Kinh tế thế giới: Nhìn lại năm 2017 và triển vọng năm 2018
Ảnh minh họa. Ảnh: vtv.vn
Kinh tế thế giới năm 2017 hồi phục mạnh mẽ
Bất chấp những rủi ro từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương, với điều kiện tài chính thuận lợi và một số hỗ trợ từ chính sách tài khóa, triển vọng kinh tế toàn cầu tương đối tươi sáng và đồng đều giữa các nền kinh tế phát triển và mới nổi.
Kinh tế Mỹ tăng trưởng vững mạnh: Tình hình kinh tế Mỹ lạc quan hơn, Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM) cho biết, chỉ số Nhà quản lý mua hàng (PMI) tăng lên mức 59,7 trong tháng 12-2017, so với mức 58,2 trong tháng 11-2017. Điều này cho thấy, ngành chế tạo Mỹ tiếp tục tăng trưởng (1). Báo cáo gần đây của Bộ Thương mại Mỹ cho biết, chi tiêu xây dựng tăng 0,8%, đạt mức cao nhất từ trước tới nay, khoảng 1,257 nghìn tỷ USD trong tháng 11-2017, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2016 (2). Nhờ số liệu tích cực từ ngành chế tạo của Mỹ, giá dầu gia tăng, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp công nghệ tiếp tục tăng mạnh, thị trường chứng khoán Mỹ khởi sắc. Nhìn chung, các chỉ số kinh tế vĩ mô như tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp (4,1%) và lạm phát (1,7%) đều cho thấy, năm 2017 được đánh giá là năm tăng trưởng tốt đối với nền kinh tế Mỹ trong thập niên qua. Kinh tế Mỹ năm 2017 có thể đạt tăng trưởng ở mức 2,5%; tốc độ này vẫn được duy trì trong năm 2018, sẽ giảm xuống còn 2,1% vào năm 2019 và 2,0% vào năm 2020 (3).
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương phát triển năng động: Châu Á – Thái Bình Dương vẫn là khu vực năng động nhất về kinh tế và là động lực chính cho tăng trưởng toàn cầu trong gần một thập niên sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Trong năm qua, dù vẫn phải đối mặt với hàng loạt thách thức toàn cầu nhằm duy trì đà tăng trưởng, nhưng khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn đi đầu về hội nhập, lãnh đạo các nền kinh tế khu vực đã nỗ lực thúc đẩy liên kết kinh tế và tự do hóa thương mại. Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP), GDP trung bình của các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương tăng 5,4% trong năm 2017, chủ yếu là do tiêu dùng trong nước (4). Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thống kê mức tăng trưởng kinh tế của châu Á 6% trong năm 2017, nhờ tăng trưởng xuất khẩu và tiêu thụ nhiên liệu nội địa cao hơn so với dự kiến, trong khi dự báo cho năm 2018 vẫn giữ nguyên ở mức 5,8% (5). Triển vọng tăng trưởng tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, được điều chỉnh tăng nhờ giữ vững mức tiêu dùng. ADB ước tính GDP của Trung Quốc tăng trưởng 6,8% trong năm 2017 do tiêu dùng tăng, năm 2018 là khoảng 6,4%. Nam Á vẫn là khu vực phát triển nhanh nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương (6,5%), trong đó triển vọng tăng trưởng của Ấn Độ là 6,7% (6). Tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á được hưởng lợi từ các hoạt động đầu tư và xuất khẩu mạnh mẽ hơn, với mức tăng trưởng cao hơn cho Brunei, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Đầu tư cho cơ sở hạ tầng tiếp tục đóng vai trò quan trọng ở Indonesia, Philippines và Thái Lan. Nhu cầu nội địa mạnh mẽ, đặc biệt là tiêu dùng cá nhân và đầu tư, sẽ tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng ở tiểu vùng. Triển vọng tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á đã tăng lên 5,2% trong cả năm 2017 và duy trì ở mức này trong năm 2018 (7).
