Hội nghị dân tộc học Quốc gia năm 2022: “Văn hóa tộc người trong xây dựng cộng đồng quốc gia – dân tộc Việt Nam hiện nay”
Văn hóa dân tộc Việt Nam và văn hóa của các tộc người luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, xác định là động lực – nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế – xã hội và “soi đường cho quốc dân đi”. Trong Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2021 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2026, Đảng ta đã chỉ rõ “Gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Xây dựng, phát huy yếu tố văn hóa để thực sự là đột phá phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế. Khơi dậy tinh thần yêu nước, tính cộng đồng, ý chí tự cường, tự hào dân tộc và khát vọng vươn lên…”
Việt Nam là quốc gia đa tộc người, đa văn hóa, mỗi tộc người đều có bản sắc văn hóa riêng, góp phần tạo nên tính đa dạng của văn hóa dân tộc Việt Nam vốn được hình thành trên cơ sở phát triển của cộng đồng quốc gia – dân tộc. Văn hóa luôn vận động trong quá trình giao lưu tiếp biến giữa các tộc người, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới và quá trình toàn cầu hóa thì sự giao thoa diễn ra mạnh mẽ, vì vậy văn hóa tộc người và văn hóa quốc gia cũng biến đổi không ngừng. Trên thực tế, nhiều giá trị văn hóa mới hình thành và phát triển nhưng cũng không ít giá trị văn hóa truyền thống đang dần phai nhạt trong quá trình hội nhập, và đây là quá trình diễn ra tự nhiên. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp trong quá trình phát triển đất nước và xây dựng cộng đồng quốc gia – dân tộc là chiến lược xuyên suốt không chỉ của nước ta mà còn của các quốc gia trên thế giới.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Dân tộc học cho rằng, với quan điểm coi văn hoá không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực phát triển kinh tế – xã hội, hoàn thiện nhân cách con người, Đảng và Nhà nước ta rất chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của các tộc người, coi đó là tài sản quý báu của toàn xã hội và là điều kiện quan trọng góp phần xây dựng nền văn hóa chung của quốc gia – dân tộc.
Đến nay về cơ bản những thể chế, thiết chế và chế định pháp lý về văn hóa của các tộc người, của quốc gia đã được xây dựng trên cả nước, kể cả cấp cơ sở ở những vùng miền núi, vùng tộc người thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng có đạo, nhất là trong các lĩnh vực văn hóa chính trị, văn hóa kinh tế, văn hóa pháp luật, văn hóa môi trường, văn hóa giáo dục, văn hóa tôn giáo tín ngưỡng,… Đặc biệt, nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn.
Các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hóa phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu mới, nhiều mặt của đời sống xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn, phát huy. Văn hóa trong chính trị và trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều giá trị văn hóa của các tộc người tiếp tục bị suy giảm, thay đổi, nhất là nảy sinh chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, mâu thuẫn cục bộ trong một số tộc người, tư tưởng định kiến dân tộc, vùng miền, gây nguy cơ chia rẽ, tâm lý lợi ích nhóm, cục bộ địa phương và tôn giáo,…
Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần. Ngoài ra, văn hóa còn thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, phản ánh sinh động tầm vóc công cuộc đổi mới, có tác dụng tích cực đối với con người,… Môi trường văn hóa, xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực.
PGS.TS. Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh, thực tế đó đòi hỏi tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu tổng kết, bổ sung, phát triển lý luận, thực tiễn về văn hóa tộc người, văn hóa quốc gia nhằm nhận diện, đánh giá các vấn đề mới về văn hóa của các tộc người ở nước ta hiện nay, góp phần xây dựng hệ thống cơ sở khoa học cho việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các tộc người đồng thời xây dựng văn hóa quốc gia – dân tộc Việt Nam. Trên cơ sở đó góp phần thực hiện chính sách phát triển bình đẳng các tộc người, phát triển quan hệ tốt đẹp của các tộc người với quốc gia – dân tộc, chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam.
PGS.TS. Nguyễn Văn Minh gợi mở và đề nghị hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận về một số nội dung trọng tâm như: (i). Các khái niệm, quan điểm, lý thuyết, phương pháp, định hướng/chủ đề/nội dung nghiên cứu, kết quả và hạn chế nghiên cứu về văn hóa tộc người và văn hóa quốc gia trong xây dựng cộng đồng quốc gia – dân tộc; (ii). Văn hóa tộc người và văn hóa quốc gia, biểu tượng,thiết chế văn hóa tộc người và biểu tượng, thiết chế văn hóa quốc gia…; (iii). Cách thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người và chính sách quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các tộc người nhằm xây dựng nền văn hóa quốc gia; (iv). Biến đổi văn hóa tộc người hiện nay; (v). Văn hóa tộc người với bản sắc tộc người, ý thức tộc người, cộng đồng tộc người và văn hóa quốc gia với ý thức quốc gia – dân tộc, cộng đồng quốc gia – dân tộc; quan hệ của các tộc người với quốc gia – dân tộc… trong xây dựng cộng đồng quốc gia – dân tộc; (vi). Văn hóa tộc người và vị thế của các tộc người trong xây dựng cộng đồng quốc gia – dân tộc; (vii). Các chủ thể văn hóa và các nguồn lực văn hóa trong ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế – xã hội hiện nay; (viii). Tác động của văn hóa tộc người, văn hóa quốc gia đến thực hiện chính sách dân tộc, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, chính sách bảo đảm quốc phòng an ninh quốc gia ở các tộc người, vùng miền, địa phương; (ix). Các yếu tố tác động đến văn hóa tộc người, xây dựng văn hóa quốc gia và xây dựng cộng đồng quốc gia – dân tộc hiện nay.
