Lãng Du Trong Văn Hóa Việt Nam

Mục lục bài viết

Chi tiết sản phẩm

Có thể xem như đây là một cuốn nhật ký về văn hóa dân tộc, trong đó có những bức tranh đa diện về đất nước, con người Việt Nam. Với một lối văn mộc không son phấn, văn hoá Việt Nam được nhà văn hoá Hữu Ngọc phác hoạ một cách sắc nét qua những dòng ký sự đặc biệt lôi cuốn người đọc.

Từng bước, ông dẫn dắt người đọc dọc theo chiều dài của đất nước “lãng du” vào Lam Kinh của triều Lê. Rồi quay ra làng Nhị Khê, thăm quê hương Nguyễn Trãi. Xuống La Xuyên xem đồ gỗ chạm khắc tinh vi. Đến Vạn Phúc hỏi về nghề dệt lụa Hà Đông. Sang vùng Kinh Bắc nghe hát quan họ. Về xứ Đoài viếng mộ Tản Đà. Trở lại chiến khu xưa Định Hóa, bồi hồi nhớ bao kỷ niệm. Lên vùng Tây Bắc xa xôi như Lào Cai thưởng thức bài hát đưa ma của người Mông Sapa, nếm trải hương vị của núi rừng Tây Bắc. Về tận Cao Bằng, thăm xứ sở người Tày, tìm hiểu hội xuống đồng của họ. Qua Lạng Sơn ăn món khau nhục, nghe điệu hát sli của người Nùng. Ngược Sơn La tìm hiểu tục ngữ Thái. Đến Mường Tè trò chuyện với người La Hú… Lang thang vào Ninh Thuận xem đồ gốm Chăm thô ráp, nghe câu đố Chăm ý nhị.

Bên cạnh đó, lịch sử – truyền thống của người Việt cũng được ông thu nhỏ qua từng bài viết của mình theo từng nét thăng trầm của lịch sử. Ông “hình dung” về một địa danh, “ nghe” tiếng gà gáy từ 700 năm trước, tiếng nói của bia cổ, quốc văn giáo khoa thư; đến những nhận định về Hồ Chí Minh, “hiện tượng” Đặng Thùy Trâm, ý thức bảo tồn văn hoá, cái nhìn của một sử gia Pháp về văn hóa Việt… Từ đời sống cộng đồng ông đưa chúng ta về với gia đình, những quan hệ vợ chồng, quan hệ hôn nhân, con cái, họ hàng, anh em trong dòng tộc đến những mối quan hệ thầy trò, bạn bè…

Nhà văn hóa Hữu Ngọc sinh năm 1918 tại Hà Nội, nguyên là Trưởng ban giáo dục tù hàng binh Âu – Phi trong kháng chiến chống Pháp. Sau năm 1954, ông có dịp đi công tác, hội thảo ở nhiều nước trên thế giới, đem tiếng nói chính nghĩa, yêu hoà bình của dân tộc Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, làm cho họ hiểu đất nước và nền văn hóa của Việt Nam hơn.

Để giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, ông viết đều đặn hơn chục năm trời mục “Mạn đàm truyền thống” cho Le Courrier Viet Nam (tiếng Pháp) và Vietnam News (tiếng Anh). Bài viết của ông đã được tập hợp thành một cuốn sách quý với tựa đề là “Phác thảo chân dung văn hóa Việt Nam” bằng hai thứ tiếng Anh và Pháp. Lãng Du Trong Văn Hóa Việt Nam được dùng làm món quà tặng các nguyên thủ quốc gia đến tham dự Hội nghị các nước có sử dụng tiếng Pháp lần thứ 7 tại Hà Nội năm 1997. Từ đó đến nay ông vẫn tiếp tục viết để tập hợp thành một bộ sách lớn, dày hơn 1.000 trang với tên mới “Lãng du trong văn hóa Việt Nam”, tập hợp những bài báo ông viết cho tờ Vietnam News số chủ nhật suốt 13 năm nay, đã được một số trường ĐH của Mỹ dùng làm tài liệu tham khảo.