Kỹ thuật phần mềm là gì? Yêu cầu kỹ năng và cơ hội việc làm

Mục lục bài viết

Trong thời đại hiện nay, phần mềm và công nghệ đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của con người. Điều này thúc đẩy lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung và ngành kỹ thuật phần mềm nói riêng ngày càng phát triển. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn kỹ thuật phần mềm là gì, yêu cầu kỹ năng và cơ hội việc làm trong ngành này. Hãy theo dõi đến cuối bài viết nhé! 

Kỹ thuật phần mềm là gì? Yêu cầu kỹ năng và cơ hội việc làm

I. Tổng quan về kỹ thuật phần mềm

1. Kỹ thuật phần mềm là gì?

Kỹ thuật phần mềm tiếng Anh là Software Engineering, đây là ngành chuyên nghiên cứu việc sử dụng các kỹ thuật toán học, công nghệ, lập trình, khoa học, thiết kế,… một cách có hệ thống, nguyên tắc để tạo ra, kiểm tra, đánh giá và bảo trì những phần mềm, chương trình trên hệ thống máy tính.

Những phần mềm này vô cùng quen thuộc vì chúng ta sử dụng nó gần như là mỗi ngày. Ví dụ như những phần mềm hỗ trợ công việc như Microsoft Word, Microsoft Excel, Microsoft Powerpoint, Google,… hay các phần mềm mạng xã hội phổ biến như Facebook, TikTok, Instagram, Twitter,… Các phần mềm này đều giúp ích cho con người và là sản phẩm từ kỹ thuật phần mềm.

Kỹ thuật phần mềm là gì?

Tìm việc làm, tuyển dụng công nghệ thông tin có thể bạn quan tâm:

– Backend Developer (Golang/ .NET core)

– Nhân viên Kiểm thử phần mềm Tester QC

2. Phân loại các chức danh 

Hiện có 3 chức danh mà các kỹ sư phần mềm có thể đảm nhận như:

Front-end: kỹ sư front-end là người sẽ sử dụng ngôn ngữ lập trình để xây dựng giao diện cho website, ứng dụng. Giao diện ở đây tức là phần mà người dùng hay khách hàng có thể nhìn thấy khi truy cập trang web, ứng dụng. Kỹ sư front-end thường sử dụng ngôn ngữ HTML, CSS và JavaScript.

Back-end: trong công nghệ thông tin, front-end có thể xem như là bao bì của một sản phẩm, back-end là phần bên trong. Front-end và back-end luôn gắn liền với nhau và không thể thiếu một trong hai. Các kỹ sư back-end làm việc ở phía máy chủ. Không có gì đáng ngạc nhiên, đây là nơi các nhà phát triển xử lý bất kỳ tác vụ nào liên quan đến máy chủ, bao gồm cả quản lý cơ sở dữ liệu. Kỹ sư back-end thường sử dụng ngôn ngữ PHP, Python, Ruby, Java, ASP.NET. 

Fullstack: kỹ sư fullstack sẽ đảm nhận cả hai nhiệm vụ thiết kế front-end và back-end. Vì thế, thay vì thuê hai kỹ sư như trên, họ có thể chỉ thuê một kỹ sư fullstack. Tuy nhiên, trách nhiệm công việc sẽ nhiều hơn và vì phải đảm nhận cả hai bước nên sẽ có thể chịu áp lực công việc lớn. Kỹ sư fullstack thường sử dụng ngôn ngữ HTML, CSS, JavaScript và những framework liên quan.

II. Ngành Kỹ thuật phần mềm học những gì?

Theo học ngành Kỹ thuật phần mềm, bạn sẽ được cung cấp những kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về quy trình phát triển phần mềm một cách chuyên nghiệp và kỹ năng vận dụng các công cụ phần mềm vào việc hỗ trợ phát triển các phần mềm khác. Bạn cũng được trang bị các kiến thức cần thiết khác liên quan đến các pha thực hiện trong một dự án phần mềm như: thu thập yêu cầu, phân tích, thiết kế, lập trình, kiểm thử, vận hành và bảo trì phần mềm. 

Ngành Kỹ thuật phần mềm học những gì?

Trong từ một đến hai năm đầu, sinh viên sẽ được học các môn đại cương và môn cơ sở ngành như: giải tích, xác suất thống kê, toán rời rạc, lập trình, cấu trúc dữ liệu, nhập môn Công nghệ phần mềm,… Sang đến năm thứ ba, sinh viên sẽ được lựa chọn chuyên ngành để học chuyên sâu theo hai hướng là Phát triển phần mềm hoặc Môi trường ảo và phát triển game.

