Hội nhập và giao lưu văn hoá của người Hoa ở Việt Nam (trên lĩnh vực tín ngưỡng-tôn giáo)
Mục lục bài viết
Hội nhập và giao lưu văn hoá của người Hoa ở Việt Nam (trên lĩnh vực tín ngưỡng-tôn giáo)
- 26/07/2012
Từ miền Nam Trung Quốc, nhiều thế kỷ qua, cộng đồng tộc người gốc Hán đã di dân đến nhiều nước khác nhau trên thế giới. Quá trình nhập cư và định cư của họ ở từng quốc gia phải chăng là một quá trình hội nhập vào cộng đồng nước sở tại qua hình thức giao lưu văn hoá, cố kết cộng đồng? Xu thế hội nhập ấy có làm cho cộng đồng người từ Trung Quốc đi các nơi mất đi bản sắc của dân tộc mình? Trường hợp tại Việt Nam, quá trình hội nhập của những cư dân từ phía Nam Trung Quốc sang sinh sống trên 3 thế kỷ nay ra sao? Đây là một đề tài rộng lớn, cần có sự nghiên cứu liên ngành trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Phạm vi bài viết này chỉ xét đến quá trình hội nhập và giao lưu văn hoá của họ trên lĩnh vực tín ngưỡng- tôn giáo.
1. Khái quát quá trình du nhập và định cư của người Hoa ở Việt Nam
Quá trình định cư của người Hoa ở Việt Nam, đặc biệt là ở Nam bộ, ít ra là đã trên 3 thế kỷ. Những cộng đồng tộc người từ Trung Quốc sang Việt Nam định cư đã dần hội nhập vào cộng đồng Việt, đã nhập quốc tịch ViệtNam, và từ đó họ mang tên gọi mới: người Hoa.
Người Hoa (1) là một dân tộc trong 54 cộng đồng tộc người ở Việt Nam, cư trú tại nhiều địa bàn khác nhau trong cả nước, như ở miền núi, nông thôn và biển. Thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long là những trung tâm thu hút người Hoa đến định cư khá đông. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 1999, cả nước có 862.371 người Hoa, trong đó tại thành phố Hồ Chí Minh đã có đến 428.768 , chiếm tỉ lệ 49,71% người Hoa cả nước. Hiện nay, ở Việt Nam, người Hoa sống tập trung tại một số tỉnh như Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hưng Yên, thành phố Hà Nội, Quảng Nam, Bình Thuận, Đồng Nai…
Ở Nam bộ, cộng đồng người Hoa bao gồm 5 nhóm ngôn ngữ : Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam và Hẹ. Họ sống xen kẻ với người Việt và hoà nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Có thể thấy sự phân bố của tộc người này ở Việt Nam qua một số vùng có đông người Hoa cư trú:
Duyên hải Nam Trung bộ 8.782
Tây Nguyên 21.165
Đông Nam bộ 581.950
Đồng bằng sông Cửu Long 199.778
( Nguồn: Tổng điều tra dân số năm 1999 của Tổng cục Thống kê. Hà Nội. Thống kê 2001)
Người Hoa đến Việt Nam vào nhiều thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, có thể kể đến một số đợt di dân lớn vào Việt Nam và Đàng Trong từ thế kỷ 17 đến nay như cuộc di dân của Mạc Cửu (Mac King Kiou) và gia đình đến vùng đất Mang Khảm (nay là Hà Tiên, thuộc tỉnh Kiên Giang) vào năm 1671. Năm 1679, nhóm các tướng Trung Hoa là Trần Thượng Xuyên (Trần Thắng Tài-Tchen Tchang Tchouen) và Dương Ngạn Địch (Yang Yen Ti) đổ bộ xuống Đà Nẳng. Chúa Nguyễn cho họ vào vùng đất phương Nam khai khẩn. Trần Thượng Xuyên định cư ở Biên Hoà –Cù Lao Phố (tỉnh Đồng Nai); Dương Ngạn Địch định cư ở Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang).
Đến thế kỷ 19, người Pháp tạo điều kiện cho người Hoa vào định cư ở Sài Gòn, Chợ Lớn….Năm 1949, Đảng Cộng Sản Trung Quốc giải phóng Trung Hoa, một số Quốc Dân Đảng chạy sang Đài Loan, và một số sang ViệtNam .
Như vậy, từ thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 20, người Trung Hoa đã sang Việt Nam thành 4 đợt lớn, bằng đường thủy và đường bộ. Hai khu vực cư trú lớn nhất ở Gia Định là làng Thanh Hà ở Biên Hoà và làng Minh Hương ở Chợ Lớn.
Ở thành phố Hồ Chí Minh, người Hoa có mặt hầu hết các quận, tập trung đông tại quận 5, 6, 11.
Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, người Hoa sống tập trung đông đảo tại các tỉnh Tiền Giang, An Giang, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau…
2. Những điều kiện lịch sử, xã hội và văn hóa tác động đến quá trình hội nhập
Trong quá trình sang Việt Nam sinh sống, những người từ Hoa Nam Trung Quốc đến định cư đã có được một số thuận lợi cơ bản góp vào việc thúc đẩy quá trình hoà nhập của cộng đồng họ vào cộng đồng Việt Nam. Đó chính là sự tương đồng trong văn hoá; tương đồng trong môi trường khí hậu thuỷ văn; quá trình định cư lâu dài đưa đến quan hệ hôn nhân hỗn hợp ; chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với Hoa kiều và người Hoa.
Việt Nam-Trung Quốc là hai quốc gia nằm kề cận nhau về lãnh thổ địa lý, vì vậy về mặt thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn đều có sự tương đồng trên những nét lớn. Sự đồng nhất về mặt địa lý đã tạo điều kiện đưa đến sự tương đồng về văn hóa. Nền văn minh lúa nước vẫn là yếu tố quan trọng chi phối tư duy của dân tộc hai nước. Những cư dân sống trên vùng núi cao và đồng bằng cận kề các con sông lớn như sông MeKong, sông Hoàng Hà, Dương Tử ở Trung Quốc; sông Hồng, sông Cửu Long ở Việt Nam, cũng hình thành trong tư duy họ nền văn minh du mục và văn minh sông nước.
Ngoài ra, quá trình định cư lâu dài ở Việt Nam của những di dân trong điều kiện xuất cư khỏi Trung Quốc mang tính riêng lẻ, ít đi theo dòng họ, gia đình đã tạo môi trường thuận lợi cho việc hình thành những cuộc hôn nhân hỗn hợp giữa người Trung Quốc và người Việt sau khi định cư và hội nhập vào cộng đồng mới. Một người Trung Hoa đã nhận xét trong luận án Tiến sĩ của mình rằng:
“ ít người nhập cư có thể mang theo gia đình. Phần đông họ lập gia đình tại chỗ bằng cách cưới một người vợ Việt Nam, vì sự đa thê là được chấp nhận ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam “ (Tsai Maw Kuey 1968 : 41).
Có thể thấy hôn nhân hỗn hợp đã là một yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình hội nhập, giao lưu văn hoá trong từng gia đình, cũng như còn được tiếp tục gắn kết sau khi sinh con cái.
Quá trình hội nhập của cộng đồng người từ Trung Quốc vào cộng đồng người Việt (Kinh) còn được thúc đẩy bằng nhiều chính sách qua các thời kỳ của chính quyền Việt Nam. Nhà Nguyễn đã ưu đãi Hoa kiều bằng chính sách giảm thuế cho thuyền buôn nhập cảnh. Người Trung Hoa chỉ phải nộp 2.000 đến 3.000 quan tiền, trong khi người Châu Âu phải nộp 8.000 quan (Quốc Sử quán triều Nguyễn: 223). Dưới các triều đại Minh Mạng, Thiệu Trị, và đến thời Pháp thuộc, nhìn chung các chính sách đưa ra đều thúc đẩy quá trình hội nhập cộng đồng Hoa vào cộng đồng Việt. Thời Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, hàng loạt các Sắc Lệnh, các Dụ như Sắc Lệnh số 10(2), số 52 (3) , Dụ số 48 (4) … đều tạo điều kiện cho những người Trung Hoa nhập quốc tịch Việt Nam. Hiện nay, Đảng và chính quyền cũng luôn tạo điều kiện cho các dân tộc sống theo phương châm: đoàn kết, hoà hợp, tương trợ và cùng phát triển.
Như vậy, thông qua những tương đồng về địa lý, lịch sử, về môi trường sống, hôn nhân hỗn hợp và chính sách của chính quyền đã thúc đẩy quá trình hội nhập của cộng đồng Hoa vào cộng đồng Việt. Có thể đi sâu tìm hiểu quá trình hội nhập này riêng trên lĩnh vực tín ngưỡng –tôn giáo.
3. Hội nhập văn hoá trên lĩnh vực tín ngưỡng-tôn giáo
Tín ngưỡng của người Hoa ở ViệtNam phong phú, đa dạng. Đặc biệt, các hình thức này được thể hiện rõ nét ở Nam bộ. Người Hoa tin có linh hồn, con người sau khi chết đi sẽ bị hình phạt hay khen thưởng tuỳ vào hành động, công đức của mình đang có trong kiếp hiện tại. Vì vậy, người Hoa đã tích cực thờ phụng nhiều thần linh trú ngụ thuộc nhiều cảnh giới khác nhau để cầu mong được nhiều sự hỗ trợ. Người Hoa thực hành tín ngưỡng nhưng là một dạng tín ngưỡng có pha tạp cả những yếu tố của tam giáo đồng nguyên (Khổng, Phật, Lão). Có thể xét các hình thức hội nhập này thông qua tín ngưỡng của người Hoa dưới nhiều góc độ: trong đời sống cộng đồng và trong gia đình.
