Khi “quý bà” dính ma trận tiền ảo
Đam mê môn đầu tư mới là trading coin (mua bán tiền điện tử), không ít “quý bà” bị thua lỗ, trắng tay. Thậm chí, có những người dùng thủ đoạn lừa đảo, tham ô tài sản để lấy tiền chơi coin rồi sa vòng lao lý…
Những con “thiêu thân”
Có lẽ chưa bao giờ chị Linh Trang (sinh năm 1990, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có thể ngờ được rằng cuộc sống của mình lại rơi vào hoàn cảnh bế tắc như thời điểm này. Chị nhớ lại, khoảng cuối năm ngoái khi mà đại dịch COVID-19 vẫn còn đang phủ bóng lên toàn bộ nền kinh tế, chị Trang lại lâng lâng trong men say chiến thắng. Trước đó vài tháng, được một người bạn cùng thời đại học tư vấn phương pháp đầu tư mới, đó là mua các đồng tiền kỹ thuật số với giá rẻ. Sau đó đợi nó tăng giá thì bán.
Ban đầu, chị Trang chưa tin về cách đầu tư có vẻ dễ như ăn cháo này. Nhưng, sau khi người bạn show tài khoản tăng lên gấp rưỡi chỉ sau vài ngày mua “coin” thì ý chí bắt đầu bị lung lay và lòng tham nổi lên. Ban đầu chị chỉ lấy “quỹ đen” là hơn một trăm triệu đồng (dự định để khi nào có điều kiện thì đi làm thẩm mỹ) để đầu tư vào một số đồng coin có giá thấp. Không ngờ, chỉ sau vài ngày, tài khoản của chị tăng vùn vụt. Trang nhanh chóng “chốt lời” và tự thưởng cho mình một chiếc điện thoại iPhone đời mới nhất.
Cũng theo sự tư vấn của người bạn, chị Trang tiếp tục dùng giấy tờ đất, giấy tờ xe để huy động vốn vay từ nhiều người, cam kết trả lãi từ 10- 20%/năm để tiếp tục đầu tư. Số tiền chị “all in” lúc này đã lên đến hơn 3 tỷ đồng. Kế hoạch của Trang là chỉ cần “ăn non” tầm 50% là sẽ bán toàn bộ, “thu quân” về rồi gửi tiền vào ngân hàng. Khi nào đến hạn trả cho chủ nợ sẽ rút ra trả dần.
Hôm đó, thấy tài khoản tăng 49%, chị Trang đã định đặt lệnh bán. Song, người bạn khuyên: “Giá coin vẫn đang tăng hằng ngày hằng giờ, để khi nào “gãy nền” thì hãy bán. Ăn non như thế thì bao giờ giàu”. Và, chị Trang đã phải vô cùng ân hận khi nghe theo người bạn đó.
Chỉ sau vài ngày, giá coin bắt đầu tụt dốc mạnh. Từ mức lãi 50%, tài khoản của chị Trang trở về hòa vốn, rồi lỗ 5%, 10%… Dĩ nhiên là chị không bán, hy vọng vài phiên nữa thì sẽ “về bờ” (hòa vốn) thì mới bán. Song, giá coin cứ trượt dài cho đến khi mất đến 80-90% thì chị đành phải “cắt lỗ”. Thay vì khoản lời mấy trăm triệu đợt mới chơi, giờ đây chị Trang ôm khoản nợ mấy tỷ. Đã có lúc chị tính tìm đến cái chết…
Dù đã có kinh nghiệm đầu tư vàng, bất động sản… nhiều năm song quý bà Hoàng Phương (chủ một chuỗi salon làm đẹp ở Hà Nội) lại đang trong cơn quay quắt vì nghiện đầu tư tiền kỹ thuật số. Thời điểm 1-2 năm trước, việc kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh song quý bà Phương vẫn khiến giới chị em mê mẩn bởi phục trang xinh đẹp, luôn ăn uống, mua bán ở những shop sang chảnh. Có ai ngờ, sau khi dính vào tiền điện tử một thời gian, quý bà lại trở nên rách rưới đến thế…
Trong năm 2021, cơn sốt đất ở nhiều địa phương đã khiến cho hầu bao của bà Phương tăng lên chóng mặt. Chỉ cần lướt đi lướt về một vài tháng là có thể lãi đến 30%. Song, khi được một người bạn mách về việc đầu tư các đồng tiền kỹ thuật số như Bitcoin, Ethereum, Solana, Dogce coin… thì bà Phương dường như mới tìm được “chân ái” của cuộc đời.
Công việc giao hết cho quản lý, ngày nào bà Phương cũng chỉ canh bảng, mua mua bán bán để làm sao kiếm tiền thật nhanh. Thấy chỉ cần lướt lát vài ngày đã kiếm được khoản lời lên đến vài chục %, bà liền bán xe, bán đất, thậm chí cầm cố mấy cửa hàng để gom tiền, với ý định “tất tay” một mẻ. Song, suốt cả năm nay, gần như tất cả các đồng coin đều lao dốc không phanh.
