Lan tỏa văn hóa đọc đến mọi vùng, miền
08/03/2022 | 09:45
Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng là một vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể hóa trên thực tế. Đặc biệt, tại nhiều địa phương, phát triển văn hóa đọc ở nông thôn được xác định là một trong những tiêu chí hàng đầu trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này.
Mô hình thư viện Room to Read tại huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Khi được hỏi về thực trạng văn hóa đọc ở nơi mình công tác, một giáo viên đang giảng dạy tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình chia sẻ: Trẻ em miền núi có nhu cầu đọc sách rất cao, đặc biệt là truyện tranh về truyền thuyết dân gian, danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, truyện cổ tích, truyện lịch sử… và sách bằng tiếng dân tộc; tuy nhiên sách tại thư viện công cộng xã, huyện dưới hình thức cấp phát, tài trợ chủ yếu có nội dung hướng dẫn chăn nuôi, trồng trọt, phổ biến pháp luật, một số ít về đề tài dân tộc và miền núi… nên thiếu hấp dẫn, không tạo hứng thú với người đọc.
Có lẽ đây cũng là tình trạng phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa. Người dân ở không ít thôn, bản vẫn “khát” sách, nhiều trẻ em suốt 12 năm học phổ thông chỉ được tiếp cận duy nhất sách giáo khoa. Mặc dù số liệu thống kê cho thấy, với hơn 500 đơn vị đăng ký kinh doanh phát hành xuất bản phẩm; gần 20.000 nhà sách, hiệu sách, trung tâm, siêu thị, điểm cho thuê, mua bán sách trên toàn quốc là con số không hề nhỏ, nhưng thực tế nhiều đơn vị chủ yếu hướng đến phục vụ thị trường tại đô thị, nơi mức tiêu dùng cao hơn và việc vận chuyển, phát hành thuận lợi hơn. Sách về đến nông thôn, khu vực miền núi phần lớn chỉ trông đợi vào nguồn cấp phát theo hệ thống thư viện, nhà văn hóa… Và lượng sách này cũng khá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế của người dân tại các địa phương, chưa kể hiện tượng sách chuyển đến thì độc giả không cần, sách cần lại không có.
Điều này lý giải phần nào sự đìu hiu tại nhiều thư viện, trung tâm học tập cộng đồng tuyến cơ sở. Do đó, cơ hội tiếp cận sách của người dân, đặc biệt là trẻ em tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa bị hạn chế, khiến sự chênh lệch về văn hóa đọc gia tăng.
Tháng 12/2016, nhân sự kiện Ủy ban UNESCO Việt Nam cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lễ vinh danh những cá nhân có nhiều đóng góp cho chương trình “Sách hóa nông thôn Việt Nam”, ông Phạm Sanh Châu – Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam khi đó, đã bày tỏ: “Chúng ta sống ở các đô thị, đôi khi chúng ta quên còn 15 triệu người nữa không có điều kiện để đọc sách.
Chúng ta cũng đang có một vấn đề, là trẻ em nông thôn, hay ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện đọc sách, hay không có sách gì để đọc cả, nên chúng ta phải hành động. Từ những hành động rất nhỏ thôi, có thể vun đắp nền tảng tri thức cho thế hệ con em, bằng cách xây dựng các tủ sách cho trẻ em, đặt ngay tại lớp học, ở gia đình”. Đây có lẽ cũng là mong mỏi của các cấp lãnh đạo cũng như nhiều người dân. Mang sách đến cho mọi tầng lớp nhân dân, khuyến khích người dân đọc sách, góp phần xây dựng một xã hội học tập chính là kiến thiết nền móng vững chắc, tạo động lực để phát triển đất nước.
Từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Ba năm sau, ngày 15/3/2017, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 329/QĐ-TTg (Quyết định 329) phê duyệt “Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, định hướng đến năm 2030” (Đề án), với mục tiêu đề ra là: Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc (xuất bản phẩm in và điện tử) trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.
Quyết định 329 cũng nêu ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2020, trong đó đáng chú ý là: phấn đấu 80% học sinh, sinh viên và người học khác tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học; 20%-25% người dân ở khu vực nông thôn, 15%-20% người dân vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và các dịch vụ liên quan tại các thư viện công cộng, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện-văn hóa xã, cơ quan xuất bản và phát hành; đạt mức hưởng thụ bình quân sách là 05 bản/người dân và đạt 01 bản sách/người dân trong hệ thống thư viện công cộng; mỗi người dân trung bình đọc 04 cuốn sách/năm.
Tại Hội nghị tổng kết Đề án, tổ chức ngày 28/12/2020, đại diện Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: qua hơn ba năm triển khai ngành thư viện và ngành xuất bản đã có nhiều hoạt động thiết thực: như đa dạng hóa các phương thức phục vụ, cải cách thủ tục và hoạt động cấp thẻ thư viện và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện để phục vụ nhu cầu học tập suốt đời và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đáp ứng với các yêu cầu đặt ra trong tình hình mới và xu thế phát triển; ngành xuất bản có nhiều đổi mới về hình thức và nội dung, số lượng xuất bản phẩm ngày càng phong phú, đa dạng hơn.
