HỘI LÀNG NGÀY XUÂN NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CAO ĐẸP

Trong đời sống cộng đồng làng xã người Việt Quảng Trị, có lẽ không một làng nào là không có hội làng/lễ hội riêng của làng mình. Hội làng là hình ảnh thu nhỏ bộ mặt làng xã người Việt; là sản phẩm kết tinh từ tâm hồn, trí tuệ, tài năng, cốt cách và đạo lý của bao thế hệ trong quá trình sống, lao động, xây dựng và bảo vệ quê hương; nó luôn có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong đời sống cũng như trong bản sắc văn hoá của người Quảng Trị. Mỗi hội làng mang một ý nghĩa, một sắc thái riêng, nhưng nó hòa chung vào “dòng chảy lễ hội” của quê hương, đất nước; đó là niềm tin vào tâm linh, ngưỡng vọng, tưởng nhớ về tổ tiên, với đạo lý tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn”; là nơi bảo lưu, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống cao đẹp cho lớp lớp cháu con tự bao đời.

1. Hội làng ngày xuân

Từ bao đời nay, đối với người Việt Quảng Trị thì mùa xuân luôn là mùa của lễ hội, trước đây có rất nhiều làng tổ chức hội xuân, tuy không bề thế và nổi tiếng như các hội xuân ở miền Bắc, nhưng hội xuân trong các làng xã thực sự là những ngày hội náo nức của người dân Quảng Trị vào các dịp đầu năm mới. Đây là lúc mọi người tham gia các nghi lễ long trọng nhất do dân làng tổ chức để cúng bái, tế lễ, ngưỡng vọng về các vị thần linh, các bậc tiền nhân đã có công với làng, với nước; sau đó cùng hòa mình vào các trò chơi dân gian vui nhộn, được tắm mình trong bầu không khí đầm ấm của tình làng nghĩa xóm, để thư giản tinh thần sau một năm lam lũ kiếm sống. Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh, nghề nghiệp của từng làng để tổ chức hội xuân cho phù hợp; tuy nhiên thời gian thường được tổ chức trong các ngày Tết, từ một tuần lễ đến mười ngày, thậm chí có nơi còn kéo dài cho đến hết tháng hai âm lịch.

Mùa xuân, là lúc đất trời giao hòa, thiên nhiên tươi tốt, lòng người hân hoan đón chào năm mới. Ở nhiều làng xã, hội làng ngày xuân gắn liền với lễ Đại tự kỳ an/kỳ yên tại đình làng, ngoài mục đích cúng Thành hoàng, các vị thần, các bậc tiền hiền có công khai canh, lập làng, còn mang ý nghĩa tâm linh cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu, dân an vật lợi. Làng Long Hưng (xã Hải Phú) tổ chức lễ Đại tự kỳ an vào sáng mồng một; làng Cổ Lũy (xã Hải Ba) tổ chức lễ rước lộc đầu năm vào sáng mồng một; làng Gia Đẳng (xã Triệu Lăng) tổ chức đại lễ vào ngày 29 và 30. Tại đây, dân làng cùng con cháu xa gần hội tụ về để dự lễ tất niên và cùng nghênh đón minh niên tại đình làng. Làng An Trung (thị trấn Cửa Việt) tổ chức lễ Cảnh quân vào Rằm tháng giêng. Làng Hội Yên (xã Hải Quế) tổ chức lễ Đại tự kỳ an vào sáng ngày 13 tháng Giêng…

Trong hội xuân của nhiều làng thì giữa phần lễ và phần hội tuy không được nhất quán theo không gian, thời gian và cũng không theo một quy trình chặt chẽ nhưng lại có các trò chơi và trò diễn khá đặc biệt mang tính chất hội nghề nghiệp và phản ánh ý thức luyện nghề của từng địa bàn làng xã.

