Kinh tế Nga đạt nhiều kỷ lục trong năm 2018

Dự trữ vàng đạt mức kỷ lục

Kinh tế Nga đạt nhiều kỷ lục trong năm 2018 ảnh 1

Năm 2018, Ngân hàng Trung ương Nga đã thu mua 92,2 tấn vàng dự trữ, đạt kỷ lục mới và vươn lên đứng đầu thế giới về sức mua loại kim loại quý này. Tỷ trọng dự trữ vàng trong tổng dự trữ ngoại tệ hiện ở mức 18%, đạt mức hơn 2.000 tấn. Nga đã vượt Trung Quốc ở chỉ số này khi lượng vàng dự trữ của Trung Quốc chỉ đạt 1.800 tấn

Tại sao Nga phải cần nhiều vàng như vậy? Đầu tiên, đó là một công cụ để bảo đảm đầu tư và phân tán rủi ro. Trong trường hợp xảy ra sự sụp đổ của hệ thống sử dụng đồng đô-la, vàng chắc chắn sẽ không bị mất giá. Trong khi duy trì chức năng như một công cụ thanh toán trong thương mại thế giới, vàng cũng giúp giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ loại tiền tệ nào.

Việc Ngân hàng Trung ương Nga mua vào một lượng vàng lớn, chủ yếu từ thị trường nội địa, đã tạo ra sự hỗ trợ lớn cho những người thợ mỏ của Nga. Mỗi năm, nước Nga sản xuất được khoảng 300 tấn kim loại quý. Và hai phần ba trong số đó đã được Ngân hàng Trung ương Nga mua lại.

Đây cũng là một cơ hội để kiếm tiền. Gần đây, vàng được dự báo sẽ ngày càng trở nên đắt đỏ hơn với mức giá cuối tháng 12 đã đạt 1.270 USD/ounce. Với những dự báo về sự trì trệ của nền kinh tế thế giới cũng như tác động của các cuộc chiến thương mại, nhu cầu về vàng sẽ ngày càng gia tăng.

Đầu tư vào trái phiếu Mỹ thấp kỷ lục

Kinh tế Nga đạt nhiều kỷ lục trong năm 2018 ảnh 2

Cùng với việc dự trữ vàng, Ngân hàng Trung ương Nga cũng giảm đáng kể lượng đầu tư vào trái phiếu Chính phủ Mỹ. Nga đã bán đi hầu như toàn bộ trái phiếu Mỹ mà mình sở hữu. Tháng 6-2018, tỷ trọng trái phiếu trong dự trữ ngoại tệ của Nga chỉ còn dưới 10% và đến nay con số này đã giảm xuống gần bằng 0.

Hồi năm 2010, đầu tư vào trái phiếu Chính phủ Mỹ của Nga, cùng với đồng đô-la Mỹ, vốn được coi là các công cụ tài chính đáng tin cậy và có tính thanh khoản nhất thế giới, đã đạt mức 176 tỷ USD. Tuy nhiên, trước sức ép ngày một gia tăng từ các lệnh trừng phạt của Washington, Ngân hàng Trung ương Nga đã quyết định giảm thiểu đầu tư vào trái phiếu Chính phủ Mỹ. Kể từ tháng 4-2014, Ngân hàng Trung ương Nga đã bắt đầu giảm nguồn tài chính đầu tư vào các trái phiếu Mỹ, nhưng đến năm 2018 lượng bán ra đã tăng vọt. Sau các lệnh trừng phạt của Mỹ, các nhà quản lý Nga đã ngay lập tức giảm một nửa lượng đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ.

Việc từ bỏ các trái phiếu Mỹ cũng là hợp lý theo quan điểm kinh tế học, bởi điều này sẽ giúp thị trường tài chính Nga tránh khỏi cú sốc trong trường hợp có thêm lệnh trừng phạt áp đặt lên các công ty trong nước.

Đạt thặng dư ngân sách lần đầu tiên sau bảy năm

Kinh tế Nga đạt nhiều kỷ lục trong năm 2018 ảnh 3

Tới cuối năm 2018, Nga lần đầu tiên đạt thặng dư ngân sách sau bảy năm. Theo dự báo của Bộ Tài chính Nga, mức thặng dư ngân sách năm 2018 của Nga sẽ đạt mức 2,5% GDP. Trong năm 2017, ngân sách Nga đã bị thâm hụt với mức chi tiêu vượt mức thu ngân sách khoảng 1,4% GDP.

Trước đó, ngân sách Nga dự báo sẽ bị thâm hụt ở mức 1.271,4 tỷ rúp (1,3% GDP), tuy nhiên, giá dầu thô tăng vọt đã tạo ra những điều chỉnh lớn. Lợi nhuận bổ sung mà dầu và khí đốt mang lại đã giúp cho ngân sách Nga đạt thặng dư.

