Kiến thức cơ bản về gia đình và Văn hóa gia đình

Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tổn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, phòng, chống bạo lực gia đình và ngăn ngừa các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Có rất nhiều định nghĩa về gia đình (theo cách tiếp cận khác nhau của nhà luật học, kinh tế học, văn hóa họa, của Tổng cục thống kê khi điều tra dân số,…), những định nghĩa đó rất khác nhau. Tại nhiều cuộc hội thảo các nhà khoa học nhiều chuyên ngành xã hội đã bàn luận, tranh cãi về  khái niệm này. Bởi vậy, hiện nay cũng có khá nhiều cách hiểu về gia đình; sự khác nhau này không chỉ do quan điểm, cách nhìn nhận của người định nghĩa, mà còn do một thực tế là gia đình mang trong nó nhiều yếu tố văn hóa, xã hội nhất định.

1. Các khái niệm cơ bản về gia đình

– Theo Liên hiệp quốc: “Gia đình là đơn vị cơ bản của xã hội và là môi trường tự nhiên cho sự phát triển và hạnh phúc của mọi thành viên” (Tuyên bố về tiến bộ xã hội trong phát triển của Liên hiệp quốc).

– Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: “Gia đình là tập hợp người gắn bó với nhau do hôn nhân quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền lợi giữa họ với nhau”. (Điều 3, khoản 2)

– Hộ gia đình: là một nhóm người sống chung tại một nơi cư trú, có quan hệ hôn nhân, ruột thịt hoặc nhận nuôi dưỡng và có quỹ thu chi chung, có một hộ khẩu (Tổng cục thống kê).

– Cấu trúc gia đình là hình thức tổ chức, cơ cấu, quy mô, số lượng, thành phần và mối quan hệ qua lại giữa các thành viên, các thế hệ trong gia đình. Cấu trúc gia đình thường xem xét trên các tiêu chí: Gia đình mẫu hệ hoặc phụ hệ; Gia đình đa thế hệ hoặc gia đình hạt nhân; Gia đình đầy đủ hoặc gia đình không đầy đủ (gia đình khuyết).

– Các chức năng của gia đình:

+ Chức năng tái sinh sản, tái sản xuất con người: đây là chức năng quan trọng nhất của gia đình, việc thực hiện chức năng sinh sản vừa là quy luật sinh tồn tự nhiên đồng thời là quy luật xã hội. Tái suất con người và sức lao động không chỉ có ý nghĩa với từng gia đình mà còn có tác động đến sự ổn định, phát triển bền vững của quốc gia.

+ Chức năng kinh tế: là một trong những chức năng cơ bản của gia đình, thể hiện trên hai khía cạnh: sàn xuất và tiêu dùng, cả hai khía cạnh này đều nhằm thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu của các thành viên trong gia đình.

+ Chức năng giáo dục, xã hội hóa cá nhân: gia đình là một thiết chế đặc thù vừa tạo dựng nên xã hội, vừa duy trì thúc đẩy xã hội phát triển. Gia đình chính là môi trường xã hội, môi trường giáo dục đầu tiên và quan trọng nhất của cá nhân. Giáo dục gia đình được thực hiện thông qua cách thức tổ chức đời sống gia đình, quá trình tổ chức các hoạt động của trẻ và cơ bản là dựa trên nền tảng căn bản là sự gương mẫu, sự nêu gương của các bậc cha, mẹ. Giáo dục gia đình thực sự là một quá trình diễn ra liên tục trong suốt cả cuộc đời mỗi con người; là sự tác động một cách kiên trì, thường xuyên, tổng thể và sâu sắc của  gia đình đối với sự hình thành và phát triển nhân cách mỗi con người.

+ Chức năng thỏa mãn nhu cầu tinh thần, tâm lý, tình cảm: Gia đình là một cộng đồng đặc biệt mà ở đó mối quan hệ hôn nhân, huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng, quan hệ tình cảm, trách nhiệm gắn bó các thành viên trong gia đình bằng những sợi dây liên hệ thường xuyên, lâu dài và suốt đời người. Có thể nói, không có một cộng đồng nào, tổ chức nào có thể mang lại tình cảm ấp áp, sâu sắc và thiêng liêng bằng gia đình. Do vậy, gia đình là nơi thỏa mãn các nhu cầu chăm sóc về tinh thần, tâm lý, tình cảm của các  thành viên gia đình trong cuộc sống thường ngày hoặc mỗi khi họ gặp khó khăn, bất ổn.