Các chuyên gia kinh tế Anh dự báo đến năm 2032, châu Á sẽ có 5 đại diện (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc) trong top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trung Quốc sẽ soán ngôi vị dẫn đầu thế giới thay vị trí của Mỹ vào năm 2032. Năm 2018, Ấn Độ sẽ đứng hàng thứ 5 trong số các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, vượt Pháp và Anh (8). Tăng trưởng GDP năm 2017 của Nhật Bản dự kiến khoảng 1,9%, trong đó xuất khẩu tăng 4%, là nhân tố quan trọng đóng góp vào sự phục hồi kinh tế Nhật Bản. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng của Nhật Bản giảm nhẹ, đạt khoảng 1,8% (9). Trong khi đó, năm 2017 cũng là năm đáng ghi nhận với kinh tế Hàn Quốc. Kinh tế Hàn Quốc “tỏa sáng” nhờ thu hút FDI và kim ngạch xuất khẩu tăng kỷ lục. Các cam kết FDI ở mức 22,94 tỷ USD trong năm 2017, tăng 7,7% so với năm 2016 (10). Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong năm 2017 đạt 573,9 tỷ USD, cao hơn 15,8% so với năm 2016. Tuy nhiên, mức tăng này có thể giảm xuống còn 4% trong năm 2018 trong bối cảnh đô la hóa nền kinh tế mạnh mẽ và những nguy cơ địa chính trị tiềm ẩn (11). Nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, dự kiến sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2018, sau khi mở rộng 3,2% trong năm 2017 (12). Kinh tế Australia được cải thiện nhờ tăng trưởng trong lĩnh vực đầu tư, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 2,8% nhưng thấp hơn mức kỳ vọng (13).
Kinh tế EU đang dần phục hồi: Năm 2017 là năm khá bất ngờ và thuận lợi đối với các nền kinh tế EU bất chấp những bất ổn chính trị tại khu vực. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, sự phục hồi của châu Âu rất mạnh, sự phục hồi này đã lan ra khắp thế giới, làm cho khu vực này trở thành “động cơ” của tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu. Diễn biến trên thị trường lao động tốt hơn, cũng như các điều kiện tài chính thuận lợi hơn đã làm tăng nhu cầu trong nước. Trong thời gian tới, lĩnh vực tiêu dùng sẽ giúp tạo thêm việc làm, là nhân tố chính thúc đẩy sự hồi phục kinh tế. Thu nhập của người dân sẽ bắt đầu đi lên trong điều kiện số lượng người có việc làm tăng lên, đi cùng với sự tăng nhẹ của giá cả. Tại một số nước, môi trường đầu tư nhờ các chính sách kinh tế được cải thiện một phần. Đáng chú ý, tại Pháp, dự luật cải cách thuế để kích thích đầu tư đã được thông qua và sẽ có hiệu lực vào năm 2018. Tại Hà Lan, liên minh chính phủ mới cũng đang lên kế hoạch cho các biện pháp tăng cường đầu tư. Sự phục hồi của kinh tế thế giới đã hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, mặc dù đồng euro mạnh lên so với những đồng tiền khác và nhu cầu hàng hóa, dịch vụ từ châu Âu giảm. Theo Ủy ban châu Âu, khu vực đồng euro dự báo sẽ tăng trưởng 2,2% trong năm 2017, tốc độ nhanh nhất trong một thập niên qua (14). Sự hưởng lợi từ kinh tế thậm chí còn lớn hơn bên ngoài khu vực đồng euro. Ba nền kinh tế lớn nhất của Đông Âu đã vượt qua cả tốc độ tăng trưởng của Đức trong vài năm qua. Ba Lan, Rumani và Cộng hòa Séc đang trải qua giai đoạn tăng trưởng kinh tế cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp và lạm phát nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế châu Âu và thế giới dự báo sẽ khởi sắc, kinh tế Anh được đánh giá sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại trong năm 2018, khi giới doanh nghiệp vẫn do dự trong các kế hoạch đầu tư, lãi suất có khả năng tiếp tục tăng và người tiêu dùng hạn chế chi tiêu. Nhiều nhà kinh tế cho rằng, những bất ổn liên quan đến Brexit sẽ gây sức ép lớn hơn lên nền kinh tế Anh trong năm 2018 so với năm 2017, trong bối cảnh các công ty bắt đầu triển khai các kế hoạch chuẩn bị cho Brexit. Kinh tế Anh ước tăng khoảng 1,5% trong năm 2017. Năm 2018, kinh tế Anh tiếp tục kém sáng sủa, GDP có thể chỉ tăng 1,4% (15).