Bộ Tài chính Nga dự báo rằng, tới cuối năm 2018, lợi nhuận từ dầu mỏ và khí đốt sẽ đạt mức 2,7 nghìn tỷ rúp. Thặng dư ngân sách sẽ giúp tạo ra biên độ an toàn cho nền kinh tế và giúp Nga có thể chống chọi lại những lệnh trừng phạt mới từ phương Tây.

Nợ nước ngoài thấp, giảm mạnh

Kinh tế Nga đạt nhiều kỷ lục trong năm 2018 ảnh 4

Nga là một trong số những nước có nợ nước ngoài thấp nhất thế giới, chỉ đạt mức 525 tỷ USD. Trong khi đó, nợ nước ngoài của Anh đạt 7,5 nghìn tỷ USD, Pháp đạt 5 nghìn tỷ USD, Đức nợ 4,8 nghìn tỷ USD. Tính trên toàn khu vực châu Âu, tổng nợ nước ngoài đạt 14 nghìn tỷ USD. Còn Mỹ có số nợ đạt hơn 21 nghìn tỷ USD.

Theo phân tích của ngân hàng USB của Thụy Sĩ, Nga hiện đang đi đầu về mặt giảm tỷ lệ nợ nước ngoài (bao gồm cả nợ chính phủ và nợ của tất cả các khu vực trong nền kinh tế). Nếu tình hình kinh tế quốc tế đột nhiên xấu đi, các khoản nợ nước ngoài sẽ nhanh chóng trở thành một vấn đề lớn. Nợ nước ngoài càng thấp, thì càng giúp hạ thấp nguy cơ vỡ nợ trong các cú sốc toàn cầu.

Các nhà kinh tế tin rằng, quy mô nợ hiện nay của Nga là tối ưu: 20,4% GDP. Tổng nợ nước ngoài cũng phù hợp với quy mô dự trữ ngoại tệ của Nga (450 tỷ USD). Bởi vậy, Bộ Tài chính Nga bất kỳ lúc nào cũng có thể mua lại các khoản nợ này từ các chủ nợ nước ngoài.

Lãi suất tín dụng thế chấp thấp kỷ lục

Kinh tế Nga đạt nhiều kỷ lục trong năm 2018 ảnh 5

Năm 2018, Nga đạt kỷ lục về các khoản vay thế chấp. Theo các chuyên gia của nhóm “Dom.rf”, trong 10 tháng đầu năm 2108, 1,17 triệu khoản tín dụng trị giá 2,37 nghìn tỷ rúp đã được cấp.

Việc giảm lãi suất mạnh đã thúc đẩy tăng trưởng khối lượng tín dụng mua nhà ở. Từ tháng 1 đến tháng 9-2018, lãi suất trung bình cho các khoản vay mua nhà đạt 9,55%, thấp hơn 1,4 điểm phần trăm so với năm trước, nhưng trong tháng 10 đã lập kỷ lục mới 9,41%.

Theo dự báo của Bộ Xây dựng Nga, mức lãi suất thế chấp năm 2020 có thể đạt 6%. Theo Bộ này, điều này góp phần cải thiện tình hình kinh tế, lãi suất sẽ được nhà nước và chính các nhà thầu xây dựng trợ cấp, nhờ vào giảm giá và khuyến mãi.

Sản lượng khai thác dầu mỏ đạt mức kỷ lục

Kinh tế Nga đạt nhiều kỷ lục trong năm 2018 ảnh 6

Năm 2018, Nga đã đạt một kỷ lục mới về lượng dầu mỏ được khai thác. Đến tháng 10-2018, sản lượng khai thác dầu mỏ của Nga đã đạt mức 11,6 triệu thùng mỗi ngày. Theo báo cáo của OPEC, đây là con số cao nhất mà Nga đạt được trong thời kỳ hậu Xô-viết.

Tập đoàn dầu mỏ Rosneft, đặc biệt là công ty con Yuganskneftegaz của nó, đã có sự đóng góp nhiều nhất cho thành tựu này. Các công ty LUKOIL, Surgutneftegaz, Gazprom Neft và Tatneft cũng đã gia tăng sản lượng của mình.

OPEC dự báo đến cuối năm nay, sản lượng dầu mỏ của Nga sẽ tăng lên mức 11,24 triệu thùng mỗi ngày. Cũng theo OPEC, các công ty dầu mỏ Nga có khả năng tăng hơn nữa sản lượng của mình nhờ việc khai thác các mỏ mới.

Xuất khẩu khí đốt sang châu Âu tăng

Kinh tế Nga đạt nhiều kỷ lục trong năm 2018 ảnh 7

Đến cuối năm nay, lượng khí đốt của Nga xuất khẩu sang châu Âu sẽ đạt mức 200 tỷ mét khối. Trong 11 tháng đầu năm nay, Gazprom đã xuất khẩu 179,9 tỷ mét khối khí đốt, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước và 10,2% so với năm 2016.