Những hội làng tiêu biểu của người Việt mưu sinh bằng nghề nông, lấy nông nghiệp làm nguồn sống chủ đạo phải kể đến: Hội đua thuyền truyền thống của Làng Lam Thủy (xã Hải Vĩnh), làng An Thơ (xã Hải Hòa), làng Trung Yên, An Dạ, An Lợi (xã Triệu Độ)… Hội cù làng Nam Phú (xã Vĩnh Nam), làng Cẩm Phổ, An Mỹ (Gio Mỹ), Làng Cổ Lũy (xã Hải Ba), Đông Dương (xã Hải Quế). Hội đu làng Hương Nam (xã Vĩnh Kim), làng Đặng Xá (xã Vĩnh Lâm), làng Thử Luật (xã Vĩnh Thái) làng Gia Đẳng (xã Triệu Lăng). Hội ném còn làng Đặng Xá (xã Vĩnh Lâm). Hội vật làng Xuân Viên (xã Hải Dương)… Người dân ở các làng quê thường tổ chức các trò chơi, trò diễn trên vào dịp đầu năm mới, hay bước vào vụ mùa mới như là một phần của hoạt động mang tính tâm linh: Đua thuyền là nghi lễ tạ ơn Thủy thần, cướp cù là lễ tạ thần Mặt trời, giành ánh sáng cho nông nghiệp, cho nghề nông; tất cả nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng được bội thu. Đây là nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu được trong đời sống tín ngưỡng của “trông trời, trông đất, trông mây, trông mưa, trông nắng” của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.

Sức sống mạnh mẽ của đất và người miền biển nghìn đời nay vẫn vậy, luôn đan xen, hòa quyện hài hòa giữa đất trời với biển cả và không thể thiếu tín ngưỡng tâm linh về làng nghề: nghề biển. Với lễ hội Cầu ngư, tuy tổ chức không thống nhất về mặt thời gian, nhưng đều được diễn ra vào tiết Xuân để chuẩn bị vào mùa cá nam – vụ chính của ngư dân vùng Quảng Trị: Làng Hà Lộc (Thị trấn Cửa Việt), thị trấn Cửa Tùng tổ chức vào ngày mồng ba và mồng bốn Tết. Làng Long Hà (Thị trấn Cửa Việt), làng Thâm Khê, làng Trung An (xã Hải Khê) tổ chức Cầu ngư vào Rằm tháng Giêng. Làng Tùng Luật (xã Vĩnh Giang), xóm Vụng làng Hà Lộc, làng Mai Xá (xã Gio Mai), làng Phú Hội (xã Triệu An), làng Mỹ Thủy (xã Hải An), … đều tổ chức lễ vào Rằm tháng Hai. Đây là lễ hội dân gian truyền thống tồn tại rất lâu đời, thể hiện giá trị văn hóa tín ngưỡng vô cùng độc đáo của ngư dân làm nghề đánh bắt trên biển Quảng Trị. Lễ hội cầu ngư phản ánh đời sống văn hóa tinh thần phong phú và những tín ngưỡng mang màu sắc huyền bí trên sông nước được tổ chức hàng năm nhằm cầu trời yên biển lặng, được mùa cá tôm cho những chuyến đi biển bình yên, cầu cho cuộc sống người dân no đủ, quốc thái dân an. Trong lễ hội Cầu ngư, ngoài phần lễ diễn ra trang trọng, tôn nghiêm thì phần hội là những trò chơi dân gian thể hiện những nét đẹp của văn hóa tinh thần người dân vùng biển. Đó là các hội Đấu vật của làng Trung An, làng Thâm Khê (xã Hải Khê); Múa đăng đóng nổi tiếng của làng Mỹ Thủy (xã Hải An); Chèo cạn, kéo co dưới nước, hội thi đan lưới… của làng Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch), làng Thâm Khê (xã Hải Khê), làng Phú Hội (xã Hải An)… Tất cả nhằm đề cao tinh thần thượng võ, sự đoàn kết tương trợ lẫn nhau, rèn luyện kỷ năng, sức khỏe để phục vụ cho nhu cầu lao động và giải tỏa tinh thần sau những ngày bám biển xa khơi. 


