Lập ‘bản đồ’ về phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý trong công tác giáo dục, bảo vệ trẻ em, người dân và xã hội nhận thức đúng đắn, đầy đủ về các hành vi mang tính chất xâm hại với những hoạt động mang tính giáo dục, uốn nắn để có ứng xử phù hợp, điều chỉnh kịp thời, tránh cực đoan – Ảnh: VGP
Theo báo cáo của Bộ VH-TT&DL, năm 2022, Ban Chỉ đạo Trung ương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nội dung phong trào có trọng tâm, trọng điểm; ban hành kịp thời kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện phong trào đến các cấp, ngành và người dân. Công tác giáo dục, phòng ngừa xã hội nhằm ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại và bạo hành trẻ em đã được tập trung triển khai thực hiện.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền tích cực quan tâm, chỉ đạo sâu sát trong triển khai các nghị quyết, chương trình, kế hoạch; hướng dẫn tổ chức thực hiện phong trào tại cơ sở như: Tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa tại nơi cư trú; hướng dẫn bình xét, đánh giá, công nhận các danh hiệu: “Gia đình văn hóa”; “Ấp văn hóa nông thôn mới”; “Khóm văn minh đô thị”; “Xã văn hóa nông thôn mới”; “Phường, thị trấn văn minh đô thị”; “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, trong đó tạo điều kiện cho một số địa phương tổ chức bình xét sớm các danh hiệu văn hóa đối với các xã đăng ký xây dựng nông thôn mới; khen thưởng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến…
Các thành viên Ban Chỉ đạo đánh giá việc khai thác và phát huy hiệu quả hoạt động của một số thiết chế văn hóa, thể thao các cấp còn có mặt hạn chế… – Ảnh: VGP
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã trao đổi, thảo luận về những vấn đề đặt ra trong công tác phối hợp giữa các thành viên Ban Chỉ đạo ở Trung ương và địa phương trong một số lĩnh vực chưa đạt được kết quả theo yêu cầu. Một số ngành chưa hướng dẫn kịp thời các chủ trương mới để thực hiện kịp thời và hiệu quả. Nhiều nơi còn khó khăn về nguồn kinh phí tổ chức, triển khai thực hiện công tác bình xét danh hiệu tại địa phương. Việc khai thác và phát huy hiệu quả hoạt động của một số thiết chế văn hóa, thể thao các cấp còn có mặt hạn chế…
Các ý kiến thống nhấn cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến tổ chức thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trình Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền, tổ chức thực hiện; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới nhằm nâng cao trình độ, nhận thức về giá trị văn hóa truyền thống, cách thức tổ chức việc bình xét các danh hiệu văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” phát triển rất sâu rộng, liên quan đến mọi lĩnh vực đời sống, xã hội, “phải làm rất kiên trì, đều tay”.
Đặc biệt, trong 2 năm bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, những giá trị truyền thống cao đẹp, phẩm chất đáng quý, “yêu nước, thương nòi” của dân tộc Việt Nam lại càng được khơi dậy, phát huy mạnh mẽ…
Tuy nhiên, việc xây dựng đời sống văn hóa hiện nay cũng chịu tác động, ảnh hưởng không nhỏ của nhịp sống hiện đại mới, sự xuất hiện của hình thức văn hóa giải trí mới, nhất là trên môi trường mạng.
Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới, các bộ, ngành cần tích cực vận động xây dựng văn hoá công sở, trên tinh thần đẩy mạnh cải cách hành chính.
“Vừa qua, tôi đi kiểm tra việc thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) tại một số địa phương cho thấy sẽ có sự thay đổi rất lớn về công tác quản lý và phục vụ người dân; đồng thời, đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường có thời gian xuống cơ sở, có điều kiện hỗ trợ người dân nhiều hơn”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Các địa phương cần thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động nâng cao dân trí (phong trào đọc sách, khuyến học, xây dựng xã hội học tập); tăng cường phòng chống tệ nạn xã hội dưới khía cạnh văn hoá; bỏ những thói quen, tập tục không còn phù hợp với nếp sống văn minh; tích cực thực hiện vệ sinh môi trường từ những việc nhỏ như phân loại rác thải, không sử dụng hóa chất nông nghiệp bừa bãi; kiên trì đưa phong trào xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu; phát huy hơn nữa vai trò của người cao tuổi…
Phó Thủ tướng lưu ý trong công tác giáo dục, bảo vệ trẻ em, người dân và xã hội nhận thức đúng đắn, đầy đủ về các hành vi mang tính chất xâm hại với những hoạt động mang tính giáo dục, uốn nắn để có ứng xử phù hợp, điều chỉnh kịp thời, tránh cực đoan.
Phó Thủ tướng giao Bộ VH-TT&DL khẩn trương đúc rút các ý kiến đóng góp tại hội thảo hệ giá trị văn hóa người Việt Nam, đưa vào những tiêu chí cụ thể trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” để hướng dẫn thực hiện tại cơ sở, có thể đo đếm được; lập “bản đồ” về phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Đình Nam