Hưng Yên có gì chơi?

Nhắc đến Hưng Yên là nhắc đến một vùng đất nằm tại khu vực trung tâm đồng bằng Bắc Bộ và được biết đến như một vựa lúa lớn nhất của khu vực miền Bắc. Du lịch Hưng Yên không được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những dãy núi cao hùng vĩ, những bãi biển trong xanh với bờ cát trắng trải dài nhưng Hưng Yên lại sở hữu những công trình kiến trúc độc đáo mang đậm giá trị lịch sử và vẻ đẹp yên bình đậm nét thôn quê trong mùi thơm ngan ngán của lúa mới đã níu chân du khách đến tham quan, du lịch. Hưng Yên có gì chơi? Dưới đây là danh sách những điểm du lịch nổi tiếng ở Hưng Yên, khi tới đây bạn đừng nên bỏ lỡ những điểm du lịch hấp dẫn này nhé.

2

Phố Hiến – Hưng Yên

Địa danh nổi tiếng ở Hưng Yên đó chính là Phố Hiến. Khu phố tọa lạc trên hai phường Lam Sơn và Hồng Châu, Hưng Yên, trải rộng khoảng 5km2 và được hình thành từ khoảng thế kỷ XIII. Trước đây phố Hiến đã từng là một thương cảng sầm uất nhất cả nước vào thể kỷ XVII – XVIII.

Phố Hiến - Hưng YênPhố Hiến - Hưng Yên

Trải qua biết bao những đổi thay của lịch sử, địa danh phố Hiến ngày nay đã không còn bóng dáng của thương cảng nổi tiếng ngày nào nhưng những giá trị văn hóa, những ngôi chùa cổ, những kho tượng Phật nghìn năm vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn. Tại Phố Hiến có một số quần thể kiến trúc lớn nổi bật như: đền Mẫu, hồ Bán Nguyệt, chùa Hiến, chùa Chuông,… Mỗi một công trình đều mang đậm dấu ấn văn hóa lịch sử lâu đời.

Du lịch đến Phố Hiến du khách không chỉ được chiêm ngưỡng các công trình cổ mà còn có dịp để thưởng thức nhiều món ăn ngon của Hưng Yên như: bún thang lươn, nhãn lồng, chả gà tiểu quan,…

3

Chùa Hiến – Hưng Yên

Chùa Hiến (Thiên Ứng tự) là một ngôi chùa cổ nằm ở đường Phố Hiến, P. Hồng Châu, TX Hưng Yên. Chùa nằm trong quần thể di tích phố Hiến sầm uất một thời. Được biết, chùa Hiến là nơi dựng lên để thờ Phật và Quan Âm Nam Hải với ý nghĩa khuyên răn con người sống hướng thiện, tích thiện, tích đức.

Chùa Hiến - Hưng YênChùa Hiến - Hưng Yên

Nhiều thuyền buôn đến đây cầu nguyện để mọi chuyện được thuận buồm xuôi gió. Theo truyền miệng của nhiều du khách thì khi đến đây xin bình an, may mắn thì người thân trong gia đình khỏe mạnh, công việc làm ăn cũng hanh thông hơn.

Chùa Hiến Hưng Yên có phong cách kiến trúc thời Hậu Lê với tổng thể gồm: Tiền đường, Nghi môn, Hậu đường, hai dãy Hữu Vu, Tả Vu, nhà Mẫu, nhà Tổ. Với lối kiến trúc độc đáo và linh thiêng, chùa Hiến ngày nay nổi tiếng là chốn thanh tịnh thu hút nhiều du khách thập phương đến tham quan, cúng bái khi về với Phố Hiến.

Nếu bạn đang tìm kiếm một không gian thanh tịnh, yên bình để tìm lại cảm giác thảnh thơi trong lòng thì đừng ngần ngại ghé đến chùa Hiến. Chắc chắn rằng bạn sẽ buông bỏ được hết những mệt mỏi, âu lo tồn tại trong tâm trí bấy lâu nay. Hàng năm cứ vào ngày 10 tháng 3 tại chùa Hiến Hưng Yên diễn ra lễ hội truyền thống thu hút nhân dân địa phương và du khách phương xa về tham gia.

4

Đền Mẫu – Hưng Yên

Đền Mẫu, hay còn gọi là Hoa Dương Linh Từ hoặc đền Mậu Dương thuộc địa phận thành phố Hưng Yên, nằm trong khu di tích phố Hiến.
Ngôi đền thờ bà Dương Quý Phi nguyên là vợ vua Tống thời xưa nổi tiếng linh thiêng này tọa lạc ngay bên bờ hồ Bán Nguyệt, đây cũng là điểm thu hút du khách đến đạp vịt hay thưởng ngoạn vẻ độc đáo của hồ nước xanh trong.

Đền Mẫu - Hưng YênĐền Mẫu - Hưng Yên

Được xây dựng từ thời vua Trần Nhân Tông tuy đã qua các thời kì tu sửa nhưng đến đền Mẫu, du khách vẫn được hưởng trọn vẹn vẻ lâu đời, cổ kính còn vương lại trên từng viên gạch, mái chùa hay những bức tượng. Tương truyền trong chùa còn có chiếc giường thiêng từng là nơi nghỉ ngơi của Dương Quý Phi. Bước qua cánh cổng chùa, cây cổ thụ sừng sững với tán lá sanh mượt sum suê là điều đầu tiên du khách có thể thấy. Cây cổ thụ này đã ghi dấu những năm tháng hàng nghìn năm lịch sử tồn tại cùng ngôi chùa, ngay đến “thế” của cây cũng khiến không ít khách bốn phương trầm trồ.

Đền Mẫu - Hưng YênĐền Mẫu - Hưng Yên

Đầu năm đến đền Mẫu cầu cúng những điều lành, xin chuyện làm ăn, sức khỏe, tình duyên đều rất thiêng. Sau khi đi thắp nhang, đặt lễ và phúng viếng hết các tượng thờ, mọi người thường dừng lại rút thẻ xem đoán mệnh năm nay. Đến đền Mẫu phải mang theo cái “tâm” trong sáng, hướng thiện, chớ tham lam, vị kỉ. Người dân nói với nhau rằng, đi đền Mẫu xin duyên được duyên, xin điều lành thì ai nấy đều bình an, sức khỏe. Sau khi rút thẻ, thường thì người ta sẽ tìm đến những thầy tán thẻ ở bên ngoài nhờ dịch do thẻ được viết bằng chữ Hán. Rút thẻ đền Mẫu cũng thường rất đúng, nhà những thầy tán thẻ đầu năm lúc nào cũng chật ních người.

Từ ngày mùng 10 đến 15 Âm lịch, lễ hội đền Mẫu cũng thu hút không ít người đến xem với các hoạt động rước nước, múa lân, rước kiệu hay những hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian đặc sắc. Hưng Yên không chỉ nổi tiếng có phố Hiến, Hưng Yên còn nổi tiếng với hồ bán nguyệt, với đền Mẫu người người đến cầu cúng đầu năm. Muốn có bình an, sức khỏe, gia đình con cái thuận hòa,.. nhớ đến đền Mẫu dâng hương.

