Hội nhập văn hóa Công giáo với văn hóa dân tộc trong Thư chung 1980
Khi công cuộc truyền bá Công giáo ở Việt Nam đạt được những kết quả bước đầu, Vatican đã quan tâm đến vấn đề hội nhập văn hóa. Năm 1659, nhân sự kiện Tòa thánh La mã thiết lập hai Giáo phận Tông tòa: Đàng Trong và Đàng Ngoài ở Việt Nam, hai Giám mục là Pallu và Lambert de Lamotte được Tòa thánh phái sang cai quản hai Giáo phận trên. Trước khi sang Việt Nam, họ được La mã qua Bản Huấn Thị 1659, yêu cầu tập trung thực hiện 4 điểm nền tảng sau: (1) Không nhúng tay vào lĩnh vực chính trị; (2) Tuân lệnh Rôma; (3) Đào tạo linh mục và giám mục người bản xứ; (4) Tôn trọng các nền văn minh và phong tục địa phương.
Huấn thị 1659 rõ ràng đã lường hết các công việc phải làm, trong đó có nội dung hội nhập văn hóa hay là Phúc âm hóa ở Việt Nam. Một giả định, nếu hai vị Đại diện Tông tòa cũng như các thừa sai dưới quyền điều hành của họ thực hiện nghiêm túc 4 nội dung, đặc biệt là nội dung thứ tư của Bộ Truyền giáo thì có thể xem bắt đầu từ thời điểm 1659 có sự hội nhập văn hóa Công giáo với văn hóa dân tộc.
Song, thực tế đã không diễn ra. Những lời khuyên nhủ đầy tinh thần hội nhập của Thánh bộ “đã bị bỏ lơ quá sớm”1. Huấn thị 1659 được xem là văn bản có tính cởi mở cuối cùng về phương diện hội nhập văn hóa. Phải đợi đến Công đồng Vatican II (1962 – 1965) vấn đề hội nhập văn hóa Công giáo mới được bàn đến theo tinh thần Canh tân và nhập thế. Công đồng Vatican II là công đồng đối thoại với xã hội trần thế, tôn trọng và hợp tác với các cộng đồng chính trị, tôn trọng những giá trị của các tôn giáo khác ngoài Kitô giáo, đối thoại với các nền văn minh nhân loại, cổ vũ sự hội nhập văn hóa Kitô giáo với văn hóa các dân tộc.
Hội nhập văn hóa Công giáo với văn hóa dân tộc nhìn từ trước khi có Thư chung 1980
Hoạt động truyền giáo vào Việt Nam buổi đầu dưới sự hướng dẫn của một số thừa sai Dòng Tên có một số biểu hiện của sự hội nhập văn hóa, thể hiện trong cư xử với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, trong một số nghi thức tín ngưỡng và phong hóa. Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) trong cuốn Phép giảng tám ngày, nhìn một cách tổng thể, các nội dung mà Đắc Lộ đề cập trong cuốn sách này phủ nhận tôn giáo, tín ngưỡng cũng như văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, trong Phép giảng tám ngày, Đắc Lộ đưa ra khái niệm Tam Phụ (thuyết Ba Cha) đan lồng vào đó quan niệm Thiên Chúa được xem là có sự hội nhập.
Người dân – tín đồ ở các làng quê, xứ đạo dưới các hình thức khác nhau, một mặt vẫn duy trì một số giá trị văn hóa truyền thống, mặt khác đưa yếu tố văn hóa truyền thống vào trong đời sống đạo, có sự kết hợp với văn hóa Kitô giáo, mà sau này có nội dung được gọi là “hội nhập văn hóa”, có nội dung được xem là “Lòng đạo đức bình dân”2.
Dưới ánh sáng của Công đồng Vatican II một số linh mục được xem là cấp tiến bắt đầu bàn đến việc hội nhập văn hóa Công giáo với văn hóa dân tộc Việt Nam. Họ bắt đầu nhìn ra “tính nhập cảng cứng nhắc” của công cuộc truyền tải Tin mừng trong nền văn hóa Việt. Trên nền tảng “Canh tân – nhập thế” của Công đồng Vatican II nhóm Thái Hòa lần lượt cho ra đời những tập sách mỏng bàn đến các chiều cạnh khác nhau về văn hóa truyền thống Việt để rồi từ đó đề cập đến việc tiếp thu như thế nào, vận dụng như thế nào trong Thánh lễ cũng như các hoạt động mục vụ mà Hiến chế Phụng vụ Thánh của công đồng cho phép. Những tập sách nhỏ về sau được tổ hợp thành hai tập với tựa đề Đạo Nhập thế. Tập I, phần mở đầu có đăng lời giới thiệu của Tổng Giám mục Phao lô Nguyễn Văn Bình.
Tuy nhiên cho đến thời điểm trước và những năm đầu sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975), vấn đề hội nhập văn hóa Công giáo với văn hóa dân tộc Việt Nam chưa được hình thành một cách rõ nét.
Hội nhập văn hóa Công giáo với văn hóa dân tộc nhìn từ Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam
Năm 1980, sau 5 năm đất nước thống nhất, các Giám mục của các Giáo phận Công giáo ở Việt Nam tề tựu ở Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thành lập một tổ chức có tên gọi Hội đồng Giám mục Việt Nam. Kết thúc, Hội nghị ra Thư chung, quen gọi là Thư chung 1980 Hội đồng Giám mục Việt Nam (Thư chung ban hành ngày 1/5/1980). Thông qua Thư chung, Hội đồng Giám mục Việt Nam xác quyết đường hướng hành đạo của Giáo hội Công giáo Việt Nam là: “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Thư chung cụ thể hóa đường hướng hành đạo bằng hai nội dung chính:
(1) Tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng Tổ quốc;
(2) Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc.
