Lễ hội đình Ứng Thiên
Hàng năm, cứ vào hai dịp xuân thu (mùng 6 tháng 3 và 26 tháng 9), dân các làng Láng lại mở hội để tưởng nhớ công ơn của vị thần thờ trong đình Ứng Thiên.
Đình Ứng Thiên thuộc Phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.Xưa là làng An Lãng, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên, bên cạnh thành Thăng Long. Đây là vùng đất nổi tiếng của ba làng Láng là: Láng Thượng, Láng Trung, Láng Hạ có nghề trồng rau của đất kinh thành: “Dưa La, húng Láng, nem Báng, tương Bần”.
Đình Ứng Thiên là một trong những di tích quan trọng của ba làng Láng xưa. Tương truyền, đình Ứng Thiên khởi nguồn từ một ngôi đền thờ nữ thần Nguyên Quân Hậu Thổ, Ngài đã có công âm phù giúp vuaLý Thánh Tông trong cuộc chinh phạt Chiêm Thành vào năm 1069. Khải hoàn trở về, để nhớ công ơn thần, vua đã cho xây ngôi đền tại thành Thăng Long để thờ Ngài. Đến thời Lê Trung Hưng, kiến trúc đình làng phát triển, ngôiđền chuyển hóa thành ngôi đình của làng Láng Hạ. Đôi câu đối trong đền đã nhắc đến sự kiện của vua Lý
Sơn mộc thê thần, y phục đạm trang kinh đế mộng
Hải môn hiển ứng, phong đào tịnh thiếp hộ vương sư
Tạm dịch
(Gỗ rừng tạc tượng nữ thần trang điểm áo quần như trong mộng
Cửa biển tỏ hiển thánh, dẹp yên sóng gió giúp thuận vua)
Theo Lý Tế Xuyên trong sách“Việt Điện U Linh” thì Nguyên Quân tức thần cõi nước Nam. Khi xưa vua Lý Thánh Tông dẹp giặc Chiêm Thành đến cửa biển, bỗng nhiên trời nổi mưa gió, sóng cuộn trùm lên trông như những dãy núi, tàu thuyền của nhà vua đều không thể qua được, buộc phải đậu ở bên bờ cát ấy. Đêm hôm ấy, nhà vua nằm mộng thấy một người con gái áo trắng, quần hồng duyên dáng, lộng lẫy bước lên thuyền rồng mà nói rằng: Ta vốn là tinh khí của nước Nam đậu trên cây đã lâu, nay gặp Minh Vương đem quân đi chinh phạt, ta nguyện gắng sức theo vua đi để lập ít võ công, rồi thần biến mất. Nhà vua sợ hãi gọi trăm quan và người già tới kể cho họ nghe về giấc mộng của mình. Vị tăng thống tự Huệ Sinh thưa rằng: Hoàng thượng nằm mộng thấy thần nhân đến nói đậu ở trên cây có thể tìm thấy được. Thế rồi bèn sai những người thân cận tìm khắp các ngọn đồi trên bờ thì thấy một khúc gỗ giống tượng thần có nét như người mà vua đã gặp trong giấc mộng. Vua bèn sai mang đặt ở thuyền rồng, đốt hương cầu đảo, ban hiệu là: Hậu Thổ phu nhân; chỉ trong giây lát gió lặng sóng yên, đoàn thuyền khởi hành thuận lợi. Sau khi dẹp được giặc Chiêm Thành trở về qua chỗ cũ, nhà vua ban Sắc dựng đền thờ thần, bỗng nhiên từ đâu sóng lại nổi lên cuồn cuộn như xưa, Huệ Sinh dâng tấu thưa rằng: Thần không vừa ý nên đã ẩn tránh xa bờ, mong được trở về kinh đô, thế rồi sóng biển bình lặng. Về đến kinh sư, vua sai dựng đền miếu ở hương An Lãng để thờ Ngài, đền thờ rất linh thiêng.
Đời Trần Anh Tông, hạn hán lớn, nhà vua bèn dựng đàn cầu đảo, thần bèn thác mộng với vua rằng: Bản đền có Câu Mang Thần Quân có thể làm mưa được.Tỉnh dậy, vua sai quan Hữu Ty đến làm lễ, quả nhiên mưa lớn lan tràn, vua phong Ngài là Ứng Thiên Hậu Thổ phu nhân, dưới Hậu Thổ phu nhân có Câu Mang thần quân coi về mưa xuân, nên từ nay phải làm lễ mùa xuân, rồi phải đem trâu đất đặt ở dưới đền thờ.
Trải qua các đời, thần đều được ban tặng Sắc phong với nhiều mỹ tự. Đôi câu đối trong đình hiện nay đã nói lên điều này:
Trợ Lý bình Chiêm thiên cổ tích
Phù Trần bái vũ vạn dân an
(Giúp vua Lý đánh giặc Chiêm nên thiên cổ tích
Giúp vua Trần làm mưa lớn yên được lòng dân)
Từ đó trở đi, hàng năm, cứ vào hai dịp xuân thu (mùng 6 tháng 3 và 26 tháng 9), dân các làng Láng lại mở hội để tưởng nhớ công ơn của vị thần thờ trong đình Ứng Thiên. Hội lớn nhất là hội xuân kéo dài từ mùng 6 tháng 3 đến mùng 8 tháng 3, còn hội mùa thu chỉ diễn ra trong ngày 26 tháng 9 mà thôi.