2. Văn hóa gia đình

Có nhiều định nghĩa về văn hóa và văn hóa gia đình, điều này xuất phát từ sự đa dạng trong cách hiểu về văn hóa. Mỗi nhà nghiên cứu đều phân tích cấu trúc gia đình theo cách nhìn nhận về văn hóa của mình. Văn hóa là những giá trị xã hội do con người sáng tạo ra trong tiến trình phát triển lịch sử, là mô hình các thiết chế xã hội; là phương thức ứng xử của con người và gắn với giáo dục, đào tạo xã hội hóa con người. Có thể thấy văn hóa gia đình là một hệ thống giá trị văn hóa được tích hợp từ các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại của một dân tộc, thể hiện nhận thức, thái độ, hành vi của các thành viên trong việc thực hiện các chức năng của gia đình và ứng xử trong các mối quan hệ cá nhân – gia đình – xã hội nhằm xây dựng gia đình.

Các thành tố của gia đình không tồn tại một cách cô lập mà liên kết với nhau tạo thành một hệ thống thực hiện các chức năng của văn hóa gia đình. Các chức năng cơ bản bao gồm:

+ Truyền tải văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác.

+ Duy trì sự cân bằng của đời sống gia đình.

+ Bảo đảm sự tiếp nối văn hóa, chống sự đứt đoạn văn hóa.

+ Giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa và chức năng hình thành các giá trị văn hóa mới.

Văn hóa gia đình Việt Nam truyền thống được hình thành từ cơ sở kết hợp giữa nền văn hóa bản địa nảy sinh từ xã hội sản xuất nông nghiệp lúa nước với hệ thống tư tưởng Nho giáo Trung Quốc, với triết lý đạo Phật về gia đình. Xã hội phát triển, sự tiếp xúc văn hóa càng tăng lên. Gia đình Việt Nam không chỉ tiến xúc với mô hình gia đình Nho giáo, mà còn tiếp xúc với văn hóa của các nước phương Tây. Văn hóa gia đình truyền thống có nhiều mặt tích cực cần được phát huy trong xã hội hiện đại. Ví dụ, chuyện tình nghĩa vợ chồng là một giá trị cao đạo đức rất cao đẹp của người xưa. Người ta lấy nhau trước hết là vì cái tình nhưng sống với nhau rồi sinh ra cái nghĩa. Có cái nghĩa thì vợ chồng mới sống với nhau được, mới cảm thông và chia sẻ với nhau mọi chuyện, vượt qua khó khăn và cám dỗ trong cuộc sống. 

Tuy nhiên, nhiều những giá trị của gia đình truyền thống không còn phù hợp thì cần phải thay đổi để chống sự trì trệ văn hóa. Ví dụ, ngày xưa cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy trong hôn nhân; hay chữ hiếu là con cái không được rời xa bố mẹ, phải ở quây quần trong một nhà, nghe theo bố mẹ bât kể đúng sai, hiếu là phải có con trai để nối dõi tông đường…Nhưng ngày ngay, hôn nhân là do con cái tự tìm hiểu và quyết định và chữ hiếu được vận dụng sáng tạo hơn, không nặng nề như xưa mà chủ yếu là ở việc biết ơn cha mẹ, sự kính trọng và tình yêu thương chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ.

Ngày nay, thế giới đang bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, lối sống… Xu thế toàn cầu hóa là một hiện tượng mang tính tất yếu khách quan, nó xuất phát từ chính nhu cầu phát triển của nhân loại. Trong bối cảnh đó, văn hóa Việt Nam nói chung và  văn hóa gia đình Việt Nam nói riêng tất yếu sẽ có sự giao lưu, hội nhập với văn hóa quốc tế. Quá trình giao lưu, hội nhập ấy chúng ta không chỉ tiếp nhận mà đồng thời cũng đóng góp những giá trị văn hóa gia đình Việt Nam làm phong phú, đa dạng giá trị văn hóa nhân loại.

Tài liệu tham khảo:

– Xã hội học gia đình – Martine Segalen, NXB Thế giới, HN, 2013.

– Bản sắc văn hóa Việt Nam – Phan Ngọc, NXB Văn học, HN, 2015.

– Tài liệu hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác gia đình cho đội ngũ báo cáo viên trung ương và cấp tỉnh, Bộ VHTTDL, HN, 2017.  

Ngày 19/3/2021 – Lưu Trang-