Hương vị bánh cổ truyền ngày Tết.

Người Việt ăn mừng Tết cổ truyền với niềm tin thiêng liêng. Tết là ngày đoàn tụ và là ngày của hi vọng. Nói Tết là ngày đoàn tụ của mọi gia đình bởi vì đây là nỗi mong mỏi của tất cả các thành viên trong gia đình, người đi xa cũng như người ở nhà đều mong dịp Tết để gặp mặt và quây quần cùng gia đình. Và để hương vị ngày Tết thêm đậm đà thì bánh cổ truyền là thứ không thể thiếu.

Bánh tét.

Không như các loại bánh khác, ngoài ý nghĩa ẩm thực, bánh tét còn mang ý nghĩa nghi lễ truyền thống, đi vào tâm thức người Việt như một thứ tình cảm thân thuộc không thể tách rời.

Với những đại gia đình người Việt, hình ảnh cả nhà quây quần gói bánh, đêm ba mươi xúm xít bên bếp lửa vừa canh nồi bánh tét vừa đón giao thừa là hình ảnh mẫu mực kinh điển mang ý nghĩa sum họp. Trong không gian se lạnh cuối năm, ánh lửa leo lét và làn hơi nhẹ mỏng của nồi bánh và những gương mặt thân quen hớn hở mở lòng đón mừng năm mới như phả vào lòng người hơi ấm dịu dàng khó tả.

Cũng là nếp, đậu, nước cốt dừa, thịt mỡ nhưng bởi mỗi gia đình có một khẩu vị, sở thích riêng, nên cũng tạo ra dấu ấn riêng trong nồi bánh tét. Dù giàu dù nghèo, trong dịp tết biếu nhau một cặp bánh tét đã đủ để thể hiện tấm lòng tình nghĩa, Bây giờ cuộc sống gấp gáp, thời gian cho ngày tết không nhiều, rất ít gia đình còn có thời gian dành cho “bánh tét nhà mình” nên người ta đành cậy nhờ hương vị của bánh thị trường. Chính nhờ vậy bánh tét đặc sản các địa phương có dịp đua nhau về thành, cho thấy bức tranh đa dạng của bánh tét khắp các vùng miền.

Bánh tổ.

 Bánh tổ là loại bánh của người dân xứ Quảng thường xuất hiện trong dịp Tết. Những ngày đầu năm, trên bàn thờ gia tiên của người dân ở đây không thể thiếu loại bánh này.

Không ai biết bánh tổ có từ đâu và vì sao có tên gọi đó, chỉ biết rằng đây là loại bánh cổ truyền trong ngày Tết của người dân xứ Quảng. Truyền thuyết kể rằng bánh này vốn do tổ mẫu Âu Cơ làm ra phát cho trăm con lên núi xuống biển làm lương khô ăn dọc đường. Cũng có người cho rằng loại bánh này làm ra cốt là để cúng ông bà nên mới có tên gọi bánh tổ.

Cũng như những loại bánh mứt khác, bánh tổ được chế biến trước Tết mấy ngày. Như một món để dành, bánh tổ nấu ra không phải để ăn ngay mà để sau một thời gian cho “ngấm” khi đó  mới đậm đà, vị ngọt bùi sẽ tăng lên. Để có những ổ bánh tổ mềm mại, thơm ngon không cứng cũng không nhão đòi hỏi phải hoàn thiện nhiều công đoạn từ khâu chọn nguyên liệu cho đến lúc bảo quản.

Nguyên liệu chính gồm có nếp, đường. Nếp phải là loại nếp hạt mẩy, đều tròn thì mới dẻo và thơm. Đường phải là loại đường bát, một loại đường đặc sản của Quảng Nam. Hai thứ phụ liệu không thể thiếu là hạt mè và gừng.

Bánh in.

Bánh in là một loại bánh có xuất xứ từ Huế, được làm từ bột năng, bột nếp, đậu xanh, đường, các nguyên liệu khác và được ép, đúc thành khuôn, mặt đáy của bánh có khắc các hình chữ Thọ, Phúc, Lộc. Đây là loại bánh để dùng trong ngày Tết, phục vụ việc thờ cúng và đãi khách. Do giá rẻ nên được rất nhiều người ưa chuộng.