Đồng mạnh nhất như bitcoin giảm từ 36 ngàn USD/bitcoin xuống đến thời điểm này còn 15 ngàn (mất hơn 100%). Những đồng coin “rác” thì chỉ trong vòng 1-2 tuần đã mất 100%. Thắng ham chơi, thua ham gỡ, lại không kiểm soát được cảm xúc, bà Phương nhanh chóng đốt sạch khoản tiền mấy chục tỷ đồng.
Những kết cục được báo trước
Theo một chuyên gia tâm lý, trong bản thân mỗi con người đều có lòng tham ngự trị. Đặc biệt, với một bộ phận người dân có máu “đỏ-đen” thì lòng tham và sự sợ hãi luôn luôn thường trực và chỉ chờ có dịp bùng lên. Trên thực tế, người ta thấy đàn ông ham cờ bạc gấp nhiều lần phái đẹp. Song, trong số ít những người phụ nữ đã trot sa vào nghiệp “đổ bác” thì độ “máu”, độ liều lại hơn hẳn đàn ông.
Bên cạnh đó, theo một số tài liệu nghiên cứu mới nhất thì việc đầu tư tiền điện tử có thể gây ra cơn nghiện cho những người sở hữu nó. Bởi việc mua bán có thể diễn ra hằng ngày hằng giờ và dao động về giá của nó khiến người ta rất dễ hưng phấn.
“Có lẽ, chưa có thời điểm nào mà chuyện mua một đồng coin hôm nay, sáng mai mở mắt ra đã thấy nó nhân gấp đôi. Hơn nữa, giao dịch này hoàn toàn là thật, có thể chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng hoặc rút tiền mặt ra ăn tiêu. Với những người đã trót sa chân vào ma trận này thì thật khó mà rút ra” – một con nghiện tiền điện tử thú nhận. Và, đoạn kết của một số quý bà ham mê đầu tư coin đều rất giống nhau.
Còn nhớ, đầu năm 2021 Cơ quan CSĐT Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Thị Phương (sinh năm 1984, thường trú tại khu tập thể Phương Mai, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phương đã làm giả gần 50 cuốn sổ tiết kiệm mà mình được “sếp” giao cho giữ để rút số tiền hơn 100 tỷ đồng rồi đầu tư tiền điện tử và mất sạch.
Trần Thị Phương đốt hàng trăm tỷ vào onecoin và thua sạch.
Tài liệu điều tra từ Cơ quan công an cho thấy, nhiều năm trước, Hợp tác xã Phú Phương do bà Hà Kim Phương làm chủ nhiệm, có thuê Trần Thị Phương làm nhân viên kế toán. Trong quá trình kinh doanh, bà Hà Kim Phương đã giao chứng minh nhân dân của mình cho Trần Thị Phương để thực hiện các giao dịch với ngân hàng. Nội dung giao dịch đều đứng tên bà Hà Kim Phương. Từ năm 2012 đến nay bà Hà Kim Phương đã giao cho Trần Thị Phương sử dụng khoảng 116 tỷ đồng để lập 47 sổ tiết kiệm gửi tiền tại 2 ngân hàng ở Hà Nội.
Đến hạn tất toán, Phương lại được giao đến làm thủ tục gia hạn 47 quyển sổ trên tại các ngân hàng này. Do bà Hà Kim Phương và chồng bà không bao giờ đến ngân hàng để giao dịch hoặc gia hạn sổ tiết kiệm nên Trần Thị Phương đã nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền trên. Phương đã rút hết số tiền hơn 100 tỷ và lập sổ tiết kiệm mới mang tên mình.
Sau đó bị can Trần Thị Phương đã photocopy lại toàn bộ 47 quyển sổ tiết kiệm mới rồi khéo léo cắt phần thông tin cá nhân của bà Hà Kim Phương trong 47 quyển sổ photo trước đó để dán đè vào phần thông tin của mình trên quyển sổ mới. Bà Hà Kim Phương hoàn toàn không thể biết được tiền của mình đã bị “bốc hơi” và tin tưởng 47 quyển sổ tiết kiệm hơn 100 tỷ của mình vẫn được gửi trong ngân hàng.
Đầu năm 2021, bà Hà Kim Phương kiểm tra 47 quyển sổ tiết kiệm trên mới biết sổ tiết kiệm của mình bị làm giả nên trình báo Cơ quan công an.
Tại cơ quan điều tra, Trần Thị Phương khai nhận toàn bộ số tiền chiếm đoạt được đã đầu tư vào tiền ảo oneCoin và bị thua lỗ.
Nếu như Trần Thị Phương làm giả sổ tiết kiệm để rút tiền ra mua coin thì Lê Thị Kiều Trang (sinh năm 1992 thường trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) lại lừa bạn hàng để chiếm đoạt tiền, cũng để chơi coin và mất sạch.
Do đã có một vài lần buôn bán với chị Nguyễn Thị L. (sinh năm 1993, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) Trang đã nhắn với chị L. là có một số lô hàng điện thoại iPhone “truất” và giá lại “hạt dẻ”. Tin tưởng Trang, chị L đã chuyển số tiền gần 500 triệu đồng cho đối tượng để lấy hai lô hàng này. Tuy nhiên, Trang đã không giao được hàng cho chị L. theo đúng thời hạn.