Nhiều chương trình bổ ích được tổ chức như cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”; chương trình khuyến đọc dành cho nhóm đối tượng đặc biệt như: trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, phạm nhân,… thu hút đông đảo người dân tham gia. Không thể phủ nhận các hoạt động trên đã tạo ra trào lưu đọc sách sôi nổi trong cộng đồng. Tuy nhiên đã và vẫn đang còn những khó khăn, rào cản khiến văn hóa đọc phát triển chưa đồng đều tại nhiều địa phương, như đại diện Vụ Thư viện đã chỉ ra, đó là: Nhận thức của một số địa phương, cơ quan, bộ, ngành cũng như một bộ phận người dân về vai trò của văn hóa đọc còn hạn chế, dẫn đến thiếu sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư cũng như sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan trong hoạt động phát triển văn hóa đọc.
Tiêu chí 1 bản sách/người dân vào năm 2020 đã không thực hiện được. Vẫn còn một số thư viện cấp tỉnh vẫn chưa có trụ sở riêng (như Hà Nam, Bình Phước, Đắk Nông, Lào Cai…); hơn 30% thư viện cấp huyện không được cấp kinh phí bổ sung vốn tài liệu; tại một số nơi, cơ sở vật chất của thư viện các cấp còn nghèo nàn, cũ kỹ… Một số thư viện còn thụ động, thiếu sáng tạo, đổi mới trong hoạt động…
Có thể thấy đây là các rào cản với việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Dư luận cũng hết sức quan tâm các mục tiêu cụ thể mà Quyết định 329 đề ra đạt được đến đâu, con số cụ thể sau ba năm thực hiện? Thí dụ, có bao nhiêu người dân ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và dịch vụ liên quan tại các thư viện công cộng, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện-văn hóa xã, cơ quan xuất bản, phát hành? Bởi chỉ khi chúng ta quan tâm sâu sát, cụ thể từng địa bàn, thường xuyên đánh giá, đề ra hướng khắc phục thì việc đưa sách vào cộng đồng, phát huy văn hóa đọc mới đạt được hiệu quả thực chất.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam lần thứ 7 (nhiệm kỳ 2017-2022), diễn ra sáng 18/2/2022 ở Hà Nội, vấn đề phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng được xác định là một trong năm mục tiêu hoạt động của Hội và đây cũng là nội dung được chú trọng trong năm 2022. Tuy nhiên cần thấy rằng vấn đề phát triển văn hóa đọc để phát huy một cách sâu rộng, sẽ không chỉ là việc của các cấp ngành chức năng, hội nghề nghiệp mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội. Bởi nếu người lớn không ham đọc sách thì sẽ không thể khuyến khích được thanh thiếu niên tìm đến sách.
Nếu cha mẹ thờ ơ với sách thì không thể trách mắng con không đọc sách. Nếu các bài giảng trên lớp không chỉ đóng khung vào nội dung trong sách giáo khoa, mà còn khuyến khích học sinh tiếp tục đào sâu, tìm hiểu thông qua các sách vở, tài liệu có liên quan chắc chắn sẽ giúp kiến thức trẻ được tiếp nhận trở nên hữu ích. Nếu tủ sách tại các gia đình, dòng họ có nhiều đầu sách phong phú, hấp dẫn, chắc chắn sẽ thu hút con cháu tìm đến. Sách cần đi vào cuộc sống bằng nhiều cách thức đa dạng, mà ở đó mỗi cá nhân cần đóng vai trò của một người giữ lửa và truyền lửa, khi đó chúng ta sẽ xây dựng được một xã hội học tập sôi nổi và ý nghĩa.
Đáng mừng là thời gian qua, các hoạt động xã hội hóa văn hóa đọc trong cộng đồng ngày càng được quan tâm. Đã xuất hiện các tổ chức, đơn vị, cá nhân phát động xây dựng các tủ sách cộng đồng, sách cho trường học, sách về các thôn, xã… Tiêu biểu có thể kể đến như: từ năm 2016 đến năm 2019, Quỹ Thiện Tâm với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng đã trao tặng 44 xe ô-tô thư viện lưu động đa phương tiện phục vụ cộng đồng cho 44 thư viện tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại Lào Cai, từ năm 2014 đến 2021 đã đón nhận sự chung tay quyên góp của hàng trăm tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, ủng hộ trẻ em nghèo với gần 70.000 đầu sách, trị giá hơn 1,3 tỷ đồng. Hoặc mới đây, ngày 25/2/2022, tại nhà văn hóa thôn Như Lân, xã Long Hưng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã ra mắt không gian văn hóa đọc cộng đồng với 6.000 đầu sách mới được bổ sung.
Đây là điểm đầu tiên trong 300 không gian văn hóa đọc tại địa phương mà dự án “Phát triển không gian văn hóa đọc cộng đồng” kỳ vọng sẽ thực hiện trong thời gian tới. Sự chung tay phát triển văn hóa đọc của cộng đồng là một tín hiệu rất tích cực. Song để tạo được chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới đòi hỏi sự thay đổi, nâng cao nhận thức, quan tâm sâu sát của các cấp ngành có liên quan ở từng địa phương trong việc phát triển văn hóa đọc, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách, huy động sự vào cuộc của toàn xã hội, từng bước xóa bỏ những chênh lệch trong vấn đề hưởng thụ văn hóa nói chung và văn hóa đọc nói riêng giữa các vùng miền, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.