5

Làng Nôm – Hưng Yên

Làng Nôm là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất tại Hưng Yên thuộc địa phận xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên. Đây là một ngôi làng cổ thu hút rất nhiều du khách ghé thăm để tìm kiếm nét đẹp mộc mạc của miền quê Bắc Bộ. Làng Nôm ngày nay luôn giữ cho mình được không khí cũ kĩ nhưng rất đỗi thân thương. Đến đây bạn sẽ được đi qua cây cầu đá bắc qua sông, tìm hiểu các ngôi nhà cổ hay tham gia phiên chợ làng nhộn nhịp.

Làng Nôm - Hưng YênLàng Nôm - Hưng Yên

Một điều nữa hấp dẫn du khách đến với làng Nôm là nơi đây đang lưu giữ nhiều di tích cổ có niên sử hàng trăm năm. Từ cổng làng, đường đi, mái ngói hay những bức tường phủ rêu vẫn còn nguyên dạng. Lúc này du khách sẽ cảm nhận được rằng dường như hàng trăm năm qua chỉ là quãng thời gian ngắn ngủi khi những giá trị tinh túy nguyên sơ nhất của làng Nôm vẫn được bảo tồn.

Toàn bộ làng Nôm Hưng Yên là một thể thống nhất bao gồm cổng làng, ao làng, nhà cổ, cầu đá và chợ quê. Từng con đường, ngõ ngách của làng đều mang dấu ấn vượt thời gian,… Ngày nay, cơn lốc đô thị hóa đều len lỏi đến hầu hết mọi vùng quê Việt Nam nhưng làng Nôm vẫn nghiêm mình ở đó với những giá trị lịch sử không bao giờ bị mài mòn.

6

Chùa Táo – Hưng Yên

Chùa táo tọa lạc tại thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, với vẻ mộc mạc, yên bình vốn có, chùa Táo đang trở thành điểm đến yêu thích của mọi người dân trong và ngoài nước.

Chùa Táo – Hưng YênChùa Táo – Hưng Yên

Tại chùa Táo thuộc quần thể khu di tích cổ Phố Hiến (thị xã Hưng Yên), Giáo hội Phật giáo tỉnh Hưng Yên đã tổ chức đại lễ Phật đản Phật lịch 2548 – Dương lịch 2004. Gần 1000 đại biểu đại diện các ban, đoàn thể địa phương cùng các hòa thượng, tăng ni, Phật tử đã đến dự.

Đại lễ được cử hành trong không khí hoan hỉ và tôn nghiêm. Các tăng ni, Phật tử đã dâng hương và ôn lại truyền thống của đạo Phật, nêu rõ ý nghĩa của ngày Phật đản, nhấn mạnh những điều cơ bản về đạo lý con người trong việc tu nhân tích đức theo thuyết giáo của đạo Phật với 5 yếu tố tạo thiệp nghiệp. Tại đại lễ, các vị hòa thượng đã ban đạo từ và đọc thông điệp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về chương trình hành động góp phần vào sự nghiệp chung của đất nước và của Giáo hội, đồng thời, kêu gọi các tăng ni Phật tử phát huy truyền thống đoàn kết yêu nước của đạo phật, góp sức cùng toàn Đảng toàn dân xây dựng cuộc sống mới; kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực của các thế lực thù địch.

Ngoài ra, buổi lễ còn có các tiết mục văn nghệ ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước và những bài hát mừng khánh đản do các Phật tử thể hiện. Nhân dịp này, tại các chùa lớn trên địa bàn Hưng Yên cũng đã đồng loạt tổ chức mừng đại lễ Phật đản Phật lịch

Có dịp đến Hưng Yên, bạn không nên bỏ qua một chuyến tham quan, vãn cảnh Chùa Táo, để có thể tìm đến chốn thanh tịnh, xua tan đi mọi mệt mỏi, lo toan của cuộc sống và khám phá những nét đẹp về văn hóa, truyền thống nơi đây.

7

Văn miếu Xích Đằng – Hưng Yên

Văn miếu Xích Đằng là điểm du lịch nổi tiếng nhất tại phố Hiến Hưng Yên, được xây dựng từ đầu thế kỷ XVII. Xưa kia, đây là nơi diễn ra các kỳ thi hương, tôn vinh cho trí tuệ và tinh thần hiếu học của người dân địa phương. Nét cổ kính của văn miếu dường như vẫn được bảo tồn nguyên vẹn sau gần 400 năm.

Văn miếu Xích Đằng - Hưng YênVăn miếu Xích Đằng - Hưng Yên

Văn miếu Xích Đằng hiện đang lưu giữ một số hiện vật quý trong đó 9 tấm bia đá vinh danh 161 vị đỗ đại khoa của trấn Sơn Nam xưa được xem là có giá trị lớn nhất. Đây là những tác phẩm nghệ thuật được điêu khắc hoa văn hình rồng, lưỡng long chầu nguyệt, kỳ lân tinh xảo và tỉ mỉ.

Ngày nay, văn miếu Xích Đằng vẫn luôn luôn là niềm tự hào của người dân địa phương và trở thành điểm du lịch văn hóa thu hút nhiều du khách đến tham quan.

8

Đền Trần – Hưng Yên

Đền Trần Hưng Yên là nơi tôn thờ vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đền đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1992 và nằm trong Quần thể di tích Phố Hiến nổi danh, trở thành điểm tâm linh thu hút người dân và khách du lịch đến tham quan, chiêm bái.

Đền Trần - Hưng YênĐền Trần - Hưng Yên

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông vào thế kỷ 13, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (Trần Hưng Đạo) đã đóng quân tại đây, tận dụng lợi thế ngã 3 sông để đánh giặc, góp phần làm nên 3 lần đại thắng, đặc biệt là chiến thắng Bạch Đằng lừng lẫy vào năm 1288. Về sau, nhân dân tưởng nhớ công ơn to lớn nên lập đền thờ ông. Vào năm Tự Đức thứ 16 (1863), đền Trần Hưng Yên được khởi dựng, và hoàn tất vào năm Tự Đức thứ 22 (1869). Đến thời vua Thành Thái (năm 1903) ngôi đền được trùng tu, tôn tạo và có kiến trúc như ngày nay.

Đền tọa lạc trên thế đất đẹp, nhìn ra hồ Bán Nguyệt xanh biếc quanh năm. Cổng nghi môn xây kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái, trên cổ diêm ghi 4 chữ “Kiếm khí đẩu quang” (tinh thần yêu nước tỏa sáng), phía dưới cửa cuốn đề “Trần Đại Vương từ” (đền Trần Đại Vương). Tổng thể kiến trúc đền theo kiểu chữ Tam, gồm: đại bái, trung từ và hậu cung. Tòa đại bái gồm 5 gian, kiến trúc kiểu vì chồng rường giá chiêng, các con rường được chạm hình đầu rồng cách điệu. Gian giữa treo bức đại tự “Thân hiền tại vọng” (ngưỡng vọng người hiền tài). Tòa trung từ cũng có 5 gian, kiến trúc vì kèo quá giang đơn giản, bào trơn đóng bén, không có hoa văn. Phía tiếp giáp với hậu cung treo bức đại tự “Công đức như Thiên” (công đức của thánh rộng lớn như trời). Giáp với trung từ là 3 gian hậu cung, thờ Trần Hưng Đạo và toàn bộ gia thất của ông. Đền Trần Phố Hiến còn lưu giữ được nhiều cổ vật giá trị, trong đó có 8 sắc phong, 5 bia đá, 40 pho tượng…

Hàng năm, lễ hội đền được tổ chức 2 lần, vào ngày 8/3 âm lịch (kỷ niệm chiến thắng Bạch Đằng) và ngày 20/8 âm lịch (kỷ niệm ngày mất của Trần Hưng Đạo). Trong các ngày hội sẽ diễn ra tế lễ, rước kiệu du hành, và tổ chức thi bánh dày, bánh chưng, thu hút đông đảo người dân trong vùng và du khách thập phương về tham dự.

