Khi GenZ “chơi” crypto
2021 có thể coi là năm mà crypto currentcy (tiền mã hóa hay còn được gọi là tiền ảo, tiền điện tử) bùng nổ trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Đặc biệt, với thế hệ GenZ (từ lóng để chỉ giới trẻ được sinh ra vào giai đoạn 1996-2010) đã có không ít bạn trẻ lao vào đầu tư với giấc mơ tỷ phú trong một nốt nhạc. Tuy nhiên, đã có không ít người mất tất cả, chỉ trong… “nửa nốt nhạc”!
Đằng sau những hào nhoáng
Mùa hè “năm COVID thứ hai”, nhiều thành viên trong một nhóm kín của những người chơi Crypto tại Việt Nam xôn xao trước những hình ảnh về buổi sinh nhật lần thứ 19 của một cô gái tên là Bích Phương (sinh viên Trường đại học Kinh tế quốc dân). Đó là cảnh Phương được bạn trai dẫn vào một căn phòng, trong đó được trang hoàng rực rỡ với bóng bay, hoa trang trí… Đặc biệt, giữa bàn là lô hộp lớn hộp nhỏ được thắt nơ đầy bí ẩn.
Khi chủ nhân lần lượt mở từng hộp ra thì ai cũng phải xuýt xoa trầm trồ. Nào là máy tính xách tay Macbook Air, điện thoại iPhone, máy tính bảng iPad, đồng hồ Apple tai nghe Airpod… tất cả đều màu hồng và đều mang nhãn hiệu “quả táo cắn dở” (nhãn hiệu của Apple). Cô gái cũng bật mí ngoài combo quà tặng trị giá lên tới cả trăm triệu đồng, bạn trai còn order sẵn một căn phòng deluxe tại hệ thống Six Senses (khu nghỉ dưỡng vào loại sang chảnh nhất hiện nay). Phương cũng rất tự hào về người bạn trai M. Hùng – một trong số những người đi tiên phong đầu tư tiền mã hóa tại Hà Nội.
Một số nhà đầu tư chuyển từ đào coin sang các dự án NFT, DeFi để kiếm lời nhanh hơn.
Hơn một năm trước Hùng được bạn bè rủ mua “trâu cày” về để “đào” bitcoin. Sau một thời gian thấy hiệu quả thấp, Hùng mày mò trên mạng và được rủ đầu tư tham gia việc phát triển một số loại tiền mã hóa liên quan đến các dự án NFT (Non-Fungible token – tạm dịch “tài sản không thể thay thế”) và Defi (Decentralize finance – tài chính phi tập trung). Bắt “trend”, chỉ trong một thời gian ngắn dự án này đã thu hút được nhiều người tham gia. Đặc biệt, sau khi lên sàn, mỗi đồng token đã nhân 5 giá trị, chỉ sau khoảng một tháng đầu tư. Hùng đã có trong tay cả tỷ đồng.
Đột nhiên nhận được cả mớ tiền “từ trên trời rơi xuống”, Hùng tiếp tục dùng một nửa để đầu tư một dự án mới. Còn lại cậu đem đi khao bạn bè, chi dùng cá nhân và đầu tư “thả bom tấn” để hạ gục người bạn gái mới quen.
M. Hùng không phải là người duy nhất thắng lớn trên sàn crypto trong năm 2021. Với Phan Minh (sinh viên Trường Đại học Công nghệ) do đã có một quá trình trầy trật khi tham gia giao dịch một số loại tiền điện tử như Bitcoin, Eth… nên khi phát hiện ra một số dự án chuẩn bị IDO (lên sàn) là cậu nhanh chóng “chốt đơn”. Rải tiền vào 3-4 dự án, Minh không ngờ rằng chỉ sau một đêm số tiền trong tài khoản của mình đã gấp lên hàng chục lần.
“Em vẫn còn nhớ như in lúc gõ lệnh bán và giao dịch thành công, token được khách đồng ý mua lại với số tiền lên đến cả trăm ngàn USD. Mấy ngày chờ tiền về tài khoản, người em cứ lâng lâng, nôn nao gần như không ăn không ngủ được” – nhà đầu tư mới nổi chia sẻ.
Được khích lệ từ những nhà đầu tư thắng đậm, nhiều năm qua giới Gen Z đua nhau nhảy vào tham gia đầu tư vào thị trường tiền mã hóa đầy hấp dẫn. Trong những buổi học trên lớp, cũng như đi cafe trà chanh chém gió lúc nào cũng thấy nhắc đến “trading”, “coin”, “blockchain” “token”… Đặc biệt trong năm 2021, hàng trăm hội nhóm tham gia đầu tư tiền mã hóa đã lên lỏi khắp chốn cùng nơi. Do kênh đầu tư này khá mới, đòi hỏi một số kiến thức cũng như trình độ IT nên thường sinh viên công nghệ sẽ là những người tham gia đầu tiên. Sau đó sẽ tiếp tục được truyền tai và sinh viên các ngành kinh tế, ngân hàng… nối gót nhập cuộc.
