Khám phá Người Chăm An Giang qua bản sắc văn hóa và tinh thần dân tộc

Người Chăm An Giang có nguồn gốc từ vùng Nam Trung Bộ, họ luôn cố gắng bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc. Cùng MIA.vn khám phá ngay nét đẹp này khi có dịp du lịch An Giang nhé!

Đến với vùng đất An Giang, có lẽ bạn sẽ quan tâm đến các nơi check-in du lịch nổi tiếng như Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc  hay các điểm dành cho các tín đồ yêu thích lối kiến trúc cổ xưa như Thánh đường Cù Lao Giêng… nhưng có thể bạn chưa biết ở vùng đất ấy có sự tồn tại của hơn 17 nghìn người Chăm đang sinh sống và làm việc tại đây. Nếu đã có dịp đến An Giang chơi, bạn nên dành ra một chút thời gian để ghé thăm các làng của đồng bào Chăm nơi đây, chắc hẳn bạn sẽ có thêm nhiều trải nghiệm đầy thú vị. 

Hiện nay, người Chăm An Giang phân bố đều ở 9 làng Chăm thuộc 9 xã, phường trên địa bàn tỉnh. Đồng bào Chăm ở đây có nguồn gốc từ vùng Nam Trung Bộ, cụ thể hơn là ở Ninh Thuận, Bình Thuận. Các làng Chăm được trải đều dọc hai bên bờ và các nhánh sông Hậu. Nơi đây hiện vẫn còn giữ những nét truyền thống lâu đời và độc đáo trong đời sống văn hóa hằng ngày. 

Chín làng Chăm tại An Giang gồm: 

– Làng Chăm Châu Phong (ấp Phũm Soài & ấp Châu Giang) – Thị xã Tân Châu.

– Xã Đa Phước – Huyện An Phú.

– Xã Nhơn Hội (Búng Bình Thiên) – Huyện An Phú.

– Xã Quốc Thái (Ấp Đồng Ky) – Huyện An Phú.

– Xã Vĩnh Trường (Ấp Lama) – Huyện An Phú.

– Xã Khánh Bình – Huyện An Phú.

– Xã Khánh Hòa (ấp Khánh Mỹ) – Huyện Châu Phú.

– Xã Vĩnh Hanh – Huyện Châu Thành.

Khám phá Người Chăm An Giang qua bản sắc văn hóa và tinh thần dân tộc 2

Người Chăm An Giang phân bố khắp 9 làng, xã của tỉnh

Xem thêm: Chùa Bồng Lai (chùa Bà Bài), địa điểm du lịch tâm linh đẹp tựa tiên cảnh

Bà con đồng bào Chăm tại An Giang sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy sản, buôn bán hàng hóa và giao thương với nước Campuchia. Tuy điều kiện cuộc sống còn khá nhiều khó khăn nhưng ai ai cũng đều rất hiền lành, chân chất, luôn cố gắng làm lụng để cuộc sống trở nên khấm khá hơn trước. 

Bên cạnh đó, nghề dệt thổ cẩm của người Chăm An Giang cũng là một nghề có truyền thống lâu đời, nó như một nét văn hóa đặc trưng của bà con nơi đây. Từ ngày trước, trong mỗi căn nhà nho nhỏ của đồng bào Chăm nơi đây luôn có ít nhất một khung dệt. Theo thời gian, nhiều người đổi sang các công việc khác để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt của mình nhưng nghề dệt thổ cẩm vẫn được gìn giữ và phát triển. 

Đạo Hồi giáo Islam được người Chăm nơi đây lựa chọn làm tôn giáo của mình. Khi theo đạo này, bà con chỉ tôn thờ duy nhất trong tâm hình ảnh của thượng đế Allah, ngoài ra, họ sẽ không thờ tranh ảnh, tượng của bất cứ vị thần, Phật nào. 

Thiên Kinh Qur’an là kinh gồm những lời truyền dạy của thượng đế Allah, chúng được đồng bào Chăm tin tưởng rằng nếu họ nghe và thực hành theo những giáo lý ấy thì cuộc sống của họ sẽ có những nhiệm màu và vì thế họ luôn thực hiện đúng những gì mà ngài Allah đã truyền lại cho đạo.

