“Làm xiếc” trong mua sắm thiết bị y tế ở Quảng Ngãi
“Làm xiếc” trong mua sắm thiết bị y tế ở Quảng Ngãi
Nhiều nghi vấn về kết quả trúng thầu những gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị y tế ở Quảng Ngãi có giá chênh lệnh cao gấp nhiều lần so với giá nhập khẩu và có dấu hiệu chia nhỏ gói thầu để “né” đấu thầu.
Sở Y tế Quảng Ngãi phải chịu trách nhiệm về một số sai phạm trong công tác phòng, chống Covid-19. Ảnh: N.B
Mua sắm xong thì… cho vào kho
Sau khi Covid-19 xuất hiện, Bộ Y tế có Công văn số 398/BYT-KHTC ngày 1/2/2020 về việc bảo đảm hậu cần cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương.
Tại công văn này, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các địa phương: “Xây dựng kế hoạch kinh phí đảm bảo cho công tác phòng chống dịch đề xuất với UBND tỉnh”. Thế nhưng, Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi không kịp thời xây dựng kế hoạch, mà khi có phát sinh nhu cầu cấp bách mới có tờ trình đề xuất kinh phí phục vụ mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch, nên dẫn đến bị động, chậm trễ về kinh phí mua sắm.
Sở Y tế không tham mưu xây dựng kế hoạch mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm và phương tiện bảo hộ phục vụ công tác phòng, chống Covid-19 theo từng cấp độ chống dịch cho toàn tỉnh theo các kịch bản của từng thời điểm.
Do vậy, các đơn vị thuộc ngành y tế và các địa phương bị động, chậm trễ trong việc thực hiện mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế dẫn đến có một số đơn vị thực hiện mượn trước của các đơn vị cung ứng để sử dụng kịp thời theo nhu cầu khẩn cấp không đúng quy định của pháp luật.
Ngày 6/9/2021, UBND tỉnh Sở Y tế mua sắm cấp bách 11 máy phun khử khuẩn cấp cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh không thực hiện báo cáo thực hiện đấu thầu theo quy định tại Điều 5, Thông tư số 14/2020/TT-BYT ngày 10/7/2020 của Bộ Y tế quy định việc đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập.
Tại Kết luận thanh tra số 1210/TB-TTT ngày 27/12/2022, Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi chỉ ra, Sở Y tế không chủ động tham mưu, đề xuất dẫn đến chậm trễ trong việc chi trả phụ cấp, hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch.
Trong năm 2020 và 2021, Sở Y tế đã thực hiện kiểm tra tại 5 cơ sở kinh doanh khẩu trang y tế, 1 cuộc kiểm tra mua sắm trang thiết bị y tế tại Sở Y tế và một số gói thầu tại CDC Quảng Ngãi, tại 7 quầy thuốc có bán thuốc chữa bệnh cho bệnh nhân nghi nhiễm SARS-CoV-2 và kiểm tra công tác phòng, chống Covid-19 tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, kết quả thanh tra, kiểm tra… chưa phát hiện sai phạm và cơ quan này cũng không thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác đấu thầu mua sắm thiết bị y tế, vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm để kịp thời chấn chỉnh sai sót, vi phạm.
“Trách nhiệm về thiếu sót, sai phạm nêu trên thuộc về Giám đốc Sở Y tế, lãnh đạo Phòng Kế hoạch – Tài chính thuộc Sở Y tế”, Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi chỉ ra.
Cũng tại Sở Y tế, Thanh tra tỉnh phát hiện, qua thực hiện 2 gói thầu theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, với tổng giá trị 4.623 triệu đồng; giá trúng thầu 4.609,3 triệu đồng.
Cụ thể, gói thầu mua sắm 7 máy thở phục vụ phòng, chống Covid-19 trên địa bàn tỉnh 4.372,8 triệu đồng.
Gói thầu mua sắm cấp bách 11 máy phun khử khuẩn (máy phun thuốc phòng, chống dịch) cấp cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trang bị cho các chốt kiểm tra y tế thực hiện công tác phòng, chống Covid-19: 236,5 triệu đồng.