Bánh in thường được thờ trên bàn thờ tổ tiên ngày cúng tất niên hay để trong các hộp mứt mời khách ngày Tết, bánh tháp được kết từ nhiều bánh in nhỏ dùng thờ cúng Phật, bánh nếp có khắc hình hoa sen ăn thơm, dẻo thường được đặt trên các bàn cúng tối 30 Tết…

Theo lời kể của những người già ở làng. Ngôi làng được cho là khởi thủy của bánh in ở Huế, làng Kim Long thì bánh in đã có từ đời các vua triều Nguyễn . Lúc ấy gần Tết Nguyên đán, bên chén trà nhạt vua cảm thấy cần có thêm một món để nhắm với trà, vua bèn sai các bô lão ở vùng Kim Long rằng “Vùng các ngươi vốn sẵn khéo tay, nay ta sai về làm thứ gì đó vừa rẻ lại vừa ngon để ta uống với trà“.

Các bô lão bàn bạc là đánh giá rằng làng có trồng nhiều đậu xanh, nên kết hợp với đường cát để làm một thứ bánh nhỏ gọn cho vua ăn mà có đủ chất dinh dưỡng và quan trọng nhất là giá rẻ. Sau vài tuần chế biến, chiếc bánh đậu xanh có in hình chữ “thọ” với ý nghĩa chúc vua trường thọ đã ra đời. Vừa ăn vào thấy hài lòng, bèn ban thưởng cả làng và ra chiếu chỉ phải lưu giữ nghề cho đến muôn đời sau. Như vậy bánh in khởi thủy là một loại bánh dâng vua uống trà nhân dịp Tết.

Bánh thuẫn.

Bánh thuẫn là món bánh để đãi khách trong những ngày Tết của người miền Trung. Trước Tết khoảng 5 – 6 ngày, người dân ở đây bắt đầu rộn ràng với việc đổ bánh thuẫn. Nguyên liệu chính của món bánh này rất đơn giản với bột, trứng và một chiếc khuôn bánh làm bằng gang hoặc đồng. Một khuôn bánh thường có 6 đến 8 chiếc bánh nhỏ bên trong.

Nghe qua có vẻ đơn giản nhưng để có được những mẻ bánh vàng ươm, nở bung ra như cánh hoa mai thì không phải dễ. Công đoạn khó nhất là việc pha và đánh bột. Bột dùng để làm bánh là bột năng, bột huỳnh tinh được pha với nhau theo một tỷ lệ nhất định. Trứng để làm bánh là trứng gà, trứng vịt hoặc sử dụng cả hai loại tùy theo sở thích của từng gia đình. Trứng cho vào với đường và đánh tan. Cho tiếp bột đã rây mịn vào và đánh cho đến khi hỗn hợp đó quyện lại và dậy lên là được. Sau khi đánh xong, cho vào một ít vani để có hương thơm. Và sau đó là công đoạn đổ bánh.

Bánh nổ.

Ngoài mục đích thờ cúng, tiếp đãi khách khứa trong ba ngày Tết, nhiều gia đình nông thôn ở quê, còn làm loại bánh nổ để sau Tết có cái cho con cháu chút quà đi xa, để có cái ăn xế. Vị ngọt của đường, vị cay của gừng, vị thơm bùi của gạo nếp, quyện vào nhau, làm nên hương vị riêng mà thân quen của miếng bánh nổ truyền thống. Ngày nay, bánh nổ ” công nghiệp” về hình thức có phần mượt mà, bắt mắt hơn nhưng cái đậm đà, ngon thơm làm sao sánh bằng những cây bánh, miếng bánh nổ thủ công do chính bàn tay chúng ta làm ra. Bánh nổ là thứ bánh đậm đà chất quê hương, đồng lúa. Mộc mạc, giản dị như khí chất người đất Quảng. Vị giòn thơm, ngọt ngào của nếp, của đường, vị cay nồng của gừng trong từng miếng bánh nổ, gợi ta nhớ mãi vị hương quê nhà, nhớ về không khí đầm ấm, thiêng liêng ngày Tết.

 

Đi Và Viết ( tổng hợp )

Rate this post