9

Chùa Cao Thôn – Hưng Yên

Chùa Cao Thôn ( Thôn Cao) thuộc xã Ngọc Khê, Thành phố Hưng Yên. Nằm cạnh dòng sông êm đềm, chùa đang dần trở thành điểm đến yêu thích của mọi lứa tuổi. Chùa Cao Thôn từ bao lâu nay, không chỉ là nơi thờ cúng của người dân xã Ngọc Khê mà còn là điểm đến thú vị với những ai ghé thăm xã Ngọc Khê, Hưng Yên bên cạnh việc tham quan làng nghề làm hương xạ tại đây.

Chùa Cao Thôn – Hưng YênChùa Cao Thôn – Hưng Yên

Làm hương xạ là nghề truyền thống đã có từ hàng trăm năm nay ở Cao Thôn thành phố Hưng Yên. Hương xạ Cao Thôn nổi tiếng xưa nay được mọi miền ưa chuộng và đã được các đại lý lớn xuất khẩu sang một số nước láng giềng.

Có dịp đến Hưng Yên, bạn không nên bỏ qua một chuyến tham quan, vãn cảnh Chùa Cao Thôn, để có thể tìm đến chốn thanh tịnh, xua tan đi mọi mệt mỏi, lo toan của cuộc sống và khám phá những nét đẹp về văn hóa, truyền thống nơi đây.

10

Chùa Phúc Lâm – Hưng Yên

Thời gian gần đây chùa Phúc Lâm nổi lên là một điểm du lịch nổi tiếng tại Hưng Yên mà ai cũng biết đến. Tọa lạc tại một miền quê bình yên Bắc Bộ nhưng ngôi chùa được xây dựng với lối kiến trúc dát vàng vô cùng ấn tượng khiến du khách cứ ngỡ đang lạc bước đến ngôi chùa Vàng tại Thái Lan.

Chùa Phúc Lâm - Hưng YênChùa Phúc Lâm - Hưng Yên

Đến với chùa Phúc Lâm Hưng Yên, du khách không chỉ được tận mắt chiêm ngưỡng các tác phẩm kiến trúc ấn tượng mà còn là cơ hội để cầu lộc, cầu bình, cầu an cho người thân, bạn bè. Vào những ngày tâm hồn có nhiều âu lo thì hãy ghé đến chùa Phúc Lâm để dắm mình vào khung cảnh thanh tịnh và buông bỏ hết mọi tạp niệm trong lòng.

Sở hữu các công trình dát vàng lấp lánh, tinh xảo và tỉ mỉ nên khung cảnh hoàng hôn tại chùa Phúc Lâm hiện lên vô cùng ấn tượng. Từ ngôi chùa du khách có thể trải tầm mắt để ngắm nhìn khung cảnh đồng quê và từ từ cảm nhận sự bình yên khó nói.

11

Cánh đồng hoa Cúc Chi – Hưng Yên

Có một điểm du lịch nổi tiếng tại Hưng Yên được rất nhiều bạn trẻ săn đón vào dịp giáp Tết đó chính là cánh đồng Hoa Cúc Chi ở thôn Nghĩa Trai, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Cánh đồng hoa Cúc Chi - Hưng YênCánh đồng hoa Cúc Chi - Hưng Yên

Cứ vào tầm tháng 12, những bông hoa Cúc Chi đang dấu mình trong nụ bỗng vươn mình nở rộ khoe sắc làm sáng bừng cả không gian. Hoa tuy nhỏ nhưng đều nở căng tròn tạo nên những khóm đẹp rực rỡ. Đứng nhìn từ xa, cả cánh đồng hoa giống hệt như dải lụa vàng sáng chói tỏa ánh hào quang sáng rực khiến người lữ khách phải mê mẩn, đắm say.

Đến đây ngoài việc được ngắm hoa, cảm nhận không khí mùa thu hoạch Cúc Chi rộn ràng thì bạn đừng quên lôi máy ảnh để lưu giữ lại những khoảnh khắc thật ấn tượng nhé.

12

Cầu Đá Cổ – Hưng Yên

Nằm cách phố Hiến (thành phố Hưng Yên) nức tiếng một thời hơn năm chục cây số, đi qua những con đường nhựa mới xen những đoạn đường đất mịt mù bụi đỏ là được thụ hưởng không gian thân mật của ngôi làng cổ đã nằm yên ổn hàng trăm năm nay tại đây. Về với làng Nôm, du khách được đắm mình vào một quần thể di tích cổ kính bao gồm cổng làng, giếng nước, sân đình, chùa Nôm, chợ Nôm, những ngôi nhà cổ và độc đáo hơn cả là một di sản vô cùng đặc biệt – “Cầu Nôm”, để từ đó tìm về không gian yên bình, dân dã đậm chất làng quê Bắc Bộ xưa.

Cầu Đá Cổ - Hưng YênCầu Đá Cổ - Hưng Yên

Cầu Nôm là cây cầu đá bắc ngang dòng sông Nguyệt Đức, là điểm nhấn độc đáo mang lại sức hút đặc biệt cho không gian văn hóa thuần Việt của làng. Không chỉ mang giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc độc đáo, chiếc cầu đá cổ gần 200 năm tuổi của làng Nôm đã được các nhà nghiên cứu di sản đánh giá là một công trình độc đáo còn nguyên vẹn chưa từng thấy ở bất cứ làng cổ nào của Đồng bằng sông Hồng.

Vào thế kỷ XVI, cây cầu này được làm bằng gỗ lim. Để đảm bảo chắc chắn và thuận tiện cho người dân đi lại, thời Tự Đức (1848- 1883) cầu được thay hoàn toàn bằng đá. Mặt cầu rộng gần 2m, làm bằng đá xanh nguyên khối, gắn khít nhau một cách hoàn hảo. Những phiến đá lớn được các nghệ nhân đục đẽo rất công phu. Nhiều nhà nghiên cứu về làng đều trầm trồ trước vẻ đẹp và sự bền vững của cây cầu này.

