Hội thảo “Phương pháp so sánh trong nghiên cứu khoa học pháp lý”
Nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng phương pháp so sánh trong nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu khoa học pháp lý nói riêng trong môi trường đào tạo và giảng dạy, cũng như tạo ra một diễn đàn nghiên cứu, trao đổi chuyên sâu về các khía cạnh xoay quanh vấn đề này, vào lúc 8h00 ngày 04/12/2021, khoa Luật Quốc tế Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học kết hợp giữa phương thức trực tiếp tại phòng họp A.905 cơ sở Nguyễn Tất Thành và trực tuyến thông qua hệ thống Zoom với chủ đề “Phương pháp so sánh trong nghiên cứu khoa học pháp lý”.
Hội thảo nhận được sự quan tâm và tham gia của đông đảo các các khách mời và các chuyên gia đến từ các cơ sở đào tạo và nghiên cứu pháp luật trên cả nước: ThS. Lê Xuân Tùng – Viện Khoa học Pháp lý của Bộ Tư pháp; ThS. Đặng Ngọc Mỹ Tiên – Viện Khoa học Pháp lý của Bộ Tư pháp; ThS. Đỗ Thu Hương – Đại học Luật Hà Nội; TS. Nguyễn Kim Bích Tuyền – Khoa Luật Kinh tế, Đại học Ngân hàng TP.HCM; TS. Đỗ Giang Nam – Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội; TS. Ninh Thị Hiền – Trưởng Văn phòng Công chứng Ninh Thị Hiền; ThS. Bạch Thị Nhã Nam – Đại học Kinh tế Luật TP.HCM;….
Về phía đại diện Nhà trường, có sự tham gia của PGS.TS. Trần Việt Dũng – Trưởng Khoa Luật Quốc tế; TS. Phan Hoài Nam – Phó Trưởng Khoa Luật Quốc tế; TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc – Trưởng phòng Đào tạo Sau đại học; ThS. Huỳnh Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm Đào tạo Chất lượng cao và đào tạo quốc tế; ThS.NCS. Nguyễn Thị Lan Hương – Phó trưởng Bộ môn Luật Thương mại quốc tế cùng đông đảo các giảng viên, học viên cao học, sinh viên có quan tâm.
Toàn cảnh buổi Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trần Việt Dũng – Trưởng Khoa Luật Quốc tế khẳng định, hoạt động nghiên cứu khoa học pháp lý là một trong những hoạt động quan trọng góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Việc nghiên cứu pháp luật nước ngoài đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm, đặc biệt là khả năng vận dụng phương pháp so sánh để giúp quá trình nghiên cứu trở nên hiệu quả hơn. PGS.TS. Trần Việt Dũng chia sẻ: “Trên cơ sở việc áp dụng phương pháp so sánh vẫn còn bịgiới hạn vì mức độ hiểu biết của các nhà nghiên cứu cũng như nhiều điểm chưa rõ ràng trongnội dung phương pháp, Hội thảo được tổ chức với mục đích chia sẻ kinh nghiệm liên quan, từ đó thúc đẩy sự phát triển nghiên cứu phương pháp so sánh ở Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung”.
PGS.TS Trần Việt Dũng – Trưởng Khoa Luật Quốc tế phát biểu khai mạc Hội thảo
TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc – Trưởng phòng Đào tạo Sau đại học giới thiệu tổng quan về vai trò, ý nghĩa của hoạt động nghiên cứu khoa học pháp lý và việc vận dụng các phương pháp vào công tác nghiên cứu
Mở đầu phiên thứ nhấtcủa Hội thảo là tham luận về Hệ thống phương pháp nghiên cứu trong khoa học pháp lý của tác giả Lữ Văn Mới. Theo đó, tác giả trình bày khái quát về các đặc điểm, ưu và nhược điểm của những phương pháp định lượng, định tính, so sánh, nghiên cứu tình huống… từ đó chỉ ra bài học kinh nghiệm đối với các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trong việc lựa chọn phương pháp hiệu quả.
Trong bài tham luận thứ hai, ThS. Đỗ Thu Hương đãkhẳng định vai trò quan trọng của phương pháp so sánh trong việc bổ trợ hoạt động nghiên cứu pháp luật. Thông qua việc phân tích các ví dụ cụ thể, tác giả đã chỉ ra các yếu tố để vận dụng hiệu quả phương pháp này. Bao gồm: (i) nguồn thông tin chính xác và đáng tin cậy; (ii) các thuật ngữ pháp luật nước ngoài sử dụng đúng với bản chất; và (iii) bối cảnh thực tế của một quốc gia.
Từ sự gợi mở của tham luận thứ hai, sau khi điểm qua sáu phương pháp so sánh được sử dụng phổ biến hiện nay, ThS. Trần Ngọc Hà đã tiến hành phân tích các phương pháp: phương pháp so sánh cấu trúc (the structural method); phương pháp so sánh phân tích (the analytical method); phương pháp so sánh pháp luật trong mối liên hệ tổng thể (the law-in context method); vàphương pháp cốt lõi chung (the common-core method). Từ đó, tác giả nhấn mạnh giữa các phương pháp luôn có sự lồng ghép lẫn nhau, đòi hỏi người nghiên cứu cần căn cứ vào đối tượng nghiên cứu, năng lực bản thân, nội dung của các phương pháp nghiên cứu để cân nhắc lựa chọn.
