Lịch sử phát triển Gucci | Harper’s Bazaar Việt Nam
Hãng đồ da danh tiếng của Ý đã trải qua những thay đổi như thế nào trong quá trình phát triển thành một thương hiệu toàn cầu? Hãy cùng Bazaar Việt Nam điểm lại những bước ngoặc lịch sử làm nên cái tên Gucci danh giá
Gucci là hãng thời trang và đồ da nổi tiếng của Ý. Theo tạp chí BusinessWeek, hãng thời trang này thu được khoảng 4,2 tỷ euro trên toàn cầu vào năm 2008. Hãng xếp thứ 41 trong danh sách 100 thương hiệu hàng đầu thế giới do tạp chí bình chọn năm 2009. Tính đến năm 2009, Gucci có khoảng 278 cửa hàng trên toàn cầu. Tập đoàn Gucci hiện do Công ty Kering của Pháp sở hữu. Hãy cùng nhìn lại lịch sử Gucci suốt gần một thế kỷ qua.
[external_link_head]
Mục lục bài viết
Từ niềm đam mê đồ da…
Gucci do Guccio Gucci sáng lập tại Florence vào năm 1921. Chàng trai người Ý Guccio Gucci di cư sang Paris rồi đến London. Khi làm việc trong những khách sạn sang trọng, ông bị những chiếc va-li hàng hiệu chốn thành thị cuốn hút. Guccio trở về quê hương Florence. Nơi đó có nguồn vật liệu chất lượng cao và những người thợ thủ công khéo léo. Ông mở một cửa hàng bán đồ da với phong cách cổ điển vào năm 1920. Rồi Gucci ra đời.
Guccio Gucci có ba cậu con trai: Aldo Gucci, Vasco Gucci và Rodolfo Gucci. Cùng nhau, họ mở rộng kinh doanh. Những cửa hàng mới mọc lên ở Milan, Rome và Florence. Sản phẩm đặc trưng của Gucci là những chiếc túi xách, giày dép bằng da và các mặt hàng cao cấp bằng lụa và len dạ. Sản phẩm đều làm tay tinh xảo.
Trong suốt Thế chiến thứ hai, Gucci thường sản xuất túi xách bằng vải cotton thay vì bằng da. Thời chiến khó khăn, họ thiếu hụt nguyên liệu. Trong cái khó ló cái khôn. Loại túi xách này trở nên nổi bật nhờ dùng logo hai chữ G và những dải vải xanh đỏ. Sau thế chiến, huy hiệu của Gucci có hình cái khiên và hiệp sỹ mặc áo giáp sắt ở giữa một dải ruy-băng khắc tên công ty. Biểu tượng này trông khá giống với huy hiệu của thành phố Florence.
…đến thương hiệu toàn cầu
[external_link offset=1]
Năm 1953, Aldo và Rodolfo Gucci khuếch trương công ty mạnh hơn. Họ mở các văn phòng ở New York. Các ngôi sao điện ảnh và hành khách đến Ý trong những năm 1950 và 1960 đã mang hào quang của họ đến Florence. Họ cũng giúp các sản phẩm của Gucci được biết rộng rãi trên thế giới. Các ngôi sao điện ảnh xuất hiện với trang phục, phụ kiện, giày dép của Gucci trên các tạp chí phong cách sống khắp thế giới. Điều này càng giúp cho Gucci phát triển tên tuổi của mình trên toàn cầu.
Gucci nhập khẩu và xử lý da lợn, da dê và da các động vật lạ theo nhiều phương pháp khác nhau. Họ sử dụng chất liệu chống thấm và vải satin cho túi xách buổi tối. Năm 1947, Gucci đã sử dụng tre để làm quai túi xách. Đến năm 1960, những chiếc ví có dây đeo vai và trang trí khóa kim loại được giới thiệu rộng rãi. Giai đoạn 1964, khăn lụa hình bướm, hình hoa của Gucci rất được ưa chuộng. Sau đó, đồng hồ, nữ trang, cà-vạt và mắt kính lần lượt được thêm vào danh mục sản phẩm. Biểu tượng đặc biệt, hai chữ G lồng ngược vào nhau trên khóa thắt lưng và phụ kiệnđược dùng kể từ năm 1964.
Những bước ngoặt lớn
Trong suốt những năm 1970, Gucci làm ăn rất phát đạt. Đến thập niên 1980, tranh chấp nội bộ trong gia đình đã đẩy công ty đến bờ vực thảm họa. Maurizio, con trai của Rodolfo Gucci, tiếp quản công ty sau khi cha ông qua đời năm 1983. Ông sa thải người chú Aldo, đang phải ngồi tù vì tội trốn thuế. Tuy nhiên, Maurizio không mấy thành công trong vai trò chủ tịch. Ông buộc phải bán công ty cho Investcorp năm 1988. Tập đoàn đầu tư này có trụ sở tại Bahrain. Đến năm 1993, Maurizio bán luôn phần cổ phiếu còn lại của mình.
Bi kịch chưa dừng lại ở đó, Maurizio bị ám sát ở Milan năm 1995. Vợ ông, Patrizia Reggiani, bị kết tội thuê người ám sát chồng. Nhà đầu tư mới đề bạt Domenico De Sole, luât sư của gia đình Gucci, làm chủ tịch Gucci ở Mỹ năm 1994. Ông trở thành tổng giám đốc điều hành từ năm 1995.
