Khả năng đặc biệt được khảo nghiệm như thế nào?
Sự tồn tại về một khả năng đặc biệt của con người về tâm linh đã được nhiều người, từ các nhà khoa học đến các cấp quản lý thừa nhận. Tuy nhiên, khả năng đặc biệt ấy hoàn toàn không phải như một thứ kiến thức đã được học để mà đong đếm được.
“Ngoại cảm”, cách gọi chung mà người ta vẫn quen dùng để nói về các khả năng đặc biệt này, đang phải hứng chịu quá nhiều điều tiếng thời gian qua chính là bởi người ta đem thứ không đong đếm được ấy ra để đổi lấy những đại lượng cụ thể, thậm chí rất lớn. Còn như, nếu coi nó hoàn toàn như một đối tượng nghiên cứu khoa học, thì chỉ riêng việc khảo sát cái khả năng ấy, đã là cả một câu chuyện dài.
Có câu chuyện ngụ ngôn rằng, Cóc kia được mọi người trong làng rất kính phục bởi khả năng dự báo thời tiết của mình. Nhiều người trong làng trước khi đi xa, hoặc làm việc lớn đều đến hỏi Cóc để chọn ngày đẹp và được mách bảo cho rất chính xác. Cứ thế, ngày càng có nhiều người tìm đến Cóc và Cóc ta lại càng cảm thấy mình thật quan trọng.
Thế rồi, một ngày nọ, Cóc soi gương và bỗng thấy rằng, với tầm quan trọng của mình mà cứ khoác mãi tấm da xù xì mốc xanh mốc đỏ thế này thật là… không xứng! Vậy là Cóc quyết định đóng bộ, khăn the áo xếp, mũ cao, áo dài và nghĩ rằng như thế mới thực là oai, mới thực là oách, xứng tầm với khả năng đặc biệt của mình.
Trông thì cũng có vẻ oai thật, duy chỉ có điều, càng đóng bộ bao nhiêu thì những dự đoán về thời tiết của Cóc lại càng sai bấy nhiêu. Nhiều người định đi xa, định làm việc trọng đại nhưng bị chỉ dẫn sai, đã trở mặt với Cóc. Dần dà, chẳng ai hỏi đến Cóc khăn the áo xếp, mũ cao, áo dài nữa. Hóa ra, chính Cóc cũng không biết rằng, cái khả năng dự báo thời tiết chính xác có được chính là nhờ vào bộ da xù xì xanh đỏ kia. Những thay đổi dù là nhẹ nhất của thời tiết đã tác động lên bộ da nhạy cảm đó khiến cho Cóc có thể biết trước được trời mưa hay nắng, và rồi khả năng ấy lại bị chính cái tính háo danh, thiếu hiểu biết mà lụn bại đi mất…
Cho đến nay, đối với những người đã có nhiều năm nghiên cứu về khả năng đặc biệt về tâm linh thấy rằng, nó thường xuất hiện từ 3 dạng: Tự nhiên mà có, do luyện tập và những trường hợp ghi nhận sau một cú sốc trong cuộc sống như sang chấn tâm lý, trở lại sau cơn ốm thập tử nhất sinh hoặc chết đi sống lại (trở về từ cõi chết?). Tuy vậy, những đánh giá này cũng mới chỉ dừng ở mức ghi nhận là chính, chứ cũng chưa thấy có một nghiên cứu cụ thể nào về mặt khoa học.
Bản thân người viết bài này đã nhiều lần trao đổi với đại diện của Liên hiệp Khoa học công nghệ UIA cũng như Bộ môn Cận tâm lý của Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người (nay là Viện Nghiên cứu tiềm năng con người) nhưng cũng chưa bao giờ nhận được một lời giải thích cho thỏa đáng. Nếu dẫn luận có tính lô-gic, thì nếu không biết được một cái gì đó ở đâu ra, hình thành như thế nào, sẽ rất khó để đánh giá được một cách toàn diện. Cố nhiên, với khả năng đặc biệt của con người, thì không chỉ ở Việt Nam mà cả những quốc gia phát triển với nền khoa học tân tiến cũng chưa thể giải thích được hết.
Phiếu theo dõi trắc nghiệm khoa học của một gia đình tự nguyện.
Và, với thực tế tiếp cận như hiện nay, có cảm giác người ta quan tâm tới việc ứng dụng, khai thác khả năng đặc biệt ấy nhiều hơn là nghiên cứu, tìm hiểu và đưa ra một lời giải thích khoa học theo đúng nghĩa. Chả thế mà tham dự nhiều cuộc hội thảo về cùng một chủ đề, và mới nhất là cuộc Hội thảo do Viện Nghiên cứu tiềm năng con người tổ chức hôm rồi tại Hà Nội, nhiều người tham dự đã bắt đầu cảm thấy khó mà bị thuyết phục bởi cái cách dẫn giải, kể lể về câu chuyện của những người trong cuộc từ những bài tham luận nữa. Xúc động trước nghĩa cử thì không ai phản đối. Nhưng cứ khóc lóc mãi mà chẳng đưa ra được luận điểm khoa học thuyết phục nào, thì nghi ngờ vẫn cứ là nghi ngờ mà thôi.