III. Chuyên ngành của Kỹ thuật phần mềm

1. Bộ môn Phát triển phần mềm

Bộ môn Phát triển phần mềm cung cấp sự hiểu biết về các đặc trưng chính của phần mềm, khái niệm về chu trình phần mềm, các hoạt động kỹ thuật. Cung cấp kiến thức thực nghiệm về chọn lựa kỹ thuật, công cụ, mô hình chu trình dự án, đảm bảo chất lượng (quality assurance) và quản lý dự án trong phát triển phần mềm. Trong bộ môn này, bạn cũng được cung cấp kiến thức về các loại hệ thống khác nhau, các phương thức xây dựng và phát triển các ứng dụng thực tiễn trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, xã hội, y tế, quản lý doanh nghiệp. Ngoài ra, nó cũng gồm các mô hình, quy trình, các giải pháp công nghệ mới để xây dựng phần mềm và các công cụ hỗ trợ (CASE tools),…

Chuyên ngành của Kỹ thuật phần mềm

2. Bộ môn Môi trường ảo và Phát triển game

Bộ môn Môi trường ảo và Phát triển game cung cấp kiến thức về các mô hình, giải pháp, quy trình để phát triển phần mềm nhúng, cách sử dụng, xây dựng các hệ điều hành sử dụng cho các thiết bị nhúng chuyên dụng. Bộ môn này cũng gồm kiến thức về U-computing, U-commerce, công nghệ xây dựng ngôi nhà thông minh. Nội dung hấp dẫn nhất trong bộ môn này đó chính là về Engine development. Tức là việc nghiên cứu chuyên sâu các công nghệ đồ họa 3 chiều, vật lý, âm thanh phục vụ cho việc phát triển game. Bên cạnh đó, nó còn bao gồm cách thức xây dựng game Online, Game thông minh (AI) và thế giới thực trong game (Virtual World).

IV. Tố chất cần có khi theo đuổi ngành Kỹ thuật phần mềm

Đam mê với công nghệ, phần mềm: Đam mê luôn là yếu tố quan trọng giúp bạn theo đuổi lâu dài và phát triển trong một lĩnh vực. Đối với ngành Kỹ thuật phần mềm thì bạn cần có đam mê với công nghệ, yêu thích việc tìm hiểu, xây dựng, phát triển các phần mềm để đáp ứng các nhu cầu của con người.

Có kiến thức chuyên môn, kỹ thuật tốt: Đối với lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung và kỹ thuật phần mềm nói riêng, bạn cần trang bị thật tốt kiến thức và kỹ thuật chuyên môn. Hãy cố gắng trau dồi kiến thức thật nhiều khi còn ngồi ở ghế nhà trường và siêng năng rèn luyện các kỹ năng để khi bắt đầu công việc, bạn sẽ nhanh chóng trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này.

Kiến thức thực tiễn, tinh thần thực chiến: Việc nắm kỹ lý thuyết là quan trọng nhưng những kiến thức thực tiễn cũng quan trọng không kém. Hãy dấn thân cố gắng cọ xát với môi trường làm việc thực tế để trau dồi kiến thức mới qua kinh nghiệm thực tiễn.

Chính xác và thận trọng trong công việc: Các phần mềm công nghệ yêu cầu có độ chính xác cao để khi cung cấp cho người dùng không gặp một lỗi sai nào. Do đó, bạn cần phải cẩn trọng, thực hiện chính xác từng công đoạn đảm nhận trong công việc. Nếu bạn thận trọng thì sau này sẽ không phải mất nhiều thời gian để kiểm tra sửa lỗi.

Ham học hỏi và cập nhật kiến thức mới: Công nghệ là lĩnh vực luôn có sự cải tiến và thay đổi theo thời gian. Nếu không cập nhật kiến thức mới, bạn sẽ khó phát triển và tìm được nhiều cơ hội mới trong ngành. Vì vậy, hãy cố gắng cập nhật kiến thức mới liên quan đến ngành nghề và siêng năng học hỏi để trình độ của bạn được nâng cao mỗi ngày.

Tố chất cần có khi theo đuổi ngành Kỹ thuật phần mềm

Nhạy bén, có khả năng tư duy tốt: Để thiết kế ra một phần mềm có tính ứng dụng cao, dễ sử dụng đối với người dùng thì bạn cần có khả năng tư duy tốt. Bên cạnh kỹ thuật và kiến thức tốt, bạn phải nhạy bén khi tìm hiểu, quan sát, học hỏi để thực hiện những phần mềm khác nhau, phục vụ người dùng khác nhau. 