 Hội vật làng Thâm Khê, Hải Khê, Hải Lăng (Ảnh Cái Thị Vượng)

Các làng Vĩnh Phước, Đại Áng, Trung Chỉ, Lập Thạch (thành phố Đông Hà) Mai Xá (Gio Mai), Giang Hến (thị trấn Ái Tử), Trung Yên, An Lợi (Triệu Độ) và làng Quảng Xá (xã Vĩnh Lâm)… sinh sống quanh hạ lưu sông Thạch Hãn, Hiếu Giang, Sa Lung… từ xa xưa đã hình thành một nghề thủ công truyền thống rất đặc trưng: nghề cào hến. Vào ngày Rằm tháng hai âm lịch, những người dân làm nghề tổ chức lễ nghinh rước và giổ tổ. Đây là dịp khởi đầu mùa cào hến trong năm. Từ khoảng 3 giờ sáng, nhân dân các làng từ Mai Xá, Giang Hến, Lập Thạch… chèo thuyền ngược dòng Thạch Hãn đến làng Phường Hến/Giang Hến, sau đó kết thuyền lại giữa dòng sông, khấn vọng vị tổ nghề và rước tổ nghề về làng. Bài văn tế tổ nghề cào hến của nhiều làng với nội dung chung chung, không nói rõ lai lịch, hành trạng, công tích vị tổ là ai, tên gì mà chỉ cầu cho hến sinh sôi, nảy nở ngày càng nhiều lên. Mãi đến giờ ngọ, các bè rước mới về đến bến sông của làng mình để hòa nhập vào không khí rộn ràng, vui vẻ của lễ hội. Các trò chơi dân gian lễ giổ tổ nghề cào hến chủ yếu là đua ghe/bơi trải được tổ chức hàng năm, nhưng cứ ba năm thì tổ chức lớn để quy tụ nhiều ghe đua cả vùng. Với mục đích cầu làm ăn thuận lợi, may mắn, tạ ơn vị tổ nghề đã truyền dạy và cầu cho loài hến sinh sôi, phát triển ngày càng nhiều đã đi vào sâu thẳm trong tâm thức của những người hành nghề cào hến: “Rằm tháng hai cầu rạy 1, rằm tháng bảy cầu an”.

Đặc biệt phổ biến nhất trong hội xuân ở các làng là các loại hình thi thố tài năng, trí tuệ, những lối chơi, cách chơi nghệ thuật, thể hiện bản sắc văn hóa cộng đồng. Điển hình là hội bài chòi, cờ chòi ở các làng Ngô Xá Tây (xã Triệu Trung), Cổ Thành (xã Triệu Thành), Đại An Khê (xã Hải Thượng), Hưng Nhơn, An Thơ (xã Hải Hòa),  Hà Trung (xã Gio Châu), Hà Thượng (thị trấn Gio Linh), Điếu Ngao (thành phố Đông Hà), Tùng Luật, Cổ Mỹ (xã Vĩnh Giang), Nam Phú (xã Vĩnh Nam), Lâm Cao (xã Vĩnh Lâm)… Đây là các trò chơi giải trí lành mạnh, là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là phương tiện giao lưu tình cảm bền chặt, gắn bó cố kết cộng đồng bởi vì họ chính là người tổ chức, người chơi, người xem; lại là các nghệ nhân sáng tác, biểu diễn. Họ chính là những nông dân mộc mạc chân chất trong cuộc sống lao động bổng hóa thành những diễn viên, những nghệ sỹ chân đất biểu diễn trong các hội chơi.