Như đã rất nhiều lần đề cập trong các bài viết trước, vấn đề khả năng đặc biệt mà chúng tôi đề cập đến không bao giờ là các trường hợp lừa đảo, giả danh để làm tiền. Những trường hợp “bỗng dưng ngoại cảm” hay chủ ý lừa đảo mê tín dị đoan dứt khoát không được tính đến, và phải bị loại trừ. Điều ấy là rõ ràng. Vậy thì thế nào mới được coi là tạm có khả năng đặc biệt? Ai quản lý những người có khả năng đặc biệt ấy? Họ được phép hoạt động như thế nào và phải tìm những người đấy ở đâu?
Trước hết, phải nói ngay rằng, hiện nay chưa hề có ai hay đơn vị nào quản lý hoạt động khả năng đặc biệt về tâm linh cả. Và kể cả người đã được quen với hoạt động này cũng chẳng có bằng cấp hay chứng chỉ nào cả. Hiện tại có 2 đơn vị đứng ra tổ chức nghiên cứu, tập trung những người có khả năng đặc biệt như đã nói ở trên, đó là Liên hiệp Khoa học công nghệ UIA và Viện Nghiên cứu tiềm năng con người, nhưng cả hai cơ quan này đều chỉ có chức năng khảo sát, mời tham gia hợp tác và tổ chức hoạt động chứ không hề có chức năng quản lý người có tiềm năng.
Một “biên bản chấm thi” của người có khả năng đặc biệt về tâm linh.
Chẳng thế mà đã có chuyện, người được cho là có khả năng đặc biệt làm đơn xin được khảo sát, vượt qua một vài trắc nghiệm rồi thì tự ý rời khỏi, đem cái “mác” “đối tượng được nghiên cứu” ấy về hành nghề tại gia mà các cơ quan nói trên cũng chẳng biết làm thế nào. Yêu cầu hay thông báo về địa phương thì cũng chỉ biết vậy, dễ gì xử lý?
Lại có chuyện người tự cho là có khả năng đặc biệt, sau khi nhận giấy mời hợp tác khảo nghiệm của một trong hai trung tâm nói trên, cũng chẳng đến khảo nghiệm nhưng lại đưa tấm giấy ấy ra để lòe người kiếm tiền, rằng “đấy họ biết tôi có khả năng nên mời tôi đến làm việc cho họ!”. Biết đấy mà cũng đành thua.–PageBreak–
Vậy thì thế nào mới được coi là người có khả năng đặc biệt về tâm linh và trở thành đối tượng hợp tác nghiên cứu, được tiến hành khảo nghiệm dưới sự bảo trợ của các đơn vị nói trên? Theo TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc UIA, một người được tạm cho là có khả năng đặc biệt và trở thành đối tượng nghiên cứu của UIA trước hết phải qua được vòng sơ khảo và sau đó phải được khảo sát ít nhất 100 trường hợp trắc nghiệm khác nhau tại chỗ dưới sự chứng kiến của các thành viên trong Hội đồng khoa học của 3 đơn vị: Liên hiệp khoa học công nghệ UIA; Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an và Trung tâm Bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống.
Chỉ khi vượt qua được các bước này, gọi là vòng sơ khảo, thì người được cho là có khả năng đặc biệt mới bắt đầu bước vào vòng 1 của khảo nghiệm, tức là bắt đầu được hoạt động liên quan đến tâm linh tại UIA, dưới sự bảo trợ thông tin cũng như giám sát của UIA. Ở đây, ông Khanh lưu ý, chỉ có những trường hợp thực hiện tại chỗ, dưới sự chứng kiến và đánh giá của các thành viên hội đồng khoa học của UIA mới được công nhận. Kết quả, dù đúng hay sai, đều được công bố và coi như là đánh giá năng lực của người có khả năng đặc biệt ấy.
Một cách nhấn mạnh, tất cả những trường hợp người đó thực hiện ở nhà hoặc ở một nơi khác UIA, đều không được tính, bất kể họ có đang là đối tượng của trung tâm hay có được sự công nhận của thân nhân tìm kiếm.
Đầu tiên, muốn đến với UIA, người có khả năng phải nộp một bộ hồ sơ bao gồm lý lịch tương đối đầy đủ và một lá đơn xin được khảo nghiệm, trong đó phải mô tả chi tiết về khả năng của mình. “Cái này giống như anh định thi môn gì vậy?” – ông Khanh hóm hỉnh.
Đơn phải được gửi tới đồng thời 3 cơ quan: UIA, Viện Khoa học hình sự và Trung tâm Bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống. Đây là những cơ quan được giao nhiệm vụ trực tiếp khảo nghiệm khả năng đặc biệt. Sau khi xem hồ sơ, đối với những trường hợp được cho là có tính thuyết phục, các cơ quan này sẽ lập một hội đồng thẩm định.