Cầu Đá Cổ - Hưng YênCầu Đá Cổ - Hưng Yên

Nét đặc biệt trong cách xây dựng của cầu đá làng Nôm là mặt cầu, dầm cầu và chân cầu chỉ gác lên nhau chứ không có vật liệu liên kết như vôi vữa hay đinh ốc như những cây cầu hiện đại. Mặc dù mặt cầu, mố cầu và chân cầu chỉ gác lên nhau chứ không có vật liệu liên kết, dù vậy, sau hai thế kỷ tồn tại, cây cầu vẫn bền vững. Điều đó cho thấy trình độ thiết kế, gia công vật liệu và thi công cầu của những người thợ xưa rất đáng nể phục. Ngày nay, hàng trăm lượt người cùng các phương tiện cơ giới vẫn qua cầu mỗi ngày.

Không chỉ là một công trình giao thông, cây cầu đá cổ đã trở thành một điểm nhấn độc đáo mang lại sức hút đặc biệt cho không gian văn hóa thuần Việt của làng Nôm. Cây cầu lịch sử này đã đi vào tâm thức của nhiều thế hệ người dân làng Nôm qua câu ca dao:

“Ai về cầu đá làng Nôm
Mà xem phong cảnh nước non hữu tình”.

13

Ngôi nhà cổ – Hưng Yên

Hiện nay, những ngôi nhà cổ ở các làng quê dần mất đi thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng kiên cố, thế nhưng gia đình ông Nguyễn Hữu Tạc ở thôn Duyên Linh, xã Đình Cao, huyện Phù Cừ vẫn còn lưu giữ được ngôi nhà cổ có niên đại hơn 100 năm. Đối với gia đình ngôi nhà cổ là tài sản vô giá, được nhiều thế hệ gìn giữ và bảo tồn.

Ngôi nhà cổ - Hưng YênNgôi nhà cổ - Hưng Yên

Ngôi nhà cổ mang đặc trưng vùng đồng bằng bắc bộ cuối thời Nguyễn với kiến trúc 5 gian, lợp ngói âm dương, trước nhà có hiên và sân rộng lát gạch đỏ. Toàn bộ ngôi nhà được làm bằng gỗ lim, gian chính giữa là nơi để thờ tự, các gian còn lại là nơi sinh hoạt của gia đình. Ngôi nhà có nhiều giá trị về mặt kiến trúc, nghệ thuật, hệ thống vì kèo, đầu trụ được chạm khắc tinh xảo, thể hiện sự tài hoa của người thợ xưa.

Trong ngôi nhà còn lưu giữ được nhiều đồ thờ tự cổ như: khám thờ, sập thờ và các hoành phi câu đối ca ngợi truyền thống của gia đình. Bên cạnh giá trị về mặt kiến trúc, nghệ thuật, ngôi nhà cổ của gia đình ông Nguyễn Hữu Tạc còn có giá trị về mặt lịch sử. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ngôi nhà là nơi làm việc của huyện đội Phù Cừ. Hiện nay, ngôi nhà cổ vẫn là nơi sinh hoạt của gia đình ông Tạc.

14

Cụm di tích Đa Hòa – Dạ Trạch, Hàm Tử – Bãi Sậy – Hưng YênCụm di tích Đa Hòa – Dạ Trạch, Hàm Tử – Bãi Sậy - Hưng YênCụm di tích Đa Hòa – Dạ Trạch, Hàm Tử – Bãi Sậy - Hưng Yên

Cách Trung tâm thành phố Hưng Yên khoảng 35km về phía tây nam. Cụm di tích Đa Hòa – Dạ Trạch – Hàm Tử – Bãi Sậy đã trải qua bao thăng trầm, biến cố, thiên tai địch họa, tác động của con người nhưng nơi đây vẫn lưu giữ được những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú.

Phần lớn các địa danh du lịch của khu vực này nằm ngay cạnh sông Hồng, có cảnh quan đẹp và khí hậu trong lành. Gắn liền với cụm di tích này là truyền thuyết cùng lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung được nhà nước xếp hạng, đây là một trong những di tích lịch sử văn hóa quan trọng quốc gia. Từ đây khách du lịch có thể đến thăm cảnh quan sinh thái đồng quê là bãi sông Hồng, làng vườn, hay làng nghề gốm sứ Xuân Quan.

15

Chùa Nôm – Hưng YênChùa Nôm - Hưng YênChùa Nôm - Hưng Yên

Một điểm du lịch nổi tiếng tại Hưng Yên mà du khách không nên bỏ qua đó chính là chùa Nôm, Theo lịch sử ghi lại, ngôi chùa được xây dựng vào năm 1680 dưới thời Hậu Lê. Trước đây chùa Nôm được biết đến là ngôi đại tự hoành tráng nhất miền Kinh Bắc và còn được gọi với cái tên là “Linh Thông cổ tự”.

Chùa Nôm ngay nay không chỉ là không gian sinh hoạt tâm linh là còn là nơi các ông lão, bà lão ngồi chuyện trò về đạo lý,… Những nếp sống tốt đẹp đó vẫn được người dân làng Nôm gìn giữ và duy trì cho đến tận hôm nay. Ngoài ra tại chùa vẫn còn đang lưu trữ hơn 100 pho tượng cổ bằng đất nung. Với giá trị văn hóa, lịch sử và tâm linh chùa Nôm đã được Nhà nước chứng nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Chính nét cổ kính hòa quyện cùng khung cảnh thiên nhiên bình yên đã đem đến cho ngôi chùa một vẻ đẹp không giống ở bất cứ một nơi nào khác.

16

Chùa Hương Lãng – Hưng Yên

Chùa Hương Lãng tọa lạc ở xã Minh Hải, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông. Chùa được dựng vào thời Lý, khoảng năm 1115. Đây là một trong 72 ngôi đền, chùa do Lê Hậu lập nhằm giải oan cho 72 cung nữ đời Vua Lý Thánh Tông.

Chùa Hương Lãng - Hưng YênChùa Hương Lãng - Hưng Yên

Chùa bị sụp đổ năm 1954. Chùa còn để lại một số di vật thời Lý, thời Trần như cột đá, sấu đá và đặc biệt là tượng sư tử. Tượng là thành phần của một phiến đá rất lớn dài 2,8m, rộng 1,5m, cao 0,9m được dùng làm bệ cho một pho tượng (nay không còn). Người ta chỉ chạm, gọt 2 đầu của phiến đá, biến thành phần đầu và phần sau của một linh thú, người địa phương gọi đó là “Ông Sấm”.

Khu phế tích này đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia. Có dịp đến Hưng Yên, bạn không nên bỏ qua một chuyến tham quan, vãn cảnh Chùa Hương Lãng, để có thể tìm đến chốn thanh tịnh, xua tan đi mọi mệt mỏi, lo toan của cuộc sống và khám phá những nét đẹp về văn hóa, truyền thống nơi đây.

17

Đền Ghềnh – Hưng Yên

Đến với đền Ghênh tại thôn Ngọc Quỳnh, Như Quỳnh là bạn được đến với nơi lưu lại những dấu ấn lịch sử của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan – người phụ nữ tài, đức vẹn toàn suốt đời vì nước, vì dân.