Lễ hội chợ đình Bích La (xã Triệu Đông) là một phiên chợ quê hiếm có chỉ họp mỗi năm một lần vào đêm mồng 2 rạng ngày mùng 3 Tết Nguyên Đán. Đây thực chất là một hoạt động hội làng truyền thống mà ở đó quan hệ giao lưu, trao đổi hàng hóa được thể hiện dưới góc độ của mối quan hệ mang tính tập tục, văn hóa chứ không đơn thuần mang tính kinh tế, thương mại. Cũng cần phải nói rằng, người làng Bích La đã dành những thứ tốt nhất, đẹp nhất và tinh túy nhất để bày bán trong phiên chợ này. Đó có thể là mớ rau tươi còn thơm mùi đất, dăm ba bó chè xanh ngắt còn đẫm sương đêm, những buồng cau chi chít quả hay giản đơn là dưa, cà, mắm muối…; nhưng hết thảy, đó phải là sản vật do chính người Bích La và dân quanh vùng tự làm ra. Hầu như họ không mang hàng hóa đến đây để bán kiếm lời mà người bán cốt để cầu may, người mua cốt để lấy lộc đầu năm. Mọi người đến chợ ai cũng muốn xua đi cái xui rủi năm cũ để đón may mắn, tài lộc, tình duyên… của năm mới. 

2. Hội làng: những giá trị văn hóa truyền thống cao đẹp

– Hướng về cội nguồn

Hướng về cội nguồn là đạo lý, là truyền thống “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” quý báu của dân tộc. Hội làng là hiện tượng văn hóa tâm linh, là nơi giao hòa giữa cõi thiêng và thế giới trần tục, giữa đạo và đời, giữa thần thánh và con người. Lúc này, tại đình làng tập trung những sự kiện quan trọng nhất mang ý nghĩa tôn vinh cao quý nhất, những hình tượng thiêng liêng nhất để dâng lên các vị thần – nhân vật hội tụ những phẩm chất cao đẹp, được dân làng tấn phong và thờ cúng với tấm lòng đầy biết ơn và ngưỡng vọng.

Hội làng là sự hội tụ cao độ của tinh hoa văn hóa, trở thành một sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng, hàm chứa những giá trị văn hoá – nhân văn cao đẹp. Đó là sự tích hợp những giá trị văn hoá dân gian truyền thống, đậm sắc màu tâm linh, được phô diễn trong ngày hội tế thần; là dịp để cháu con tìm về cội nguồn, dòng tộc tiên tổ, hướng về kỳ tích, ôn lại những chiến công của các anh hùng dân tộc, của cha ông trong quá trình dựng nước và giữ nước. Đó là sự tôn trọng quá khứ, tôn vinh các bậc tiền nhân, từ đó góp phần bảo lưu những giá trị văn hóa dân tộc, giá trị nhân văn cao đẹp.

– Hun đúc, kết tinh, bảo tồn, sáng tạo những giá trị truyền thống

Hội làng không chỉ là tấm gương phản chiếu nền văn hóa, mà còn là nơi hun đúc, kết tinh, bảo tồn làm phong phú thêm và ngày càng phát huy nền văn hóa cao đẹp của dân tộc. Trong những ngày này, mọi lo toan đời thường được gỡ bỏ để lòng người mở cửa đón xuân. Cuộc sống yên bình chốn làng quê như thức tỉnh bởi tiếng chiêng trống náo nhiệt, đón mọi người hân hoan, tụ hội đến chốn trang nghiêm dự lễ. Hội làng là nơi con người hóa thân vào văn hóa và văn hóa đã làm biến đổi con người. Một “bảo tàng sống” được hồi sinh, sáng tạo, trao truyền mà nhất quán các giá trị văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hội làng chính là tâm điểm của cái nôi văn hóa, mọi thuần phong mỹ tục được kết tinh, chọn lọc của cha ông ngàn đời được phản ánh trong lễ hội.

Lúc này không khí thiêng liêng hòa quyện với đời sống hiện thực vui tươi mà trong sáng, hân hoan. Người dự hội luôn hướng đến tâm linh, ứng xử lễ độ, tôn quý nhau trong ngôn từ, hành động. Ăn mặc, đi đứng, nói năng đầy văn hóa; những gì hay nhất, đẹp nhất của mọi người hầu như tập trung tại đây, thông qua sự tham gia của các thành viên, lan tỏa trở lại cộng đồng; đó chính là lúc con người bảo lưu, gìn giữ, trao truyền, chuyển tải và phát triển truyền thống văn hoá của làng mình một cách hữu hiệu nhất, đúng thời cơ và hiệu quả nhất.

