Hội nhập bằng văn hóa
Sau khoảng 400 năm xuất hiện, bộ complet không chỉ là bản sắc riêng của Cung điện Versailles và vua Louis XIV của thế kỉ XVII. Một người bạn đã nói với tôi về phát hiện thú vị của anh ta: Theo tôi, suy cho cùng bộ complet và tiếng Anh đã trở thành lingua franca ngày nay) vốn dĩ cũng là bản sắc của một dân tộc, chỉ có điều bản sắc đó được lan tỏa khắp nơi, không còn của riêng một quốc gia nào nhưng sẽ không bao giờ bị vong bản, trong riêng có chung, vừa hòa đồng vừa riêng biệt.
Người viết cũng đã từng suy nghĩ: bên cạnh ngoại giao, kinh tế thì văn hoá cũng có một quy luật hội nhập riêng, văn hóa cũng chịu những tác động, những ảnh hưởng của quy luật xuất, nhập khẩu các giá trị như bất kì một lĩnh vực nào khác trong xã hội.
Còn nhớ, trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: “Công tác quản lý xuất nhập khẩu văn hóa phẩm chưa chặt chẽ dẫn đến để lọt sản phẩm văn hóa nước ngoài du nhập vào nước ta chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc, thậm chí có những sản phẩm độc hại” (Theo vietnamplus.vn).
Văn hóa là nguồn sức mạnh nội sinh – nguồn ảnh Trọng Hải Báo QĐND.
Sự bất cập trong nhập siêu văn hoá đã được nhiều học giả cảnh báo, từ đó chúng ta cũng lường trước được những nguy cơ dẫn đến tổn hại đến thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Biết và hành động chính là đối diện với một thách thức về sức đề kháng văn hoá, bản lĩnh văn hóa và những giải pháp hữu hiệu…
Cách đây chưa lâu, tôi từng có chuyến đi đến các làng bản với chiếc máy ảnh và giấc mơ về một bộ ảnh đẹp theo lời người bạn dặn dò: “Dễ ợt, cậu cứ lên vùng đồng bào chụp thật nhiều, hình thật nét là Ok”. Nhưng, khi tới nơi, điều khiến tôi thật sự bất ngờ, thay vì những ngôi nhà sàn gỗ bóng nước thời gian là trào lưu nhà sàn bê tông nóng hầm hập mùa hè và lạnh lẽo ngày đông. Ngay cả những vật dụng truyền thống như chiếc cốp đồ xôi, vò đựng rượu, đệm bông lau, ghế tre, mây… đều đã được “nhựa hoá”, “inox hoá”, “gỗ ép hóa”… theo trào lưu bổ, rẻ, hiện đại.
Cuối năm ấy, tôi lên vùng cao dự đám cưới của cậu học trò cũ người Mông nhưng chỉ còn thấy chú rể trong bộ vét cáu cạnh và cô dâu với váy đầm thuê ở một studio áo cưới dưới phố. Tôi không biết cậu ta còn nhớ những bài giảng văn hóa mình dạy không nên chỉ tự hỏi lòng mình: Lẽ nào sau thoát nghèo bền vững là thoát luôn cả bản sắc văn hoá dân tộc đã hình thành, đã gan góc bền bỉ qua ngàn năm binh đao, tao loạn; lẽ nào chúng ta cứ phải hoà mình vào sự giống, sự chung, phải độc tôn những giá trị văn hoá ngoại nhập mới đủ tiêu chuẩn để hội nhập chăng?
Nhưng thật ra, đó chỉ là câu chuyện của một bộ phận, một vài nốt lặng chứ không phải chủ âm, bức tranh tổng thể của văn hoá Việt. Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử, người Việt vẫn sống bằng tự tôn văn hóa, dù trải qua những thời điểm cuộc sống khó khăn nhất, chịu sức ép của hội nhập văn hóa lớn nhất.
Mới đây, trong kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41, diễn ra từ ngày 9 – 24/11/2021 tại Paris (Pháp) đã thông qua danh sách các Danh nhân văn hóa. Trong đó, hồ sơ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và kỷ niệm 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã được thông qua (cùng với 58 hồ sơ khác). Điều đó khiến chúng ta không khỏi tự bất ngờ và tự hào.