Đền Ghềnh - Hưng YênĐền Ghềnh - Hưng Yên

Đền Ghênh là công trình kiến trúc được xây dựng theo phong cách triều đại của nhà Lý, nó được chia làm ba phần gồm tiền tế, bái đường, hậu cung. Chính điện quay về hướng nam và nhìn xuống Tam giao thủy. Từ phía xa nhìn tam quan của đền có thể biết được đền xây dựng theo lối kiến trúc cổ. Đi vào trong sân có một phiến đá lớn để người dân đặt đồ lễ. Toàn bộ ba tòa được xây trên nền cao 9 bậc. Sau đền có hai giếng nước trong xanh quanh năm và nó không bao giờ cạn nên được gọi là mắt rồng, trên bờ có hai cây cổ thụ gọi là mi rồng…

Đến thăm đền Ghênh tại thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm), du khách thập phương được về với nơi lưu dấu ấn lịch sử của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, một người phụ nữ tài, đức vẹn toàn, một bậc mẫu nghi thiên hạ đã suốt đời vì dân, vì nước.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư và tương truyền rằng, Hoàng Thái hậu Ỷ Lan có tên thường gọi là Lê Thị Khiết, sinh năm 1044, quê ở làng Ghênh Sủi, thuộc hương Thổ Lỗi (nay là thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh). Năm ấy, vua Lý Thánh Tông đã 40 tuổi vẫn chưa có con trai, thường đi tới các chùa, quán để cầu tự. Vua đi đến đâu con trai, con gái nô nức đổ ra xem, duy có một người con gái ở hương Thổ Lỗi đang hái dâu, cứ đứng nguyên chỗ, tựa mình vào bụi lan. Vua thấy nàng xinh đẹp, cho đưa vào cung, phong tước phi và đổi tên cho là Ỷ Lan. Khi đó bà ở độ tuổi 18. Ỷ Lan vừa có nhan sắc, lại thông minh, trí tuệ và sinh được con trai nối dõi nên được vua yêu mến phong làm thần phi, sau được gọi là nguyên phi.

18

Đền Phượng Hoàng – Hưng Yên

Đền Phượng Hoàng nằm trên một khu đất thoáng đãng ngay đầu thôn Phù Oanh, xã Minh Tiến, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Đây là một khu đất đẹp có hình chim Phượng. Nhân dân dựng đền trên khu đất này với mong muốn đem lại mọi sự tốt lành. Đền quay về hướng Tây, phía Bắc là sông Đoàn Kết.

Đền Phượng Hoàng - Hưng YênĐền Phượng Hoàng - Hưng Yên

Đền thờ nàng Cúc Hoa, vợ của “Lưỡng quốc Trạng nguyên” Tống Trân. Cúc Hoa là người con gái có nhan sắc, con một trưởng giả giàu có nhưng Nàng biết trọng lẽ phải và có tình thương người. Nàng đã hy sinh tuổi trẻ và cuộc sống sung túc, êm ấm của mình để dũng cảm theo Tống Trân. Nàng đảm đang lo việc nhà và lo cho chồng ăn học thành danh. Tuy xa chồng mười năm nhưng Cúc Hoa vẫn giữ trọn tình nghĩa thủy chung. Nàng dũng cảm bảo vệ hạnh phúc riêng và là một người con dâu hiếu thảo. Cúc Hoa xứng đáng là tấm gương cho mọi thế hệ phụ nữ về sau noi theo. Sau khi Bà mất, nhân dân đã xây dựng đền Phượng Hoàng trên nền ngôi nhà bà đã ở để tôn thờ Bà.

Đền được khởi dựng từ sớm, quy mô kiến trúc ban đầu khá bề thế và đẹp song qua thời gian, di tích đã bị hư hỏng. Sau đó, nhân dân công đức phụng dựng lại với kiến trúc chữ Đinh gồm 5 gian tiền tế kết cấu kiểu vì giá chiêng và hậu cung 02 gian được làm kiểu vì kèo đơn giản. Ngoài ra, trong khuôn viên đền còn có nhà mẫu 03 gian 02 chái được làm đơn giản với kiến trúc kiểu tường hồi bít đốc. Các hạng mục của đền còn tương đối đồng bộ và vững chắc với các hạng mục kiến trúc mang đậm dấu ấn thời Nguyễn.

Đền Phượng Hoàng - Hưng YênĐền Phượng Hoàng - Hưng Yên

Nhìn chung, đền Phượng Hoàng có quy mô không đồ sộ nhưng từ tổng thể kiến trúc đến cách bài trí đồ thờ tự tạo nên vẻ đẹp linh thiêng và thành kính. Hiện nay, đền còn lưu giữ một số hiện vật như: Câu đối, đại tự, khám thờ, chuông đồng, kiệu long đình.

Hàng năm, từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ đến công lao, đức hạnh của bà.

Về với đền Phượng Hoàng, du khách được tham quan và tìm hiểu di tích có giá trị văn hóa tiêu biểu của huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Tìm hiểu về cuộc đời nàng Cúc Hoa – người con gái mang đầy đủ những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt và cảm nhận giá trị nhân văn sâu sắc của mối tính Tống Trân – Cúc Hoa. Trải qua bao bao thăng trầm của lịch sử, ngôi đền cũng như đức hạnh của bà Cúc Hoa vẫn mãi là niềm tự hào sâu sắc của người dân nơi đây mỗi khi nhắc đến. Những giá trị nhân văn cũng như kiến trúc của đền đã được nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia năm 1991.

19

Chùa Chuông – Hưng Yên

Chùa Chuông – Phố Hiến là một kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, nổi danh. Với bề dày lịch sử, kiến trúc độc đáo cùng hệ thống những pho tượng cổ đẹp, chùa Chuông đã trở thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, nổi tiếng. Chùa Chuông được xây dựng từ thời Lê và đã trải nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được những nét kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê.

Chùa Chuông - Hưng YênChùa Chuông - Hưng Yên

Trong Hưng Yên của Trịnh Như Tấu có viết “Chùa Chuông – phố Hiến nổi tiếng danh lam”. Vào năm 1992, chùa Chuông được ghi nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật. Tọa lạc tại phường Hiến Nam, TP. Hưng Yên, qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, chùa vẫn giữ được nét kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê (thế kỷ XVII). Chùa còn có tên là Kim Chung Tự (chùa Chuông Vàng) bởi gắn với một truyền thuyết cổ xưa.

Tương truyền, vào một năm đại hồng thuỷ, có một quả chuông vàng trên một chiếc bè không biết từ đâu đã trôi dạt vào bãi sông thuộc thôn Nhân Dục. Các nơi đua nhau kéo chuông về địa phương mình nhưng không được, vậy mà bô lão thôn Nhân Dục lạy trời khấn Phật hô mười nam thanh nữ tú kéo được chuông lên bờ.

Cho là vật báu trời ban, dân làng Nhân Dục bèn góp công, của dựng lại chùa cho rộng rãi hơn và xây lầu treo chuông. Mỗi lần thỉnh chuông, tiếng chuông ngân vang xa hàng vạn dặm. Khi ấy vua quan Bắc quốc lo sợ vì mỗi khi tiếng chuông thỉnh, những báu vật mà chúng cướp được sẽ về với chủ cũ nên đóng giả làm cao tăng tìm đến chùa để lấy cắp chuông vàng. Biết được giã tâm muốn cướp chuông vàng, các Tăng ni đã dấu chuông vàng xuống một chiếc giếng nhỏ. Dần dần những người mang chuông đi dấu đều viên tịch, hậu thế muốn tìm lại chuông nhưng không thấy. Tới đây, du khách có thể thấy được cảnh đẹp của quần thể kiến trúc chùa Chuông chính là ở bố cục cân đối, nhịp nhàng, như thấy được trong tâm như được gột bỏ bụi trần để đi đến thế giới của Phật, hướng con người tới tâm và thiện.