Xây dựng lại thương hiệu
Năm 1989, Gucci mời Dawn Mello làm biên tập và thiết kế dòng quần áo may sẵn. Mục đích việc này nhằm cải tổ và lấy lại danh tiếng cho thương hiệu. Dawn Mello thấy rõ dù thương hiệu xuống cấp, nhưng giá trị của nó vẫn tiềm năng. Bà thuê Tom Ford làm nhà thiết kế cho dòng hàng may sẵn năm 1990. Sau đó, Tom Ford được cất nhắc lên làm giám đốc sáng tạo vào năm 1994.
Trước khi Dawn Mello trở lại vị trí chủ tịch Bergdorf Goodman, tập đoàn bán lẻ của Mỹ, bà dời trụ sở chính của Gucci. Thay vì đứng chân tại trung tâm kinh tế Milan, Gucci quay về Florence, nơi bắt nguồn những truyền thống thủ công. Cùng với Tom Ford, bà cũng cắt giảm các mặt hàng của Gucci từ 20.000 xuống còn 5.000 sản phẩm.
Trở lại thời kỳ vàng son
Năm 1997, Gucci có 76 cửa hàng trên toàn thế giới cùng với rất nhiều hợp đồng cấp phép chính thức. Ford cùng với De Sole đưa ra những quyết định tài chính quan trọng. Tập đoàn Gucci mua lại Yves Saint Laurent Rive Gauche, Bottega Veneta, Boucheron, Sergio Rossi và là đồng sở hữu Stella McCartney, Alexander McQueen và Balenciaga.
Tháng 3–2004, Gucci thông báo thay thế Tom Ford bằng một những nhà thiết kế trẻ. Họ là thành viên đội ngũ thiết kế của công ty.
Năm 2005, Frida Giannini được đề bạt làm giám đốc sáng tạo cho dòng sản phẩm thời trang may sẵn của nữ và dòng phụ kiện. Một năm sau, bà nắm luôn dòng thời trang may sẵn cho nam. Và bà trở thành giám đốc sáng tạo của thương hiệu Gucci.
>>> Xem thêm: VÌ SAO TOM FORD LÀ “VẾT NHƠ” TRONG LỊCH SỬ THỜI TRANG GUCCI
[external_link offset=2]
Kỷ lục
Năm 1998, sách Kỷ lục Guinness thế giới đã lưu tên chiếc quần jeans đắt nhất thế giới của Gucci. Quần mang tên Genius Jeans. Nó được cà cho bạc màu và làm rách, đính hạt cườm trang trí của châu Phi. Giá quần là 3.134 đô-la Mỹ, khoảng 74 triệu đồng, tại Milan. Sau đó, kỷ lục này bị Levi Strauss & Co. phá vỡ vào tháng 6–2005. Chiếc quần jeans 501 có tuổi đời 115 năm của hãng được một nhà sưu tập người Nhật mua. Giá 60.000 đô-la Mỹ (khoảng 1,2 tỷ đồng).
Những vụ kiện vi phạm bản quyền
Tháng 6–2012 Gucci thắng trong vụ kiện bản quyền với Guess. Hãng được đền bù thiệt hại là 4,7 triệu đô-la Mỹ, khoảng 110 tỷ đồng.
Ngày 16–10–2013, Gucci lại tiếp tục thắng vụ kiện khác tại tòa án liên bang Mỹ ở Fort Lauderdale, Florida. Đây là vụ kiện giả nhãn hiệu và chiếm dụng tên miền đối với hàng loạt các website kinh doanh trực tuyến. Gucci giành được lệnh cấm vĩnh viễn 155 tên miền sử dụng cho buôn bán hàng giả. Hãng cũng được đền bù 144,2 triệu đô-la Mỹ, khoảng 3.400 tỷ đồng, bao gồm lãi suất.
Ngày 5–11–2013, Cục Sở hữu Trí tuệ của vương quốc Anh đưa ra một quyết định bất lợi cho Gucci. Hậu quả, hãng mất quyền sở hữu độc quyền thương hiệu GG tại Anh. Tuy nhiên theo Gucci, quyết định này không ảnh hưởng đến việc sử dụng logo GG tại Anh. Tập đoàn sở hữu nhiều sản phẩm có đăng ký hợp lệ đối với nhãn hiệu này.
Ngày 6–11–2013, Gucci giành phần thắng trong vụ kiện Guess tại Tòa án Nhân dân Trung cấp Nam Kinh của Trung Quốc. Gucci cáo buộc Guess đã bắt chước các bộ sưu tập và hình ảnh của họ. Đây là hành động vi phạm bản quyền thương hiệu và cạnh tranh không công bằng.
Gucci là một trong những thương hiệu phải đối mặt với nạn hàng giả, hàng nhái nhiều nhất trên thế giới vào đầu những năm 2000.
Logo hai chữ G
Năm 1933, Aldo Gucci, một trong ba người con trai của Guccio Gucci, đã thiết kế logo cho thương hiệu. Logo gồm hai chữ G, chữ cái đầu trong tên của Guccio Gucci. Logo này được xem là logo đáng nhớ và ấn tượng nhất trong làng thời trang. Ngày nay, Gucci vẫn là biểu tượng của sự xa hoa, phong cách và thời trang.
Harper’s Bazaar Việt Nam
[external_footer]