Làng, Đình làng và Hội làng ngày xuân
Trong vườn, tranh sơn mài của Đặng Chính Trung
Một trong những đặc điểm nổi bật của văn hóa Việt Nam là tính chất thường tồn (permanence). Theo học giả Đào Duy Anh, trong Việt Nam văn hóa sử cương, thì chính tính chất thường tồn ấy (xin chú ý: thường tồn – permanence – chứ không phải trường tồn – éternel – THDV nhấn mạnh!) là cốt lõi của sự hình thành và phát triển của văn hóa Việt.
Làng, hội làng ngày xuân, một trong những sinh hoạt chính của phong tục lễ tế của dân tộc, yếu tố tiếp nối không ngừng của các thế hệ người luôn gởi tình yêu thương và cả niềm tin, hy vọng vào lớp con cháu là yếu tố quan trọng bậc nhất, có tính thường tồn trong văn hóa nước nhà.
- Làng Việt Nam
Trước hết nói về làng Việt Nam, đó là một trong những mô hình quyết định điều kiện sống, sự phát triển kinh tế, văn hóa. Chỉ xét riêng về mặt sinh hoạt văn hóa, làng là đơn vị đầu tiên tạo nên sự hình thành lối sống, lưu giữ những tập tục và xây đắp truyền thống nhân văn. Đồng thời, làng cũng là nơi tạo nên những sắc thái văn hóa riêng, góp phần quan trọng vào việc hình thành sự phong phú, đa dạng của văn hóa dân tộc. Có thể nói, làng là cái nôi của văn hóa Việt Nam, một nền văn hóa nông nghiệp lúa nước. Điều đó có lẽ đã được xác lập ngay từ buổi đầu của sự hình thành làng. Sử sách ghi rằng, khi Lang Liêu – người đã làm nên bánh chưng, bánh giầy (hình tượng của Đất và Trời), hình ảnh tiêu biểu chẳng những cho triết lý sống, mà còn tiêu biểu cho kinh tế tự túc, tự cấp của làng – được vua Hùng thứ ba nhường ngôi, thì 21 người anh em của Lang Liêu đều giữ các phong trấn, lập thành bộ đảng, cử thủ núi sông. Về sau, họ thường tranh nhau làm trưởng, người nào cũng lập hàng rào gỗ (mộc sách) để ngăn chia đất đai, lãnh thổ; bởi vậy, mới có tên là Sách, là Trại, là Trang. Khúc Thừa Hạo làm Tiết độ sứ Giao Châu (907 – 917) chia đất để lập ra Lộ, Phủ, Châu, Xã (2). Dưới triều Lê, trong các sổ sách, công văn, làng được phân biệt, tuỳ theo nơi mà gọi là Xã, Thôn, Trang, Động, Sách, Trại, Sở, Phường, Vạn.
Trang, Động, Sách, Trại là những xóm làng ở tiếp giáp núi rừng, hoặc ở những nơi sâu thẳm trong núi rừng. Vạn là những xóm làng ở ven sông, ven biển, chuyên nghề chài lưới. Phường là khu mà những người cùng làm một nghề quy tụ lại, sinh sống với nhau. Như vậy, ta thấy các đơn vị dân cư này đã có từ xa xưa trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt. Và trước sau, làng vẫn là đơn vị chủ yếu quyết định sự tồn tại và phát triển của cộng đồng dân tộc Việt.
Văn hóa làng được hình thành trên cái nền của sự quần cư ấy, vì vậy đã tạo nên những đặc trưng văn hóa cho đến ngày nay vẫn còn nguyên tác dụng: yêu thương lẫn nhau vì tình làng nghĩa xóm, “tối lửa tắt đèn có nhau”; giúp đỡ nhau khi hoạn nạn; việc của một nhà, mọi nhà đều lo (nhất gia hữu sự bá gia ưu). Các giá trị nhân văn như lòng yêu cái thiện, lòng hiếu thảo, tinh thần tôn sư trọng đạo, không quên nguồn cội, lòng nhân ái, nhân từ, bao dung, tha thứ… cũng đều bắt nguồn từ văn hóa làng xã.