Hội đình Ứng Thiên cũng là ngày hội của chùa Láng. Vì thế từ xưa tới nay, vào những ngày này,không gian lễ hội trải khắp trên một vùng rộng lớn của cả ba làng Láng từ Cầu Giấy tới làng Mọc.
Để chuẩn bị cho ngày hội, từ tháng Giêng, tháng 2, các cụ trong làng đã họp bàn, người nào việc ấy, chuẩn bị đồ tế khí, quét dọn, sửa sang đường sá, bao sái đồ thờ. Các cụ bô lão đi gom hoa bưởi để đến ngày mùng 6 tháng 3 đun nước làm lễ Mộc Dục, nghi lễ đầu tiên của ngày hội. Cũng như những địa phương khác, người đảm trách việc này phải là người đức độ, song toàn, gia đình đề huề.
Trước khi tắm tượng, người ta làm lễ khấn Thánh Mẫu và công đồng các quan rồi mới tiến hành. Việc bao sái các tượng được thực hiện rất cẩn thận, tỉ mỉ, bằng nước thơm hoa bưởi. Người ta dùng một khăn vải vuông màu đỏ nhúng vào chậu nước thơm rồi bao sái tượng sạch sẽ. Xong việc, những người tham dự dùng nước tắm tượng ấy xoa nhẹ lên đầu, lên mặt như là được hưởng ơn lộc Thánh, còn khăn vải đỏ được xé nhỏ thành nhiều mảnh chia cho dân làng làm phước.
Ngày mùng 6 tháng 3 là ngày long trọng nhất. Từ hôm trước, cờ quạt đã được dựng lên trong nhà và quanh sân đình. Sáng tinh mơ, tiếng trống hội từ đình đã vang lên rộn rã. Đêm hôm trước, nhiều người dân đã thay nhau túc trực ở trong đình cho đến giờ làm lễ Mộc Dục. Tiếp đến là lễ tế Gia Quan, mặc áo, mũ cho tượng thần, bài vị. Lễ thức này kết thúc cũng là lúc tờ mờ sáng, dân làng bắt đầu đến dự hội.
Khoảng 8h sáng, sân đình đã chật kín người với đủ các loại trang phục và lễ phẩm dâng cúng thần. Ông chủ tế trịnh trọng tuyên bố khai mạc hội xuân. Một hồi trống, chiếng vang lên rộn rã báo hiệu lễ khai hội bắt đầu. Sau đó nghi thức dâng hương, mọi người chăm chú lắng nghe đọc văn tế nêu bật công lao của Thần đối với dân làng và cầu mong thần phù hộ cho dân làng một năm dân khang, vật thịnh, nhà nhà yên ấm.
Các dòng họ lần lượt vào đình lễ Thánh. Lễ vật thường có hai mâm cỗ: Một mâm cỗ mặn, một mâm cỗ chay được đặt lên ban thờ với lòng kính cẩn, trang nghiêm. Dòng họ cuối cùng của làng kết thúc lễ cũng là tới trưa. Lúc này, khách thập phương mới tới thắp hương lễ Thánh.
Đại tế do các cụ bô lão thực hiện vào buổi chiểu. Đoàn tế này buổi sáng đã tiến hành tế ở bên chùa Láng. Đây là nghi lễ trang trọng nhất của đội tế gồm 17 người được lựa chọn và tập luyện rất cẩn thận. Cuộc tế chính kéo dài 6 tuần dâng rượu. Người thập phương và dân làng vây quanh xem tế, đếm từng tuần rượu và bước tế của các cụ, phụ họa là dàn nhạc bát âm, chiêng trống cho nghi lễ được long trọng, trang nghiêm.
Ngày mùng 7 tháng 3 hội tiếp tục, người dân các Giáp, các làng vào dâng hương. Ngoài sân đình, các trò chơi diễn ra sôi nổi, nhất là trên sới vật hay bãi chọi gà.
Ngày mùng 8 Tế tạ (Tế chạ) gồm các cụ ba thôn chín xóm (Thượng, Trung, Hạ) cử thành đội tế gọi là đội Tế chạ xuống đình lễ tạ. Thông qua lễ này, dân muốn cầu mong được Thần, Phật chở che, phù hộ mọi nhà một năm mới mùa màng bội thu, nhà nhà no đủ.
Hội mùa thu chỉ diễn ra một ngày 26 tháng 9, chủ yếu là dâng cơm mới, trình Thánh vụ thu hoạch mới.
Trong suốt những ngày này, ngoài nghi lễ tế trong đình, khách dự hội còn có thể tham gia các trò vui khác ngay tại sân đình và khu vực chung quanh, như kéo co, chọi gà, đấu vật. Đến tối tổ chức hát chèo, chầu văn, diễn tích nhà Phật kéo dài đến khuya.
Điều thú vị nhất của hội đình Ứng Thiên từ xưa đến nay là hội xuân đồng thời diễn ra trên cả ba làng Láng. Trong đó lớn nhất là hội chùa Láng với những đám rước long trọng từ chùa Láng đến Cống Mọc, qua sông Tô Lịch rồi lại quay lại. Cùng với hội chùa Láng, lễ hội đình Ứng Thiên là một trong những lễ hội lâu đời nhất gắn với văn hóa đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Lễ hội hằng năm thu hút rất nhiều dukhách thập phương khi đến du xuân với thủ đô Hà Nội, để hòa trong không gian đầy linh thiêng với những nét sinh hoạt văn hóa tâm linh độc đáo, đặc sắc của cư dân vùng đất phía tây kinh thành Thăng Long xưa.