Lên vùng cao Yên Bái ăn Tết cùng đông bào Mông | Văn hóa | Báo ảnh Dân tộc và Miền núi
Mục lục bài viết
Lên vùng cao Yên Bái ăn Tết cùng đông bào Mông
Tết này là dịp để du khách lên vùng cao Yên Bái cùng ăn Tết với đồng bào Mông nơi đây và khám phá những nét đẹp văn hóa với rất nhiều nghi lễ độc đáo.
Những người đàn ông dân tộc Mông ở Mù Cang Chải (Yên Bái) thể hiện điệu múa khèn trong ngày Tết. Ảnh: TTXVN
Trước kia, sau khi mùa vụ đã thu hoạch xong, người Mông ở Yên Bái sẽ ăn Tết (thường sớm hơn Tết cổ truyền của cả dân tộc khoảng 1 tháng). Nhưng đã gần chục năm nay, người Mông ở Yên Bái cùng “ăn chung một Tết” với nhân dân cả nước. Đây được coi là một cách mạng làm thay đổi nhận thức về một số hủ tục không còn phù hợp với nếp sống mới hiện nay. Điều đáng nói là phong tục Tết cổ truyền đậm đà bản sắc lâu đời của đồng bào Mông ở Yên Bái không vì thế mất đi mà ngược lại vẫn được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.
Ông Giàng A Vừ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết, cái hay của việc đồng bào Mông ăn chung một Tết với người dân cả nước là để người thân trong gia đình đang công tác tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp hay con em đang đi học… có thời gian về sum họp với gia đình. Mặc dù thay đổi thời điểm đón Tết nhưng những nét đẹp văn hóa của đồng bào vẫn được gìn giữ, phát huy. Điển hình trong Lễ lử-xu (Lễ đón mừng năm mới) hay Lễ hội Gầu Tào với mục đích để gia chủ cầu con và gắn với cộng đồng là cầu cho mùa màng tươi tốt, người yên vật thịnh…
Tết của người Mông đậm đà bản sắc với những tập tục, lễ nghi thể hiện văn hóa truyền thống độc đáo riêng và đề cao tính cộng đồng. Trước khi mặt trời lặn của ngày cuối năm, cả dòng họ sẽ cùng thực hiện Lễ đón năm mới (Lễ lử-xu). Sau Lễ lử-xu, thành viên trong các gia đình trở về nhà để làm lễ thay bàn thờ, một trong những lễ quan trọng nhất vào ngày Tết của người Mông. Bàn thờ là nơi mỗi gia đình người Mông thờ cúng tổ tiên, thờ ma nhà và luôn được thay mới trong dịp Tết để hạnh phúc, may mắn luôn ngập tràn, gia đình luôn được che chở, phù hộ.
Trước khi đón Tết, tất cả quần áo, đồ đạc phơi ở ngoài phải cất hết đi. Mục đích của việc làm này là mong muốn những gì tốt đẹp trong năm mới sẽ đến với gia đình. Người Mông quan niệm rằng, nếu phơi quần áo ở ngoài, trong năm đó, con gà mà gia đình nuôi sẽ bị diều hâu bắt đi. Trước cửa ra vào nhà của người Mông những ngày Tết có treo một tấm vải đỏ. Tấm vải này sẽ được gia chủ thay mới trước khi hết năm cũ. Người Mông quan niệm tấm vải đỏ mang lại may mắn cho gia chủ trong cả một năm, ngăn những điều xui xẻo.
Đặc biệt trong ba ngày Tết chính, gia đình nào cũng đốt củi, giữ bếp đỏ lửa liên tục, vừa giữ ấm, vừa xua đuổi tà ma và cầu mong bình an, may mắn. Trong những ngày này, người Mông chỉ ăn các món bánh và thịt, tuyệt đối không ăn rau. Vì theo quan niệm của người Mông, không ăn rau để tránh trong năm mới đi làm nương, làm rẫy cỏ mọc nhiều, mùa màng thất thu, chăn nuôi trâu bò không được thuận.
Đối với người Mông, khi có tiếng gà gáy đầu tiên sớm mùng Một, gia đình nào cũng có người dậy sớm để đi gánh nước mới về nấu ăn. Ai gánh được nước sông suối về đầu tiên, năm đó gia đình ấy sẽ làm ăn phát đạt, an khang thịnh vượng, thành công hơn những gia đình khác…
Tết của người Mông cũng là dịp để các đôi trai gái tìm hiểu nhau. Trong các ngày Tết, nam thanh, nữ tú mặc những bộ quần áo mới và diện các đồ trang sức đẹp nhất, tổ chức thành từng tốp ném còn “pó po”, đánh gụ “đầu tu lu”, đánh cầu tự chế bằng lông gà “đầu tỳ kay”. Các cặp trai gái hát “Cự xia”, “Lù tẩu” thổ lộ tâm tình, tình yêu đôi lứa… Nhờ đó, trong dịp Tết, nhiều đôi trai gái đã nên duyên vợ chồng.
Người Mông rất mến khách, nhất là vào dịp Tết. Họ quan niệm nếu Tết có khách lạ đến chơi, cả năm đó họ gặp may mắn, nên đón tiếp rất chu đáo, mời ăn, mời rượu và mời ngủ tại nhà. Trước khi khách ra về, người Mông còn mừng tuổi hai chiếc bánh dầy tự tay họ làm ra…
Năm 2021, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng ở vùng cao Yên Bái vẫn an toàn, chưa có ca mắc trong cộng đồng. Tỷ lệ tiêm vaccine đủ 2 mũi phòng dịch ở người trên 18 tuổi đạt trên 95%. Tỉnh đang triển khai tiêm mũi 3 và tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi.
Đến Yên Bái dịp này, du khách được đắm mình trong những phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, mộc mạc, hoang sơ; hiểu thêm về những nét đẹp văn hóa của người Mông cũng như đồng bào các dân tộc khác. Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm ruộng bậc thang Mù Cang Chải – Di tích quốc gia đặc biệt; tắm suối khoáng nóng hay hòa mình với đồi thông Eo gió huyện Trạm Tấu cùng thưởng thức văn hóa ẩm thực trong ngày Tết của đồng bào vùng cao và nghỉ ngơi tại các nhà nghỉ cộng đồng, các resort hiện đại, tiện nghi.
Đức Tưởng