Học hỏi Google phương pháp xây dựng văn hóa doanh nghiệp tốt nhất
Gã khổng lồ công nghệ Google luôn được biết đến là nơi có văn hóa làm việc độc đáo từ cơ sở vật chất đặc biệt dành cho nhân viên đến cách tiếp cận sáng tạo giữa lãnh đạo và cấp dưới. Năm 2021, Comparably đã vinh danh Google với chín giải thưởng, bao gồm giải thưởng “Văn hóa toàn cầu tốt nhất năm 2021” và “Địa điểm tốt nhất để làm việc ở Los Angeles 2021”.
Nhưng điều gì làm cho văn hóa của Google trở nên độc đáo như vậy? Google không có công thức bí mật. Tất cả những điều này là kết quả của quá trình thử nghiệm và không ngừng tiến bộ.
Mục lục bài viết
MỖI NHÂN VIÊN LÀ MỘT PHẦN KHÔNG THỂ THIẾU CỦA “GOOGLE FAMILY”
Mỗi năm, Google tuyển dụng thêm hàng nghìn người nên việc tạo ra một môi trường thân thiện giúp những nhân viên mới dễ dàng hòa nhập và cảm thấy bản thân là một phần quan trọng trong tổ chức là điều vô cùng cần thiết.
Google đã xây dựng một nơi làm việc mà mọi cá nhân đều cảm thấy rằng họ được đóng góp cho mục tiêu chung và tạo ra sự thay đổi. Google tạo điều kiện cho nhân viên khám phá cách họ muốn làm việc và cho họ quyền tự do trong môi trường để tiếp cận công việc theo cách phù hợp với họ.
Văn phòng làm việc đầy sáng tạo của Google
Google có cơ cấu tổ chức phẳng, trong đó khuyến khích tất cả nhân viên chia sẻ tiếng nói của họ với bất kỳ lãnh đạo ở cấp bậc nào. Điều này có nghĩa là một nhân viên cấp dưới có thể chia sẻ ý kiến hoặc mối quan tâm của họ trực tiếp với Giám đốc điều hành mà không có bất kỳ sự phản đối nào từ người quản lý trực tiếp của họ.
Hơn hết, hằng năm Google cũng luôn theo dõi sự hài lòng và hạnh phúc của nhân viên thông qua Googlegeist. Đây là cuộc khảo sát ý kiến đánh giá của tất cả nhân viên Google về văn hóa công ty, lương thưởng, người quản lý, cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cơ hội nghề nghiệp…
KHUYẾN KHÍCH ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
Google luôn cố gắng tạo ra một môi trường nơi nhân viên được tự do thể hiện sự sáng tạo của mình. Ở đó nhân viên có thể đưa ra các giải pháp mới cho cùng một vấn đề…
Một trong những cách Google thường làm là liên tục tổ chức các phiên họp và các cuộc nói chuyện ngắn gọn, nơi họ khuyến khích nhân viên suy nghĩ sáng tạo, giải phóng khả năng sáng tạo và đưa ra những ý tưởng đổi mới.
“Chúng tôi có sứ mệnh vượt thời gian, luôn gìn giữ các giá trị văn hóa lâu bền của công ty đồng thời khám phá thêm những điều mới mẻ giúp bạn cảm thấy thú vị khi đi làm mỗi ngày”, email của Sundar Pichai gửi tới nhân viên Google từng viết.
Google cũng là một trong những công ty đầu tiên thực sự hiểu được nhu cầu của nhân viên. Họ đã để nhân viên khám phá cách họ muốn làm việc và cho phép họ đăng ký một lịch trình làm việc linh hoạt phù hợp với điều kiện để giải phóng khả năng sáng tạo và nâng cao năng suất.
Ngoài ra họ còn được khuyến khích làm việc trong bất kỳ môi trường nào họ thích: khu vực tiếp khách, quán cà phê…. Bất cứ nơi nào nhân viên có thể tập trung và làm việc tốt nhất thì đó là nơi mà Google muốn họ ở đó.
MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC VUI VẺ
Từ phòng cắt tóc chuyên nghiệp đến phòng tập thể dục và hồ bơi, từ những khoang ngủ ngắn để nạp lại năng lượng cần thiết đến các trung tâm chăm sóc sức khỏe, từ khu trò chơi điện tử đến những bữa ăn chất lượng mà miễn phí, Google đều phục vụ tận tình tất cả những tiện ích này cho nhân viên ngay tại nơi làm việc. Thậm chí Google còn cho phép nhân viên của mình mang theo thú cưng khi đi làm.
Google tạo ra một môi trường làm việc vui vẻ cho nhân viên
Tạo ra một nơi làm việc khiến nhân viên thích làm việc trong nhiều giờ là một nhiệm vụ khó khăn với mọi doanh nghiệp. Tuy nhiên, gã khổng lồ công nghệ này lại thực sự thành công khi tạo ra một môi trường làm việc sáng tạo và vui vẻ cho nhân viên của mình.
Điều này làm tăng hiệu suất làm việc theo nhóm, cải thiện năng suất của nhân viên và giúp họ thoát khỏi không gian phòng làm việc nhàm chán, phòng họp buồn tẻ hay môi trường công ty trang trọng. Vì vậy, dù thường xuyên phải làm thêm giờ thậm chí cả cuối tuần, nhân viên tại Google vẫn khẳng định họ thực sự thích đi làm.
XÂY DỰNG VĂN HÓA DOANH NGHIỆP THEO CÁCH RIÊNG
Kể từ khi bắt đầu, Google đã quản lý nhân viên của mình theo cách rất khác biệt. Công ty này luôn khuyến khích một nền văn hóa học hỏi và chia sẻ kiến thức.
Google tin rằng học tập là quyền của mỗi nhân viên, và việc giảng dạy là trách nhiệm của toàn bộ công ty.
Mạng dạy học g2g “Googler to Googler” có hơn 6000 nhân viên của Google. Các tình nguyện viên của cộng đồng này giúp đỡ đồng nghiệp của họ bằng cách dạy các kỹ năng chuyên môn (lãnh đạo, thuyết trình trước đám đông hay đàm phán), cung cấp các cuộc tư vấn 1: 1 và chuẩn bị tài liệu học tập. Tại Google, những loại chương trình này tạo ra một môi trường học tập mạnh mẽ ngay trong công ty.
Mặc dù những đặc quyền cùng mức lương lý tưởng mà mọi nhân sự đều mong muốn đạt đến có thể khiến công ty phải trả chi phí lớn, nhưng nó không là gì so với số tiền tiết kiệm được từ việc giảm bớt số lượng nhân viên bỏ việc và tiết kiệm chi phí đào tạo người mới của gã công nghệ khổng lồ.