Động lực chính tại phần lớn kinh tế các nước Trung và Đông Âu vẫn là tiêu dùng cá nhân. Chính sách giảm thuế ở Romania cũng hỗ trợ thêm cho khu vực này. Sự leo thang của giá cả tiêu dùng đang được tăng cường đáng kể trong thời gian qua tại Romania, tuy nhiên vẫn nằm trong mức mục tiêu được đề ra. Tại các vùng khác tỷ lệ lạm phát tăng nhẹ. Để thích ứng, các ngân hàng trung ương giữ lãi suất cũ; chỉ riêng tại Séc, nơi lạm phát đang ở mức cao, lãi suất cơ bản được điều chỉnh theo hướng tăng. Xuất khẩu hưởng lợi nhờ tỷ giá đồng koruna so với euro thấp; tuy nhiên nếu tỷ giá này tăng, tăng trưởng của Séc có thể bị chậm lại. Kinh tế Đông Nam Âu được hỗ trợ bởi sự cải thiện kinh tế của EU và nhu cầu nội địa gia tăng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, ở Serbia, nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, điều kiện thời tiết bất lợi vào đầu năm 2017 đã làm giảm tăng trưởng. Bên cạnh đó, những bất ổn chính trị ở Cộng hòa Macedonia cũng ảnh hưởng đến đầu tư kinh doanh và tiêu dùng cá nhân ở quốc gia này. Tăng trưởng GDP khu vực Đông Nam Âu đã giảm xuống từ 2,9% năm 2016 xuống còn 2,5% năm 2017, song dự kiến sẽ tăng lên 3,2% vào năm 2018 (16).
Tại “xứ sở Bạch Dương”, duy trì tăng trưởng kinh tế có thể coi là “điểm sáng” về đối nội của Nga trong bối cảnh nước Nga trong suốt hơn 3 năm qua vẫn phải chống chọi với các biện pháp trừng phạt của phương Tây và giá “vàng đen” vẫn ở mức thấp. Những chính sách của Điện Kremlin trước tình hình giá dầu giảm và các lệnh cấm vận đã giúp nền kinh tế Nga ổn định trở lại. Sự hỗ trợ của chính phủ cho một số lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế, trong đó có nông nghiệp, các ngành sản xuất những mặt hàng thay thế nhập khẩu, cũng như các cuộc cải cách cấu trúc, đã phát huy tác dụng, giúp đưa Nga thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài và bước vào giai đoạn tăng trưởng năng động, bền vững hơn. Trong cuộc họp với đại diện của giới doanh nghiệp tháng 12-2017, Tổng thống Nga V. Putin tuyên bố, giai đoạn suy thoái kinh tế Nga đã kết thúc, tăng trưởng GDP đã nói lên điều đó. GDP của Nga tăng khoảng 1,8% trong năm 2017, và sẽ tiếp tục tăng khoảng từ 1,5% – 2% vào năm 2018 (17).
Tại Mỹ Latin, nền kinh tế Brazil bắt đầu có dấu hiệu hồi phục sau “cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại”. Ở Venezuela, đáp lại những biện pháp cấm vận kinh tế từ bên ngoài, Venezuela dưới sự lãnh đạo của chính quyền Tổng thống N. Maduro vẫn kiên trì theo đuổi các biện pháp nhằm bình ổn tình hình đất nước, dù chính phủ và phe đối lập còn nhiều mâu thuẫn. Tại Cuba, trong khi Mỹ quay lưng với quốc gia này, giới doanh nghiệp Nga đã trở lại cùng với các dự án hàng tỷ USD. Mexico dù còn gặp nhiều trở ngại do tiến trình tái đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ mang lại, nhưng nền kinh tế Mexico vẫn được IMF đánh giá lạc quan, nhờ các chính sách củng cố tài chính của chính phủ nước này. Theo IMF, nợ công của Mexico sẽ giảm trong khi nền kinh tế nước này tiếp tục tăng trưởng. Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây đưa ra số liệu lạc quan, dự kiến mức tăng trưởng của khu vực Mỹ Latin năm 2017 là 1,2%, triển vọng năm 2018 tăng gần gấp đôi, đạt khoảng 2,3% và mức tăng trưởng này tiếp tục được duy trì trong năm 2019, do các quốc gia Mỹ Latin đã có những tiến bộ trong việc cải cách cơ cấu (18).