Văn hóa làng xã còn được thể hiện ở lòng tôn kính công lao của các bậc tiền hiền, hậu hiền, những bậc minh sư, những người đã hy sinh thân mình cho nghĩa cả. Điều này được dân chúng trong khắp các làng xã tạc ghi qua những công trình như bia đá, miếu mạo, đình chùa; trong đó, cái đình là hình ảnh tiêu biểu nhất.
- Đình làng
Cho đến nay, vẫn chưa có nhà nghiên cứu lịch sử hay dân tộc học nào có thể khẳng định thời điểm xuất hiện của cái đình. Chỉ có thể phỏng đoán rằng, cái đình xuất hiện từ giai đoạn dân Lạc Việt biết làm nhà ở. “Đó là loại nhà sàn, lúc trước kêu là cái rong, về sau kêu là cái đình; nhiều nơi ngoài Bắc xưa còn làm đình cao cẳng. Về sau, dưới ảnh hưởng của Hoa tộc, cái nhà cao cẳng rút ngắn dần dần chân lại để cuối cùng làm thẳng trên mặt đất… Dẫu sao chúng ta cũng có lý để tin rằng, đình chính là cái nôi mà nước Việt Nam cổ đại khi sinh ra đã được mẹ Âu Cơ đặt vào và chính trong đó nó đã lớn lên và trải qua biết bao cuộc thăng trầm: vinh có, nhục có, nhưng bao giờ nó cũng vẫn mang theo cái nôi nọ. Là bởi vì cái nôi này cũng chính là cái cơ cấu nguyên sơ, tức là những yếu tố căn bản để tạo dựng nên tinh thần dân tộc, nên vẫn gắn liền với dân tộc cho đến tận ngày nay”.
Chúng ta đã nói đến vị trí đặc biệt quan trọng của làng trong sự hình thành và phát triển của văn hóa dân tộc Việt, một nền văn hóa đặt trên nền tảng gia đình. Và chính vì vậy mà cái đình là hình ảnh cố kết và đặc trưng nhất của làng, hay nói khác đi, là của nhiều gia đình cùng sinh sống với nhau trong địa phận một làng. Mỗi gia đình đều có mái nhà riêng. Còn cái đình là nhà của làng. Về điểm này, ta càng dễ nhận ra khi nghiên cứu đời sống của các dân tộc thiểu số miền núi Việt Nam. Nhà rông là không gian văn hóa của làng, dù ở mỗi một tộc người miền núi nó có thể có tên gọi khác nhau. Chẳng hạn, ở miền núi Quảng Nam – Đà Nẵng, người Cơ Tu gọi ngôi nhà làng là nhà Gươl; người Cor gọi là Hycơh; người Xơ Đăng, Ca Dong gọi là Ưng; người Bh’ Noong gọi là Thưng (cũng có nơi gọi là Azăng); còn người Ve và T’ Riêng gọi là Ơong, hay Nhia-treng. Nhà rông là ngôi nhà công cộng của làng bản, có chức năng giống một đình làng đối với người Kinh.
Vì cái đình là nhà của làng, nên khi xét đến những tập tục lễ Tết của dân tộc Việt, nhất là nghiên cứu về hội làng ngày xuân, thì không thể nào không đề cập đến những đặc trưng chính của cái đình.
Thứ nhất, cái đình là một không gian tâm linh, vì đây là nơi dân làng cúng tế; nơi người sống có sự giao tiếp tâm linh với những người đã chết, tức là ông bà, tổ tiên. Mọi việc quan trọng trong làng đều được đại diện của làng (ngày xưa thường là Lý trưởng) cáo với Thành hoàng và tổ tiên. Đây cũng chính là một trong những nét đặc thù của đời sống văn hóa làng xã, hay nói cụ thể hơn, là đời sống tâm linh của người Việt. Dân tộc ta không hề coi thế giới siêu nhiên là một thế giới thần bí, cách biệt, mà ông cha chúng ta có một quan niệm nhân sinh thiết thực, là kéo người chết về gần với cuộc đời của người sống. Trong gia đình, có việc gì quan trọng, như xây một ngôi nhà mới, dời một ngôi mộ của các bậc bề trên, hoặc dựng vợ gả chồng cho con cái, thì người trưởng gia đình thắp hương trước bàn thờ để cáo với ông bà, tổ tiên. Cũng vậy, ở làng có việc gì hệ trọng thì người trưởng làng cũng làm lễ cáo với các bậc tiền hiền, hậu hiền, những người khai canh lập làng. Sự liên lạc tinh thần ấy không chỉ có ý nghĩa tâm linh, mà trong thực tế cuộc sống, còn mang một ý nghĩa đạo đức rất rõ ràng, vì sợ phải mắc tội, phải thất lễ với ông bà, tổ tiên, vì muốn giữ cái nền nếp mà ông cha đã truyền lại, nên tất cả con cháu còn sống không dám làm những điều xằng bậy, trái với đạo lý. Có thể nói, sự liên lạc tâm linh ấy, xét cho cùng, là vì người sống hơn là vì người chết. Nói một cách khác, đó là biểu thị sinh động của một nền văn hóa thái hòa: hòa Đất với Trời, hòa Đời với Đạo, hòa Siêu nhiên với Thiên nhiên.
Thứ hai, cái đình là một không gian hành chính: Ngày xưa sân đình là nơi giải quyết những vụ kiện tụng trong làng giữa các tộc họ, hoặc giữa các gia đình. Cũng ở sân đình, lý trưởng thu thuế và tuyển binh, hay tuyển tráng đinh đi lao động (đào sông, đắp đường…) theo lệnh của triều đình. Ở đây, ta cũng cần thấy một nét đặc trưng khác của văn minh làng xã là quan niệm trọng hiền. Vì trọng hiền nên cũng phải trọng xỉ, tức là trọng người lớn tuổi, vì chính ở người lớn tuổi mới có kinh nghiệm đời, mới là những người thấu tình đạt lý, và nhờ đó mà trở nên minh triết. Chính vì quan niệm trọng hiền, trọng xỉ này mà ta không lạ khi thấy các Hội đồng kỳ mục của làng ngày xưa bao giờ cũng gồm những vị bô lão và những người có học, hoặc những người đã đỗ đạt ra làm quan, nay về nghỉ hưu tại chốn quê làng. Xem thế, đối với văn hóa dân tộc, quan niệm trọng hiền, trọng xỉ vẫn được đặt lên trên việc trọng hoạn, tức là việc trọng những bậc quan quyền. Lại nữa, làng là một đơn vị hành chính đặc biệt, tồn tại có phần nào đó độc lập với chính quyền Trung ương, với triều đình, nên vì vậy mới có “phép vua thua lệ làng”.
Lễ Hội đình làng Hải Châu
Thứ ba, cái đình là một không gian sinh hoạt hội hè. Để cho mỗi gia đình trong làng không trở thành một ốc đảo cô đơn, tách rời khỏi đời sống, sinh hoạt cộng đồng làng xã, cái đình trở thành nơi gặp gỡ của các gia đình trong làng. Đình là nơi hội tụ của toàn thể dân làng trong những ngày lễ, Tết, hoặc những hội cúng (thần) làng. Và dĩ nhiên, trong những ngày ấy, bao giờ cũng có ăn uống; vì thế mà ông cha ta, trong vốn ngôn ngữ sinh động và giàu hình tượng của mình, vẫn hay gọi là đình đám. Đã nói đến đám ở đình thì dĩ nhiên phải ăn to, ít nhất là to hơn giỗ ở nhà. Bởi, đám ở đình thì mọi người dân trong làng đều được dự phần, dù có thể tùy theo vai vế, tuổi tác mà được ngồi ăn ở mâm trên hay mâm dưới, ăn trước hoặc ăn sau. Có một lớp người, do bị ảnh hưởng của tư tưởng phương Tây, và nhất là do không hiểu biết cặn kẽ về văn hóa dân tộc, đã cho rằng, đình đám là một hủ tục, một thói xôi thịt. Quan niệm như vậy là hoàn toàn sai lầm, vì chính với đám ở đình mà ta có thể thấy rõ quan niệm cộng sinh cộng lạc của dân tộc ta. Mọi người cùng sống trong không gian của làng thì đều được ăn, đều được vui. Đó là một thứ triết lý sống rất thực tiễn. Đấy là còn chưa nói đến tục lệ của một số nơi ở miền Bắc nước ta trước kia, vào tháng Giêng trong hội đình, sau khi cúng tế xong, mọi đèn đuốc trong và ngoài đình đều được thổi tắt hết, trong vòng một khắc, để nam nữ, gái trai (dĩ nhiên là những người chưa chồng, chưa vợ) được tự do tình tự. Do đó, có thể nói rằng, đình đám chính là một thứ lễ hội mang tính chất phồn thực. Và cái không gian biểu thị thứ triết lý nhân sinh thực tiễn đáng quý ấy trong các làng xã của chúng ta, chính là cái đình.