Nên nhớ rằng, vào thời đại của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, chữ Hán mới được coi là văn tự, văn chương quan phương ở cả Đại Việt và khu vực các nước đồng văn khác. Vậy mà những sáng tác của một nhà thơ Nôm lại được tôn vinh. Tương tự như thế, danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) sống vào thời kì mà văn hoá Pháp (và phương Tây) đang xâm nhập vào xã hội Việt Nam mạnh mẽ cùng với gót giày của đội quân viễn chinh xâm lược. Có lẽ chính bản lĩnh tự cường, tinh thần dân tộc trong thơ Nôm của ông vẫn để lại những giá trị văn chương, văn hoá mang tầm thời đại. Có lẽ chính bản sắc của ngữ âm, lối thơ, phong cách nghệ thuật, tầm tư tưởng và tính phát hiện… đã giúp hai nhà thơ này sống mãi với thời gian và sau nhiều thế kỉ đã được tôn vinh trong ngày hôm nay.
Đưa văn hóa lễ hội dân gian Việt Nam ra thế giới – nguồn ảnh Di lịch TP Hồ Chí Minh.
Không chỉ dừng ở đó, cách đây chưa lâu, trong khuôn khổ của Phiên họp thứ 33 của Hội đồng Điều phối quốc tế về Chương trình Con người và Sinh quyển (CIC MAB) diễn ra tại Nigeria từ ngày 13-17/9, Việt Nam có hai khu dự trữ sinh quyển là khu Núi Chúa (thuộc tỉnh Ninh Thuận hay còn gọi là “Rừng khô Phan Rang”) và Kon Hà Nừng (Gia Lai) được UNESCO công nhận là “Khu dự trữ sinh quyển thế giới”. Tuần qua, nghệ thuật Xòe Thái đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, kết thúc một năm đầy ắp các giá trị văn hoá của Việt Nam được thế giới tôn vinh, một năm đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ của văn hoá.
Phải chăng, đã đến lúc chúng ta tiếp tục hy vọng vào những di sản cấp quốc gia như: Mo Mường Hoà Bình, Lễ hội Gầu tào, Nghi lễ Cấp sắc của người Dao, Tranh dân gian Đông Hồ, Nghề làm gốm của người Chăm, Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng… nối tiếp trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có thể đó còn là chặng đường dài, còn phụ thuộc vào việc bảo tồn, phục dựng, quảng bá, sự lan tỏa của các giá trị văn hoá này. Tuy nhiên, đằng sau tất cả những câu chuyện đó là sự hội nhập văn hoá mạnh mẽ bằng các di sản, các giá trị. Chúng ta “xuất khẩu” văn hoá có nghĩa là chúng ta đã không còn bị lấn lướt, xâm thực, văn hóa đã trở thành “sức mạnh nội sinh” nâng tầm vị thế của quốc gia dân tộc. Đó cũng là những bước đi đúng hướng trên hành trình thực hiện
Trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đặt ra mục tiêu chung: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong đoạn trích trên, người viết đặc biệt chú ý đến “sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”, văn hóa không chỉ là tài nguyên, nguồn lực mà còn là sức mạnh cùng với an ninh, quốc phòng, góp phần bảo vệ tổ quốc. Từ những gì đã nêu trên, có thể nhận ra.
1. Khi chúng ta đưa một di sản văn hóa đến với nhân loại bằng sự công nhận chính là sự hội nhập bền vững, có chiều sâu. Tự thân văn hóa cũng nói lên nền tảng tư tưởng, sự tiến bộ, ưu việt của chế độ chính trị, sự ổn định phát triển của kinh tế, xã hội. Văn hóa sẽ là vị sứ giả tài năng và có tầm cỡ nhất trong mọi mối quan hệ.
2. Văn hóa và các di sản vật thể, phi vật thể cũng cần được thử thách trước xu thế hội nhập để những chủ nhân của nền văn hóa nhận ra những giá trị cần khai thác, phục dựng phong phú thêm, dày dặn hơn và những gì cần biến đổi để tiếp tục tồn tại trong bối cảnh mới.
Hội nhập văn hóa không phải là điều mới mẻ, không phải không bộc lộ những hạn chế nhưng khi chúng ta có hướng đi đúng đắn, chủ động sẽ giúp văn hóa có một sức đề kháng mạnh mẽ, có khả năng thích ứng, bắt nhịp cũng như giữ gìn tư tưởng, tình cảm và đạo lý dân tộc trong bất kì hoàn cảnh nào. Hội nhập văn hoá bằng di sản chính là khi cái riêng, cái khác biệt đến với cái chung để cộng đồng lớn hơn sẽ đa dạng và nhân văn, nhân ái hơn.