Nhiều kỳ vọng trong năm 2018
Đầu năm 2018, kinh tế toàn cầu đang có tín hiệu tăng trưởng rõ rệt, vượt ngoài mong đợi. IMF cho rằng, tăng trưởng toàn cầu sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2018 ở mức 3,7% (19). Công ty kiểm toán hàng đầu thế giới PwC cho rằng, kinh tế toàn cầu đang trên đà tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2011 đến nay. Nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng gần 4% trong năm 2018 tính theo sức mua tương đương (PPP) và tổng sản phẩm toàn cầu sẽ tăng thêm 5 nghìn tỷ USD tính theo giá hiện hành (20). Các động lực chính của nền kinh tế toàn cầu bao gồm Mỹ, các nền kinh tế mới nổi tại châu Á và khu vực đồng euro, dự kiến sẽ đóng góp gần 70% vào tổng mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018, cao hơn so với tỷ lệ trung bình là khoảng 60% trong giai đoạn kể từ sau năm 2000. Tốc độ tăng trưởng của khu vực đồng euro được dự báo sẽ lớn hơn 2% trong năm 2018. Theo PwC, đây có thể sẽ là năm thứ 5 liên tiếp các nền kinh tế nhỏ tăng trưởng nhanh hơn các nền kinh tế lớn của khu vực. Trong số các nền kinh tế lớn sử dụng đồng euro, Hà Lan được kỳ vọng sẽ dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế với tỷ lệ khoảng 2,5%. Ngược lại, tình trạng mơ hồ về quá trình Brexit có thể sẽ kìm hãm mức tăng trưởng của Anh, dự kiến chỉ đạt 1,4% trong năm 2018 (21).
Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo sức mua tương đương có thể sẽ tăng trưởng 6% – 7% trong năm 2018, tuy có chậm hơn các năm trước nhưng phù hợp với các phân tích dự báo (22). Kinh tế Trung Quốc giảm tốc có nguyên nhân từ việc Mỹ có thể sẽ áp đặt những biện pháp trừng phạt đối với mậu dịch, đầu tư và tài sản trí tuệ trong khuôn khổ những phán quyết trong hoặc bên ngoài Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với Trung Quốc. Tranh chấp thương mại với Mỹ, đi cùng với đó là những cải cách hiện hành, trong đó có các biện pháp hạn chế rủi ro tài chính và cải thiện tình hình môi trường, sẽ hạn chế đà đi lên của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong số 17 nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc sẽ có sự góp mặt của Ấn Độ, Ghana, Ethiopia và Philippines. Điều này phản ánh rằng, cơ sở tăng trưởng đang mở rộng tại châu Phi và châu Á. Theo phân tích của PwC, 8 trên 10 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất năm 2018 có thể đến từ châu Phi (23).
Với mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm, năm 2018 được PwC dự báo cũng sẽ là năm có nhu cầu cao nhất về năng lượng trong lịch sử. Nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ tiêu thụ gần 600 triệu tỷ đơn vị nhiệt Anh (khoảng 176 nghìn tỷ kilowatt giờ) trong năm 2018, mức cao nhất trong lịch sử và cao gấp đôi so với năm 1980. Ấn Độ và Trung Quốc có thể sẽ tiêu thụ đến 30% tổng số năng lượng toàn cầu. Mặc dù vậy, PwC dự báo, giá dầu tính theo giá trị thực tế sẽ khá ổn định, khi mà Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các nước đồng minh sẽ tiếp tục cắt giảm khai thác 1,8 triệu thùng dầu/ngày đến hết năm 2018 (23).
Quá trình hồi phục kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục diễn ra. Hoạt động sản xuất của Mỹ trong năm 2018 có thể hưởng lợi từ kế hoạch cắt giảm thuế được Quốc hội Mỹ thông qua tháng 12-2017. Bên cạnh đó, sự suy yếu của đồng USD trong thời gian gần đây và sự khởi sắc của kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng được sản xuất ở Mỹ, từ đó giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ giảm xuống 3,9% vào năm 2018 và năm 2019 nhưng sẽ tăng lên 4% vào năm 2020. Lạm phát sẽ là 1,9% năm 2018, tăng lên 2% trong các năm 2019 và 2020 (24).
PwC cũng lưu ý một số yếu tố có ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2018 bao gồm: Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể sẽ giảm mức mua lại tài sản hằng tháng trong năm 2018, nhưng nhiều khả năng chính sách tiền tệ tại Nhật Bản sẽ không có thay đổi đáng kể. Trong khối G7, tỷ lệ thất nghiệp dự báo sẽ thấp nhất trong vòng 40 năm, dừng lại ở khoảng 5% (tương đương 19 triệu người lao động). Cùng với đó, mức lương sẽ tăng trưởng nhẹ ở một số nền kinh tế tiên tiến nhưng vẫn thấp hơn so với giai đoạn trước khủng hoảng. Dân số thế giới sẽ có thêm khoảng 80 triệu người vào năm 2018. Tuy vậy, tính theo tỷ lệ phần trăm thì đây sẽ là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1950 đến nay. Cứ 10 trẻ em sinh ra trong năm 2018 thì sẽ có 9 trẻ em là sinh tại châu Phi hoặc châu Á (25).
Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới thời gian tới còn phụ thuộc nhiều vào chính sách tiền tệ – tín dụng, thuế và thương mại ở Mỹ và trên toàn thế giới. Bên cạnh những thuận lợi như trên, vẫn có những yếu tố cản trở sự phát triển. Một số quốc gia châu Âu vẫn có tỷ lệ thất nghiệp cao, hoạt động đầu tư chưa thực sự năng động. Các ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc đang yếu đi bởi việc giảm thiểu dư thừa nguồn cung. Sự xuất hiện của các loại đồng tiền điện tử như Bitcoin có thể đe dọa đến sự ổn định của nền tài chính thế giới trong bối cảnh loại tiền tệ này ngày càng “thịnh hành”. Ngoài ra, rất khó để dự báo những bước đi chính trị nào sẽ được thực hiện trong năm 2018. Nước Đức chưa thành lập được liên minh cầm quyền sau cuộc bầu cử tháng 9-2017 và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có chủ tịch mới. Mỹ có thể thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt, giảm bớt nhu cầu thế giới, kinh tế toàn cầu sẽ bị tác động mạnh. Đồng tiền của các nước mới nổi cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng chi phí tài chính của doanh nghiệp cũng như các nền kinh tế trên toàn thế giới. Châu Á, đầu tàu tăng trưởng kinh tế thế giới cũng phải đối mặt với một số thách thức, như dân số tại một số nước có xu hướng giảm, nguy cơ dân số già. Một số quốc gia châu Á có thể rơi vào cái “bẫy thu nhập trung bình”, sau một thời gian tăng trưởng nhanh thì bị chững lại, ngăn cản khả năng cải thiện nâng cao mức sống cho ngang bằng với các quốc gia phát triển. Những biến động tại các nền kinh tế đang phát triển như Argentina, Saudi Arabia và Brazil cũng có thể tác động tiêu cực tới xu thế phát triển chung của kinh tế thế giới… Có rất nhiều lý do để thận trọng nhưng các tín hiệu tích cực từ nền kinh tế ngay từ đầu năm cho thấy, kinh tế toàn cầu sẽ khả quan trong năm 2018./.
——————
(1), (2) U.S. factory, construction data brighten economic outlook, www.reuters.com, ngày 03-01-2018
(3), (24) US Economic Outlook: For 2018 and Beyond, www.thebalance.com, ngày 01-01-2018
(4) GDP of Asia-Pacific developing economies set to grow 5,4% this year, www.thestar.com, ngày 07-12-2017
(5), (6), (7), ADB lifts Asia’s 2017 growth outlook to 6% on firm exports, China’s resilience, http://www.thehindubusinessline.com, ngày 13-12-2017
(8) India will become world’s fifth-largest economy in 2018, says UK-based economics consultancy, https://scroll.in, ngày 26-12-2017
(9) Japan projects 1.8% GDP rise for fiscal 2018, www.japantimes.co.jp, ngày 19-12-2017
(10) FDI pledges to S. Korea hit record high in 2017, http://english.yonhapnews.co.kr, ngày 03-01-2018
(11) Korea expects 4% growth in exports for 2018: minister, http://www.koreaherald.com, ngày 01-01-2018
(12) S. Korea’s economy may achieve 3 pct growth in 2018: poll, http://english.yonhapnews.co.kr, ngày 25-12-2017
(13) GDP: Australia’s economic growth improves, Post Courier, ngày 07-12-2017
(14) The economic surprise of 2017 was Europe’s best year in a decade, https://qz.com/, ngày 25-12-2017
(15) Gloomy growth projections cloud hopes for UK economy, www.ft.com, 02-02-2018
(16) Cyclical recovery in the CIS but South-Eastern Europe sees some slowdown: UN report, http://www.unece.org, ngày 11-12-2017
(17) Russia’s economy to grow 1.5-2% in 2018 – expert, http://tass.com, ngày 19-12-2017
(18) Head World Bank economist expects LatAm to continue growing in 2019, http://www.efe.com, ngày 10-12-2017
(19) IMF chief: Make reforms while sun shines on world economy, http://news.abs-cbn.com, ngày 01-01-2018
(20), (21), (22), (23), (25) PwC: Global economic growth in 2018 on track to be fastest since 2011, http://www.hellenicshippingnews.com, ngày 30-12-2017