Lạng Sơn: Hội thảo khoa học về văn hóa – Góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa
21/11/2022 | 15:27
Thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã thường xuyên quan tâm, đẩy mạnh tổ chức hội thảo khoa học về văn hóa, làm rõ giá trị của các khía cạnh văn hóa, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn.
Trước đây, việc xây dựng đề án bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa, trong đó có tổ chức hội thảo khoa học đã được các cấp, các ngành quan tâm, tuy nhiên chưa được liên tục. Năm 2016, thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo, việc tổ chức hội thảo khoa học về văn hóa được các cấp, các ngành đẩy mạnh, theo đó, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 10 hội thảo khoa học lĩnh vực văn hóa (cấp tỉnh có 7 hội thảo; cấp huyện, xã có 3 hội thảo), từng bước làm rõ giá trị của các di sản văn hóa, thành tố văn hóa, bản sắc văn hóa tiêu biểu của Lạng Sơn. Điển hình như năm 2018, UBND xã Tân Thành đã phục dựng thành công phần rước kiệu của lễ hội đền Bắc Lệ sau hơn 60 năm tạm dừng; năm 2022, Hội Di sản Văn hóa Lạng Sơn đã xây dựng đề tài nghiên cứu cấp tỉnh về di tích, lễ hội tứ trấn đã được UBND tỉnh phê duyệt triển khai.
Cán bộ Trung tâm Thông tin Xúc Tiến du lịch tỉnh giới thiệu với du khách ý nghĩa di tích chiến thắng Lũng Phầy tại huyện Tràng Định cho du khách
Là cơ quan chuyên môn tham mưu về lĩnh vực văn hóa của tỉnh, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã tích cực trong việc tổ chức hội thảo khoa học. Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc sở cho biết: Cùng với việc xây dựng các đề án nghiên cứu, bảo tồn văn hóa, hằng năm, chúng tôi đã lựa chọn chủ đề phù hợp với kế hoạch công việc để tổ chức hội thảo khoa học. Trong đó, chú trọng tổ chức các hội thảo gắn với các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh; các loại hình di sản văn hóa phổ biến tiêu biểu đã được xếp hạng, công nhận cấp quốc gia; các di sản có nguy cơ mai một cần bảo tồn, phát huy… Qua đó, hình thành hệ thống tài liệu, tư liệu quý, giúp sở triển khai hiệu quả các đề án bảo tồn, phát huy di sản trong những giai đoạn tiếp theo.
Hằng năm, Sở VHTT&DL xây dựng kế hoạch, văn bản triển khai, thông báo mời đặt bài, lựa chọn bài tham luận của các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, chủ thể văn hóa ở trong và ngoài tỉnh để in kỷ yếu hội thảo. Đồng thời, dựa trên nguồn ngân sách của đơn vị được cấp, sở đã bố trí kinh phí tổ chức trung bình từ 50 đến 100 triệu đồng/hội thảo. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, sở đã lên phương án và tổ chức được 5 hội thảo khoa học về lĩnh vực văn hóa. Những hội thảo khoa học này là cơ sở quan trọng giúp cơ quan chuyên môn thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác quản lý nhà nước về văn hóa.
Các đại biểu, nhà nghiên cứu tham dự hội thảo khoa học bảo tồn, phát huy trang phục các dân tộc thiểu số do Sở VHTT&DL tổ chức tháng 11/2022
Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam, Phó Trưởng Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (một trong những chuyên gia tham dự hội thảo khoa học tại Lạng Sơn) cho biết: Gần đây tôi có tham dự hội thảo gìn giữ, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Tại đây, tôi đã đưa ra ý kiến tham luận về việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trang phục gắn với phát triển du lịch với mong muốn giúp chính quyền Lạng Sơn có thêm những định hướng tốt trong công tác bảo tồn.
Tại cấp huyện, là một trong những đơn vị tích cực triển khai, thực hiện công tác này, trong những năm qua, UBND thành phố đã phối hợp với các trường đại học, học viện ở Hà Nội tổ chức 2 hội thảo khoa học “di tích danh thắng Nhị – Tam Thanh, núi Tô Thị, thành Nhà Mạc “di sản văn hóa và tiềm năng du lịch”; “đánh thức tiềm năng du lịch thành phố”.
Bà Phạm Thị Thuận, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Lạng Sơn cho biết: Chúng tôi đã xem xét, lựa chọn chủ đề hội thảo phù hợp từ đó tham mưu cho UBND thành phố ban hành kế hoạch, quyết định thành lập ban tổ chức hội thảo. Giá trị lớn nhất từ các hội thảo mang lại đó là thành phố đã có thêm nhiều tư liệu quý, từ đó triển khai thành công việc tu bổ, tôn tạo khu di tích này và xây dựng các giải pháp cụ thể, đảm bảo tính khả thi cao trong phát triển du lịch trên địa bàn.
Việc tổ chức hội thảo khoa học là một trong số giải pháp hữu hiệu để bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản trên địa bàn. Mong rằng, thời gian tới, các cấp, các ngành sẽ có các hội thảo khoa học quy mô hơn nữa để từng bước làm sâu sắc thêm giá trị của hệ thống di sản văn hóa Lạng Sơn.