khu du lịch núi Sam – Thông tin cần biết, Khách Sạn, Giá vé, giờ mở cửa

Núi Sam ở Châu Đốc còn được gọi là Vĩnh Tế Sơn hay Học Lãnh Sơn, núi cao 284m, bao phủ diện tích khoảng 280ha, rợp mát cây xanh… có dáng dấp như một con Sam nằm giữa cánh đồng trải rộng mênh mông. Tại đây đã hình thành Khu du lịch Núi Sam không chỉ hấp dẫn bởi cảnh quan hữu tình, mà còn sở hữu nhiều di tích kiến trúc, văn hóa đã khắc sâu vào tâm linh người dân An Giang và đồng bằng Nam Bộ.

Khu du lịch Núi Sam có đường nhựa dài khoảng 5km uốn lượn trên sườn núi, có thể chạy xe lên tận đỉnh, xung quanh cũng có nhiều đường mòn, nhiều ngả lên xuống. Bên đường là những vạt tầm vông đều tắp, tô điểm sắc hồng mơ mộng của loài hoa tigôn. Trên đỉnh Núi Sam vẫn còn dấu tích một bệ đá trầm tích màu xanh đen, nơi tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam ngự, trước khi được đem về miếu. Ngoài ra, còn có một pháo đài được xây dựng từ thời Pháp, và một ngôi miếu nhỏ thờ Trương Gia Mô (1866-1929) là một nho sĩ của phong trào Duy Tân.

Theo truyền thuyết dân gian, Núi Sam linh hiển nên nhiều chùa thờ Phật đã dựng lên ở đây gần 2 thế kỷ. Có đến 200 ngôi đền, chùa, am, miếu nằm rải rác ở chân núi, sườn núi và cả trên đỉnh. Trong đó nổi tiếng nhất là miếu Bà Chúa Xứ, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Phước Điền (còn gọi chùa Hang) đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia. Hàng năm, du khách từ khắp nơi hành hương về đây cúng lễ rất đông. Ngoài ra, trong khuôn viên Khu du lịch núi Sam An Giang còn có các thắng cảnh đẹp như đồi Bạch Vân, vườn Tao Ngộ…

Cụm di tích Núi Sam :

Di tích Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam
Miếu Bà Chúa Xứ là một di tích (lịch sử, kiến trúc và tâm linh) nổi tiếng và quan trọng của khu vực. Riêng với người dân miền Tây Nam bộ, Bà Chúa Xứ có công đức giúp bà con sống an bình. Hàng năm vào ngày vía Bà (từ tháng 4 âm lịch kéo dài cho đến đầu tháng 6), rất đông khách hành hương từ các nơi về tham quan và cúng bái, xin phúc, cầu may… tạo nên mùa lễ hội sôi nổi, đông đúc ở khu du lịch núi Sam.

Lăng Thoại Ngọc Hầu núi Sam
Lăng Thoại Ngọc Hầu là một công trình kiến trúc tiêu biểu còn nguyên vẹn trong quần thể di tích núi Sam, được xây dựng từ thời nhà Nguyễn và tồn tại cho đến ngày nay. Đây là một công trình bề thế, mang ý nghĩa về văn hóa, lịch sử, và được công nhận là di tích cấp Quốc gia. Bên trong được trang trí rất tinh xảo, công phu; lăng vừa là lăng mộ, vừa bao gồm đền thờ Thoại Ngọc Hầu – một vị quan triều Nguyễn, được triều đình cử vào khai phá và trấn giữ vùng đất An Giang.

Chùa Tây An núi Sam
Thuộc khu di tích lịch sử núi Sam, Chùa Tây An có kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn Độ và kiến trúc cổ dân tộc đầu tiên tại Việt Nam, đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Phía sau chùa Tây An có núi Sam như bức bình phong nổi bật lên với màu xanh thẫm. Điểm ấn tượng của chùa là mặt chính với ba ngôi cổ lầu nóc tròn hình củ hành, màu sắc sặc sỡ; bên trong được trang trí bởi những hoa văn và đường nét của nhiều lối kiến trúc đan xen nhau một cách hài hòa.

núi Sam
còn có tên khác là chùa Phước Điền, nằm tĩnh mịch trên triền núi Sam. Từ chân núi đến chùa Hang là những bậc thang cao, một bên là bức tường thành, một bên là thảm rừng xanh. Đứng trên chùa, bạn có thể nhìn bao quát cảnh núi cao, ruộng đồng thẳng cánh cò bay, xa xa là những vạt tràm xanh ngát. Bên trong chùa Hang có rất nhiều tiểu cảnh sinh động, từ những góc hang hay những ngách nhỏ, ô cửa sổ đều được trang trí cây xanh hoặc những bức tượng Phật trầm mặc với thời gian.