Tư duy sáng tạo, luôn đổi mới: Để bản thân luôn được nổi bật và những phần mềm bạn góp phần làm ra tạo được sự ấn tượng thì bạn cần có tư duy sáng tạo. Sự đổi mới luôn khiến cho người ta cảm thấy hứng thú, tò mò và sẽ mong muốn sử dụng nhiều hơn. Vì vậy hãy rèn luyện tư duy, kỹ năng sáng tạo cho bản thân nhé!

Chuẩn bị sẵn sàng tinh thần tự học: Kiến thức trong bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực nào cũng vô cùng rộng lớn và đa dạng. Nếu chỉ trau dồi một cách bị động thì bạn sẽ không bao giờ có nhiều kiến thức cho riêng mình. Do đó, kỹ năng tự học là vô cùng quan trọng để bạn có thể tích lũy thật nhiều kiến thức.

Có khả năng ngoại ngữ (tiếng Anh): Hầu hết các tài liệu về công nghệ thông tin và kỹ thuật phần mềm đều được viết bằng tiếng Anh. Vì vậy bạn cần học thật tốt tiếng Anh, đặc biệt là đọc hiểu để thuận tiện trong việc học và làm việc trong ngành này. Bạn nên luyện tập thường xuyên để khả năng ngoại ngữ được nâng cao.

Có kỹ năng làm việc nhóm: Trong ngành Kỹ thuật phần mềm, nếu bạn muốn trở thành một người giỏi toàn diện và có cơ hội thăng tiến thì nên có kỹ năng giao tiếp, ứng xử khéo léo và linh hoạt trong các tình huống khác nhau. Vì bạn sẽ cần hợp tác với đồng nghiệp, bộ phận khác, đôi lúc sẽ gặp những bất đồng. Do đó, bạn cần kỹ năng làm việc nhóm để xử lý khéo léo nhằm đảm bảo công việc vẫn hoạt động tốt.

Chịu được áp lực công việc tốt: Ngành nghề nào cũng có những áp lực riêng của nó, không riêng gì kỹ thuật phần mềm. Bạn cần tập làm quen với áp lực công việc để không cảm thấy bị ngộp khi lượng công việc quá nhiều. Bên cạnh đó, hãy cố gắng sắp xếp, chia nhỏ công việc một cách phù hợp để không bị dồn việc quá nhiều, gây áp lực cho bản thân.

V. Cơ hội nghề nghiệp ngành Kỹ thuật phần mềm

1. Mức lương và môi trường làm việc

Tại Việt Nam, mức lương ngành Kỹ thuật phần mềm dao động trung bình trong khoảng 10 – 25 triệu đồng/tháng. Trong đó, các vị trí khác nhau sẽ có mức lương khác nhau như vị trí Front-End, Back-End,… Môi trường làm việc sẽ tùy vào văn hóa từng công ty, nhưng nhìn chung thì các công ty công nghệ đều rất chuyên nghiệp, sáng tạo, nhất là các công ty nước ngoài. 

Cơ hội nghề nghiệp ngành Kỹ thuật phần mềm

2. Cơ hội việc làm và thăng tiến trong tương lai

Xu hướng phát triển theo hướng công nghệ hiện đại của xã hội đã kéo theo nhiều cơ hội việc làm cho các bạn trẻ trong ngành IT nói chung và Kỹ thuật phần mềm nói riêng. Bạn có thể tìm hiểu và lựa chọn nhiều mảng ngành khác nhau phù hợp với bản thân để phát triển trong tương lai. Sau đây là một số vị trí bạn có thể theo đuổi trong ngành.

Lập trình viên phát triển ứng dụng (Application Developer): Là người chuyên thiết kế, tạo, triển khai và cập nhật các chương trình cho một thiết bị cụ thể như web hoặc một hệ điều hành. Họ thường chuyên về một lĩnh vực phát triển, chẳng hạn như các ứng dụng điện thoại di động. Lập trình viên phát triển ứng dụng là một phần quan trọng của đội ngũ kỹ thuật hoặc quản lý dự án.