Theo điều tra, Trang khai nhận đã sử dụng số tiền để đầu tư chơi tiền ảo và thua lỗ hết. Căn cứ tài liệu điều tra, Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa đã ra quyết định hoàn thiện hồ sơ và khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Thị Kiều Trang về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Một vụ quý bà lừa đảo chiếm đoạt tài sản để lấy tiền mua coin từng gây chấn động Nghệ An, đó là Nguyễn Thị Vân (sinh năm 1988, quê quán xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương, tạm trú tại TP Vinh, Nghệ An). Cuối năm 2019 Vân bắt đầu dấn thân vào kinh doanh tiền ảo trên mạng Internet. Tuy nhiên, không có kiến thức, kinh nghiệm ở lĩnh vực này nên càng kinh doanh, càng thua lỗ. Sau khi dốc toàn bộ vốn liếng vào sàn giao dịch tiền ảo và mất sạch, Nguyễn Thị Vân vay mượn của nhiều người để tiếp tục đầu tư nhưng vẫn thua lỗ. Trước sức ép của việc trả nợ cùng tâm lý muốn tiếp tục đầu tư vào tiền ảo nên Vân nảy sinh ý định lừa đảo.
Nguyễn Thị Vân chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng để nướng vào coin.
Từ mối quan hệ quen biết trước đó, Vân biết chị D.T.L. có nhận chuyển tiền ngân hàng cho người có nhu cầu để lấy tiền hoa hồng. Khoảng tháng 9/2020, Nguyễn Thị Vân vạch kế hoạch lừa đảo nhắm vào chị L. Vân nói với chị L. bản thân mình quen biết nhiều người kinh doanh buôn bán, đại gia, có nhu cầu chuyển tiền qua ngân hàng lớn, liên tục và hứa sẽ giới thiệu cho chị L; phí chuyển tiền 3.000 đồng/triệu/lần giao dịch. Chị L. đồng ý mà không hề biết mình sắp rơi vào chiếc bẫy Vân giăng ra.
Các “khách hàng” của chị L. đều do Vân giới thiệu, kỳ thực số tài khoản để nhận tiền là của người thân Vân, do người phụ nữ này quản lý và sử dụng. Để lấy lòng tin của chị L. thời gian đầu Vân thanh toán tiền gốc và phí hoa đồng theo thỏa thuận đúng hạn. Tuy nhiên, sau đó, Vân yêu cầu chị L. chuyển tiền vào 6 tài khoản ngân hàng mà mình quản lý rồi rút ra trả nợ. Một phần lớn tiền đó tiếp tục được Vân đầu tư vào tiền ảo. Khi không còn khả năng thanh toán, Nguyễn Thị Vân tắt điện thoại, chặn mọi liên lạc với nạn nhân rồi bỏ trốn lên huyện Nghĩa Đàn.
Quá trình làm việc với cơ quan điều tra, Nguyễn Thị Vân khai ngoài số tiền chiếm đoạt của chị L., Vân còn thực hiện hành vi tương tự và chiếm đoạt tiền của 8 người khác. Số tiền các nạn nhân chuyển vào tài khoản được Vân sử dụng trả phí hoa hồng, tiền gốc xoay vòng cho các bị hại và đầu tư tiền ảo.
Cơ quan điều tra xác định trong khoảng một năm Nguyễn Thị Vân chiếm đoạt của 9 nạn nhân số tiền hơn 8 tỷ đồng.
Nữ kế toán “đốt” gần 20 tỷ vào tiền điện tử
Tháng 11/2022, Cơ quan CSĐT Công an huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) phát hiện Nguyễn Thị Yến Hoa (sinh năm 1984, trú tại phường Nam Đồng, TP Hải Dương) chiếm đoạt hơn 18 tỷ đồng của công ty để chơi tiền ảo rồi mất sạch.
Đối tượng Nguyễn Thị Yến Hoa tại cơ quan Công an.Theo Cơ quan công an, do tham gia chơi tiền ảo trên các trang mạng, Hoa bị thua lỗ nặng nên nảy ý định thực hiện hành vi phạm tội. Lợi dụng chức vụ là kế toán trưởng, sự tin tưởng và việc quản lý lỏng lẻo của công ty, Hoa đã rút tiền mặt để nhập quỹ bằng séc để tổng giám đốc công ty và giám đốc nhà máy (người được ủy quyền khi tổng giám đốc vắng mặt) ký tờ séc. Sau khi rút được tiền mặt của công ty, Hoa sử dụng phần lớn số tiền này để chơi tiền ảo, chứng khoán, chi tiêu cá nhân và sử dụng mục đích khác. Sau đó Hoa đã trả lại 2 lần với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng cho công ty TNHH T Việt Nam; số tiền còn lại hơn 18 tỷ đồng và 472 USD, Hoa không có khả năng trả lại. Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an huyện Cẩm Giàng đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Tham ô tài sản”.