Xem thế, cái đình đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển của văn hóa làng xã, mà văn hóa làng xã chính là nền tảng của văn hóa dân tộc. Tiếc rằng, ngày nay không phải ai cũng ý thức được điều đó, và đã có lúc, có nơi, cái đình bị quên lãng, bị dùng cho những công việc khác, rất đỗi bình thường và đôi khi dung tục.
- Hội làng ngày xuân
Hội làng, hay như người nông dân miền Bắc còn gọi là làng vào đám, là tổ chức lễ hội long trọng nhất của làng quê xưa, để cúng bái, tế lễ và sau đó là những cuộc vui chơi náo nhiệt.
Trong đời sống nông nghiệp ngày trước, “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, nên hội làng thường được tổ chức sau ba ngày Tết, và thường kéo dài khoảng một tuần lễ đến mười ngày; thậm chí, có nơi còn kéo dài hơn nữa. Ở quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng, hội làng thường được tổ chức vào rằm tháng Giêng. Nói chung, ở rất nhiều làng xã, hội làng thường gắn với lễ Kỳ yên (Tế Xuân, nhưng cũng có nơi gắn với lễ Tế Thu). Lễ Kỳ yên, ngoài mục đích cúng Thành hoàng, các bậc tiền hiền có công khai canh, lập làng, còn mang ý nghĩa tâm linh cầu mùa, cúng tổ nghề…
Lễ nghi tế tự trong mỗi dịp hội làng là phần quan trọng nhất, biểu thị đời sống tâm linh của văn hóa dân tộc.
Tôi không thể nào quên khi lần đầu tiên được theo ông nội lên đình làng xem lễ tắm Thần vị. Đó là một cảm xúc khá lạ lùng, vừa có một chút gì đó e dè, kiêng sợ, lại vừa bị thúc giục bởi một sự tò mò, háo hức, mong được thấy, được hiểu. Vào đúng thời khắc nửa đêm, tất cả các vị chức sắc trong làng đều y phục trang nghiêm, khăn đóng, áo dài đen, tề tựu ở đình làng, cáo yết Thành hoàng để xin phép được tắm Thần vị. Ông tôi bảo rằng thứ nước để tắm Thần vị là loại nước trong sạch nhất, do những người có trách nhiệm chèo thuyền ra giữa sông để lấy, vào lúc tinh mơ của ngày Mộc dục (tắm Thần vị). Tắm xong, Thần vị còn được những chức sắc của làng lau lại một lần nữa bằng nước trầm hương. Sau khi Thần vị đã được đặt trở lại trên bệ thờ nghiêm chỉnh, dân làng thay nhau vào đình dâng đồ tế lễ.
Trang nghiêm nhưng nhộn nhịp, nhiều màu sắc nhất trong các nghi thức tế lễ là đám rước Thần vị. Bao nhiêu cờ quạt, tàn lọng, chiêng trống, gươm giáo, đội nhạc bát âm, long kiệu… được tổ chức thành một đám rước long trọng qua đường làng, với sự tham dự của tất cả các quan viên, chức sắc địa phương. Và, dĩ nhiên không thể thiếu những thanh niên nam nữ, với y phục đẹp đẽ, nhiều màu sắc, đứng chật hai bên đường để nhìn ngắm, trầm trồ.