Theo Thanh tra tỉnh, quá trình thực hiện các gói thầu này có nhiều hạn chế, sai phạm. Đầu tiên, việc Sở Tài chính có Công văn số 681/STC-QLGCS ngày 3/4/2020 đề xuất cho UBND tỉnh không phải phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu mua sắm 7 máy thở là không đúng quy định tại Điều 56, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Kế hoạch lựa chọn nhà thầu không được phê duyệt nên cũng không được công khai đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu, không được công khai kết quả chỉ định thầu lên mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại khoản 1, Điều 7, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
“Qua tham khảo giá trúng thầu của 2 loại trang thiết bị y tế là máy thở của gói thầu, so với giá nhập khẩu (giá đã tính thuế nhập khẩu; chưa tính chi phí vận chuyển, lắp đặt, đào tạo, vận hành, chuyển giao, bảo trì, bảo dưỡng, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp…), về giá trị mua sắm chênh lệch tăng bình quân là 97,04% với số tiền chênh lệch tăng là 1.937,465 triệu đồng”, Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi phát hiện.
Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, không đủ điều kiện để kết luận có hay không việc thông đồng nâng giá thiết bị và cũng chưa đủ cơ sở để kết luận có sai phạm làm thất thoát tiền ngân sách nhà nước.
Sau khi tiếp nhận 7 máy thở từ ngày 27/4/2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi không sử dụng để phục vụ việc điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 là không đúng mục đích mua sắm.
Mặt khác, Bệnh viện Đa khoa tỉnh không kịp thời yêu cầu Công ty TNHH Thương mại trang thiết bị y tế Trung Lập thực hiện công tác bảo trì, bảo dưỡng định kỳ 3 tháng/lần theo Hợp đồng đã cam kết.
Sở Y tế mua sắm cấp bách 11 máy phun khử khuẩn cấp cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh không thực hiện báo cáo thực hiện đấu thầu theo quy định tại Điều 5, Thông tư số 14/2020/TT-BYT ngày 10/7/2020 của Bộ Y tế quy định việc đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập.
Sau khi tiếp nhận, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh không đưa 6/11 máy phun khử khuẩn vào sử dụng.
“Chẻ” nhỏ hàng chục gói thầu để “né” đấu thầu?
Không chỉ Sở Y tế mà Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Quảng Ngãi) đã triển khai thực hiện mua sắm 37 gói thầu (11 gói thầu trên 100 triệu đồng/gói, 26 gói có giá trị nhỏ hơn 100 triệu đồng/gói), tổng giá trị các gói thầu 70.627,75 triệu đồng; giá trúng thầu 65.665,5 triệu đồng. Tất cả các gói thầu trên đều thực hiện theo hình thức chỉ định thầu hoặc chỉ định thầu rút gọn.
Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi tiến hành xác minh 34/37 gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống Covid-19, việc quản lý, sử dụng vật tư y tế, hàng hóa trang thiết bị, sinh phẩm, kít xét nghiệm trong 2 năm (2020-2021); không kiểm tra 3/37 hợp đồng liên quan đến việc mua sắm kít xét nghiệm và sinh phẩn xét nghiệm PCR giữa CDC Quảng Ngãi với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á năm 2021 theo Công văn số 817/CAT-PV01 (PC03) ngày 9/3/2022 của Công an tỉnh Quảng Ngãi về trao đổi thông tin liên quan đến Công ty Việt Á. Việc thực hiện 34 gói thầu này cũng tồn tại nhiều thiếu sót, sai phạm.
Thứ nhất, CDC Quảng Ngãi đã trình, nhưng Giám đốc Sở Y tế không phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu mua vật tư y tế, phương tiện bảo hộ và chống nhiễm khuẩn, hóa chất phòng chống Covid-19 (giai đoạn 2) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (năm 2020), giá gói thầu 3.267,05 triệu đồng;
Thứ hai, CDC Quảng Ngãi không trình Giám đốc Sở Y tế phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với 2 gói thầu (gói 51,310 triệu đồng và gói 52 triệu đồng) là không đúng theo quy định tại Luật Đấu thầu năm 2013; Điều 56, Nghị định số 63/2014/NĐCP của Chính phủ; Điều 6, Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết về kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Đáng chú ý, CDC Quảng Ngãi thực hiện gói thầu mua vật tư y tế, phương tiện bảo hộ và chống nhiễm khuẩn, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống Covid-19 (giai đoạn 1) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi chỉ căn cứ vào 2 hoặc 1 báo giá của đơn vị cung cấp hàng hóa để thực hiện xác định giá và chọn đơn vị nhận thầu là chưa có cơ sở để xác định giá gói thầu theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều, 11 Thông tư số 58/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Theo Thanh tra tỉnh, có 7/37 gói thầu, CDC Quảng Ngãi không công khai đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 7, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ; không công khai kết quả chỉ định thầu lên Mạng đấu thầu quốc gia hoặc Báo Đấu thầu đối với 6/37 gói thầu theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 7, Nghị định 63/2014/NĐ-CP.
CDC Quảng Ngãi không thực hiện việc báo cáo tình hình thực hiện đấu thầu 34/37 gói thầu theo quy định tại Điều 5, Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 và Điều 5, Thông tư số 14/2020/TT-BYT ngày 10/7/2020 của Bộ Y tế.
Đặc biệt, có 26 gói thầu (giá trị mỗi gói thầu nhỏ hơn 100 triệu đồng) trong Hợp đồng kinh tế do CDC Quảng Ngãi ký không thể hiện đầy đủ các nội dung như: Bảo đảm thực hiện Hợp đồng; chấm dứt Hợp đồng; tính hợp lệ của hàng hóa; cung cấp, vận chuyển, kiểm tra và thử nghiệm hàng hóa; bản quyền và bảo hiểm hàng hóa; giải quyết tranh chấp) là không đúng quy định về Hợp đồng (thuộc trường hợp chỉ định thầu rút gọn) ban hành kèm theo Thông tư số 11/2015/TT-BKHĐT ngày 27/10/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
“Qua tham khảo giá trúng thầu của 16 loại vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm của 7 gói thầu, so với giá nhập khẩu (giá đã tính thuế nhập khẩu; chưa tính chi phí vận chuyển, lắp đặt, đào tạo, vận hành, chuyển giao, bảo trì, bảo dưỡng, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp…), về giá trị mua sắm chênh lệch bình quân tăng 100,23%, số tiền chênh lệch tăng là 13.642,214 triệu đồng”, Thanh tra tỉnh chỉ rõ, đồng thời cho rằng, không đủ điều kiện để xác minh, kết luận có thông đồng, nâng giá và cũng chưa đủ cơ sở để kết luận có sai phạm làm thất thoát tiền ngân sách nhà nước.
Chưa hết, tại kho CDC Quảng Ngãi hiện nay còn lại 4/30 máy phun khử khuẩn (1 máy được nhập trả từ Khu du lịch Thiên Đàng cơ sở điều trị số 3) và 3 máy tồn kho từ năm 2020 chưa sử dụng.
Đó là chưa kể, trong quá trình chống dịch, CDC Quảng Ngãi thực hiện mượn một số vật tư y tế, kít, test và sinh phẩm xét nghiệm để phục vụ kịp thời cho công tác phòng chống dịch, cụ thể: mượn 75 mặt hàng với tổng giá trị khoảng 52,93 tỷ đồng. Sau đó, CDC Quảng Ngãi lập thủ tục chỉ định thầu rút gọn cho các đơn vị đã cho mượn trước đó tại 53 hợp đồng với tổng giá trị thanh toán là 45,14 tỷ đồng.
So sánh đơn giá giữa hai thời điểm cho mượn và thời điểm ký hợp đồng, Thanh tra tỉnh nhận thấy có 59/75 mặt hàng mượn có cùng một đơn giá giống nhau giữa hai thời điểm; có 16/75 mặt hàng có đơn giá tại thời điểm mua thấp hơn đơn giá tại thời điểm mượn với số tiền giảm là 7,55 tỷ đồng; có 2 mặt hàng hiện chưa trả đủ số lượng mượn với số tiền 233 triệu đồng.
Trong quá trình thực hiện mượn một số vật tư y tế, kít, test, sinh phẩm xét nghiệm, CDC Quảng Ngãi không kịp thời báo cáo xin ý kiến của Sở Y tế; mãi đến ngày 26/8/2021 mới có Báo cáo số 941/BC-KSBT để báo cáo Sở Y tế là không kịp thời, vấn đề này Sở Y tế cũng không có văn bản báo cáo UBND tỉnh.
“Trách nhiệm về các sai phạm trên thuộc Giám đốc Sở Y tế đối với việc không phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu do CDC Quảng Ngãi trình đề nghị phê duyệt; Giám đốc CDC Quảng Ngãi; Hội đồng mua sắm của CDC Quảng Ngãi, Trưởng Khoa Dược – Vật tư y tế, Phòng Tài chính – Kế toán, viên chức có liên quan chịu trách nhiệm về các thiếu sót, sai phạm tại các gói thầu do CDC Quảng Ngãi làm chủ đầu tư; chịu trách nhiệm về các nội dung sai phạm đã nêu”, Thanh tra tỉnh kết luận.