Huyền ảo cây đa 13 gốc
Cây đa thường được trồng ở đầu làng, đình, chùa, miếu… Tuy nhiên, cây đa ở xóm Trại, phường Đằng Giang (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) thật kỳ lạ, bởi xòe tán rộng, ngoài gốc chính còn có 12 gốc phụ phát triển từ nhánh thành gốc cây. Vì vậy, người dân địa phương quen gọi là cây đa 13 gốc.
Cây đa in bóng xuống mặt hồ
Xóm Trại bây giờ là khu dân cư đông đúc, nhưng ai tới đây vẫn có cảm giác mát mẻ, yên bình của làng quê. Bởi ngay đầu xóm là cây đa cổ thụ cành lá xòe rộng, in bóng xuống hồ nước ven đường. Chiều muộn, các cụ già và trẻ nhỏ thường dạo quanh khu vực cây đa để thưởng ngoạn không khí mát mẻ.
Cụ Nguyễn Đình Nhĩ, năm nay 90 tuổi nhưng vẫn còn mạnh khỏe, minh mẫn, kể: “Khi còn nhỏ, tôi đã thấy cây đa với 13 gốc sừng sững ở đầu làng. Ngay thời ấy, các cụ cao tuổi cũng không biết chính xác tuổi của cây. Sau này, một số nhà khoa học đến thăm đã đo đạc, đánh giá cây có thể gần 1000 tuổi”.
Theo lời các cụ cao tuổi trong làng, cây đa 13 gốc gắn bó, thân thuộc với người dân địa phương từ bao đời nay. Thời gian trước, khu vực xóm Trại là một làng quê nghèo sống bằng nghề làm ruộng. Sau này, cùng với quá trình đô thị hóa, xã Đằng Giang trở thành phường, làng quê trước đây giờ trở thành khu đô thị mới với nhà cửa san sát, dân cư quen dần với nếp sống đô thị.
Từ xa xưa, do vị trí cây đa ở đầu làng, có tán cây xòe rộng, tạo bóng mát, nên dân làng khi đi làm đồng về thường dừng lại nghỉ chân, uống nước. Ngày ấy, dưới gốc cây đa chỉ có miếu nhỏ bằng tranh tre. Theo quan niệm của người dân địa phương, dưới gốc đa thường thờ thần. Vì vậy, cây đa 13 gốc có miếu thờ đức Thổ Vượng, có công giúp dân làng khai khẩn đất đai, lập và giữ làng.
Ngày rằm, mồng một, dân làng thường ra miếu dưới gốc đa thắp hương, cầu mong may mắn. Bên gốc đa ngày ấy còn có người ăn mày chết đói. Vì vậy, dân làng khi đi làm đồng qua gốc đa cũng thường thắp hương lòng thành cầu khấn cho vong linh người xấu số siêu thoát.
Người dân xóm Trại cho biết cây đa 13 gốc có sức sống mãnh liệt. Cây chưa bao giờ sâu bệnh hoặc bị tàn phá bởi bất cứ nguyên nhân nào. Ông Phạm Đức Thiết, 76 tuổi, trưởng ban quản lý cảnh quan cây đa 13 gốc, cho biết: “Có lần bão to, gió lớn, cây đa chỉ bị dập lá, không hề bị gãy cành. Đặc biệt, trong những năm chiến tranh, giặc tàn phá nhiều nơi trong thành phố, nhưng cây đa 13 gốc vẫn nguyên vẹn. Sau này, trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, dân làng chặt những cành lá nhỏ để giúp trận địa pháo ở Đồng Láng ngụy trang”.
Xác định cây đa 13 gốc là cây cổ thụ quý, phường Đằng Giang có quy định về việc bảo đảm an ninh, trật tự, nghiêm cấm hoạt động mê tín, dị đoan dưới gốc đa. Ngay cổng vào di tích cây đa 13 gốc là tấm biển có nội dung Ban tổ chức khu di tích yêu cầu nhân dân địa phương gìn giữ, bảo vệ cảnh quan khu vực, bảo đảm môi trường sạch đẹp. Dưới gốc đa được đặt nhiều ghế đá để khách tham quan có thể nghỉ ngơi, hóng mát. Địa phương đang làm hồ sơ đề nghị Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận cây đa 13 gốc là cây di sản Việt Nam.
Một sự tích do người dân truyền miệng nhau bà chúa Năm Phương, ngự ở cây đa 13 gốc. Vì vậy, nhiều người dân trong và ngoài thành phố đến lễ ở đây, cầu may mắn, tài lộc… Các hàng quán tự phát mọc lên để phục vụ nhu cầu mua sắm lễ của người dân. Khi có khách, các chủ quán ùa ra chèo kéo, mời gọi, gây mất trật tự, an ninh. Một số người còn cư xử thiếu lịch sự với khách đi lễ hoặc đến tham quan. Thi thoảng tại gốc đa có diễn ra hầu đồng, thường là lợi dụng những lúc vắng mặt ban quản lý di tích.
Hiện, cây đa 13 gốc trở thành điểm đến quen thuộc của du khách trong tour du lịch văn hóa tâm linh, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của một số người dân trong thành phố, đặc biệt vào dịp rằm, mồng 1, Tết… Song, để bảo tồn và gìn giữ cây quý này, thời gian tới chính quyền địa phương tiếp tục siết chặt hơn các nội quy về bảo vệ cảnh quan môi trường khu vực này đồng thời chấn chỉnh hoạt động tâm linh để tránh sự thái quá vào mê tín, hủ tục…
Theo
Hải An