Quá trình cộng cư nhiều thế kỷ qua giữa người Việt và người Hoa đã hình thành trong tín ngưỡng của người Hoa nhiều hình thức giao lưu văn hoá, thể hiện quá trình hội nhập của cộng đồng người Hoa vào cộng đồng Việt. Có thể thấy những biểu hiện này qua nhiều hình thức: kiến trúc, trang trí, nghi thức cúng lễ, các thần linh được thờ tự, qua lễ vật dâng cúng, qua lễ hội…
-Hội nhập văn hoá qua kiến trúc, trang trí
Tín ngưỡng trong đời sống cộng đồng người Hoa ở Nam bộ phong phú, thể hiện qua nhiều cung, miếu, điện, đàn, đường, từ đường, đền thờ họ… Đa số cơ sở được hình thành do từng nhóm Hoa thuộc một hoặc nhiều ngôn ngữ lập nên, như miếu của nhóm Hoa Quảng Đông, Miếu Nhị Phủ (thuộc hai phủ của người Hoa tỉnh Phúc Kiến là phủ Chương Châu và Tuyền Châu); Thất Phủ miếu (của cộng đồng Hoa thuộc 7 phủ lập nên).
Kiến trúc của các cơ sở thờ tự này cho thấy có sự chuyển biến từ rập khuôn theo mẫu Trung Quốc đến dần có yếu tố Việt. Buổi đầu, hầu hết vật liệu xây cất miếu đều được đưa từ Trung Quốc sang. Thời gian sau, khi người Hoa đã ổn định được cuộc sống nơi vùng đất mới, họ đã sử dụng nguyên vật liệu được sản xuất tại địa phương để trùng tu. Nhiều lò gốm tại Chơ Lớn đã được hình thành để đáp ứng nhu cầu này, như lò Bửu Nguyên, Đồng Hoà. Chứng tích các lò gốm còn được khắc nung và hiện còn lưu lại trên các mái miếu Thiên Hậu-Tuệ Thành hội quán, Tam Sơn hội quán ( quận 5); Quảng Triệu hội quán (quận 1-tp.HCM)… Những cột tròn chống đở mái có kê đá phía dưới của Nghĩa An hội quán, Phước An hội quán, Minh Hương Gia Thạnh (quận 5-Tp.HCM)… cho thấy đã có yếu tố Việt thể hiện qua kiến trúc, gần gũi với kiến trúc của đình làng Việt Nam, khác hẳn với các cột sơn son thếp vàng sặc sỡ theo văn hóa truyền thống Trung Hoa. Mặt khác, sân thiên tỉnh của hầu hết các cơ sỡ tín ngưỡng rập khuôn theo truyền thống Trung Hoa đều được đặt trước chính điện, như trường hợp của Miếu Thiên Hậu- hội quán Tuệ Thành; trong khi sân thiên tỉnh được thiết kế phía sau chính điện là đặc trưng trong văn hoá Việt, như trường hợp các ngôi chùa cổ của người Việt như chùa Phụng Sơn (quận 11-Tp.HCM); chùa Giác Lâm (quận Tân Bình-Tp.HCM ). Quá trình hội nhập, giao lưu văn hóa đã đưa đến việc xây dựng sân thiên tỉnh phía sau chính điện giống người Việt, như trường hợp đình Minh Hương Gia Thạnh, Nhị Phủ miếu (quận 5) của người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh …
Các yếu tố văn hóa của người Việt cũng thấy phổ biến trong trang trí tại các cơ sỡ tín ngưỡng Hoa. Người Hoa đã trang trí vào nơi thờ tự của mình những hoa văn như trái cây, con vật, những bài thơ lục bát vốn là sản phẩm đặc trưng trong văn hoá Việt. Hình tượng con cóc, con vật đã in đậm trong tư duy người Việt, cũng đã được chạm khắc vào đầu đao, vào bao lam của các miếu thờ thần linh của người Hoa như miếu Quan Thánh -hội quán Quảng Triệu ở thành phố Cần Thơ; Nghĩa An hội quán ở quận 5 tp.Hồ Chí Minh…Các loại cây trái ở Nam bộ như mãng cầu, thơm, dây bầu, dây bí… cũng được người Hoa tiếp thu dùng trang trí trên nóc của Thiên Hậu miếu-Tuệ Thành hội quán, hay trên các bao lam bàn thờ ở Phú Nghĩa hội quán (quận 5). Bài thơ từ biệt mẹ đi sứ nhà Thanh của Trịnh Hoài Đức đã được khắc trên bình phong chắn gió tại đình Minh Hương Gia Thạnh, bằng hai thứ chữ Việt – Hoa. Những câu thơ lục bát của nhà văn Nguyễn Đình Chiểu viết về Lục Vân Tiên đã được khắc ghi lại trong ngôi miếu của người Hoa Hải Nam, tức Quỳnh Phủ hội quán (quận 5 thành phố Hồ Chí Minh). Hình ảnh các anh hùng dân tộc như Hai Bà Trưng, như Lê Lợi…cũng được đưa vào làm nền trang trí cho các ngôi miếu Hoa như tại Nghĩa Nhuận hội quán (quận 5) đã cho thấy có sự đan xen, giao lưu và hội nhập văn hoá Hoa-Việt trong các cơ sở thờ tự của người Hoa, đặc biệt là tại các cơ sở do người Minh Hương xây dựng.
