Khi người Việt chào và chửi
Trong lời ăn tiếng nói của người Việt, “lời chào cao hơn mâm cỗ”, là câu nói cửa miệng khi gặp nhau. Ngược lại, khi tức giận, tranh cãi, người Việt còn chửi vần chửi vè nữa.
Đàn bà cãi nhau. Ảnh: Sách Kỹ thuật của người An Nam.
Tiếng mẹ đẻ của bà tôi và của tôi là tiếng Việt, hay có lúc người ta gọi là tiếng Kinh. Bà bảo: “Có củ khoai cho cháu, chạy sang hàng xóm mượn cho bà cái kéo, tiên sư anh lúc nào cũng ỉa non đái ép, ăn nhanh lên còn đi học không thằng bố mày lại gào lên, lạy Thánh mớ bái cho chúng con rộng đường làm ăn…”.
Tôi thuộc lòng tất cả lời lẽ này, nhưng lại không nói như thế nữa. Tôi có cách ăn nói của thế hệ mình. Như vậy cứ vài mươi năm tiếng mẹ đẻ lại thay da đổi thịt một lần, lớp nọ chồng lên lớp kia, cái cũ chưa mất đi, cái mới đã nảy sinh, đó là sự sinh động của một ngôn ngữ.
Sự thay đổi đó bây giờ còn diễn ra nhanh hơn, có khi vài năm, nhưng trước thế kỷ 19, một trăm năm ngôn ngữ mới đổi mới một lần. Do đó con người bây giờ có cái lợi thế của một xã hội năng động, nhưng người ngày xưa có cái lợi thế của người luôn có gốc rễ.
Khi một đứa trẻ lớn lên đầu tiên nó sẽ được học chào và mời. Gặp ai lớn hơn mình đều phải chào cả: Chào ông chào bà, Chào bố chào mẹ, Chào anh chào chị, Chào bác chào cô… Thông qua lời chào, đứa trẻ sẽ phân biệt được các đại từ nhân xưng phức tạp của tiếng Việt, nó sẽ phải gọi mọi người bằng ngôi thứ đấy, theo tuổi tác, không thể nào chỉ có nỉ (tôi) và wo (anh) hay you và I như tiếng Trung Quốc và tiếng Anh.
Thế là một tư duy phán đoán và một thứ lễ nghĩa hình thành đi theo đứa bé trong quan hệ phức tạp của người Việt. Sau đó là học mời: Mời bác vào chơi, Mời bà xơi cơm, Bà mời cơm, Mời anh chị lại nhà, Quý hóa quá, Mời ông uống trà, Mời sếp rửa tay. Rất sáo rỗng, nhưng tập tục “lời chào cao hơn mâm cỗ”, không thể không mời nhau. Khi ăn cơm người ta sẽ mời, nhưng không có nghĩa là bạn được ăn, cái đó gọi là mời rơi.
Chào mời, rồi đến chửi. Người Việt xưa coi chửi là một tập tục rất bình thường khi họ bất bình và rất yêu thương, nhưng họ không hay văng tục, trừ một lớp người gọi là giang hồ tứ chiếng.
Văng tục và nói đệm tục là một lối ăn nói dân dã đang có xu hướng phổ biến, mà thực ra nó chỉ phát triển từ cuối thế kỷ 19 đầu 20 trở lại đây. Mẹ mày, tiên sư mày, tiên sư cha mày, bố mày, * cả lò nhà mày, đồ con đĩ, đồ con chó, đồ chó, đồ gái đĩ già mồm, ngu như bò, ngu như chó, tham như lợn, nhẵn như cầu hàng thịt…
Có thể nói, người Việt chửi rất chua ngoa và tục tĩu, trong đó toàn dùng các quan hệ tính dục với bậc trên của đối phương để sỉ nhục. Nó thể hiện sự bất lực của họ trong cuộc sống thường nhật và những ức chế không được giải tỏa.
Song tập tục chửi đổng có vần điệu và có bài bản lại là một nét sinh hoạt khác rất lâu đời. Chúng phần nhiều được các bà già mù chữ dùng để thóa mạ một đối thủ có quyền có chức hay ức hiếp dân lành, hoặc bọn trộm cắp trong làng.
Ví dụ một bà già ở Bương Cấn, Quốc Oai (Hà Tây) chửi khi mất gà: “Cờ xanh cắm ngõ, cờ đỏ cắm nhà, bắt lấy tên, biên lấy tuổi, lên trình Nam tào, Bắc đẩu, đứa nào ăn cắp con gà của bà. Con gà ở nhà bà là con công, con phượng, về nhà mày là con cú, con cáo. Nó mổ mắt cả lò nhà mày, mày hộc máu răng, mày văng máu mép, mày vật đống rơm, mày đơm đống rạ…”.
Bài ca đó có thể kéo dài đến hai, ba ngày, cho đến khi đối phương không thể chịu đựng được đành thả con gà ra. Rất buồn cười là kẻ ăn cắp được một con gà, về nhà lại thường thịt một con gà của nhà mình trước, đợi khi câu chuyện êm xuôi mới chén hoặc nuôi con gà ăn cắp. Người ta gọi đó là kẻ cắp nhà quê.
Dưới đây là một đoạn chửi của bà cô một văn sĩ ghi lại và được ông coi như là văn hóa chửi: “Nếu mày có trót dại bắt con gà của bà, nghe bà chửi mà không khôn hồn thả nó ra, mà cả nhà cả ổ mày cứ húc đầu vào ăn cho đầy miệng, thì bà cứ cho chúng mày ăn cái […]. Mày tưởng mày có quyền có thế, có người làm ông nọ, bà kia mà ăn hiếp gái già này à? Cứ ra mặt với bà xem!”…