Làm thuê hay làm chủ?
Mục lục bài viết
Làm thuê hay làm chủ?
Những ông chủ phải chăng cũng cần hiểu đúng về người làm thuê để có cách hành xử thích hợp?
Người kinh doanh chất xám cũng đặt mục tiêu tăng trưởng “doanh số” và “lợi nhuận”.
Những ông chủ phải chăng cũng cần hiểu đúng về người làm thuê để có cách hành xử thích hợp? Bài viết sau đây có thể gây tranh luận và tòa soạn sẵn sàng đăng tải các ý kiến phản hồi, đồng tình hay phản đối.
Thời gian gần đầy, những đề tài về “khởi nghiệp”, “làm thuê”, “làm chủ” được thảo luận rất nhiều qua các diễn đàn trên mạng, trên nhiều trang báo khác nhau. Từng có những bài báo viết về “những người làm thuê số 1 ở Việt Nam”, trong đó ca ngợi những con người “tầm cỡ”, những “ngôi sao” của thị trường lao động, là đích ngắm của các nhà tuyển dụng.
Và cũng có những bài viết ca ngợi những người dám từ bỏ công việc làm thuê với chức danh và thu nhập khá cao để khởi nghiệp từ đầu, chấp nhận thử thách để trở thành những người chủ. Một số bài viết khác ngợi khen những sinh viên mới ra trường hoặc những người vì lý do nào đó không thể tiếp tục học, đã mạnh dạn tìm con đường riêng của mình, quyết tâm đầu tư kinh doanh để trở thành những người chủ nhỏ chứ nhất định không chịu đi làm thuê.
Hầu hết các bài viết trên đều thể hiện quan điểm là có sự khác nhau rõ ràng giữa những người đi làm thuê cho người khác và những người làm chủ công việc kinh doanh của mình.
Người viết bài này cũng từng tham dự một đôi lần các cuộc phỏng vấn tuyển dụng với tư cách là ứng viên. Có ông chủ, bà chủ đã ngạc nhiên khi nhận thấy người đối diện có kiến thức, có kinh nghiệm dày dạn trong quản lý, kinh doanh, nhưng sao mãi vẫn đi làm thuê mà không tự thành lập doanh nghiệp cho riêng mình. Họ đặt thẳng câu hỏi này với sự ngờ vực, nghi ngại và thể hiện sự thiếu tin tưởng về các khả năng “nhạy bén kinh doanh”, “ý thức doanh nhân”, “tinh thần làm chủ” của một người chưa từng làm chủ…
Có ông chủ, bà chủ lại thể hiện sự thông cảm cho số phận lận đận của một người có tài nhưng cứ đi “xin” việc hoài mà không biết tự làm chủ cuộc đời mình. Các cuộc phỏng vấn có lúc đi đến sự hợp tác, nhưng cũng có lúc không thành. Thường, khi ra về, ứng viên luôn có được cái nhìn thông cảm và thương hại của người chủ doanh nghiệp.
Nhiều người luôn nghĩ rằng làm chủ, tức là phải sản xuất, kinh doanh một sản phẩm hay dịch vụ cụ thể nào đó. Hiểu theo cách này, từ một người bơm xe bên đường, chủ một quán cơm bình dân, một cửa hiệu quần áo thời trang, đến chủ một doanh nghiệp tên tuổi… đều là những người làm chủ. Và nhiều người cũng cho rằng làm thuê, tức là đi làm theo sự phân công, sai khiến của người khác và được trả lương theo công việc.
Hãy thử nhìn nhận vấn đề theo một cách khác. Một ông chủ thể hiện sự ngạc nhiên hay thương hại cho một người “có tài nhưng lận đận”, không biết tự khởi nghiệp, kinh doanh cho mình, hẳn đã không nghĩ rằng chất xám cũng là một loại sản phẩm, thậm chí còn là một loại sản phẩm cao cấp, hiếm có. Hà cớ gì thứ sản phẩm cao cấp ấy lại không thể so sánh được với gạch, gỗ, xi măng, bánh kẹo hay bánh phở?
Người đang được gọi là “làm thuê” là người đang kinh doanh chất xám của mình. Họ đang làm chủ chính hoạt động kinh doanh của mình – kinh doanh tri thức, kinh nghiệm; và đang dùng nó để chào bán với một mức lợi nhuận kỳ vọng nào đó. Sản phẩm tri thức ấy không sợ quá hạn, gỉ sét, ẩm mốc, lỗi thời (vì nó cũng được thường xuyên cập nhật, làm mới, nâng cấp).
Người kinh doanh chất xám cũng đặt mục tiêu tăng trưởng “doanh số” và “lợi nhuận” hàng năm, năm sau cao hơn năm trước. Họ không sợ thua lỗ, tồn kho, hết hàng hay phá sản. Họ không phải đối phó với thuế má, với sự hoạnh họe, vòi vĩnh của những quan chức địa phương biến chất.
Trên thế giới, “lợi nhuận ròng” của những người kinh doanh chất xám hàng đầu – những giám đốc điều hành, những quản lý cấp cao có khi lên đến nhiều triệu đô la mỗi năm – một con số mơ ước của hàng vạn người làm chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa . Và cũng như mọi doanh nghiệp tăng trưởng khác, con số lợi nhuận ấy của những người kinh doanh chất xám vẫn tiếp tục tăng lên không ngừng hàng năm.
Đó là chưa kể, người kinh doanh chất xám còn có cơ hội sở hữu cổ phiếu của chính công ty, nơi đang mua chất xám của mình. Kinh doanh chất xám rõ ràng là một loại hình kinh doanh có rất ít rủi ro.
Ông chủ ấy đã không hiểu được chính ông ta đang là khách hàng, hoặc là một trong những khách hàng tiềm năng của người làm thuê. Mà đã là khách hàng thì không phải lúc nào cũng có thể mua được hàng. Có lúc muốn mua, nhưng người bán không bán, có lúc hút hàng, khách hàng cũng chạy đôn chạy đáo tìm kiếm, thậm chí phải bỏ tiền ra trả cho người môi giới (các công ty săn đầu người) để mua được hàng.
Ông chủ ấy không hiểu được rằng người làm chủ tri thức cũng có quyền “làm giá”, “ém hàng”, không “chơi” với những khách hàng ít tiền. Người kinh doanh tri thức bây giờ thậm chí đã có quyền lựa chọn khách hàng, có quyền tìm khách hàng “đủ tầm” và tiềm năng để chào bán và hợp tác.
Thế thì hà cớ gì cứ phải bán phở, bán gạch, bán cà phê mới là làm chủ? Hà cớ gì cứ phải thôi thúc người ta bỏ việc kinh doanh chất xám vốn đang phát đạt của mình để đi “khởi nghiệp” từ những con số không? Mỗi ngày, có hàng ngàn doanh nghiệp bị phá sản, đóng cửa, trong khi đó ngành kinh doanh chất xám vẫn phát triển không ngừng. Nó bền vững, nhiều triển vọng và cũng có tính kế thừa cho các đời sau noi theo.
Những người “làm thuê” phải chăng rất xứng đáng được gọi tên là những người chủ tri thức – làm chủ tri thức, tức là làm chủ tương lai, vận mệnh của mình.