Lào Cai: Phẩm chất con người trong bản sắc văn hóa cổ truyền – Môi trường Du lịch

Cập nhật: 11/07/2022

Trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng đất Bảo Yên (Lào Cai), những phẩm chất tốt đẹp của con người được hiện hữu sinh động qua những nghi lễ, phong tục tập quán và nó trở thành những tài sản tinh thần vô cùng quý giá, thiêng liêng…​

Câu lạc bộ hát then xã Nghĩa Đô (Bảo Yên) được thành lập để kế thừa và tiếp nối di sản hát then của địa phương.

Bảo Yên là vùng đất cửa ngõ phía Đông tỉnh Lào Cai, miền đất của hai dòng sông, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của nhiều tộc người cùng sinh sống và phát triển trên những dải đất sơn thủy hữu tình. Đây cũng là vùng đất hội tụ đông đảo các thành phần dân tộc định cư, sinh sống. Trên địa bàn huyện Bảo Yên có 25 dân tộc sinh sống (Bao gồm Tày, Thái, Hoa, Mường, Nùng, Mông, Dao, Gia Rai, Sán Chay, Chăm, Sán Dìu, Raglay, Thổ, Giáy, Khơ mú, Kháng, Hà Nhì, Lào, La Chí, La Ha, Phù Lá, La Hủ, Cơ Lao, Cống, Bố Y). Trong tổng số 84.997 người thuộc 26 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn huyện Bảo Yên thì có nhiều dân tộc chiếm tỷ lệ cao như dân tộc Tày 28.767 người, tỷ lệ 33,84%; dân tộc Dao 20.802 người, tỷ lệ 24,47%; dân tộc Mông 10.662 người, tỷ lệ 12,54%; dân tộc Nùng 2.017 người, tỷ lệ 2,37%.

Nghệ nhân ưu tú Ma Thanh Sợi (Nghĩa Đô-Bảo Yên) chia sẻ: “Trải qua các thời kỳ phát triển, đồng bào các dân tộc huyện Bảo Yên đã tạo dựng, hình thành được những vốn văn hóa bản địa vô cùng đặc sắc của dân tộc mình, trở thành tinh hoa văn hóa cổ truyền, góp phần làm đa dạng, phong phú cho vốn văn hóa dân gian của vùng đất Bảo Yên nói riêng và tỉnh Lào Cai, vùng Tây Bắc nói chung. Từ trong vốn văn hóa mang đậm bản sắc, đã hình thành những phẩm chất tốt đẹp mang đậm chất nhân văn của đồng bào các dân tộc nơi đây”.

Khát vọng chinh phục tự nhiên

Con người đặt chân đến vùng đất Bảo Yên từ lâu đời. Nơi đây, địa hình hiểm trở, rừng xanh núi thẳm, suối ngàn. Với đặc thù địa bàn sinh sống, lao động của đồng bào các dân tộc Bảo Yên chủ yếu là gần suối, gần núi rừng cho nên, trong cuộc sống mưu sinh của họ, dựa vào núi rừng, dựa vào sông suối để tạo dựng cuộc sống cho ấm no là điều luôn tồn tại trong suy nghĩ, hành động và việc làm của con người.

Người Tày, người Dao, người Mông ở Bảo Yên đã biết lên rừng sâu chặt gỗ về dựng nhà sàn để tránh thú dữ, biết làm cọn nước chặn dòng suối để đưa nước về đồng lúa, biết tìm nguồn nước trên núi cao, dẫn về làm nước sinh hoạt. Con người cũng biết dựa vào sức nước để làm cối giã gạo ngay trên suối, chặn dòng để đặt máy phát điện khi chưa có điện lưới… Đồng bào Mông chinh phục những đỉnh núi cao để làm sơn trang, địa bàn sinh sống, quanh năm làm bạn với mây trời, núi rừng. Trên những triền núi cao, những thửa ruộng bậc thang, lúa nương, ngô, sắn được đồng bào cần cù, chịu khó mang sức người khai phá núi đồi để làm ra những loại ngũ cốc nuôi sống con người. Tập quán hái lượm được đồng bào các dân tộc Bảo Yên duy trì từ đời này sang đời khác. Để duy trì sự sống, con người trong các bản làng đã biết đeo gùi lên rừng, lên núi tìm đào măng rừng, hái rau xanh, quả rừng, săn bắt muông thú để mang bán tại chợ phiên.

Khát vọng chinh phục tự nhiên của con người Bảo Yên còn được thể hiện qua những nghi lễ dân gian như lễ cúng rừng thiêng, lễ cúng thần linh, thần suối, thần núi, lễ cúng trong ngày hội xuống đồng cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con người nguyện luôn bảo vệ, giữ gìn rừng thiêng để rừng ban cho con người sản vật để sinh sống.

Cần cù, sáng tạo trong lao động

Đồng bào dân tộc Dao Bảo Yên giữ gìn nghề dệt cửi truyền thống.

Trong tổng thể diện mạo văn hóa dân gian huyện Bảo Yên đã thể hiện rõ nét đức tính cần cù, sáng tạo của con người trong lao động. Từ người Kinh đến từ nhiều miền quê khác nhau rồi sinh cơ lập nghiệp ở vùng đất Bảo Yên cho đến đồng bào các dân tộc thiểu số như Tày, Mông, Dao, Nùng, Giáy… đức tính cần cù, chăm chỉ lao động luôn thường trực trong mỗi con người. Người Tày, người Dao chăm chỉ phát nương rẫy trồng lúa, trồng ngô, khi về nhà lại canh cửi dệt thổ cẩm, nuôi lợn, gà, vịt bầu rồi xuống suối bắt cá, lên rừng hái măng gùi xuống bán tại chợ phiên… Người Mông trồng lúa trên những triền ruộng bậc thang nơi sườn núi cao, cần cù khai phá những vùng đất hoang để trỉa bắp, trồng dưa. Khi đi đường, về nhà, những người phụ nữ luôn tay, thoăn thoắt se sợi để dệt nên những bộ váy áo tuyệt đẹp.

Đi cùng với phẩm chất cần cù là óc sáng tạo trong lao động của con người Bảo Yên. Trong gia đình, người phụ nữ sáng tạo ra những tấm thổ cẩm với hoa văn, họa tiết tinh tế, như gửi gắm vào đó những tâm hồn, vẻ đẹp thiên nhiên và tình yêu cuộc sống. Con người biết đan lát để tạo ra những vật dụng trong gia đình, biết sáng tạo ra những món ăn đậm đà dư vị nhờ vào sự kết hợp tinh tế giữa các nguyên liệu, gia vị từ núi rừng và trong vườn nhà, họ biết kết hợp màu sắc của nhiều loại lá, củ mà tạo ra tuyệt phẩm xôi ngũ sắc.

Ông Lý Chiến Sách (dân tộc Mông, trưởng bản Tổng Kim, xã Vĩnh Yên) chia sẻ: “Trong đời sống tâm hồn, người Tày hay Mông, Dao từ xa xưa đã chưng cất tâm hồn mình thành những điệu hát then làm say đắm lòng người, sáng tạo ra những bài hát ru ngọt ngào từ lời ru của bà, của mẹ, sáng tạo ra những lời hát giao duyên để tỏ tình, những trò chơi dân gian để giao lưu, vui chơi trong những ngày hội bản…”

Đoàn kết trong cộng đồng

Tinh thần đoàn kết cộng đồng của đồng bào các dân tộc huyện Bảo Yên được phản ánh rõ nét trong văn hóa. Khi quê hương có giặc ngoại xâm, đồng bào các dân tộc cùng nhau đứng lên tạo nên một khối thống nhất, đã đánh đuổi kẻ thù, giành chiến thắng. Điển hình là hai chiến thắng vang dội của quê hương Bảo Yên trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp là chiến thắng Nghĩa Đô và chiến thắng Phố Ràng, góp phần quan trọng để giải phóng Lào Cai.

Trong đời sống, khi mỗi gia đình có công việc cần sự giúp sức của nhiều người, đồng bào đã cùng nhau giúp đỡ, giúp gia đình hoàn thành việc lớn. Điển hình như phong tục dựng nhà sàn của người Tày, làm nhà của người Mông là sự góp sức, hội tụ của đông đảo bà con dân bản đến chung tay cùng gia đình hoàn thành công trình lớn.

Nghệ nhân Hoàng Văn Thụy (Vĩnh Yên- Bảo Yên) kể rằng: “Trong các diễn xướng dân gian như hát Then, sli, lượn, khắp, cưới hỏi, tang ma, các trò chơi dân gian, đồng bào các dân tộc đã hội tụ tinh thần, trí tuệ và sức mạnh để cùng nhau tổ chức các hoạt động, cùng tạo nên những nét sinh hoạt mang đậm bản sắc văn hóa”.

Ẩm thực, nét văn hóa độc đáo ở Bảo Yên.

Đôn hậu, mến khách

Mỗi khi dừng chân ở vùng đất Bảo Yên, đến thăm các bản làng, thăm thú chợ phiên hay ngồi bên căn nhà sàn truyền thống, ai cũng có chung một cảm nhận rằng con người ở vùng đất này đôn hậu và mến khách vô cùng. Đồng bào nơi đây đón khách bằng tấm chân tình vốn có của mình, mộc mạc, bình dị mà chân thật. Những câu chào hỏi bằng tiếng Kinh pha chất giọng bản địa khiến cho khách không còn thấy lạ lẫm mà thay vào đó là sự gần gũi, cởi mở và ấm áp tình người.

Đồng bào Tày Bảo Yên có phong tục đón khách ngay ở chân cầu thang của ngôi nhà sàn, điều đó thể hiện sự mến khách. Khi lên nhà, chủ mời khách ngồi ở vị trí giữa nhà rất trang trọng, mời khách thưởng thức những món ăn bản địa do chính bàn tay gia chủ chế biến. Người Mông đón khách bên bếp lửa rồi mời khách nhấp chén rượu ngô nồng ấm để thể hiện sự mến khách và tấm chân thành của mình. Trong khi cảm xúc thăng hoa, những lời hát then được cất lên, những điệu múa nhịp nhàng hòa vào sắc màu thổ cẩm như một sự hòa điệu trong mỗi tâm hồn con người.

Phẩm chất tốt đẹp của con người là tấm gương phản chiếu bức tranh văn hóa cổ truyền đa sắc màu của cộng đồng các dân tộc huyện Bảo Yên. Đó là minh chứng quan trọng thể hiện sự giao thoa, ảnh hưởng qua lại của văn hóa đối với con người. Bản sắc văn hóa cổ truyền và phẩm chất con người là yếu tố đặc biệt quan trọng để Bảo Yên bảo tồn những giá trị văn hóa bản địa, phát triển du lịch cộng đồng trong giai đoạn hiện nay./.

Bài, ảnh: Nguyễn Thế Lượng