Học Cách Ứng Xử Trong Mâm Cơm Của Người Việt – CultureMagazin®

Ngày nhỏ đi học, tôi thường được dạy rằng “Học ăn, học nói, học gói, học mở.” Ngày ấy chỉ nghe biết vậy, chẳng hiểu mà cũng chẳng để tâm cho lắm. Lớn rồi mới thấm thía câu nói của ông cha, mới hiểu vì sao trước tiên phải “học ăn” cho đúng.

Chẳng ghi vào sách vở, chẳng có một quy định rõ ràng nhưng những nguyên tắc ứng xử xung quanh bữa cơm gia đình đã trở thành quy luật bất thành văn, tồn tại tự ngàn đời nay. Rồi từ trong mâm cơm gia đình đi ra ngoài xã hội, cách hành xử khi dùng bữa đã trở thành tiêu chuẩn để đánh giá cốt cách của một người, là biểu hiện của sự tinh tế trong văn hóa ứng xử.

Thế mới hiểu vì sao nết ăn là nết người. Chính vì thế, tìm hiểu cách ăn sao cho đúng là vô cùng quan trọng.

Sự tinh tế trong cách sắp xếp

Món chính trong bữa ăn của người Việt là cơm, nên người ta cũng quen dùng từ nay để chỉ các bữa trong ngày: Cơm sáng, cơm trưa, cơm tối. Về cơ bản, mâm cơm của người Việt bao gồm: Cơm, món mặn, món rau (xào), món canh. Trong bữa ăn phải có đủ thực vật, động vật, có món thanh, món mặn để hài hòa nhau.

Mâm cơm của người Việt thường là hình tròn, vừa là để tượng trưng cho sự sum vầy, vừa là để các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau. Trên mâm cơm, các món ăn được đặt lên cẩn thận, chén đũa ngăn ngắn và nhất định phải có một chén nước chấm ở giữa. Các món rau, món mặn thì được để trong đĩa, món canh để ra tô còn cơm thì để nguyên trong nồi (khác với nhiều gia đình hiện nay thường lấy cơm ra tô riêng).

Cách sắp xếp chỗ ngồi trong bữa ăn cũng rất tinh tế. Phụ nữ trong nhà thường sẽ ngồi cạnh nồi cơm để lấy cơm cho mọi người. Đặc biệt, nếu khách đến nhà thì thường để khách ngồi gần món họ thích và tránh để khách ngồi cạnh nồi cơm. Vì khi xưa, nhà nghèo thường không đủ ăn, sẽ rất khiếm nhã nếu vị khách thấy ít cơm không dám và cũng làm xấu mặt gia chủ.

Văn hóa dùng đũa

Người Việt có thói quen dùng đũa trong bữa ăn. Dù có sự du nhập trong cách ăn bằng dao và nĩa, nhưng thói quen dùng đũa khi dùng bữa đã ăn sâu vào nếp sống của người Việt. Ngày bé thì dùng muỗng, lớn hơn một xíu đã bắt đầu được học dùng đũa để ăn. Một số nguyên tắc khi dùng đũa mà bất cứ người Việt Nam nào cũng thuộc nằm lòng như:

  • Trước khi ăn cần so đũa, tức là chọn ra những đôi đũa bằng nhau, đúng chiều và chia cho mỗi người một đôi.
  • Cầm đũa phải để hai đầu đũa đều nhau, dùng 3 đầu ngón tay: ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa nhẹ nhàng cầm đũa.
  • Khi dùng đũa, không được gắp thức ăn bỏ trực tiếp vào miệng mà phải đặt vào chén trước, không dùng đũa xới lộn xộn đĩa thức ăn, không nhúng đầu đũa vào chén nước chấm.
  • Không dùng đũa riêng để khuấy vào tô canh chung, không mút đũa, không cắm đũa vào chén cơm vì đây là hành động kiêng kị, chỉ dành cho người chết.
  • Khi muốn gắp thức ăn cho người khác, phải đảo ngược đầu đũa cho lịch sự, không nối đũa khi gắp đồ ăn.

Văn hóa khi ngồi ăn cơm

Hình ảnh từ trang Pandafood.com.vnHình ảnh từ trang Pandafood.com.vn

Người Việt đề cao sự lịch sự trong bữa ăn, thế nên những nguyên tắc khi ngồi ăn cơm luôn được coi trọng:

  • Trước khi ăn cơm phải mời mọi người. Có nhiều gia đình truyền thống thì phải mời theo thứ tự từ lớn nhất. Một số dịp quan trọng phải đợi người chủ nhà tuyên bố lý do mới bắt đầu dùng bữa.
  • Không ăn trước người lớn tuổi, chờ bề trên bưng bát lên mình mới được ăn. Nếu là khách không gắp đồ ăn trước chủ nhà hay người chủ bữa cơm.
  • Không nên ngồi quá xa hoặc quá gần mâm cơm, tư thế ngồi ngăn ngắn. Ngồi theo sự chỉ dẫn của chủ nhà. Khi ngồi trên chiếu, không được nhấc mông để nhoài người lấy thức ăn.
  • Không để tay dưới bàn nhưng cũng không chống tay lên bàn, phải cầm chén và đũa, khi chưa cầm chén thì phần cổ tay đặt trên bàn nhẹ nhàng.
  • Không thổi thức ăn nóng mà phải múc chậm phần nguội hơn ở sát thành bát đĩa, không được chóp chép miệng khi ăn.
  • Tuyệt đối không chê món ăn dù không hợp khẩu vị, không được gắp liên tục một món và không để thừa thức ăn và cơm trong chén.
  • Ăn từ tốn, không vừa ăn vừa nói, không để thức ăn dính lên mặt, không làm vương vãi thức ăn.
  • Khi đang ăn mà có việc riêng cần xin phép mọi người rồi mới rời mâm. Khi dừng bữa phải thông báo với những người khác.

Nết ăn là nết người, do đó, cần phải giữ phép lịch sự và tôn trọng những quy tắc trong bữa ăn. Mặc dù ngày nay, nhiều gia đình đã thoáng hơn trong cách ăn uống, không quá khắt khe, nguyên tắc nhưng phép lịch sự luôn được đặt lên hàng đầu. Thế mới thấy nét tinh tế trong văn hóa của người Việt.