Khám phá Người Chăm An Giang qua bản sắc văn hóa và tinh thần dân tộc 3

Đồng bào Chăm tại An Giang ngồi dự lễ tại Thánh đường Hồi Giáo

Với người Chăm An Giang là nam thì trang phục sẽ gồm có sà-rông, đội mũ. Vào những dịp lễ hội thì người nam sẽ mặc những chiếc áo dài theo truyền thống của Arab. 

Phụ nữ sẽ được mặc những chiếc đầm dài, che mặt, quấn khăn mat’ra qua đầu. Khăn mat’ra được ví như hình ảnh chiếc nón lá của người Việt, chiếc khăn ấy thể hiện được sự dịu dàng, nữ tính, hồn hậu, cần mẫn của người phụ nữ đồng bào Chăm. Đặc biệt, người nữ phải ăn mặc kín đáo, không được hở hang và càng không được mặc đồ bó sát. Khi quấn khăn che đầu thì cần lưu ý không để lộ ra phần da thịt, dù chỉ là một sợi tóc cũng không được để lộ. 

Khám phá Người Chăm An Giang qua bản sắc văn hóa và tinh thần dân tộc 4

Khăn mat’ra được ví như chiếc nón lá của người phụ nữ Việt Nam

Từ xa xưa, dân tộc Chăm ở bất kì nơi đâu cũng đều có tiếng nói và chữ viết riêng của. Người Chăm An Giang luôn tạo điều kiện hết mức để có thể bảo tồn và phát huy được những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc. 

Hiện nay ở các Thánh đường đều mở các lớp dạy Thiên Kinh Qur’an, tiếng nói và chữ viết của dân tộc. Bà con và các em nhỏ luôn được khuyến khích tham gia lớp học này để có thể hiểu sâu và thêm yêu những nét văn hóa của dân tộc. Theo như lời của ông Haji Abdol Hamide, Phó Giáo cả Thánh đường Jamiul Azhar, ấp Châu Giang, xã Châu Phong rằng: “Trước mắt là giúp các em học được kinh Qur’an, biết hành lễ, sâu xa hơn là giữ được bản sắc văn hóa dân tộc người Chăm, là người Chăm phải biết chữ, biết nói tiếng dân tộc Chăm…”

Ở An Giang, mỗi năm đều tổ chức 3 đại lễ, đó là: 

– Lễ Eid Ahda (hay còn gọi là Lễ Hiến Sinh) vào ngày thứ 10, 11, 12 của tháng 12 theo lịch Hồi. Người theo đạo Hồi Islam cùng nhau tổ chức ngày lễ này nhằm để tưởng nhớ và tôn vinh nhà tiên tri Ibrahim với mong muốn những điều tốt đẹp nhất.

– Lễ Ramadhan, hay còn gọi là Tháng nhịn Ramadan (Ramadan là tên gọi tháng thứ 9 của lịch âm nước Ả Rập), lễ này kéo dài từ ngày 1 đến hết ngày 30/9 theo lịch Hồi giáo. Trong suốt một tháng diễn ra lễ này, người theo đạo Hồi (trừ những người đang đau ốm, bệnh tật, phụ nữ có thai, trẻ em từ dưới 5 tuổi) thực hiện nghiêm túc quy định: không ăn, không uống, không hút thuốc từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn. Sau khi kết thúc tháng nhịn Ramadan, người Chăm An Giang sẽ tổ chức một buổi lễ để đánh dấu sự kết thúc của tháng gọi là Eid Fitri.

– Lễ mừng ngày sinh Thiên Sứ Muhammad (Mohamed) diễn ra vào ngày 12/3 theo Hồi lịch. Tuy nói là lễ mừng ngày sinh nhưng buổi lễ không phải là tiệc sinh nhật, trong buổi lễ này, các vị chức sắc từ tất cả các Thánh đường sẽ đọc tiểu sử của Muhammad để thế hệ trẻ sau này không bị lãng quên. Tiếp đó họ sẽ cầu xin bình an và chúc phúc cho Người.

Chuyên mục Cẩm nang du lịch của MIA.vn vừa gửi đến bạn những chia sẻ về người Chăm An Giang. Nếu có dịp về với tỉnh An Giang, đừng quên thưởng thức các đặc sản An Giang vô cùng thơm ngon và đặc biệt khi được tiếp xúc với đồng bào Chăm nơi đây, hy vọng bạn sẽ có những trải nghiệm thực sự thú vị và ý nghĩa nhé!