Nhà thờ Đức Bà Hoà Bình (quận 1) thể hiện giao lưu văn hoá Hoa –Việt rõ nét qua câu chữ Hán khắc trên mặt cửa “ Cư nhân do nghĩa” (Ở hiền do nghĩa khí); “ Đức vì lân” (Lấy đức mà đối xử với mọi người). Kiến trúc của các hội thánh Tin Lành vẫn theo kiến trúc nhà thờ của cộng đồng người Việt, chỉ khác ở tên nhà thờ, thông báo và lời kinh ghi bằng chữ Hán.
– Hội nhập văn hoá qua các thần linh được thờ tự
Người Hoa thờ tự nhiều đối tượng khác nhau, thể hiện vũ trụ quan và nhân sinh quan đa dạng. Nhìn chung, đối tượng thờ tự của người Hoa bao gồm 3 cõi: Thiên-Địa -Nhân. Ở mỗi nhóm cộng đồng, người Hoa cũng có một số đối tượng thờ tự khá khác biệt. Như trong nhóm Hoa Quảng Đông, ngoài hai vị Quan Thánh Đế Quân và Thiên Hậu Thánh mẫu, còn thờ thêm Diêu Trì Kim mẫu, Phùng Tướng Công…Hay trong nhóm Hoa Phúc Kiến, còn thờ phổ biến Quảng Trạch Tôn vương; nhóm Hoa Triều Châu thờ Tề Thiên Đại Thánh…
Khi đến định cư tại một vùng đất mới, ngoài Thiên Hậu Thánh mẫu đã phò trợ cho người Hoa trong suốt cuộc hành trình trên biển sang Việt Nam được bình yên, người Hoa thường thờ Bắc Đế, Quảng Trạch Tôn vương, Ông Bổn…là những vị thần (Bắc Đế) có khả năng trừ diệt ma quái, các thế lực xấu; đem lại bình an cho người mới đến (Quảng Trạch Tôn vương, Ông Bổn…) giúp cho vùng đất đang định cư được tốt đẹp, bình an (Phúc Đức Chính Thần)… Ở vùng Sóc Trăng, trong cộng đồng người Hoa Triều Châu, bà Thiên Hậu còn được gọi dưới tên Bà Mã Châu (Mazhu), ảnh hưởng phong cách tạc tượng thờ ở Ma Cao và Đài Loan: bà Mã Châu có nét mặt đen và tay cầm lệnh bài đưa ngang vai.
Trong các thần linh đa dạng, phong phú của người Hoa, ta có thể nhận thấy gồm nhiều thể loại như nhiên thần(Thiên Phụ Địa mẫu, Tài Bạch Tinh Quân, Ngọc Hoàng Thượng Đế…); nhân thần (Quan Công, Thiên Hậu, Từ Hy Thái Hậu, Bảo Sanh Đại đế, Trương Tiên sư…); thần thuỷ giới (Thuỷ mẫu, Long mẫu nương nương, Long vương…) ; thần ở âm giới (Thập Điện Diêm vương); thần động vật (Hổ, Rồng, Ngựa, Cá..); thần thực vật (mộc);thần đá (Thái Sơn Thạch Cảm Đương); thần bảo sanh (Kim Huê nương nương, Lâm Thủy phu nhân, Cửu Thiên Huyền Nữ, Quan Am…); thần kiết tường (Phúc, lộc, thọ; Thần tài; Hoa công Hoa bà; Thần nghề nghiệp ( nông nghiệp: Thần Nông),( Bán thịt : Trương Phi), (thuốc: Hoa Đà), (mộc: Lỗ Ban ); ( kim hoàn: Huê Quang đại đế)…
Ngoài ra, người Hoa cũng lập nhiều từ đường, nơi đặt bài vị của thân nhân quá vãng và đền thờ dòng họ, hàng năm có tổ chức lễ giỗ, quy tụ những người cùng một họ đến gặp gỡ, nhằm thắt chặt thêm tình đoàn kết tương trợ trong những người cùng một ông Tổ.