– Góp phần cố kết cộng đồng, kết nối quan hệ xã hội

Hội làng có một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống của dân làng. Từ xa xưa, hội làng đã trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa dân gian, một món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân ở mọi vùng quê. Ở đó thể hiện tính cộng đồng sâu sắc, là đỉnh cao của sự hòa hợp, đoàn kết, hướng con người vào tập thể, đề cao ý thức cộng đồng vì một ước nguyện chung cho sự phồn vinh của làng xã.


Hội chơi bài chòi làng Ngô Xá Tây – Triệu Trung (Ảnh YT)

 

 

Người tham gia lễ hội lại là người tổ chức, sáng tác, thể hiện, hưởng thụ các giá trị văn hóa và tín ngưỡng tâm linh một cách sâu sắc nhất. Do vậy, hội làng bao giờ cũng cũng thấm đượm tinh thần dân chủ và nhân văn sâu sắc. Khi con người đắm mình vào lễ hội thì mọi ích lợi cá nhân, toan tính đời thường bị xóa mờ; ranh giới giàu nghèo không còn hiện hữu, phân biệt, họ luôn lấy sự hòa đồng, sự quây quần sum họp làm niềm vui, vì khi cùng chia sẻ với nhau nỗi hân hoan, buồn bực thì người ta sẽ cảm thấy niềm vui dường như được tăng lên bội phần, nỗi buồn sẽ dần vơi cạn. Tất cả ai cũng như ai, cùng nhau nắm tay đoàn kết để hưởng thụ những giá trị văn hóa cao đẹp của cộng đồng. Thông qua hội làng mọi người được gắn bó bền chặt, là lúc tập hợp sức mạnh tinh thần và vật chất của mọi thành viên, nó giống như một chất keo kết dính, gắn kết con người trong làng xã trở thành một sức mạnh cộng đồng, làng xóm. Đây là dịp tốt nhất để cộng đồng cư dân trên khắp địa bàn giao lưu với nhau, nó thể hiện qua sự giao hiếu, giao hảo giữa các làng và các địa phương.

– Là dịp để mọi người vui chơi, giải trí, thư giản, tạo tinh thần sảng khoái bước vào năm mới

Tham gia lễ hội là nhu cầu tinh thần của con người, thể hiện sự điều tiết đời sống tâm lý của cá nhân và cộng đồng. Các sinh hoạt văn hoá trong lễ hội đem lại niềm vui, sự hưng phấn cho người dân, tạo tâm thế vững tin trước cuộc sống mưu sinh sắp tới.

Trước anh linh của các vị thần, của các bậc tiên tổ, mọi người ai cũng có thể giải bày những phiền muộn, lo âu; cầu nguyện năm mới mọi đều may mắn vì họ tin rằng các vị thần sẽ che chở, giúp rập để tránh tai ương, rủi ro và đem lại nhiều điều may mắn, tốt đẹp đến với gia đình mình, với bà con làng xóm.

Đến hội làng là lúc mọi người được vui chơi, giao lưu, gặp gỡ và hòa mình chung vào lễ hội. Người đi hội không ai đứng ngoài cuộc, họ phải hóa thân, nhập thân vào các trò chơi, trò diễn; nhất là các trò diễn giải trí, thi thố tài năng, hứa hẹn mang những điều tốt đẹp, may mắn đến với dân làng. Thông qua lễ hội để thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng, khơi dậy nguồn sáng tạo, cùng nhau rèn luyện sức khỏe để xây dựng cuộc sống mới.               

Trải qua hàng trăm năm lịch sử, hội làng vẫn giữ nguyên sức cuốn hút, hấp dẫn người dân; bởi hội làng là tinh hoa văn hóa Quảng Trị, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, làm cho thế hệ hôm nay thấu hiểu, tri ân đối với công lao của tổ tiên, hun đúc thêm tinh thần yêu nước, lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương, góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc./.

                                                                                                                                                                       Cái Thị Vượng

 

1 Cầu rạy là tín ngưỡng phồn thực,  mong muốn loài hến sinh sản ngày càng nhiều.