nxb Trí Đức Tùng thư.
6. Nguyễn Ngọc Nhuận (chủ biên), Lê Tuấn Anh, Trần Thị Kim Anh. 2006. Một số văn bản điển chế và pháp luật Việt Nam, Tập 1 (từ thế kỉ XV đếnXVIII). Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội.
7. Nguyễn Q. Thắng. 2002. Lược khảo Hoàng Việt luật lệ. Hà Nội: Nxb. Văn hóa thông tin.
8. Những vấn đề văn hóa – xã hội thời Nguyễn. 1995 Nxb. Khoa học xã hội.
9. Nguyễn Phương Nam (chủ biên). 1997. Những vấn đề lịch sử và văn chương triều Nguyễn. Sài Gòn: Nxb. Giáo dục.
10. Thư mục Nho giáo Việt Nam. 2007. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.
11. Trương Vĩnh Khang. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, No3/2007. Tìm hiểu tư tưởng của Lê Thánh Tông về pháp luật.
12. Vũ Quốc Thông. 1973. Pháp chế sử Việt Nam. Nxb. Tủ sách ĐH Sài Gòn.
13. Vũ Văn Mẫu. 1975. Cổ luật VN và Tư pháp sử diễn giảng, Nxb. Sài Gòn.
14. 何成軒. 2007年在越南 “國際儒教研討會” 論文. 儒家思想對黃越律例的影響
15. 大清律例。法律出版社 1999年版。pdf.
16. 黃越律例, Thư viện,Viện NC Hán Nôm, ký hiệu VHv.2627
17. 黃越律例, Thư viện Khoa học xã hội, ký hiệu HNv.178