Những bài vị có tên hội viên bằng chữ Việt và tên chữ Hán tại ngôi miếu Thanh An cung (Bình Dương); Minh Nghĩa hội quán; Thất Phủ Hoà An Hậu Minh Hương hội (Tây Ninh ); Nghĩa Nhuận hội quán (tp.HCM); những bàn thờ Tiền hiền, Hậu hiền, Tả ban, Hữu ban (Phú Nghĩa hội quán –quận 5 tp.HCM; Phước Minh cung (thị xã Trà Vinh)…thể hiện một quá trình hoà hợp, hội nhập và giao lưu giữa hai tộc người. Các hội quán của người Minh Hương là nét đặc trưng, tiêu biểu cho quá trình đó.
Điều đặc biệt thú vị còn thấy có ở tỉnh Sóc Trăng, huyện Vĩnh Châu, nơi được xem như khu vực tiêu biểu cho quá trình hội nhập và giao lưu văn hoá giữa các cộng đồng tộc người được thể hiện rõ nét nhất trong quá trình cộng cư giữa người Hoa với người Việt và người Khmer. Khá nhiều ngôi miếu thờ Neak Tà (một dạng thổ thần của người Khmer) ở xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu đã có thêm một bài vị ghi chữ “Thần” bằng chữ Hán vào trong ngôi miếu thờ của người Khmer. Tại huyện Mỹ Xuyên tỉnh Sóc Trăng, nơi cư dân người Hoa sống cộng cư với người Khmer còn cho thấy ảnh hưởng tín ngưỡng thổ thần của người Khmer trong miếu của người Hoa. Trong sân Thiên Hậu miếu của người Hoa ở Mỹ Xuyên cũng thờ thổ thần bằng phiến đá phủ vải đỏ nhưng trước động đá này ghi 3 chữ Hán: “Thạch thần cung” và cặp đối chữ Hán hai bên nơi thờ.
Trong những gia đình có hôn nhân hỗn hợp giữa người Hoa nói ngôn ngữ Triều Châu với người Khmer đã diễn ra tình trạng đặc biệt khi giao tiếp : trong một câu nói đã sử dụng ba thứ tiếng: Việt, Hoa, và Khmer.
Hình thức thờ cúng trong các ngôi miếu Hoa thể hiện mối quan hệ, giao lưu văn hoá Hoa-Việt khá rõ nét. Có nhiều vị thần của người Việt đã được đặt thờ trang trọng trong các ngôi miếu Hoa như Chúa Xứ Thánh mẫu, như Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh… Nhiều hội quán như Minh Hương hội quán, Phước An hội quán (Tp.HCM); Minh Nghĩa hội quán, Thất Phủ Hoà An Hậu Minh Hương hội (Tây Ninh ), Vĩnh Triều Minh hội quán (Bạc Liêu); Phước Minh cung (Trà Vinh)… là kết quả của mối quan hệ Hoa-Việt nhiều thế kỷ, được thể hiện trong tổ chức hội quán, trong thành phần hội viên và cả trong hôn nhân giữa hai dân tộc tại nhiều vùng ở Nam bộ.
Tên gọi miếu cũng phản ánh quá trình hội nhập của cộng đồng người Hoa vào cộng đồng Việt. Phước Minh Cungở Trà Vinh là một di tích phản ánh khá rõ nét quá trình chuyển từ ngôi miếu của cộng đồng người Phúc Kiến trở thành nơi thờ tự của những người Phúc Kiến lai Việt (Minh Hương). Từ buổi đầu, nơi đây là một ngôi miếu nhỏ thờ rồng và hổ. Sau đó chuyển thành miếu thờ Bổn Đầu Công, tên gọi dân gian là chùa Ông Bổn, nơi thờ Phúc Đức chính thần. Trong quá trình phát triển, ngôi miếu đã chuyển thành nơi thờ Quan Thánh Đế Quân trên bàn thờ ở vị trí trung tâm. Phước Minh Cung là trụ sở của hội Tương Tế người Hoa, là hội quán của nhóm người Phước Kiến và Minh Hương nên có tên gọi là Phước Minh cung (Phước =Phước Kiến; Minh =Minh Hương; cung= Nơi ngự của Quan Thánh Đế Quân). Bên trong tiền điện, hai bên đặt bàn thờ Tiền hiền, Hậu hiền, thay vì đây là vị trí của Thần Cửa (Môn Quan Vương Tả) và Phúc Đức chính thần như nhiều ngôi miếu Hoa khác ở Nam bộ.
Quá trình hội nhập dần đưa đến xu hướng Việt hoá rõ nét hơn nữa khi khảo sát trường hợp chùa Minh, còn có tên gọi là chùa Minh Hương, chùa Vĩnh Triều Minh, Thành Hoàng cổ miếu, Vĩnh Triều Minh hội quán ở thị xã Bạc Liêu. Tại đây, tên gọi Vĩnh Triều Minh hội quán cho thấy có sự hội nhập của cộng đồng người Hoa Triều Châu với người Minh Hương tại làng Vĩnh Lợi.Vĩnh Triều Minh hội quán là trụ sở hoạt động của Hội Tương Tế Minh Hương của làng.