Đức, Áo, Hà Lan cũng như Pháp, CH Czech, Phần Lan và Romania là những nước đã tăng lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga trong năm qua. Từ tháng 1 đến tháng 11-2018, Hungary và Hy Lạp đã mua lượng khí đốt của Nga nhiều hơn cả năm trước đó.

Nga cũng cung cấp nhiên liệu xanh cho châu Âu thông qua một vài tuyến: trung chuyển qua Belarus, Ba Lan và Ukraine, cũng như vận chuyển trực tiếp qua Biển Baltic. Về mặt lý thuyết, việc khánh thành các tuyến đường ống qua Thổ Nhĩ Kỳ và Nord Stream – 2, sẽ giúp Nga nâng sản lượng khí đốt xuất khẩu sang châu Âu lên gần 1,5 lần, đạt 290 tỷ mét khối.

Tuy nhiên, theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, ngay cả như vậy cũng sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu về năng lượng của các nước Cựu Lục địa.

Trở thành nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới

Kinh tế Nga đạt nhiều kỷ lục trong năm 2018 ảnh 8

Năm 2018, Nga cũng đã đạt kỷ lục về sản lượng lúa mì xuất khẩu. Hơn một trăm quốc gia trên thế giới đã mua lúa mì của Nga, trong đó có Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Saudi Arabia, Indonesia, Azerbaijan, Nigeria.

Theo Bộ Nông nghiệp Nga, năm 2018 nước này đã xuất khẩu 33 đến 34 triệu tấn lúa mì. Vụ mùa năm nay đã đạt mọi kỳ vọng: thu hoạch ngũ cốc trên cả nước đạt 109 triệu tấn và hai phần ba trong đó là lúa mì. Bloomberg cho biết, trong vụ nông nghiệp 2017 – 2018, Nga đã xuất khẩu 36,6 triệu tấn lúa mì, tăng 30% so với năm trước.

Hiện nay, nước xuất khẩu nhiều lúa mì nhất thế giới là Mỹ. Trong vụ nông nghiệp 1992 – 1993, nước này đã cung cấp 36,8 triệu lúa mì ra thị trường thế giới. Nhưng kỷ lục này có vẻ sẽ không còn được duy trì lâu dài. Theo The Wall Street Journal, trong mùa thu vừa qua nông dân Mỹ đang phải chịu nhiều thiệt hại do xuất khẩu lúa mỳ của Nga tăng mạnh. Số doanh nghiệp nông nghiệp của Mỹ đang phải đóng cửa với tốc độ chưa từng thấy kể từ những năm 1980. Ngũ cốc của Nga cũng rẻ hơn của Mỹ, và điều đó đồng nghĩa, các mặt hàng ngũ cốc của Mỹ đang bị đẩy dần ra khỏi thị trường thế giới.

Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng của Bloomberg

Trong năm 2018, Nga đã vươn từ vị trí thứ bảy lên thứ hai trong bảng xếp hạng các nền kinh tế mới nổi của tờ tạp chí Bloomberg.

Sự tăng trưởng của nền kinh tế Nga cũng đã được các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) lưu ý: Trong bảng xếp hạng Doing Business, Nga đã vươn từ vị trí thứ 35 lên 31 trong một năm. Năm 2012, vị trí của Nga trong bảng xếp hạng này là đứng thứ 120.

Cũng theo tính toán của WB, nếu xét về quy mô GDP, Nga đã tiến gần hơn tới tốp 10 quốc gia hàng đầu thế giới, vượt qua Hàn Quốc và đứng thứ 11. Trong năm qua, GDP của Nga đã tăng gần 300 tỷ USD, đạt 1,58 nghìn tỷ USD.

Theo Sắc lệnh tháng 5 của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Nga sẽ tiến vào tốp năm nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2024.

Đón lượng du khách cao nhất trong vòng 10 năm qua

Kinh tế Nga đạt nhiều kỷ lục trong năm 2018 ảnh 9

Cuối cùng, năm 2018 vừa qua, thị trường du lịch Nga đạt một kỷ lục mới khi thu hút được 90 triệu du khách. Đây là mức du khách Nga cao kỷ lục trong vòng mười năm qua.

Theo Cơ quan Du lịch Liên bang Nga, kể từ năm 2008, lượng du khách trong nước cũng như nước ngoài đã tăng gần 70%. Chiếm phần lớn trong số này là khách du lịch nội địa với hơn 60 triệu lượt khách. Các địa điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất trong năm qua ở Nga là các thành phố Moscow, Khu vực Krasnodar, bán đảo Crimea, Saint Petersburg và Khu vực Vladimir.

Sự kiện Cúp bóng đá thế giới 2018 được tổ chức tại Nga cũng đã góp phần giúp tăng đáng kể số du khách tới Nga. Chỉ riêng sự kiện này đã thu hút được gần bảy triệu người hâm mộ, trong đó có hơn 3,5 triệu người nước ngoài. World Cup cũng mang lại cho nền kinh tế Nga gần một nghìn tỷ rúp.