Hội nghị văn hóa 2021: Những vấn đề ‘nóng’ về phát triển văn hóa – văn nghệ
Trách nhiệm và sứ mệnh của đội ngũ văn nghệ sĩ là nặng nề nhưng rất vẻ vang. Các thế hệ văn nghệ sĩ – trí thức Việt Nam luôn trung thành với đường lối của Đảng, dưới ánh sáng của Luận cứ Hồ Chí Minh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, văn nghệ sĩ Việt Nam với tư cách là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa – tư tưởng luôn đồng hành cùng dân tộc, sẽ nỗ lực hết mình, tận hiến tài năng và tâm sức, đổi mới sáng tạo không ngừng vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển bền vững đất nước.
PGS TS Đỗ Hồng Quân – bí thư Đảng Đoàn, chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam
Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ sĩ đại diện các hội văn học, nghệ thuật…
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết:
Hưởng ứng và chào mừng Hội nghị văn hóa toàn quốc dự kiến diễn ra tại Hà Nội vào ngày 24-11, thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Từ Hội Văn hóa cứu quốc tới Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam – Những vấn đề hiện nay của sự phát triển văn hóa – văn nghệ”.
Theo ông Đỗ Hồng Quân, năm 2021 là năm đầu tiên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó có những vấn đề quan trọng về văn hóa – văn học nghệ thuật.
Đây cũng là năm bắt đầu của nhiệm kỳ X (2020 – 2025) của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, một chặng đường mới trên con đường phát triển tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp với những kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, thiết thực và toàn diện.
Hội thảo đã ôn lại truyền thống vẻ vang, những chặng đường lịch sử từ khi Đảng thành lập Hội Văn hóa cứu quốc (năm 1943), Hội Văn nghệ Việt Nam (tháng 7-1948) đến Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam ngày nay, những thành tựu, hạn chế và bài học.
Theo ông Quân, sau khi “Đề cương về văn hóa Việt Nam” do Tổng bí thư Trường Chinh khởi thảo, được Trung ương Đảng thông qua năm 1943, thì cũng trong năm đó (tháng 4-1943) Hội Văn hóa cứu quốc được thành lập.
Đến năm 1948 cùng với việc đổi tên Hội Văn hóa cứu quốc thành Hội Văn hóa Việt Nam, Hội Văn nghệ Việt Nam được thành lập và là thành viên của Hội Văn hóa Việt Nam, thành viên của Mặt trận Dân tộc thống nhất.
Đây là tổ chức tiền thân của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam ngày nay. Đầu năm 1957, Hội Văn nghệ Việt Nam đổi tên thành Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam và cho đến năm 1995 được đổi thành Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam.
Theo dòng thời gian, liên hiệp đã trải qua 10 kỳ đại hội với các thế hệ văn nghệ sĩ đi theo cách mạng. Có thể kể đến tên tuổi các văn nghệ sĩ tiêu biểu, nổi tiếng, đứng đầu tổ chức hội như vị chủ tịch đầu tiên là nhà văn Nguyễn Tuân, kế tiếp đứng trong đội ngũ lãnh đạo hội là nhà văn Đặng Thai Mai, nhà thơ Huy Cận, nhà văn Nguyễn Đinh Thi, nhạc sĩ Trần Hoàn, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Phức, PGS họa sĩ Vũ Giáng Hương, nhà thơ Hữu Thỉnh…
Các đại biểu tham dự hội thảo đã trình bày tham luận và trao đổi ý kiến về những vấn đề đặt ra hôm nay cho sự phát triển văn hóa – văn nghệ, đội ngũ văn nghệ sĩ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Nhiều tham luận tại hội thảo đã khẳng định những đóng góp của văn học nghệ thuật đối với sự phát triển của đất nước như:
– Những vấn đề đặt ra cho văn nghệ sĩ nói chung, những người làm công tác văn hóa văn nghệ dân gian nói riêng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế của PGS.TS Lê Hồng Lý, chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam;
– Từ Đề cương văn hóa Việt Nam đến Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất và buổi đầu phát triển đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam;
– Nhiếp ảnh Việt Nam góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của ThS Nguyễn Thị Thu Đông – chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam…
Các tham luận và ý kiến phát biểu tập trung làm rõ:
– Thời cơ, thuận lợi, khó khăn thách thức đối với hoạt động văn hóa – văn nghệ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0;
– Thực trạng đội ngũ văn nghệ sĩ, tính kế thừa và phát triển;
– Nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tác, lý luận phê bình văn học nghệ thuật;
– Đảm bảo phát huy dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo, trân trọng tài năng, cá tính sáng tạo;
– Nâng cao trách nhiệm của văn nghệ sĩ trước công chúng, đất nước và thời đại…
Hội thảo cũng đưa ra kiến nghị của giới văn nghệ sĩ để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Đảng về văn hóa – văn nghệ, đưa các nghị quyết của Đảng vào đời sống…
Công nghiệp văn hóa: Sự thành bại của các quốc gia