Các đại biểu phát biểu, trình bày tham luận tại hội nghị
Trên cơ sở gần 80 bài viết gửi đến Ban tổ chức, Ban tổ chức chọn được 47 báo cáo tham luận đưa vào kỷ yếu từ các nhà khoa học, nhà quản lý.Có 04 tham luận được trình bày tại hội nghị với các chủ đề: (1) “Về văn hóa quốc gia” của PGS.TS. Vương Xuân Tình, Viện Dân tộc học; (2) “Một số vấn đề về bản sắc quốc gia”, của TS. Nguyễn Công Thảo, Viện Dân tộc học; (3) “Văn hóa tộc người với việc xây dựng cộng đồng quốc gia – dân tộc ở các quốc gia Đông Nam Á: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, của PGS.TS. Dương Văn Huy, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; (4) “Văn hóa trong quan hệ tộc người với quốc gia – dân tộc ở vùng biên giới Việt – Trung hiện nay”, của TS. Lý Hành Sơn, Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam.
Bàn về văn hóa quốc gia, PGS.TS. Vương Xuân Tình, Viện Dân tộc học cho rằng, văn hóa quốc gia là những yếu tố, giá trị văn hóa có tính phổ quát cho tất cả các tộc người hay nhóm xã hội trong một quốc gia, thuộc phạm trù văn hóa chính trị. Nội hàm của văn hóa quốc gia gồm ngôn ngữ, các biểu tượng và thiết chế văn hóa của quốc gia. Đây là một thực thể, một loại hình văn hóa song hành với các thực thể, loại hình văn hóa khác, và cũng là một đơn vị phân tích. Mặc dù trên thế giới còn có ý kiến khác biệt, song không thể phủ nhận sự tồn tại và vai trò của văn hóa quốc gia. Loại hình văn hóa này có chức năng kết nối công dân thuộc các tiểu văn hóa như tộc người, tôn giáo hay nhóm nghề nghiệp, tạo thành nền văn hóa thống nhất trong đa dạng. Theo đó, văn hóa quốc gia góp phần tạo nên bản sắc quốc gia, tác động mạnh mẽ đến phát triển, đặc biệt trong đồng thuận xã hội và phát triển kinh tế – xã hội. Với vị trí và vai trò đã nêu, các quốc gia trên thế giới dù thuộc thể chế chính trị khác nhau đều chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa quốc gia. Ở Việt Nam, loại hình văn hóa này được quan tâm trong thực tiễn, song chưa được chú ý nghiên cứu, bởi vậy, cần nhận diện sâu sắc hơn.
Nhận xét về văn hóa tộc người ở Đông Nam Á, PGS.TS. Dương Văn Huy, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cho hay, các quốc gia Đông Nam Á đều có sự đa dạng về mặt văn hóa tộc người. Khu vực này có sự đa dạng về loại hình và số lượng các tộc người phong phú hàng đầu thế giới. Trong quá trình phát triển của các quốc gia trong khu vực, vấn đề cố kết, hòa hợp và đoàn kết dân tộc và xây dựng quốc gia – dân tộc thống nhất là một trong những mối quan tâm hàng đầu của bất kỳ chính quyền ở quốc gia nào. Có những quốc gia đạt được những thành công nhất định, song có những quốc gia đối diện với những thách thức rất lớn từ vấn đề dân tộc, nhất là sự gia tăng của vấn đề xung đột tôn giáo – sắc tộc ở nhiều nơi trong khu vực. Ngoài ra, sự tác động của các yếu tố bên ngoài khu vực, nhất là từ vấn đề tôn giáo, cũng như chính sách của những quốc gia là quê hương của những nhóm tộc người “phi nguyên trú” hay người di cư đến khu vực, cũng tác động đến vấn đề tộc người ở Đông Nam Á. Yếu tố đa dạng văn hóa tộc người ảnh hưởng mạnh mẽ tới xây dựng bản sắc quốc gia – dân tộc ở một số quốc gia Đông Nam Á, nhất là những quốc gia mà vấn đề sắc tộc tương đối nổi trội như Malaysia và Singapore.
Tại hội nghị, các đại biểu, các nhà khoa học cũng thảo luận về một số nội dung khác như: Những vấn đề đặt ra trong xây dựng nền văn hóa quốc gia thống nhất trong đa dạng; triết lý, cách thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người và triết lý, chính sách quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các tộc người; biến đổi văn hóa tộc người hiện nay; văn hóa tộc người và vị thế của các tộc người trong xây dựng cộng đồng quốc gia – dân tộc; các yếu tố tác động đến văn hóa tộc người, xây dựng văn hóa quốc gia và xây dựng cộng đồng quốc gia – dân tộc hiện nay. Qua đó, đề xuất bài học kinh nghiệm, giải pháp trong xây dựng cộng đồng quốc gia – dân tộc hiện nay.
PV.