Lễ vật và văn cúng trong lễ hạ nêu ngày tết
Dân gian quan niệm, mùng 7 tháng Giêng kết thúc Tết Nguyên đán (3 ngày Tết 7 ngày xuân) và là lúc bắt đầu Tết Khai hạ, được hiểu là Tết mở đầu ngày vui để chào mùa xuân mới, cầu mong may mắn cho cả năm. Vậy nguồn gốc, ý nghĩa và các nghĩ thức của ngày lễ hạ nêu ngày tết là gì? Hãy cùng Phụ nữ và Gia đình tìm hiểu chi tiết ở ngay bài viết dưới đây nhé!
Trong ngày này, các gia đình sẽ làm lễ hạ cây nêu (gọi là lễ khai hạ). Ý nghĩa của buổi lễ là kết thúc Tết để bắt tay vào công việc.
Lễ hạ nêu ngày tết là một phần không thể thiếu của dịp Tết cổ truyền!
Trong sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, Tập Hạ chép rằng: “Bữa trừ tịch (tức ngày cuối năm) mọi nhà ở trước cửa lớn đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là “lên nêu”… có ý nghĩa là để làm tiêu biểu cho năm mới mà tảo trừ những xấu xa trong năm cũ”.
Theo tục xưa, cây tre dài khoảng 5 – 6m được dùng làm cây nêu. Cây thường được dựng vào ngày 23 tháng Chạp hoặc chiều 30 Tết. Cây được chôn chặt, trên ngọn cây treo một vòng tròn nhỏ và treo nhiều vật dụng có tính chất biểu tượng tùy theo địa phương, phong tục, dân tộc.
Có nơi người ta treo bó lá dứa, khung tre nứa dán giấy màu xanh đỏ, lá bùa hình bát quái, vàng mã, câu đối hoặc hình con vật bằng đất nung… Có nơi lại là túi nhỏ đựng trầu cau và ống sáo, chiếc khánh (chuông gió), những miếng kim loại lớn nhỏ, lá thiên tuế, lông gà, củ tỏi. Khi có gió thổi, chiếc khánh và những miếng kim loại phát ra tiếng leng keng như tiếng phong linh. Chiếc khánh, đồng âm với “khánh” có nghĩa là “phúc” với ý nghĩa năm mới đem lại hạnh phúc cho gia đình. Dưới chân cây nêu có rắc vôi bột và vẽ hình cung tên. Tất cả những vật này có ý nghĩa trừ tà, báo cho ma quỷ biết đất đã có chủ, không được đến quấy nhiễu và cầu mong một năm mới tốt lành, bình an, may mắn. Cây nêu còn là biểu tượng cho sự uy quyền, nhà nào có quyền thế nhất là nhà đó có cây nêu cao nhất.
Sau khi kết thúc Tết, con cháu sẽ làm lễ hóa vàng để cáo lễ tiễn đưa tổ tiên trở về âm cảnh. Lễ này sẽ rơi vào ngày mùng 7 Tết Nguyên Đán. Khi đó, cây nêu ngày Tết sẽ được hạ xuống, mở đầu ngày vui để chào đón một mùa Xuân với nhiều điều may mắn.
Hiện nay, để phù hợp với từng gia đình nên lễ khai hạ không nhất thiết phải tiến hành vào đúng ngày mùng 7 Tết mà tùy từng gia đình, có thể làm trong khoảng từ mùng 3 đến mùng 10 tháng Giêng. Cho đến nay, tuy phong tục dựng cây nêu đã không còn phổ biến nhưng dân gian vẫn tiến hành lễ khai hạ như một phần không thể thiếu của lễ tết
Mục lục bài viết
Văn khấn lễ hạ cây nêu ngày tết
Hoạt động hạ cây nêu ngày mùng 7 tết!
Nam mô A Di Đà Phật
Kính lạy:
– Hoàng thiên Hậu thổ chư vị Tôn thần
– Ngài Sở Vương đương niên hành khiển năm Nhâm Thìn, ngài Bản cảnh Thành Hoàng, các ngài Thổ địa, Táo quân, Long mạch Tôn thần.
– Các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, nội ngoại tiên linh.
Hôm nay là ngày mồng … tháng giêng năm Mậu Tuất, chúng con là … hiện cư ngụ tại số nhà …, khu phố …, phường …, thành phố…
Thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, trà tửu lễ nghi, cung bày trước án. Kính cẩn thưa trình: Tiệc xuân đã mãn, Nguyên đán đã qua, nay xin lễ tạ Tôn thần, rước tiễn âm linh trở về âm cảnh.
Kính xin lưu phúc, lưu ân, phù hộ độ trì dương cơ âm trạch, mọi chỗ tốt lành, con cháu được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng.
Lòng thành kính cẩn, lễ bạc tiến dâng, lượng cả xét soi, cúi xin chứng giám.
Nam Mô Chứng Minh Sư Bồ Tát (3 lần).
Những lưu ý về nghi thức khi cúng hạ nêu/cúng lễ Khai hạ
Cây nêu sau khi cúng xong nên để nơi thoáng mát, sạch ráo bên ngoài nhà!
– Khi tổ chức cúng lễ Khai hạ, gia đình cần chuẩn bị mâm cơm cúng (có thể làm cơm mặn hoặc cơm chay đều được), rượu, nhang, hoa cúng, hoa quả, giọt dầu, đĩa gạo, đĩa muối, sớ, tiền vàng,…
– Sau đó, gia đình bày biện đầy đủ và chỉn chu ở ngoài trời, gia chủ thắp hương, khấn vái xin phép các cụ trong nhà trước rồi tiến hành tổ chức lễ cúng ngoài trời.
– Khi khấn lễ khai hạ, gia chủ tham khảo và đọc bài cúng hạ nêu, đợi hương tàn thì đem hóa vàng, hóa sớ rồi cho người ra nhấc cây nêu lên.
– Cây nêu sau khi nhấc lên thì để ở nơi khô ráo, thoáng sạch bên ngoài nhà, không nên để trong nhà tránh điều không may mắn.
Trên đây là chi tiết về nguồn gốc, ý nghĩa, bài văn khấn cũng như các lưu ý về lễ nghi của lễ hạ nêu ngày tết. Hy vọng với những thông tin mới được Phụ nữ và Gia đình chia sẻ trên đây, các độc giả đã có được câu trả lời ưng ý và biết cách chuẩn bị được một ngày lễ hạ nêu hoàn hảo và chỉn chu nhất nhé. Thật vậy, tuy rằng phong tục này không còn quá phổ biến, nhưng nó vẫn luôn là một phần không thể thiếu của ngày tết dân tộc với những ý nghĩa cao đẹp, cầu chúc cho một năm mới thêm nhiều may mắn, bình an hơn!