ThS. Trần Ngọc Hà với tham luận về các phương pháp so sánh được sử dụng phổ biến hiện nay
Tiếp theo sau, tham luận “Phương pháp so sánh luận của Edward J. Eberle” của ThS. Ngô Kim Hoàng Nguyên đã mang đến các gợi mở cho khách mời tại Hội thảo khi áp dụng phương pháp này trong tương lai thông qua việc phân tích các quy tắc: đánh giá hình thức bên ngoài của pháp luật, đánh giá nội hàm… Theo đó, phương pháp luận về phương pháp so sánh là tấm gương soi chiếu vấn đề pháp luật của quốc gia, tức là phải có tiền đề – nền tảng tri thức, ngôn ngữ bên trong và bên ngoài của pháp luật.
Phiên thứ nhất khép lại bằng tham luận “Phương pháp so sánh luận của Edward J. Eberle” của ThS. Ngô Kim Hoàng Nguyên
Tiếp nối các phương pháp so sánh Luật học được thảo luận tại phiên thứ nhất, phiên thứ hai sẽ tập trung vào chủ đề việc vận dụng các phương pháp trong hoạt động thực hiện nghiên cứu khoa học.
Phiên thứ hai được mở đầu bằng tham luận “Vận dụng phương pháp so sánh trong nghiên cứu khoa học pháp lý – một số vấn đề cần suy ngẫm” của ThS. Đặng Ngọc Mỹ Tiên và ThS. Lê Xuân Tùng. Thamluận chủ yếu xoay quanh các nội dung: (i) một số cách hiểu về khoa học pháp lý và phương pháp so sánh trong khoa học pháp lý; (ii) các yếu tố ảnh hưởng đến sự tương đồng, khác biệt của hệ thống pháp luật; và (iii) một số khó khăn trong việc vận dụng phương pháp so sánh trong nghiên cứu từ đó đề xuất giải pháp hoàn thiện.
Tiếp đến, thông qua tham luận của mình, TS. Phan Hoài Nam đã nêu ra các bước để tiến hành so sánh. Cụ thể, cần có sự cân nhắc giữa sự thuận lợi khi nghiên cứu và hài hòa với pháp luật khi lựa chọn mẫu nghiên cứu. Không chỉ vậy, TS. Phan Hoài Nam nhấn mạnh bước xác định phương pháp nghiên cứu cần có sự kết hợp linh hoạt các phương pháp nghiên cứu cũng như tôn trọng các quy tắc nhất định trong quá trình tiếp cận và đọc vị pháp luật nước ngoài; cần tuân thủ nguyên tắc khách quan về mặt tư duy và đặt trong bối cảnh xã hội để lý giải các vấn đề.
Phiên thứ hai khép lại bằng bài tham luận “Đọc vị pháp luật nước ngoài trong áp dụng phương pháp so sánh luật” của ThS. Ngô Kim Hoàng Nguyên. Tác giả đã phân tích và nêu ra các vấn đề người nghiên cứu cần lưu ý trong quá trình đọc vị pháp luật nước ngoài dựa trên ba góc độ: tiếp cận, đánh giá và sử dụng.
PGS.TS. Đỗ Minh Khôi đưa ra các đánh giá, góp ý tại Hội thảo nhằm hoàn thiện các tham luận
Cả hai phiên thảo luận đều diễn ra hết sức sôi nổi, khơi gợi nhiều vấn đề mới và thu hút nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các khách mời. Các khách mời không chỉ bày tỏ quan điểm cá nhân về nội dung của các tham luận nói trên mà còn chủ động chia sẻ thực trạng vận dụng phương pháp so sánh trong nghiên cứu khoa học pháp lý tại nơi công tác của mình và gợi mở những hướng nghiên cứu mới về các phương pháp so sánh luật đương đại cũng như ứng dụng của từng phương pháp trong quá trình thực hiện công trình nghiên cứu so sánh cụ thể.Ngoài ra, các nghiên cứu sinh, sinh viên cũng tích cực đặt ra các câu hỏi, đưa ra các nhận xét, đánh giá, góp ý nhằm hoàn thiện những tham luận nói trên.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Phan Hoài Nam gửi lời cảm ơn đến các khách mời đã dành thời gian tham dự cũng như đã tích cực phát biểu xây dựng ý kiến trực tiếp tại Hội thảo để có thể tiếp tục hoàn thiện, nâng cao giá trị và hiệu quả của việc hình thành nhận thức chung về phương pháp so sánh luật và vấn đề áp dụng phương pháp so sánh trong nghiên cứu khoa học pháp lý nói riêng và nghiên cứu khoa học nói chung, qua đó góp phần khẳng định vị trí, vai trò của môn Luật so sánh trong chương trình đào tạo luật hiện nay.
TS. Phan Hoài Nam phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo
Qua hơn nhiều giờ làm việc, Hội thảo đã mang đến nhiều thông tin bổ ích, thiết thực về các vấn đề liên quan đến phương pháp so sánh trong nghiên cứu khoa học pháp lý. Hội thảo đã thành công trong việc tạo ra một diễn đàn học thuật để các giảng viên, học viên, sinh viên đến từ nhiều nơi trên khắp đất nước có cơ hội trình bày, trao đổi những nghiên cứu mới của mình.
Nội dung: Thanh Tâm, Lệ Cầm
Hình ảnh: Quang Huy
Ban Truyền thông Ulaw