20

Đình Đa Ngưu – Hưng Yên

Đình Đa Ngưu nằm ở giữa làng Đa Ngưu, Tân Tiến, Văn Giang, là một trong số những ngôi đình cổ của tỉnh Hưng Yên vẫn còn giữ được nguyên vẹn bố cục, cảnh quan kiến trúc, những di vật quý giá. Các cụ cao niên của làng kể rằng, đình đã 7 thế kỷ, đình gồm 2 tòa, ghép thành chữ “sĩ”. Liền với sân đình lát gạch Bát Tràng là vẻ đẹp cổ kính của ngôi đình trăm cột, đậm kiến trúc của thời nhà Lý – Trần.

Đình Đa Ngưu – Hưng YênĐình Đa Ngưu – Hưng Yên

Đình Đa Ngưu là công trình kiến trúc lạ mắt trong số những nơi thờ Chử Đồng Tử được xếp hạng di tích quốc gia, sau bao nhiêu năm đình làng Đa Ngưu vẫn vững chãi, đẹp uy nghi. Đến đây bạn không chỉ mãn nhãn trước kiến trúc độc đáo của thời nhà Lý – Trần mà còn được lắng nghe những câu chuyện về sự thông minh của những người thợ Việt ngày xưa. Giữa những ồn ào, bon chen của cuộc sống thời mở cửa, đình Đa Ngưu vẫn giữ được không khí trang nghiêm, thanh tịnh như thể bao xô bồ cũng không chạm được tới chốn linh thiêng đó.

Từ xa nhìn vào đã thấy màu đỏ của mái đình với hình ảnh lưỡng long chầu nguyệt nổi bật giữa sắc xanh của cây lá như giục giã khách bộ hành bước nhanh chân để thưởng lãm cảnh đẹp nơi đây. Bước qua cổng đình, qua giếng Ngọc, qua khoảng sân rộng lát gạch Bát Tràng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thâm trầm của ngôi đình trăm cột Đa Ngưu mang đậm phong cách thời Lý – Trần. Căn cứ vào dấu tích lăng Bà Chúa cũng như sắc phong của các triều đại (trong đó có sắc phong của Vua Quang Trung năm) xưa để lại, đình Đa Ngưu được xây dựng từ rất sớm. Năm 1520, hai anh em ông Cống Cả, Cống Hai đã đứng lên tổ chức xây dựng đình. Năm 1706, đình được tôn tạo thêm và lại được trùng tu sửa chữa tiếp vào năm 1907.

21

Hồ Bán Nguyệt – Hưng Yên

Nếu ai đã từng một lần đặt chân đến Hưng Yên, thì không thể không ghé đến hồ Bán Nguyệt. Hồ Bán Nguyệt Hưng Yên xưa nay là thắng cảnh thu hút khách du lịch. Bất cứ ai đến nơi đây đều mang trong mình ấn tượng sâu đậm về phong cảnh hữu tình, không gian thoáng đãng, cùng các lễ hội được tổ chức hàng năm.

Hồ Bán Nguyệt - Hưng YênHồ Bán Nguyệt - Hưng Yên

Hồ Bán Nguyệt nằm giữa lòng xã Hưng Yên, một nét duyên dáng trong khung cảnh phố phường sầm uất, điểm xuyết phố phương nơi đây. Dáng hồ cong như hình trăng khuyết nên đã được đặt tên là Hồ Bán Nguyệt. Hồ là khúc bỏ lại của dòng sông Hồng khi nó đổi dòng. Hồ Bán Nguyệt có phong cảnh nên thơ hữu tình, nước trong xanh, bốn bề cây cối um tùm, mát dịu, với một bên là phố Nguyệt Hồ và một bên là đê Đại Hà. Không gian dịu êm giữa phố thị, hồ là nguồn hứng thú cho những tao nhân mặc khách. Trong khung cảnh ồn ã, sầm uất của đô thị, hồ Bán Nguyệt như một nét thơ được điểm xuyết vào đó với không gian thoáng đãng, phong cảnh hữu tình. Một bên là phố phường tấp nập, một bên là con đê sông Hồng chạy dài với bờ đê trải thảm cỏ xanh mướt.

Cảnh hồ mây lồng bóng nước, mặt hồ phẳng lặng, nước hồ trong xanh tựa như một tấm gương lớn lung linh soi bóng những hàng cây ven hồ. Chẳng thế mà ông nghè làng Phú Thị, tiến sĩ Chu Mạnh Trinh đã phải thốt lên lời khen: Nhất hồ thu tẩy kính quang viên, (Mặt hồ thu quét sáng như gương). Cảnh đẹp của Hồ Bán Nguyệt còn được ví: ”Bàn cuộc đất, hãy gác điều kim cổ, ướm hỏi Châu Doanh cùng Vị Khổn đã đâu hơn hẳn nước non này”(Phú Hồ Bán Nguyệt – Lê Cù). (Châu Doanh và Vị Khổn là địa danh Châu Cầu và Vị Hoàng thuộc tỉnh Hà Nam và Nam Định cũng không thể đẹp hơn được).

Hồ Bán Nguyệt là dấu tích của dòng sông Hồng khi đã đổi dòng và cũng chính nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, lịch sử. Đến thăm hồ Bán Nguyệt Hưng Yên quý khách sẽ có những trải nghiệm thú vị nhất và sẽ thật tuyệt vời khi được đến tận nơi, xem tận mắt vẻ đẹp thiên nhiên hiếm có như thế này.

22

Chùa Thái Lạc – Hưng Yên

Chùa Thái Lạc nằm ở thôn Thái Lạc, Lạc Hồng, Văn Lâm, Hưng Yên. Chùa được xây dựng từ đời Trần vào đầu thế kỷ XIV. Chùa xây theo kiểu Nội Công Ngoại Quốc được trùng tu, xây dựng lại nhiều lần ở thế kỷ XVI, XVII, XVIII, XIX. Bàn thờ ở thượng điện thờ bốn pho tượng là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, là những vị thần trong hệ thống Tứ Pháp. Chùa vẫn còn giữ được những tấm ván bưng chạm khắc của thế kỷ XIV, là những tiêu bản duy nhất Việt Nam, với những đề tài như nhạc công biểu diễn sáo, đàn, nhị, phù điêu chạm rồng phượng… Chùa được Bộ Văn hóa – Thông tin ghi nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.