“Đầu tư tiền mã hóa không mất nhiều thời gian, không đòi hỏi phải làm việc ca muộn hay gò bó như công việc văn phòng. Chỉ cần có kiến thức, và vốn thì có thể đi vay mượn” – Phan Minh cho biết.
Cũng theo anh ta, chỉ cần dự án IDO thành công (hình thức doanh nghiệp huy động vốn từ cộng đồng thông qua chào bán token lần đầu tiên) những nhà đầu tư mua token của dự án trước đó với mức giá rẻ sẽ có cơ hội để chốt lời khi token được mua bán công khai trên sàn giao dịch.
Giới trẻ hào hứng tham gia đầu tư tiền mã hóa.
Dù mạo hiểm song chỉ cần được sự quan tâm của khách hàng quốc tế thì số vốn đầu tư ban đầu sẽ được nhân đôi, nhân 3 nhân 10, thậm chí gấp trăm lần. Và họ sẽ trở thành tỷ phú chỉ trong “một nốt nhạc”. Bên cạnh đó, nhiều GenZ còn bỏ tiền giao dịch coin/token trên các sàn giao dịch tập trung hoặc phi tập trung. Cũng chỉ cần bắt đúng “trend”, trong thời gian ngắn là số tài sản có thể tăng lên nhiều lần.
Coi chừng mất trắng!
Dù là một kênh đầu tư rất hấp dẫn, song không phải ai tham gia tiền ảo là cũng gặt hái được thành công. Thậm chí, đã có nhiều bạn trẻ phải nếm trái đắng khi dính bẫy “rug pull” (Rút thảm).
Có thể hiểu nôm na “rút thảm” là khi một nhóm phát triển tiền số nào đó từ bỏ dự án đột ngột và mang theo tất cả số tiền có được của nhà đầu tư. Hoàng Hải – một Gen Z từng ăn đậm trong giai đoạn bitcoin lên đỉnh song cuối cùng lại trắng tay khi dính bẫy này.
Hải kể lại, sau hơn 2 năm lên xuống với đồng bitcoin, Hải có trong tài khoản cả tỷ đồng. Cuối tháng 10-2021, khi đọc trên mạng Internet có dự án AnubisDAO khá hấp dẫn nên đã tham gia. Dự án này thu hút được nhiều người bởi được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội Twitter, cũng như được một số chuyên gia nổi tiếng ủng hộ.
Đầu tư tất tay số tiền trong tài khoản, Hải mong rằng sẽ có một cái “tết ấm”. Song chẳng ngờ, chỉ sau một ngày hơn 60 triệu USD của nhà đầu tư (trong số đó có cả của Hải) đột nhiên “bốc hơi” như chưa từng xuất hiện trong cuộc đời này. Đồng nghĩa với hàng ngàn nhà đầu tư đã bị ăn cú rug pull đau đớn.
Với một bộ phận Gen Z đầu tư vào việc mua bán các đồng tiền mã hóa, rủi ro thấp hơn song cũng rất đắng nếu như dùng đòn bẩy tài chính sai. Hoài Thương, nhân viên ngân hàng S. (tại Hà Nội) được bạn bè rủ tham gia “bắt đáy” đồng bitcoin vào tháng 7-2021. Thời điểm đó, đồng tiền mạnh nhất thế giới đã mất giá một nửa từ mốc 60 ngàn USD xuống còn khoảng 30 ngàn USD/bitcoin. Lúc đầu Thương chỉ dám mua 2 đồng.
Song chỉ vài tuần sau, đồng bitcoin lên giá mạnh, tài khoản được lãi lên tới 25%. Cùng lúc thấy bạn bè khoe lãi, đua nhau mua xe ô tô Mercedes, Audi… Thương quyết rót thêm tiền. Ngày 4-12, khi bitcoin tụt về 54 ngàn USD, Thương vay nóng với giá 10 ngàn đồng/triệu/ngày để bắt đáy. Chẳng ngờ đó lại là một cú “bắt dao rơi”. Chỉ vài tiếng sau đó, bitcoin tiếp tục mất giá thêm, chỉ còn 46 ngàn USD/coin và loanh quanh mức giá này trong cả tháng 12-2021.