(Vĩnh=Vĩnh Lợi; Triều=Triều Châu; Minh =Minh Hương). Tại chính điện Thành Hoàng cổ miếu này, đặt tượng thờ thần Thành Hoàng, là vị thần cai quản khu vực đất đai, vốn là hình thức tín ngưỡng phổ biến trong cộng đồng người Việt. Trước tượng thờ thần Thành Hoàng còn có bàn Hội Đồng để thờ và đặt phẩm vật dâng cúng cho tất cả các chư vị.
Tại Phú Nghĩa hội quán (quận 5-tp.HCM) bàn thờ trung tâm dành cho Trần Thượng Xuyên, vị tướng có công đưa những người từ Hoa Nam Trung Quốc vào khai phá ở Nam bộ. Người Hoa thờ ông dưới dạng bậc tiền hiền và xem ông là vị thần Thành Hoàng Bổn Cảnh. Do ảnh hưởng của tín ngưỡng Thành Hoàng của người Việt, trong Phú Nghĩa hội quán, Trần Thượng Xuyên được thờ bằng bài vị ghi chữ “Thần” bằng chữ Hán, không có tượng cốt. Trần Thượng Xuyên còn được vua Tự Đức ban sắc phong tặng vào năm 1853, nội dung sắc thần giống như nội dung sắc đang được lưu giữ trong các ngôi đình của người Việt.
Đồ thờ cúng trong thần điện của người Hoa luôn có 5 pháp khí, còn gọi là bộ ngũ sự, gồm : lư trầm, hai đồ cắm đèn cầy, một dĩa đựng trái cây và một để cắm bông hoa; nhưng một số miếu Hoa đã ảnh hưởng thần điện của người Việt, chỉ có bộ tam sự, gồm 3 món: lư trầm hoặc lư hương ở giữa ; hai bên là giá cắm đèn cầy, như tại đình Phong Phú (quận 8), đình Minh Hương Gia Thạnh; Phước An hội quán (quận 5 tp.HCM)….Những đồ thờ như cặp qui-hạc (hạc đứng trên rùa) là hiện vật phổ biến trong các ngôi đình của người Việt cũng được đưa vào đình, miếu của người Hoa như tại Nghĩa Nhuận hội quán, Hà Chương hội quán (quận 5- tp.HCM) …
Trong gia đình, người Hoa cũng thờ cúng nhiều vị thần phò trợ như Thần Cửa, Thổ Thần, Táo Quân, Thiên Quan Tứ Phước, Tam quan Đại đế (Thiên quan, Địa quan; Thủy quan ); Ngũ phương thần (thần chủ quản hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung ương; hay Ngũ Đế (Thanh Đế, Xích Đế, Hắc Đế, Huỳnh Đế, Bạch Đế); ngũ phương còn được xem là Kim, Mộc, Thuỷ, Hỏa, Thổ; được nữ hoá thành Ngũ Hành nương nương; Thần hộ mệnh (Cửu Thiên Huyền Nữ, Quan Công, Quan Âm, Thần Tử Vi…)
– Hội nhập văn hoá thể hiện qua nghi lễ, lễ hội.
Cúng cầu an (cầu quốc thái dân an) là một trong những lễ cúng quan trọng của người Việt tại các ngôi đình làng, cũng được đưa vào tổ chức trong những ngôi đình do người Minh Hương xây dựng. Trình tự tiến hành lễ cũng như nghi thức hành lễ đều ảnh hưởng cách thức của ngôi đình người Việt. Đặc biệt, trong lễ cúng kỳ yên, người Việt lúc nào cũng gióng 3 hồi chuông, 3 dùi, nhưng tại đình Minh Hương Gia Thạnh của người Minh Hương đã qui ước nhau chỉ gióng 2 hồi, 2 dùi, dành lại 1 hồi, 1 dùi ngụ ý bày tỏ lòng nhớ ơn đất nước và con người Việt đã cưu mang, đùm bọc lưu dân người Trung Hoa được sống bình an nơi quê hương mới.
Tại các hội quán như Nghĩa Nhuận, Minh Hương Gia Thạnh… đều tiến hành nghi lễ trong trang phục truyền thống của người Việt là chiếc áo thụng màu xanh dương. Nghi thức và văn tế cũng được đọc bằng tiếng Việt.
Tại Thành Hoàng cổ miếu (thị xã Bạc Liêu), nghi thức cúng lễ diễn ra trong 3 ngày (24, 25, 26/7 âm lịch) như một buổi lễ cúng đình của người Việt. Ngày thứ nhất, cúng tế Thành Hoàng, tế Thiên Hậu, Phước Đức bá công, tế Tiền Hiền, Hậu Hiền…Ngày thứ hai dành cho khách thập phương đến chiêm bái. Ngày cuối dành cúng Cô Hồn và chẩn tế cho người nghèo.