Nội dung thứ hai chính là việc Hội đồng Giám mục Việt Nam đề cập đến hội nhập văn hóa Công giáo với văn hóa dân tộc.
Để có được đường hướng hành đạo và được cụ thể bởi hai nội dung đề cập ở phần trên, trong đó có nội dung “hội nhập văn hóa” là một chặng đường hơn 300 năm của công cuộc truyền giáo ở Việt Nam. Chặng đường ấy trải qua biết bao khúc quanh, dựa trên nền tảng của Công đồng Vatican II, trên tinh thần của Giáo hoàng Gioan Phao lô II. Đặc biệt là qua những bài học thấm đẫm mồ hôi và cả xương máu của biết bao tiền nhân từ các thừa sai, các giáo sĩ người Việt cho đến tín đồ đi tiên phong mở lối.
Nhằm làm rõ hơn nội dung “hội nhập văn hóa” được đề ra ở nội dung thứ hai, Thư chung 1980 khẳng định Giáo hội Công giáo Việt Nam thực hiện điều mà Công đồng Vatican II tuyên bố: “Những gì tốt đẹp trong tâm hồn và tư tưởng của loài người hoặc trong nghi lễ riêng của các dân tộc, hoạt động của Hội Thánh không nhằm tiêu diệt, nhưng làm cho lành mạnh và kiện toàn, hầu làm vinh danh Thiên Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho con người”3. Muốn thế một đàng chúng ta phải đào sâu Thánh kinh và Thần học để nắm vững những điều cốt yếu của đức Tin, đàng khác phải đào sâu nếp sống của từng dân tộc trong nước, để rồi khám phá ra những giá trị riêng của mỗi dân tộc. Rồi từ đó chúng ta vận dụng những cái hay trong một kho tàng văn hóa và xây dựng một nếp sống diễn tả đức tin phù hợp hơn với truyền thống của mỗi dân tộc đang cùng chung sống trên quê hương và trong cùng Hội Thánh này.
Tinh thần của Thư chung là tinh thần của hội nhập văn hóa Công giáo với văn hóa dân tộc. Tinh thần ấy chính thức mở ra một đường hướng để rồi 41 năm qua về phương diện quan phương, Hội đồng Giám mục Việt Nam qua các Thư chung và một số văn kiện khác tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh. Đáng kể là các Thư chung 1992, 1998, 2001, tài liệu làm việc Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010, Thư chung Hậu Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010, Thư chung 2011… Những Thư chung và văn kiện của Hội đồng Giám mục Việt Nam còn được chiếu rọi bởi các Tông huấn của các Giáo hoàng đương thời như Giáo hoàng Gioan Phao lô II, Giáo hoàng Bênedictô XVI, Giáo hoàng đương nhiệm – Phanxicô.
Do đáp ứng nhu cầu thực tế của đời sống đạo của Công giáo ở Việt Nam, Thư chung 1980 và các Thư chung kể trên mau chóng đi vào thực tiễn. Nhờ đó, một mặt những thành tựu hội nhập văn hóa phi quan phương hay là “lòng đạo đức bình dân” được sống dậy, được phát huy, mặt khác – quan trọng hơn, đó là những thành tựu mà công cuộc hội nhập quan phương đem lại: Tin mừng tháp nhập vào nền văn hóa Việt, đồng thời qua đó văn hóa Công giáo được bồi trúc những thành tố mới nhưng vẫn bảo đảm được căn sắc Kitô giáo.
Dù đâu đó vẫn còn sự ngáng trở; đâu đó tinh thần hội nhập văn hóa Công giáo với văn hóa dân tộc trong Thư chung 1980 và các Thư chung khác chưa được quán triệt đầy đủ song đường hướng hội nhập văn hóa Công giáo với văn hóa dân tộc là không thể đảo ngược.
Chú thích:
1. Linh mục Trần Tam Tỉnh: Thập giá và lưỡi gươm, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1988, tr 21.
2. Xem: Nghi lễ và lối sống Công giáo trong văn hóa Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, năm 2011; Những nẻo đường Phúc âm hóa Công giáo ở Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, 2016; Công giáo Việt Nam đối với phát triển bền vững đất nước, Nxb. Công an nhân dân, 2017.
3. Hiến chế Tín lý về Giáo hội, đoạn 17, dòng 11.
Tài liệu tham khảo
1. Trần Anh Dũng (chủ biên), Hàng giáo phẩm Công giáo Việt Nam, Đắc Lộ Tùng thư, Paris 1996.
2. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ, nguyên tắc và định hướng, lưu hành nội bộ, 2003.
3. Kinh Thánh, ấn bản 2011, Nxb Tôn giáo, 2011.
4. Nguyệt san Công giáo và Dân tộc, số 303, tháng 3/2020.
5. Linh mục Phêrô Nguyễn Thành Tùng: Lịch sử thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2010.
6. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Công đồng Vatican II. Hiến chế, Sắc lệnh và Tuyên ngôn, Tủ sách Đại Kết, 1995.
NGUYỄN HỒNG DƯƠNG
PGS,TS, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam