Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam trong nỗ lực bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc
STNN – Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), là nơi tái hiện, lưu giữ, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam.
Trải qua muôn vàn khó khăn…
Khi mới đi vào hoạt động, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã gặp phải không ít khó khăn. Một mặt, do khó khăn trong việc vận động đồng bào các dân tộc đến làng sinh sống nên nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang, dần dần bị cây cỏ vùi lấp. Nhiều hạng mục công trình sử dụng thiếu hiệu quả, không được cải tạo thường xuyên nên xuống cấp trầm trọng. Nhiều bức tượng gỗ bị mục nát, sân khấu nổi cỏ mọc um tùm, phần mái che bằng kính trên phía khán đài nhiều tấm bị vỡ.
Một khó khăn nữa phải nhắc đến là nhiều người ở làng không biết nói tiếng phổ thông. Sự bất đồng ngôn ngữ cũng gây nên những khó khăn trong đời sống sinh hoạt của đồng bào. Việc không có trường học khiến cho những người sống ở làng phần lớn là người trung niên và cao tuổi.
Nhiều người lớn tuổi sống ở làng không khỏi lo lắng khi có ít người trẻ tuổi sống ở đây, không những thế, nhiều bạn trẻ chưa có ý thức giữ nét văn hóa của dân tộc mình. Mong rằng, ngày càng có nhiều bạn trẻ các dân tộc đến đây hơn, để các thế hệ nối tiếp nhau gìn giữ văn hóa; để cùng lan tỏa những cái hay, cái đẹp, giới thiệu bản sắc của dân tộc mình đến đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế.
Với đồng bào, khi chuyển về làng, việc thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu cũng đòi hỏi phải có thời gian. Khi mới chuyển đến làng, nhiều đồng bào cảm thấy buồn vì làng có ít người ở; hơn nữa đồng bào lại phải xa họ hàng, bà con, xa làng bản nơi đã gắn bó suốt nhiều năm, nhiều đời. Không những thế, đồng bào ở miền núi phía Bắc (như Sơn La) khí hậu mát mẻ quanh năm khi về Hà Nội mùa hè rất nóng.
Ban đầu, khi mới chuyển tới làng, nhiều người rất bỡ ngỡ, lạ lẫm, khó hòa nhập bởi mỗi dân tộc có nét văn hóa truyền thống, nếp sống, nếp sinh hoạt khác nhau. Sau này, trong quá trình sinh hoạt và chung sống, mọi người hiểu nhau hơn, trở thành những người bạn bè, hàng xóm tốt của nhau, cùng chung sứ mệnh bảo tồn và phát huy nền văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Nỗ lực phát triển làng văn hóa
Đến thời điểm hiện tại, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đang có những khởi sắc đáng kể. Để làng có được những thành quả như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp chính quyền, của cán bộ, nhân viên và sự hợp tác của người dân trong làng.
Trong các sự kiện, lễ hội, các hoạt động lớn của làng, đồng bào các dân tộc anh em lại tụ họp về đây, cùng nhau quảng bá nét đẹp của dân tộc mình. Các chương trình văn hóa, nghệ thuật cấp quốc gia, các lễ hội lớn tổ chức tại làng được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam đã quảng bá hình ảnh của làng đến đông đảo khán giả và thu hút đông đảo du khách đến với làng.
Việc kết nối với các công ty du lịch, lữ hành; việc mở rộng giao thông – đặc biệt là phương tiện công cộng, điển hình là tuyến xe buýt số 107 (Bến xe Kim Mã – Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam) – khiến cho lượng du khách đến đây tham quan tăng mạnh.
Việc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế cũng khiến bộ mặt của làng được thay đổi. Các dịch vụ du lịch được mở ra, như: dịch vụ lưu trú homestay, ăn uống, trải nghiệm phần nào giúp tăng thêm thu nhập và cải thiện cuộc sống cho người dân.
Với sự quan tâm kịp thời của Nhà nước, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của các cấp chính quyền cùng sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên và đặc biệt là của người dân trong làng, hy vọng trong tương lai không xa Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ đón nhiều hơn nữa du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm những giá trị văn hóa.
Tô Anh – Mạnh Linh