Vị trí đặt bàn thờ tổ và bàn thờ Phật trong các ngôi chùa Việt ở Nam bộ theo quy cách “ Tiền Phật, hậu tổ” (phía trước thờ Phật, phía sau thờ Tổ) trong cùng một gian, đã được áp dụng trong các ngôi chùa Phật giáo của người Hoa như chùa Nam Phổ Đà (quận 6), Từ Ân (quận 11- tp.HCM )…
Các pho tượng đặt thờ như Quan Thế Âm bồ tát tại chùa Long Hoa (quận 8-tp.HCM) cũng phảng phất đường nét nhân chủng của thiếu nữ Việt Nam với khuôn mặt trái xoan, mũi dọc dừa…Tu sĩ sống trong các ngôi chùa Hoa hiện nay cũng có người Việt như chùa Long Hoa (quận 8), Hoa Nghiêm (quận Phú Nhuận)…
Những vị thần được hầu hết người Hoa thờ tự như bà Thiên Hậu, như Quan Thánh Đế Quân đều có tổ chức lễ Vía hàng năm. Trước đây trong ngày lễ vía, người Hoa còn tổ chức lễ diễu hành qua nhiều đường phố, tổ chức hoạt động văn hoá-nghệ thuật trong sân miếu, và cung nghinh tượng Bà ra sân thưỡng lãm văn nghệ. Những ngày hội lễ cũng có hát Tiều, hát Quảng. Tuy tuồng tích có nội dung từ Trung Quốc, nhưng vẫn hát tiếng Việt và diễn xuất theo nghi thức của người Việt. Nghi thức cúng lễ tại đền thờ dòng họ Mạc Cửu, người có công khai phá vùng đất mới Hà Tiên, đã được tiến hành theo nghi thức cúng đình của người Việt ở Nam Bộ.
Ngày nay, người Hoa chỉ còn duy trì tổ chức lễ diễu hành và đấu thầu đèn lồng tại một số địa phương, kêu gọi sự đóng góp kinh phí của bà con người Hoa, gây quỹ cho các hoạt động từ thiện-xã hội.
4. Một số nhận xét
Qua một số nét khái quát về tín ngưỡng và các loại hình tín ngưỡng của người Hoa ở Nam bộ cho thấy người Hoa tin và thờ cúng nhiều thần linh, thể hiện quan niệm của họ về vũ trụ và con người rất phong phú. Người Hoa cũng thể hiện trong tín ngưỡng của mình các hình thức vật linh giáo (Animism), bái vật giáo (fetichism) qua thờ đá, thờ mộc, thờ rồng, thờ hổ… Thế giới quan của họ bao gồm nhiều tầng, nhiều cõi. Người Hoa quan niệm thần linh có khả năng hỗ trợ, giúp đỡ người sống, vì vậy, người sống cần thờ tự nhiều vị thần để được ban phát nhiều phúc đức.
Qua các hình thức tín ngưỡng, cũng thể hiện xu thế Việt hoá trong quá trình hội nhập, sống cộng cư với người Việt. Hệ thống thần điện của người Hoa đã có khá nhiều thần linh thuộc tín ngưỡng của người Việt. Trên hệ thống thần điện ở vị trí trung tâm các ngôi miếu, từ việc thờ vị thần thuộc tín ngưỡng của người Hoa (Quan Thánh Đế Quân, Thiên Hậu, Ông Bổn..) đã dần chuyển sang thần của người Việt (Thành Hoàng).
Các hội quán, từ tên gọi như Thất phủ công sở (hội quán của những người thuộc 7 phủ), Hà Chương hội quán(Hội quán của nhóm người Phúc Kiến thuộc phủ Chương Châu)… dần đã có thêm Minh Hương hội quán, Vĩnh Triều Minh hội quán, Phú Nghĩa hội quán, Phước Minh hội quán, Minh Nghĩa hội quán, Thất Phủ Hoà An hậu Minh Hương hội… cho thấy đây là một quá trình chuyển từ cộng đồng Hoa sang cộng đồng Hoa- Việt.
Mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa các nhóm Hoa với cộng đồng Việt có khác nhau về tính chất, về mức độ đậm nhạt. Điều này tùy thuộc rất nhiều vào nhóm Hoa này là những người còn giữ nguyên nguồn gốc từ Trung Quốc sang hay đã trở thành những người Minh Hương trong quá trình phát triển. Những ngôi miếu do người Minh Hương xây dựng có mức độ giao lưu văn hoá được thể hiện đậm đặc, rõ nét hơn hẳn, bởi vì trong những cộng đồng này đã có những thành viên mang hai dòng máu Việt- Hoa.
Người Hoa đã thể hiện lòng hiếu kính với ông bà cha mẹ qua các dạng thờ cúng tổ tiên, thờ dòng họ và các từ đường. Những dấu ấn của các dạng thức cúng tế nhiều giấy tiền vàng bạc cho người chết, nay đã dần được chuyển sang làm phước thiện để cầu mong cho tổ tiên ông bà đã quá cố sớm được siêu thoát. Trong thực hành việc cúng bái, khá nhiều ban Trị sự miếu đã dần xây dựng được một lối sống văn hoá, kêu gọi người đến cúng bái dâng nhang cho thần linh có hạn, không đốt nhiều nhang khói làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khoẻ.