“Nhà đầu tư tiền mã hóa cũng luôn phải trải qua những cú đau tim, phải đi “tàu lượn” chóng mặt – Thế Anh, một Gen Z nhận định. Điển hình như việc cậu tham gia đầu tư đồng tiền Dogecoin. Theo đó chỉ sau 6 tháng đồng tiền này tăng chóng mặt hơn 14.600% từ mức xấp xỉ 0,004 USD/Doge lên mức 0,585 USD/Doge. Tài khoản của Thế Anh từ mức vài chục triệu đồng đã nhảy lên vài tỷ đồng.
Dogecoine tăng phi mã còn do thường xuyên được tỷ phú công nghệ người Mỹ Elon Musk “chém gió” trên mạng xã hội. Tin tưởng vào điều này, Thế Anh tiếp tục vay mượn thêm tiền để hiện thực hóa giấc mơ triệu đô trước tuổi 30. Tuy nhiên, cũng chỉ sau vài phút tỷ phú này lên truyền hình nhìn nhận theo hướng tiêu cực, giá trị của đồng tiền này bay ngay vài chục %.
Nhiều dự án lừa đảo núp bóng tiền mã hóa nhằm vào nhà đầu tư FOMO.
Bong bóng rồi sẽ phải vỡ
Theo David Kimberley – một chuyên gia kinh tế người Anh thì sự tăng giá của Dogecoin là một ví dụ kinh điển của Lý thuyết về kẻ ngốc hơn (Greater Fool Theory). “Mọi người mua tiền điện tử, không phải vì nó có giá trị nào, mà vì họ hy vọng những người khác sẽ mua, đẩy giá lên và họ có thể kiếm tiền nhanh chóng. Bong bóng cuối cùng cũng phải vỡ và bạn sẽ bị bỏ lại nếu không thoát ra kịp thời”.
Còn theo một chuyên gia tài chính thuộc Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua những bạn trẻ tham gia đầu tư trên thị trường tiền mã hóa là một hiện tượng rất đáng lưu ý. Nhạy bén với những cái mới, sẵn sàng mạo hiểm… là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm, dễ bị tâm lý FOMO (Fear of missing out – sợ bỏ lỡ cơ hội) nên một số bạn trẻ dễ dẫn đến những quyết định nóng vội và phải trả giá đắt.
Một điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội khuyến cáo, mỗi nhà đầu tư trước khi tham gia vào thị trường tiền tệ nên có những hiểu biết và chọn kênh đầu tư có tính ổn định và được các tổ chức tài chính có uy tín công nhận. Nếu chỉ là đầu tư theo xu hướng đám đông thì cần phải suy xét kỹ lưỡng. Nếu đã trót tham gia thì chấp nhận dừng lại càng sớm thì càng giảm thiểu thiệt hại.
Tội phạm lợi dụng tiền ảo để hoạt động
Trong Hội nghị Phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong chuyển đổi nền kinh tế số tại Việt Nam diễn ra mới đây, bà Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự – hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết: Thời gian qua, những tiến bộ khoa học công nghệ đã bị lợi dụng thành phương tiện, cách thức phạm tội mới, có tính chất xuyên quốc gia như ma túy, rửa tiền, đánh bạc, mua bán người.
“Sự phát triển kinh tế số là mảnh đất màu mỡ phát sinh loại tội phạm mới liên quan đến hoạt động kinh doanh tiền ảo, tiền kỹ thuật số, tài sản ảo”, bà Vân Anh nói, đồng thời cho rằng chúng làm cho tội phạm trở nên nghiêm trọng hơn, với những thủ đoạn tinh vi, gây ra hậu quả ở quy mô lớn và khó bị phát hiện.
Bitcoin vẫn là loại tiền mã hóa cho nhà đầu tư “đi tàu lượn” trong năm 2021.Còn theo Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) – ông Phạm Tiên Phong nói việc rửa tiền thông qua tiền ảo trở thành một trong những vấn đề nổi cộm thời gian qua. Ông Phong khẳng định tiền ảo không phải phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi vi phạm pháp luật.
Đã có nhiều trường hợp người Việt móc nối với các đối tượng nước ngoài, sử dụng nhiều thủ đoạn để lừa đảo. Sau khi lừa tiền của người bị hại, kẻ xấu có thể chuyển tiền qua nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau để mua bán tiền ảo trên các sàn giao dịch như Houbi, Binance rồi rút tiền ở nước ngoài để chiếm đoạt. “Tiền ảo có thể là kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng cho hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố do có thể chuyển đổi các khoản tiền thu được thông qua hoạt động bất hợp pháp thành tiền “sạch’”, ông Phong nhận định.