Làng nghề trồng hoa lo mất tết
Mục lục bài viết
Đứng ngồi không yên vì hoa ế
Còn đúng 1 tháng nữa là tới tết Nguyên đán Quý Mão nhưng những ngày này, khắp các cánh đồng hoa ở xã Mê Linh (H.Mê Linh, Hà Nội) hoa vẫn đầy rẫy trên đồng. Đầu tư cả trăm triệu đồng cho vụ hoa tết nhưng giờ người bán nhiều hơn người mua, không ít chủ vườn bồn chồn, sốt ruột lo mất vốn.
Bà Nguyễn Thị Loan (trú thôn 2, xã Mê Linh) cho biết, theo tính toán của các nhà vườn, để “ăn” vào vụ tết, nhiều loại hoa cúc, hoa đồng tiền, hoa hồng… sẽ trồng từ khoảng tháng 10.
Cách tết Nguyên đán 2 tháng là thời điểm thị trường hoa ở các làng nghề bắt đầu sôi động, nhộn nhịp khi tiểu thương về gom hàng cung ứng đi khắp nơi. Tuy nhiên, năm nay, cách 1 tháng trước tết mà lượng xe tải từ các tỉnh miền Trung, miền Nam ra “đánh” hàng rất ít khiến các nhà vườn đứng ngồi không yên.
Cũng theo bà Loan, loại hàng bán chạy nhất hàng năm là hoa hồng trồng theo bịch, năm ngoái có giá 30.000 – 35.000 đồng/bịch. Năm nay, chi phí phân bón, nhân công đều tăng cao mà giá bán tại ruộng chỉ 20.000 – 27.000 đồng/bịch vẫn khó tiêu thụ.
“Mọi năm cứ tầm này là ô tô khắp nơi về thu mua đông kín rồi nhưng năm nay chỉ có bán lẻ mà cũng khó. Ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật thường đông khách nhưng giờ có rất ít người ghé mua”, bà Loan ngán ngẩm nói.
Không khí thị trường hoa tết ảm đạm cũng bao phủ khắp xã Xuân Quan (H.Văn Giang, Hưng Yên), địa phương nằm trong số những vùng trồng hoa lớn nhất miền Bắc.
Đầu tư 300 triệu đồng cho hơn 2.500 m2 trồng các loại hoa đồng tiền, cúc, trạng nguyên…, gia đình chị Đặng Thị Biên (trú thôn 5, xã Xuân Quan, H.Văn Giang, Hưng Yên) đứng trước nguy cơ thua lỗ khi hàng vẫn đầy rẫy trong vườn. Theo chị Biên, những năm trước, trạng nguyên, đồng tiền bán rất chạy, gần tết còn không có để bán. Khách mua tại vườn chủ yếu phục vụ nhiều công trình nhà, biệt thự… trang trí đón tết.
Năm nay, thị trường bất động sản “đóng băng” khiến các nhà vườn đầu tư vào dòng hoa công trình dự báo sẽ lỗ nặng. Khi các mối lấy hàng quen nhiều năm nay cũng không còn quay lại đóng hàng, các nhà vườn buộc phải tìm cách bán lẻ để gỡ gạc vốn.
Khó kêu gọi giải cứu
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Quý Đôn, Chủ tịch UBND xã Xuân Quan, thừa nhận thị trường hoa, cây cảnh tết ở địa phương đang rơi vào trạng thái ế ẩm nhất trong nhiều năm trở lại đây, thậm chí còn khó khăn hơn những năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Toàn xã Xuân Quan có khoảng 180 ha chuyên canh trồng hoa, cây cảnh với tổng giá trị kinh tế khoảng 250 – 300 tỉ đồng/năm, trong đó khoảng 50% tập trung mùa vụ 2 tháng trước tết.
Ông Đôn cho biết, hoa và cây cảnh ở Văn Giang có thị trường khắp các tỉnh miền Bắc và được đưa vào một số thị trường ở miền Trung, miền Nam. “Quy luật thị trường chung mọi năm, đến thời điểm này, các nhà vườn bán xong 70 – 80% lượng hàng nhưng năm nay nhà vườn nào bán chạy nhất đến giờ cũng chỉ được 40% thôi”, ông Đôn nói.
Thị trường hoa tết ảm đạm khiến tiểu thương khá đau đầu tính toán kinh doanh trong vụ hoa năm nay. Có thâm niên hàng chục năm buôn hoa, ông Nguyễn Văn Linh, chủ một cơ sở hoa tươi tại xã Mê Linh cho biết vừa khảo sát một vòng khắp các làng hoa ở Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, tất cả đều trầm lắng.
“Kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu hơn và hoa, cây cảnh không phải là thứ để ưu tiên. Mỗi vụ hoa tết, tôi phải chi khoảng 15 – 18 tỉ đồng nhập hàng và phải đóng cọc trước 30 – 40% nhưng năm nay thì rất khó ra quyết định kinh doanh. Nếu cứ ôm hết các vườn như mọi năm, nguy cơ cao là lỗ vốn”, ông Linh lý giải.
Theo Chủ tịch UBND xã Xuân Quan, để kích cầu, hỗ trợ tiêu thụ hoa, cây cảnh trong thị trường tết Nguyên đán Quý Mão, địa phương vận động, kết nối các nhà vườn tham gia các hội chợ hoa tết ở tỉnh Hưng Yên.
Ngoài ra, UBND xã Xuân Quan đang phối hợp với các đơn vị tổ chức các hoạt động truyền thông, quảng bá giới thiệu sản phẩm hoa, cây cảnh cung ứng cho thị trường dịp tết.
Nhưng nhìn vào thị trường thực tế hiện nay, ông Đôn thừa nhận: “Cái khó của các nhà vườn, địa phương hiện nay là hoa, cây cảnh không phải là sản phẩm thiết yếu như hoa quả, thịt, trứng… nên khó kêu gọi để giải cứu, hỗ trợ tiêu thụ. Khi người dân không có việc làm, thu nhập bị cắt giảm phải ưu tiên cho những nhu cầu thiết yếu, rất khó kêu gọi họ mua hoa, cây về chơi tết”.