Trong thời gian tới, tuỳ vào điều kiện của từng địa phương, có thể khôi phục lại các lễ hội liên quan đến tín ngưỡng như lễ Vía Thiên Hậu Thánh mẫu, lễ Vía Quan Thánh Đế Quân…nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá của người Hoa, giáo dục cho cộng đồng về cách sống biết trọng nhân nghĩa, giúp đở cộng đồng và có nghĩa khí như hình tượng Quan Công và bà Thiên Hậu.
Như vậy, có thể thấy rằng, hội nhập, giao lưu văn hoá giữa tộc người Hoa với người Việt, người Khmer, là những cộng đồng cư dân sinh sống cận cư ở Nam bộ đã đưa đến một xu thế tất yếu, xu hướng hội nhập cộng đồng một cách hoà bình. Kết quả là văn hoá của người Hoa dần theo xu thế Việt hoá rõ nét. Tuy nhiên, do quá trình hội nhập mang tính cách hoà bình, không cưỡng bức, nên những nét riêng có, đặc thù, mang tính đặc trưng tộc người của người Hoa vẫn được lưu giữ. Điều này đã làm cho văn hoá người Hoa sau nhiều thế kỷ hội nhập vẫn còn giữ được nét độc đáo riêng có của mình, góp vào khu vườn văn hoá của dân tộc Việt Nam nhiều hương sắc, phong phú và đa dạng.
Tham luận Integration of chinese community in Vietnam trình bày tại Hội thảo quốc tế “Cultural Encounters between People of Chinese Origin and Local People” case studies from Philippines and Vietnam tổ chức tại Osaka 2006.
Đã in trong sách “Cultural Encounters between people of Chinese Origin and Local people: case studies from the Phlippines and Vietnam.”2006. Edited by Yuko Mio. Research Institute for Languages and Cultures of Asia and Africa (ILCAA). Tokyo University of Foreign Studies. pp.87-95.
Chú thích
(1) Tên chính thức: Hoa (1946)
Các tên khác: Hán, Xạ, Khách trú, Tàu, Việt gốc Hoa…(thời Ngô Đình Diệm); Hoa kiều hải ngoại (thời Mỹ)…
Trong ngôn ngữ phương Tây: Chinese (Anh ); Chinois (Pháp); Kitai (Nga)…
Ngoài ra còn có tên gọi Người Hoa ở Việt Nam; người Hoa Malaysia; người Trung Hoa Hồng Kông… để chỉ những người từ Trung Quốc di dân sang các nước.
Có thể đưa ra 5 tiêu chí xác định người Hoa :
-Có nguồn gốc Hán hay bị Hán hoa.
-Sống ổn định và thường xuyên ở nước ngoài.
-Đã nhập quốc tịch nước sở tại.
-Ít hoặc nhiều chưa bị đồng hoá.
-Tự nhận mình là người Hoa.
(2) Sắc Lệnh số 10 ban hành ngày 7/12/1955 quy định tất cả trẻ em sinh từ các cặp vợ chồng người Hoa- Việt sẽ có quốc tịch Việt Nam.
(3) Sắc Lệnh số 52 ban hành ngày 29/8/1956 quy định tất cả công dân Việt Nam phải có tên Việt Nam, nếu không sẽ bị phạt nặng.
(4) Dụ số 48 ban hành ngày 21/8/1956, điều 16 quy định người Hoa kiều nào có cha mẹ vốn gốc Trung Hoa sinh tại Việt Nam trước hay sau ngày ban hành Dụ này đều là người Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Lâm Tâm 1994. Người Hoa ở An Giang. Chi hội văn nghệ Dân gian An Giang. Hội Văn nghệ Châu Đốc.
Nguyễn Thế Anh 2002. Hoa kiều và sự định dân tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tạp chí Nghiên cứu Huế. Tập 4-2002, tr. 104.
Phạm Đức Dương-Châu Thị Hải (chủ biên) 1998. Bước đầu tìm hiểu sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa Việt-Hoa trong lịch sử. Nxb Thế Giới. Hà Nội.
-Quốc Sử quán triều Nguyễn 1976. Đại Nam thực lục chính biên. Tập 35. Nxb KHXH. Hà Nội.
-Tsai Maw Kuey 1968. Les Chinois au Sud Viet Nam. Paris . Đỗ Văn Anh dịch.
-Trần Hồng Liên (chủ biên) 2000. Vấn đề dân tộc và tôn giáo ở Sóc Trăng. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
-Trần Hồng Liên 2005. Văn hoá người Hoa ở Nam bộ. Tín ngưỡng & Tôn giáo. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội.