Lạng Sơn: Tiếp tục nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị di sản văn hóa
(Xây dựng) – Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được những kết quả đáng khích lệ; các hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức thường xuyên góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Hát Then của dân tộc Tày được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Với vai trò là cơ quan chuyên môn, giúp việc cho UBND tỉnh Lạng Sơn trong công tác quản lý Nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch nói chung, di sản văn hóa nói riêng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể tỉnh tham mưu, tổ chức hoạt động quản lý Nhà nước về di tích trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê, từ năm 2017 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tiến hành tổng kiểm kê, rà soát hệ thống di tích, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh. Qua công tác kiểm kê đã tiến hành lập danh mục thống kê được 1.117 điểm di tích và cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; nghiên cứu lựa chọn 335 di tích đưa vào danh mục trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và công bố theo Quyết định số 73/QĐ–UBND, ngày 10/01/2019; lập hồ sơ khoa học thêm 11 di tích nâng tổng số di tích được xếp hạng lên 133 di tích (02 di tích quốc gia đặc biệt, 29 di tích quốc gia, 102 di tích cấp tỉnh).
Trên cơ sở kết quả công tác tổng kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2011 – 2015 và triển khai thực hiện Đề án bảo tồn phát huy giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tiến hành 01 đợt kiểm kê chuyên đề về trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh; lập hồ sơ khoa học cho 04 di sản văn hóa phi vật thể đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nâng tổng số di sản được đưa vào danh mục lên 08 di sản. Đồng thời tiếp tục phối hợp với Viện Âm nhạc và các tỉnh có di sản Then lập hồ sơ trình UNESCO ghi danh Then Tày, Nùng Thái Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hiện nay, tại Trung tâm vệ tinh Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa tại Bảo tàng tỉnh đang lưu trữ khoảng 60 phim và trên 2.000 ảnh tư liệu về văn hóa phi vật thể trên địa bàn để giới thiệu cho công chúng và du khách có nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền Luật Di sản văn hóa, định kỳ hàng năm, Sở đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị tập huấn về công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản trên địa bàn tỉnh cho cán bộ, công chức, đại diện các Ban quản lý di tích từ tỉnh đến cơ sở; cử hàng trăm lượt cán bộ tham gia các hội nghị, hội thảo, các lớp tập huấn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức và các hoạt động khác. Thông qua các Hội nghị chuyên đề, các đợt sinh hoạt chính trị, ước tính đã có khoảng 90% đảng viên, 70% quần chúng nhân dân đ¬ược nghe, phổ biến, quán triệt về Luật Di sản văn hóa và các văn bản liên quan đến công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Sở cũng chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc Sở, Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành lồng ghép với các sự kiện như: ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4); ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5); ngày thành lập Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn (24/6); Khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9), chiến thắng Đường 4, ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11)…
Với mục tiêu xây dựng và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó lấy di sản văn hóa là nền tảng, động lực để phát triển. Hoạt động khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn ngày càng được quan tâm, chú trọng và có những chuyển biến tích cực.
Đặc biệt là công tác triển khai lập, phê duyệt đề án phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh nói chung, 11/11 huyện, thành phố nói riêng. Quan tâm xây dựng, hình thành các tour, tuyến du lịch gắn liền với những di sản văn hóa vật thể, trọng tâm là các di tích đã xếp hạng các cấp trên địa bàn tỉnh để từng bước xây dựng, hình thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc thù, đặc biệt là các loại hình du lịch tâm linh, sinh thái, cộng đồng gắn với du lịch mua sắm, mạo hiểm.
Cùng với đó, triển khai thực hiện quy trình, thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 240/QĐ-TTg ngày 20/02/2017 quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030; lập hồ sơ, quyết định công nhận các điểm du lịch cấp tỉnh (trong đó 34 điểm du lịch là điểm, khu di tích, thiết chế văn hóa).
Khai thác, phát huy giá trị kiến trúc nhà sàn, nhà trình tường truyền thống gắn với bản sắc văn hóa dân tộc để xây dựng, hình thành Làng Văn hóa du lịch cộng đồng tại các địa phương, tiêu biểu như: xã Quỳnh Sơn, xã Vũ Lăng (huyện Bắc Sơn), xã Mông Ân (huyện Bình Gia), xã Hữu Liên, Yên Thịnh (huyện Hữu Lũng); 04 điểm du lịch sinh thái là Hang Hú, Mỏ Mắm (huyện Bắc Sơn), Bản Khiếng (huyện Lộc Bình) và Khau Sao (huyện Chi Lăng).