Chùa Thái Lạc - Hưng YênChùa Thái Lạc - Hưng Yên

Chùa Thái Lạc còn giữ được bộ vì gỗ ở gian giữa tòa thượng điện, kiến trúc thời Trần, còn khá nguyên vẹn. Loại hình này ở nước ta rất hiếm, ngoài chùa Thái Lạc chỉ còn thấy ở chùa Dâu, chùa Bối Khê. Bộ vì kiến trúc kiểu giá chiêng, dựa trên kết cấu bốn hàng chân cột. Trên bộ vì được kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và trang trí. Trên các cốn, các đố của bộ vì và trên các cột, đấu có nhiều mảng chạm khắc lớn. Nếu nguyên vẹn, có khoảng hơn 20 bức chạm nổi các đề tài khác nhau. Trên ván bưng chạm tiên nữ đầu người mình chim. Trên thân cột trụ chạm hình các ông phỗng giơ tay đỡ bệ sen phía trên. Trên ván nong trang trí đề tài các tiên nữ. Nơi tiên nữ đang cưỡi phượng, người thổi tiêu, người kéo nhị. Nơi khác, tiên nữ đang thổi sáo, đánh đàn. Có cảnh tiên nữ đầu người mình chim đang giơ tay dâng hoa. Độc đáo hơn còn có cảnh chạm dàn nhạc ba người đang sử dụng những nhạc cụ dân tộc. Chùa Thái Lạc còn giữ được tượng Pháp Vân, ba bệ thờ và ba tấm bia đá ghi quá trình trùng tu tôn tạo chùa. Năm 1964, chùa Thái Lạc được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

23

Khu tưởng niệm cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh – Hưng Yên

Chí mạnh tâm hùng, chỉ đạo nhân dân cùng đổi mới
Hương bay khói tỏa, nhớ ơn lãnh tụ đã nhìn xa

Đây là đôi câu đối tại Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ca ngợi công đức, cống hiến to lớn của ông với đất nước, dân tộc.

Khu tưởng niệm cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh - Hưng YênKhu tưởng niệm cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh - Hưng Yên

Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ở xóm Cả, làng Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) có thêm nhiều hoa thơm, hương ngát của những đoàn khách đến dâng hương, tưởng nhớ 20 năm ngày mất của ông (27.4.1998- 27.4.2018), kiến trúc sư của công cuộc đổi mới đất nước mà tên tuổi, tầm vóc và ảnh hưởng còn mãi với thời gian.

Với những cống hiến lớn lao suốt cuộc đời cho đất nước, Đảng và Nhà nước và nhân dân ta đã dành tình cảm, sự tri ân đặc biệt đối với đồng chí Nguyễn Văn Linh. Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tọa lạc trong khuôn viên với tổng diện tích 4.685m 2, gồm nhiều công trình như: Nhà tưởng niệm, nhà trưng bày lưu niệm, nơi đón tiếp khách đến tham quan thăm viếng cùng hệ thống các công trình phụ trợ: cầu, đường vào và sân vườn bốn mùa thơm hoa, xanh lá… Khu lưu niệm được khởi công xây dựng tháng 3.2003, trên nền đất cũ của gia đình và hoàn thành vào tháng 9.2004. Ban đầu, khuôn viên khu lưu niệm rộng 2000m 2. Hạng mục chính là Nhà tưởng niệm 5 gian, tường xây kết cấu mái gỗ lim, cửa thượng song hạ bản. Sau khi nâng cấp, tu bổ, khu lưu niệm được mở rộng như hiện nay. Phong cách kiến trúc khu lưu niệm giống như nhà thờ truyền thống ở đồng bằng Bắc Bộ…

Khu lưu niệm trưng bày những hình ảnh cùng những hiện vật tiêu biểu giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Trên ban thờ là pho tượng đồng chí Nguyễn Văn Linh được đúc bằng đồng do Thành ủy, HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh dâng tặng. Bên trên là bức đại tự đề 4 chữ “Hưng Quốc An Dân”…

Trong Khu lưu niệm lưu giữ nhiều bức ảnh tư liệu quý giá ghi lại chặng đường hoạt động cách mạng trong những năm tháng kháng chiến, trong công cuộc đổi mới đất nước… với nụ cười hiền từ và ánh mắt sáng trong, cương nghị của ông. Nhiều hình ảnh, hiện vật tiêu biểu, tái hiện sinh động cuộc đời cao đẹp , như: Bản kết án tù khổ sai của tòa án đại hình Pháp, 2 thùng đạn dùng đựng tài liệu, những cuốn sách đồng chí Nguyễn Văn Linh đã viết, những hiện vật giá trị mà đồng chí đã tặng cho nhân dân: cây gậy đầu rồng, bộ ấm chén…

Mang trong mình những giá trị quý báu, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 3375/QĐ-BVHTTDL ngày 6.9.2017.

24

Làng nghề đúc đồng Lộng Thượng – Hưng Yên

Làng đúc đồng Lộng Thượng là một làng nghề nổi tiếng với những sản phẩm được đúc từ đồng như: lọ hoa, đỉnh đồng, lư hương,… Từ đôi bàn tay khéo léo của những người thợ tài hoa, những sản phẩm đã góp phần vào nét đẹp của chốn kinh thành Thăng Long xưa.

Làng nghề đúc đồng Lộng Thượng - Hưng YênLàng nghề đúc đồng Lộng Thượng - Hưng Yên

Đến đây, bạn sẽ được học hỏi về những kinh nghiệm và được tự tay làm ra sản phẩm từ đồng dưới sự hướng dẫn những người thợ tại đây. Ngày nay, làng đúc đồng Lộng Thượng được mở rộng và phân công hóa ngành nghề, đã mở các phường sản xuất riêng cho từng mặt hàng như: mâm, chậu, đồ thờ cúng, tượng… Nhờ có sự tổ chức mà làng đã ngày càng phát triển. Từ bàn tay khéo léo của những người thợ tài hoa trong làng, những sản phẩm ấy đã góp phần vào nét đẹp làng nghề chốn kinh thành Thăng Long xưa. Theo sử sách ghi chép lại rằng, ông tổ nghề đúc đồng ở nơi đây là Khổng Minh Không – Quốc sư triều Lý thế kỷ thứ XII, ông đã đến đây và truyền lại nghề đúc đồng cho dân làng. Để tỏ lòng thành kính và biết ơn đến Đức Tổ sư – người đã có công lao khai truyền nghiệp quý, người dân nơi đây đã đúc tượng ông và thờ cúng quanh năm.

Theo truyền thuyết tại địa phương thì nghề đúc đồng ở xã Đại Đồng rực rỡ nhất vào thời Lê – Trịnh. Trước năm 1990, bốn trong chín thôn của Đại Đồng là Bùng Đông, Văn Ổ, Xuân Phao và Lộng Thượng vẫn giữ được nghề cổ truyền, nay chỉ còn Lộng Thượng. Làng đúc đồng Lộng Thượng xưa chuyên đúc tượng, đỉnh, chuông, nay chỉ sản xuất đồ thờ cúng như đỉnh, hạc, chân nến, đèn, mâm bổng, bát hương, những thứ mà trên bàn thờ của mọi gia đình không thể thiếu. Ngày nay, làng đúc đồng Lộng Thượng đã được mở rộng sản xuất và phân công hóa ngành nghề, đã thành lập các phường sản xuất riêng từng loại mặt hàng như: xưởng làm mâm, xưởng làm chậu, xưởng đúc đồ thờ cúng, xưởng đúc tượng…. Nhờ có sự tổ chức hoàn chỉnh, làng nhanh chóng phát triển với nghề đúc đồng, gò đồng nâng cao trong kinh nghiệm luyện đồng.