Nói đến hội làng ngày xuân thì không thể không nói đến tiếng trống đình ngày Tết. Tiếng trống đình trong ngày hội xuân dồn dập, vọng xa, vô hình nhưng rõ rệt tạo nên một sức mạnh linh thiêng chạy suốt tâm hồn những người dân như một sự thôi thúc. Tiếng trống đình ấy khiến ta vừa cảm thấy sợ sệt, phải giữ mình, vừa tạo nên sự háo hức như giục ta phải chóng lớn, nên người. Nhiều năm tháng về sau, dù đã đi xa khỏi làng quê, ta mới hiểu ra rằng, tiếng trống nơi đình làng ấy chính là hồn làng. Quả vậy! Đó chính là hồn thiêng của làng xã, nơi lưu giữ ký ức tổ tiên; nơi hình thành tình yêu gia tộc, làng xóm, nơi kết nối hồn làng với mệnh nước.
Ngoài phần tế tự, hội làng bao giờ cũng có những trò vui xuân. Chính những trò vui xuân này mới là phần thu hút dân làng, nhất là các chàng trai, cô gái, xem đây là cơ hội để làm quen, trao duyên. Các cụ xưa thường gọi các trò vui xuân này là bách hí, nhưng ta phải hiểu rằng, dẫu không có tới 100 trò vui, thì niềm vui trong lòng người chắc hẳn vẫn vượt xa con số đó nhiều lần.
Là một làng quê chuyên nghề trồng dâu, nuôi tằm, mỗi khi tổ chức hội xuân, người quê tôi có lệ “ném kén”. Thực ra, kén ở đây không phải là những cái kén tằm, mà chỉ là những cái kén giả, được làm bằng hom dâu; mỗi hom dài độ 2 – 2,5cm, được vót nhọn một đầu. Người ném kén đứng trên chòi cao, cầm những “con kén” bằng hom dâu ấy ném tung xuống bốn phía. Mọi người tranh nhau lượm “kén”. Ai cũng mong nhặt được, vì những “con kén” này, khi mang về nhà được giắt trên mái tranh hay để trên bệ cột đầu hồi, coi như một thứ bùa “trấn trạch” (canh giữ đất đai. Đây là một quan niệm mang tính tâm linh của người dân quê Việt Nam. Ngày nay, tuy cuộc sống xã hội đã thay đổi, nhưng quan niệm này vẫn còn tồn tại ở nhiều làng quê nước ta), với niềm tin rằng trong năm mới sẽ nuôi tằm đạt được những “mí” (lứa) tằm chín, tơ đẹp, làm ăn phát tài, phát lộc. Điều quan trọng là, người được cử ra “ném kén”, trước đó phải có lời khấn, cầu mong Thành hoàng, tổ tiên phù hộ cho dân làng, “an khang thịnh vượng”. Và cùng với lời khấn là những tiếng trống dập dồn.
Ở các làng quê thuộc đồng bằng Bắc bộ, các trò vui xuân khi làng vào đám rất đa dạng. Nào là đánh đu, bắt chạch trong chum, đua thuyền, đánh vật, kéo co, thi nấu cơm, thi dệt vải; có nơi lại có trò chơi nhằm cổ vũ việc chăn nuôi, như thi trâu bò, thi lợn gà, hoặc cổ vũ việc trồng trọt (như cuộc thi dưa hấu ở làng Thổ Tang, phủ Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc).
