Kiếm lời cuối năm, coi chừng “sập bẫy” đầu tư tiền ảo
Thị trường “lượn sóng”
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) nhận định, tại Việt Nam, năm 2021 có hai kênh đầu tư được giới đầu tư cá nhân quan tâm nhất là chứng khoán và tài sản số. Tài sản số là kênh giao dịch chưa được pháp luật Việt Nam và đa số quốc gia trên thế giới công nhận, nhưng lại có số lượng nhà đầu tư tham gia rất lớn.
Đặc biệt, trên thị trường, quy mô giao dịch thị trường tiền ảo cũng tăng nhanh và lớn chưa từng có. Thông tin từ trang CoinMarketCap cho thấy, sau khi đạt giá trị vốn hóa lịch sử 800 tỷ USD năm 2018, sau đó chỉ loanh quanh ở mức 200-400 tỷ USD, nhưng sang đến năm nay giá trị vốn hóa đã vọt lên trên 2.200 tỷ USD.
Trên thị trường tiền điện tử, từ đầu năm đến nay, các đồng tiền điện tử liên tục trồi – sụt, tạo ra nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Chẳng hạn, với đồng tiền mạnh nhất hiện nay là Bitcoin (BTC), vào thời điểm đầu năm 2021, giá 1 Bitcoin vào khoảng gần 30.000 USD, nhưng sau đó đã tăng vọt lên khoảng 60.000 USD vào tháng 3-4 rồi lại về mức giá như hồi đầu năm vào tháng 7-8 và vọt lên mức “đỉnh” gần 68.000 USD vào đầu tháng 11. Hiện 1 Bitcoin đang giao dịch quanh mức 47.000 USD, dù đã giảm so với mức đỉnh cách đây hơn 1 tháng nhưng vẫn tăng tới 56% so với hồi đầu năm.
Tương tự Bitcoin, các đồng tiền khác cũng có diến biến tương tự, một số đồng như Ethereum (ETH) đã tăng gần 400%, Cardano (ADA) tăng 650% cùng nhiều đồng tăng tới cả nghìn lần so với đầu năm. Tuy nhiên, không ít đồng tiền có diễn biến trái chiều. Đơn cử, đồng Squid Game (SQUID) ra mắt cuối tháng 10/2021, tăng dựng đứng lên gần 500 USD/SQUID, nhưng lại ngay lập tức sụt giảm về mức 0,016 USD chỉ sau một đêm và giữ nguyên giá trị cho đến hiện nay.
Măc dù thị trường liên tục “lượn sóng”, độ rủi ro cao về giá trị cũng như rủi ro về tính pháp lý, nhưng nhiều nhà đầu tư cá nhân Việt Nam vẫn lao vào như “con thiêu thân”. Báo cáo mới đây của Chainalysis (công ty chuyên cung cấp các công cụ phân tích dữ liệu blockchain) cho thấy, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 về lợi nhuận thu được từ tiền mã hóa, chỉ sau Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong đó, riêng với Bitcoin, các nhà đầu tư Việt đã kiếm được 400 triệu USD trong năm 2020, đứng thứ 13 thế giới.
Sập bẫy lừa đảo
Trong những rủi ro của tiền điện tử, rủi ro lớn nhất tại Việt Nam lại là có quá nhiều sàn tiền ảo trá hình, sàn tiền ảo đa cấp. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm, nhiều sàn tiền ảo lừa đảo đã bị lực lượng chức năng đánh sập, với thủ đoạn dù tinh vi nhưng rất giống nhau, nhưng vẫn có nhiều nạn nhân “sập bẫy”.
Mới đây nhất, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM bắt giữ 3 nghi phạm để điều tra về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thông qua các sàn tiền ảo Bioption.org, Winrich.club và Wintop1.com. Cách thức là các đối tượng sẽ hợp tác tạo ra sàn tiền ảo, người tham gia có thể chơi tự do hoặc chơi có bảo hiểm với cam kết lợi nhuận lên tới 10% mỗi tuần với một số đồng tiền điện tử đang được giao dịch trên thị trường quốc tế. Khi nhà đầu tư tham gia với một lượng tiền lớn, các đối tượng này sẽ đánh sập sàn để chiếm đoạt tài sản…
Vào dịp cuối năm, dòng tiền nhàn rồi nhiều hơn, cộng thêm tác động từ đại dịch khiến một bộ phận người dân thu nhập giảm sút, nhưng thích kiếm tiền nhanh với vốn đầu tư có hạn, nên càng dễ sập bẫy lừa đảo với mọi hình thức. Đặc biệt, các đối tượng lừa đảo tiền ảo đang có xu hướng chuyển tới những vùng sâu, vùng xa – nơi những người dân còn hạn chế thông tin về tài chính, công nghệ, chỉ biết lợi nhuận cao là “đâm đầu”.
Thực tế, những câu chuyện trên không phải là mới, nhưng vẫn có rất nhiều nạn nhân mới. Theo các chuyên gia, Bitcoin tăng đã trở thành một cớ cho các “tiền ảo rác” tăng nhanh do lợi dụng sự hấp dẫn thu lợi cao từ việc đầu tiền ảo. Những lời mời chào đầy “ngọt ngào” khiến cho các nhà đầu tư đổ tiền vào các sàn “tiền ảo rác”, để sau một khoảng thời gian thì biến mất, lúc đó nhà đầu tư mới biết họ bị lừa. Trong khi khung pháp lý của Việt Nam chưa cho phép các hoạt động liên quan đến tiền ảo, tiền điện tử. Đã nhiều lần, lãnh đạo các cơ quan chức năng lên tiếng cảnh báo, pháp luật sẽ không bảo hộ cho những rủi ro liên quan đến tiền ảo, thậm chí, cá nhân đầu tư vào những sàn tiền ảo là tiếp tay cho sai phạm.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý cần hoàn thiện khung khổ pháp lý về tiền điện tử, để vừa quản lý vừa có chế tài xử phạt nặng hơn đối với hành vi lừa đảo. Ngoài ra, các cơ quan liên quan đến công nghệ cần phối hợp, triển khai hệ thống giám sát chặt chẽ an ninh mạng cũng như tăng cương tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tài chính, tiền điện tử…