Bước kiểm tra sơ khảo này, người xin khảo nghiệm sẽ trải qua một số “bài” có tính môtuýp. Phần này không đòi hỏi quá cao, nhưng phải có dấu hiệu tích cực thì mới tiếp tục lập hội đồng khoa học và bước vào quá trình thực hiện tối thiểu 100 ca tại chỗ. Gọi là tại chỗ song có thể là ra hiện trường, đối với một ngôi mộ đã biết danh tính nhưng bị che kín đi và yêu cầu người khảo nghiệm “đọc” thông tin về ngôi mộ ấy. Hoặc bố trí người đến “xin” thông tin về người thân đã khuất nhưng kỳ thực, chẳng có người thân nào như thế…
Đối với những trường hợp có mộ thật, người khảo nghiệm phải đưa ra các thông tin yêu cầu khảo nghiệm, chia thành 7 nhóm chính: tiểu sử người đã khuất; hình dáng; mối quan hệ với người thân; thời tiết khi đi tìm mộ; mô tả về ngôi mộ – với những đặc điểm nhận dạng hoặc vật trong mộ; hiện trạng khu vực mộ (địa hình nơi ngôi mộ) và sau khi khai quật, dự đoán sẽ thu được gì?
TS Vũ Thế Khanh với chồng báo cáo các đề tài khảo nghiệm.
Ông Khanh cho biết, không phải ai cũng nói được trúng hết ngần ấy thông tin. Chính vì thế, khảo nghiệm phải diễn ra tối thiểu 100 ca thì mới có thể kết luận sơ bộ về khả năng của người được khảo nghiệm. Và các khảo nghiệm được tính điểm phải diễn ra tại UIA, dưới sự chứng kiến của hội đồng khảo nghiệm của cơ quan này. Tất cả những trường hợp làm ngoài, dù có bằng chứng về sự công nhận của thân nhân người tìm kiếm cũng không được tính.
Theo ông Khanh, tại UIA lúc nào cũng có không dưới 3.000 trường hợp thân nhân gia đình sẵn sàng tham gia làm khảo nghiệm, trong đó có cả những trường hợp đã tìm thấy rồi hoặc chưa tìm thấy, và cả những trường hợp chẳng cần tìm gì cả!
Cũng theo lời ông Khanh, từ khi thực hiện khảo nghiệm đến nay, mỗi tháng có chừng đôi ba trường hợp làm hồ sơ xin khảo nghiệm, nhưng những người “trụ lại được” và đang tiếp tục tham gia hoạt động khảo sát tại UIA hiện nay chỉ khoảng 10 người. Được biết, đây là những người được xác định là có khả năng đặc biệt về tâm linh, và đều đã vượt qua vòng 1 khảo sát, tiếp tục được nghiên cứu. Còn lại không ít các trường hợp tưởng là mình có khả năng hoặc cố tình cho rằng mình có khả năng nhằm mục đích khác.
Cũng có không ít trường hợp xin đến khảo nghiệm nhưng khả năng thì chẳng thấy đâu, mà bởi sự huyễn hoặc hay thậm chí đến hoang tưởng khiến cho hội đồng khảo nghiệm được phen dở khóc dở cười mà đành phải “trả về nơi cư trú”.
TS Vũ Thế Khanh chỉ cho tôi xem một chồng dày gồm nhiều quyển báo cáo đóng bìa đỏ, là tổng hợp thông tin về các giai đoạn khảo sát cũng như kết quả của các chương trình khảo nghiệm. Trong các tập báo cáo được đóng dấu “mật” này có khá đầy đủ từ các biên bản chấm khảo nghiệm của hội đồng đến những bản vẽ thực hành của những người tham gia khảo nghiệm, và cả những đánh giá của các gia đình thân nhân tìm mộ.
Duy chỉ có điều, các tập báo cáo này đều ghi năm 2000 hoặc 2001, thậm chí có quyển đề năm 1997. Cũng không có báo cáo chi tiết nào đánh giá về quá trình hoạt động của những người có khả năng đặc biệt từ đấy đến nay (tính theo mốc hoàn thành của các báo cáo vượt qua vòng 1 khảo sát ấy – 1997, 2000 và 2001). Có nghĩa là không có sự đánh giá lại khả năng sau khoảng thời gian nhất định, ít nhất là 1 năm một? (như đã trình bày ở trên, khả năng đặc biệt về tâm linh không phải là một khả năng bất biến, nên việc đánh giá lại theo năm, thậm chí là từng quý là thực sự cần thiết).
Chẳng nhẽ hồ sơ của người có khả năng đặc biệt, sau khi đã trở thành đối tượng nghiên cứu khoa học, lại chỉ bao gồm những câu chuyện kể của những người trong cuộc? Những thắc mắc này, tôi đã trực tiếp trao đổi với TS Vũ Thế Khanh, song thực chưa nhận được lời giải đáp thỏa đáng!