Kỹ sư phần mềm (Software Engineer): Là người chịu trách nhiệm thiết kế và phát triển các giải pháp phần mềm hiệu quả để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Hầu hết các kỹ sư phần mềm chuyên về một lĩnh vực nhất định và có thể chịu trách nhiệm làm việc trên bất kỳ thứ gì từ các ứng dụng web và hệ thống quản lý nội dung đến cơ sở dữ liệu và hệ điều hành. Kỹ sư phần mềm tham gia trong toàn bộ vòng đời của dự án.

Kỹ sư kiểm thử phần mềm (Tester): là những người chịu trách nhiệm tìm kiếm các lỗi của hệ thống phần mềm, xác minh xem hệ thống phần mềm có đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu nghiệp vụ hay không. Tester giúp cho sản phẩm được hoàn thiện nhằm, đảm bảo không lỗi, đáp ứng yêu cầu đặt ra của khách hàng.

Kỹ sư chất lượng phần mềm (Quality Control Engineer): là người chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng sản phẩm dựa trên quy trình tiêu chuẩn do bộ phận QA thiết lập. Họ sẽ trực tiếp kiểm tra chất lượng sản phẩm tại tất cả các giai đoạn của quá trình sản xuất, đảm bảo chất lượng đầu ra tuân theo các tiêu chuẩn định sẵn. 

Chuyên viên phân tích dữ liệu (Data Analyst): là người thực hiện các phân tích sâu dữ liệu và trình bày ở dạng đồ thị, biểu đồ, sơ đồ, bảng biểu. Sau đó sử dụng các dữ liệu đó để xác định xu hướng và tạo mô hình dự đoán những gì có thể xảy ra trong tương lai.

Quản trị cơ sở dữ liệu (DBA): là người có nhiệm vụ cài đặt, sao lưu, xử lý, kiểm soát, duy trì hệ thống dữ liệu an toàn. Họ là những người thiết kế và chăm sóc hệ thống thông tin, tìm ra cách lưu trữ hiệu quả nhất, nhằm đưa thông tin tới người cần vào đúng thời điểm. Họ còn là người xác định nhu cầu của người sử dụng, thiết lập và đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt.

Quản lý dự án phần mềm: là người thực hiện các hoạt động bao gồm lập kế hoạch, lập lịch, phân bổ tài nguyên, thực hiện, theo dõi và phân phối các dự án liên quan đến phần mềm và web.

VI. Các trường đào tạo ngành Kỹ thuật phần mềm tốt nhất

1. Kỹ thuật phần mềm thi khối nào?

Hiện nay, ngành Kỹ thuật phần mềm xét tuyển đối với các khối thi sau đây: A00 (Toán, Vật lý, Hóa học), A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh), D01(Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh), D10(Toán, Địa lý, Tiếng Anh)

2. Kỹ thuật phần mềm lấy bao nhiêu điểm?

Tùy vào từng năm, từng trường và từng hình thức xét tuyển mà mức điểm tuyển sinh ngành Kỹ thuật phần mềm sẽ có sự khác nhau. Trong năm 2021, đối với hình thức xét học bạ thì mức điểm trung bình là 18 – 27,5 điểm, hình thức thi Tốt nghiệp THPTQG có mức điểm là 16 – 27,55 điểm. Bạn nên theo dõi mức điểm của trường đại học mà bạn đang nhắm tới để chuẩn bị tinh thần ôn thi cho thật hiệu quả.

Các trường đào tạo ngành Kỹ thuật phần mềm tốt nhất

3. Kỹ thuật phần mềm học trường nào?

Trường Đại học FPT: Đây là trường đại học thuộc tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam nên sinh viên tại đây sẽ được đào tạo kiến thức chuyên môn cùng cơ hội liên kết thực tiễn với các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trường còn đào tạo chương trình thêm hai ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Nhật, giúp tạo ưu thế cho sinh viên khi xin việc. 

Trường Đại học Tôn Đức Thắng: Trường có đào tạo ngành Kỹ thuật phần mềm và đặc biệt là trường hay tổ chức các khóa học liên kết với doanh nghiệp, giúp sinh viên tiếp cận thực tế trong lĩnh vực này. Trường cũng chú trọng nâng cao kỹ năng tự học và nghiên cứu của sinh viên trong việc học tập và thực hành.

Trường Đại học Công nghệ thông tin: Đây là trường đại học thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, chuyên đào tạo các chuyên ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin. Tại đây, sinh viên sẽ được đào tạo đầy đủ các kiến thức từ nền tảng đến chuyên môn trong ngành công nghệ thông tin và kỹ thuật phần mềm.

Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (Hutech): Đây là một trong các trường dân lập nổi tiếng tại thành phố Hồ Chí Minh với chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cao cho cả nước. Trường nổi tiếng với cơ sở vật chất hiện đại cùng chương trình giảng dạy tiên tiến, luôn là nơi sinh viên lựa chọn hàng đầu.

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Đây là một trường công lập thuộc Bộ Công thương, trường đào tạo các hệ Đại học – Sau đại học – Liên thông Đại học – Cao đẳng. Trường có thâm niên giảng dạy, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên trong nhiều lĩnh vực và chuyên ngành khác nhau, trong đó có ngành Kỹ thuật phần mềm. 

VII. Câu hỏi phỏng vấn kỹ sư phần mềm thường gặp

Câu hỏi phỏng vấn kỹ sư phần mềm thường gặp

1. Vì sao bạn muốn trở thành một kỹ sư phần mềm?

Câu hỏi này rất nhiều bạn khi đi phỏng vấn gặp phải. Ở đây, nhà tuyển dụng muốn hiểu hơn về đam mê của bạn với nghề, mục tiêu dài hạn, ngắn hạn của bạn khi ứng tuyển vị trí này là gì. Vì thế, hãy thể hiện được hết sự đam mê của bạn với nghề kỹ sư phần mềm.

Gợi ý câu trả lời: “Hiện nay, khối ngành kỹ sư phần mềm thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin là một trong số 6 công việc đang có cơ hội việc làm lớn và có mức thu nhập ổn định. Tôi là một người yêu thích công nghệ nên không thể bỏ qua một công việc đầy sự hấp dẫn này. Tôi đã được biết về ngành kỹ sư phần mềm từ rất lâu và quyết tâm theo đuổi nó. Dẫn chứng cho sự đam mê này, tôi đã đạt giải nhất cuộc thi phát triển phần mềm X tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, tôi cũng có chứng chỉ IT như: CCNA, CISA. Và tôi cảm thấy mình rất phù hợp với công việc này”. 

2. Hãy mô tả quy trình phát triển phần mềm?

Câu hỏi này sẽ giúp nhà tuyển dụng kiểm chứng năng lực, kiến thức chuyên môn của bạn trong lĩnh vực phần mềm. Vì thế, hãy đưa ra đúng, đủ quy trình phát triển phần mềm mà bạn biết. Nếu có thể, hãy giải thích sơ lược về các bước trong quy trình đó, không nên nói một cách máy móc.

Gợi ý câu trả lời: “Theo tôi, quy trình phát triển một phần mềm hoàn chỉnh sẽ bao gồm 5 bước, bao gồm: lập kế hoạch và phân tích yêu cầu phần mềm cần có; thiết kế front-end và back-end; thử nghiệm và kiểm thử phần mềm; triển khai phát hành phần mềm; cuối cùng là giai đoạn theo dõi, cải tiến phần mềm. Trong quy trình này, bắt buộc kỹ sư phần mềm không được bỏ sót khâu nào vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm”.

3. Ngôn ngữ lập trình nào mà bạn thích nhất?

Có rất nhiều loại ngôn ngữ lập trình mà kỹ sư phần mềm được tiếp xúc như HTML, CSS, JavaScript, PHP, Python, Ruby, Java, ASP.NET,… Bạn chỉ cần chia sẻ chân thật nhất loại ngôn ngữ mà bạn yêu thích và có thể giải thích thêm lý do vì sao. Lý do đó có thể là vì sự tiện lợi, tác dụng hoặc là đó là loại ngôn ngữ bạn được học ở trường.

Gợi ý câu trả lời: “Tôi thích nhất là JavaScript vì cú pháp của nó rất linh hoạt. Đây cũng là ngôn ngữ lập trình tôi được học đầu tiên ở trường, sử dụng thành thạo nhất. Bên cạnh đó, khi làm kỹ sư phần mềm, tôi có thể sử dụng JavaScript cho cả thiết kế front-end và back-end”.

Xem thêm:

– Data Analyst là gì? Yếu tố cần để trở thành một Data Analyst giỏi

– BackEnd là gì? Sự khác nhau giữa FrontEnd và BackEnd

– Lập trình viên là gì? Tố chất để trở thành lập trình viên thành công

Mong rằng qua bài viết này bạn sẽ có nhiều kiến thức hơn về ngành kỹ thuật phần mềm để chuẩn bị cho nghề nghiệp của mình. Nếu thấy bài viết bổ ích thì đừng quên chia sẻ cho nhiều người hơn nhé!