25

Làng hương xạ Cao Thôn – Hưng YênLàng hương xạ Cao Thôn - Hưng YênLàng hương xạ Cao Thôn - Hưng Yên

Làng hương Cao Thôn thuộc xã Bảo Khê, Hưng Yên hiện đang là một trong những làng nghề làm hương lớn nhất cả nước, nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 40km. Hương của làng Cao Thôn được nhiều người biết đến là chất lượng tốt và có mùi hương rất đặc biệt. Cũng giống như tương Bần thì hương ở đây cũng đã được xuất khẩu đi một số nước.

Đến với ngôi làng này du khách sẽ thực sự ấn tượng trước khung cảnh các que hương được rải từ đầu làng đến cuối làng thành từng khoảng không gian rộng tạo nên một bức tranh làng quê Việt Nam vô cùng ấn tượng. Bên cạnh đó mùi thơm dễ chịu của hương cũng dễ đưa du khách lạc vào những cảm xúc bình yên.

26

Làng Thủ Sỹ – Hưng YênLàng Thủ Sỹ - Hưng YênLàng Thủ Sỹ - Hưng Yên

Là một làng nghề lâu đời tại Hưng Yên, làng Thủ Sỹ luôn giữ cho mình nét đẹp cổ xưa suốt bao năm nay. Lạc bước đến đây, người lữ khách phương xa sẽ chìm đắm vào không gian miền quê đúng nghĩa, một nhịp sống bình yên không thể có ở chốn đô thành.

Vào những ngày thời tiết lý tưởng, bạn đi đến bất kỳ hộ gia đình nào đều sẽ bắt gặp được hình ảnh những đóa hoa bằng tre, nứa bắt mắt ngập tràn ở các khoảng sân trước nhà. Bạn có thể trò chuyện với những người dân chất phác, ngắm nghía các đôi tay thoăn thoát đan nứa, vọt tre hay nghe họ kể về những câu chuyện tình làng nghĩa xóm rất đỗi thân thương.

27

Làng rượu Lạc Đạo – Hưng Yên

Là xã thuộc vùng đồng bằng sông Hồng có mặt đất bằng phẳng, được bồi đắp phù sa màu mỡ. Xã Lạc Đạo được biết đến với nhiều nghề như: nghề làm hóa, nghề nấu rượu, làm mộc, cơm nắm muối vừng… trong đó nổi tiếng là nghề nấu rượu.

Làng rượu Lạc Đạo - Hưng YênLàng rượu Lạc Đạo - Hưng Yên

Rượu Lạc Đạo lắm gạo nhiều men có đã tiếng trên thị trường. Thương hiệu rượu Lạc Đạo là một trong những loại rượu quê nổi tiếng được nhiều người ưa chuộng. Một số đặc sản Hưng Yên như là nhãn lồng, mật ong, long nhãn, hạt sen, Đặc sản gà Đông Tảo Hưng Yên, bánh giày, bánh tẻ, bánh cuốn, ếch om Phượng Toàn, tương Bần, Cơm nắm Lạc Đạo… Đến đây bạn sẽ được học hỏi rất nhiều điều thú vị từ làng nghề và thưởng thức nhiều loại đặc sản đấy nhé. Trên thị trường hiện nay có nhiều loại rượu và người tiêu dùng có xu hướng tìm về với những sản phẩm rượu được chưng cất theo phương pháp truyền thống, không bị pha trộn hóa chất. Chính vì thế, thương hiệu rượu Lạc Đạo đang là một trong những sản phẩm rượu quê nổi tiếng và được nhiều người ưa chuộng.

Không ai biết nghề nấu rượu ở Lạc Đạo (Văn Lâm) có từ bao giờ. Chỉ biết đó là một nghề cha truyền con nối. Lớp lớp người Lạc Đạo sinh ra và lớn lên đã thấy ông bà, cha mẹ mình nấu rượu. Thời Pháp thuộc, nghề nấu rượu bị ngăn cấm, ai nấu rượu bị coi là phạm tội và bị tịch thu tài sản. Đó cũng là lúc khó khăn nhất của nghề nấu rượu Lạc Đạo. Theo những người cao tuổi ở Lạc Đạo kể lại, khi đó, trong xã chỉ còn lại rất ít người nấu rượu, và phải nấu vào ban đêm. Rượu được chôn giấu ở dưới chân cột nhà. Do vậy vẫn có những mẻ rượu thơm ngon, đặc sắc ra đời. Và nghề nấu rượu vẫn được kín đáo giữ gìn từ đời này sang đời khác.

Lúc đầu người Lạc Đạo chỉ nấu rượu để phục vụ nhu cầu của chính gia đình mình, đặc biệt là vào các dịp lễ tết, hội hè. Người dân Lạc Đạo xưa nay vẫn chỉ sống bằng cây lúa. Và chính từ những cây lúa do mình gieo trồng ra, đôi tay khéo léo của người Lạc Đạo đã biến những giọt rượu trong vắt, thơm lừng và đặc sắc, ít nơi nào có được. Bây giờ là Lạc Đạo, nhà nào cũng biết nấu rượu. Không chỉ người già, thanh niên mà cả phụ nữ cũng biết nấu. Tiếng thơm của rượu Lạc Đạo xưa vang xa, nên khi kinh tế thị trường phát triển, nghề nấu rượu được coi là hợp pháp, công khai phát triển thì có nhiều người tìm đến mua rượu Lạc Đạo.

28

Làng nghề tương Bần – Hưng YênLàng nghề tương Bần - Hưng YênLàng nghề tương Bần - Hưng Yên

Nhắc đến những điểm du lịch nổi tiếng tại Hưng Yên thì không được quên làng nghề làm tương Bần ở thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hảo, Hưng Yên. Đây cũng là địa chỉ làm tương bần ngon nhất cả nước và còn được xuất khẩu ra thế giới. Ở Bắc Bộ tương bần dường như là nước chấm không thể thiếu trong các bữa cơm gia đình, hương vị món ăn còn gây thương nhớ đối với những người con xa quê.

Nguyên liệu để làm tương bần không khó kiếm nhưng công đoạn chế biến thì lại rất công phu và tốn nhiều thời gian. Để có thể cho ra đời được những bát tương thơm nức, vàng ươm thì đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm rất lớn từ các người thợ.

Ghé đến làng nghề này du khách sẽ được chứng kiến quá trình làm tương bần, chuyện trò cùng những người thợ giàu kinh nghiệm và cảm nhận được nét đẹp lao động ở miền quê Bắc Bộ.

Đến đây, chắc hẳn bạn đã hết thắc mắc “Hưng Yên có gì chơi” rồi phải không? Nếu bạn đến với Hưng Yên thì hãy ghé thăm những địa điểm du lịch trên đây để khám phá vẻ đẹp của mảnh đất này nhé. Bạn sẽ không phải thất vọng đâu. Chúc các bạn có một chuyến đi du lịch tại Hưng Yên thật vui vẻ và nhiều ý nghĩa.