Ở miền Trung nước ta, cũng có nhiều trò vui xuân trong hội làng, như: đua ghe, đánh cờ người, thi đá gà, thi múa rồng, hát hò khoan, hát đối đáp trao duyên… Nhưng phổ biến nhất là trò chơi bài chòi. Bài chòi, ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế thường được tổ chức với 11 chòi; còn từ Quảng Nam trở vào Bình Định lại thường chỉ dựng 9 chòi. Mỗi cái chòi lợp tranh, có gác một thanh tre ngang, chỉ đủ chỗ cho hai người ngồi. Hội bài chòi thường không cốt ăn thua, mà chủ yếu là để người tham dự được vui xuân, thử thời vận, nhất là thưởng thức những câu hò bài chòi trữ tình, hoặc nhiều khi dí dỏm, gây cười thích thú. Các hội bài chòi thường mở ra dưới bóng những mái chùa, hay bên gốc đa làng, bãi chợ, mà những ngọn đèn lồng mờ ảo được thắp lên lúc sương chiều buông xuống càng làm ấm lòng khách chơi xuân trong những câu hát ngọt ngào.
Đáng nhớ nhất là những đám hát bội. Hầu như tâm hồn những đứa bé quê bao giờ cũng ngập tràn màu sắc và âm thanh của những đêm hát bội vào dịp hội làng. Là một trong những cái nôi của hát bội, cùng với Bình Định, Quảng Nam đã từng có thời kỳ cực thịnh của loại hình nghệ thuật lôi cuốn này. Ngày xuân, khắp nơi đều nghe rộn rã tiếng trống chầu. Tiếng trống chầu hát bội quyến rũ mọi tâm hồn già trẻ; hấp dẫn và lôi cuốn đến độ khiến cho mọi người lòng dạ rạo rực không yên: “Nghe rao trống chiến, không khiến cũng đi/ Nghe giục trống chầu, đâm đầu mà chạy”. Mà thật vậy, hát bội ngày thường đã hấp dẫn đối với người dân quê miền Trung, đến ngày Tết, hội làng, nó lại càng quyến rũ, lôi cuốn hơn, khiến cho ngay cả những tâm hồn chơn chất nhất cũng rạo rực, “nghe tiếng trống chiến, nó điếng trong ruột”…
Sẽ có người cho rằng, nhắc lại những sinh hoạt trong quá khứ là điều không cần thiết, vì văn hóa cũng giống như một dòng sông luôn tuôn chảy về phía trước. Nhưng với những ai nặng lòng cùng văn hóa dân tộc thì lại có thể khẳng định rằng: Làm sao có thể phủ nhận quá khứ, vì lãng quên quá khứ là một cái tội! Nên nhớ rằng, hội làng ngày xuân là một trong những biểu hiện rõ nét nhất của tinh thần lạc quan, cộng sinh trong nền văn hóa dân tộc. Tại sao ngày Tết người ta không đi tìm những niềm vui riêng, không tận hưởng những lạc thú cá nhân, mà lại say sưa trong những cuộc vui chung? Câu trả lời thật rõ ràng, vì đó là quan niệm sống tốt đẹp của văn hóa Việt. Dân tộc ta luôn lấy sự hòa đồng, sự quây quần, sum họp làm niềm vui, vì khi cùng chia sẻ với nhau nỗi hân hoan thì người ta sẽ cảm thấy niềm vui dường như được tăng lên bội phần. Như đã nói, chính với quan niệm cộng sinh cộng lạc này mà người dân quê Việt Nam luôn có tinh thần cố kết cộng đồng, hình thành tư tưởng huyết thống, cội nguồn, gắn bó với mảnh đất của ông cha. Đó cũng chính là lý do để trong cuộc chiến tranh giữ nước dài lâu và gian khổ vừa qua dân ta luôn bám đất, giữ làng, “một tấc không đi, một ly không rời”. Vì, hơn ai hết, mọi người dân Việt Nam đều hiểu rất rõ rằng, giữ làng chính là giữ nước.
Cái quan niệm cùng sống, cùng vui của người dân quê Việt Nam là một trong những nét đẹp truyền thống của văn hóa dân tộc. Mà hội làng ngày xuân là hình ảnh đẹp nhất của sinh hoạt văn hóa dân gian. Nhưng phải chăng có một cái gì đó đang mất đi trong đời sống chúng ta (?).
T.H.D.V