MÂM NGŨ QUẢ NGÀY TẾT
Tết đến, trên bàn thờ hay bàn giữa mỗi nhà thường bày mâm ngũ quả. Cho dù là thành thị hay nông thôn, giàu sang hay nghèo khó, hầu như nhà nào cũng trưng một mâm, vừa để đẹp mắt, vừa mang ý nghĩa chính là những điều ước nguyện của gia chủ trong năm mới.
Thật ra không ai rõ quy định là những loại quả gì, cho nên tuy gọi là ngũ quả nhưng tùy vào từng địa phương với đặc trưng về khí hậu, sản vật và quan niệm riêng mà người ta chọn ra các loại quả khác nhau để bày mâm với ý nghĩa chính là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng thành kính với tổ tiên. Ngoài ra, ngũ quả còn được xem là biểu trưng cho thành quả sau một năm lao động miệt mài của người nông dân. Những sản vật kết kinh từ mồ hôi, công sức của người lao động chắt chiu qua từng mùa vụ. Để khi xuân sang, lựa dịp tốt lành mà kính dâng lên ông bà, tổ tiên.
Người Việt chọn con số 5 để thể hiện ước muốn trong năm mới sẽ đạt được “Ngũ phúc lâm môn” bao gồm Phú – Quý – Thọ – Khang – Ninh. Bên cạnh đó, theo quan niệm của Khổng giáo, Ngũ quả – thể hiện cho 5 vị Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ, 5 yếu tố được cho là cấu thành nên vũ trũ (ngũ hành) ứng với vận mệnh con người. Năm màu sắc cũng thể hiện nghĩa nguồn của cải 5 phương đưa về kính lên tổ tiên. Chọn số lẻ tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi.
Như đã nói, việc chọn lựa mâm ngũ quả là tùy vào điều kiện cụ thể ở từng miền. Ở miền Bắc, trong dịp Tết, mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ tổ tiên theo 5 màu sắc tượng trưng cho mong ước: giàu có, sang trọng, sống lâu, khỏe mạnh và bình yên. Một mâm ngũ quả ở miền Bắc bao gồm: (cam, quýt, quất, bưởi, chuối và dứa). Ngoài ra còn có thể bày thêm phật thủ, táo, hồng,… Hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày lên mâm, miễn sao mâm ngũ quả trông đẹp mắt.
Cầu kỳ hơn một chút, người miền Nam những loại quả sẽ xuất hiện trong mâm ngũ quả cúng gia tiên sẽ không bao giờ xuất hiện những loại trái cây có cách phát âm gần giống với những từ ” không hên” ví dụ như quả chuối (phát âm là “chúi” – thể hiện sự đi xuống, khó khăn, không thịnh vượng”); quả cam (trong “quýt làm cam chịu”) hay quả lê (trong “lê lết”),…. Người miền Nam thường chọn các loại trái cây như mãng cầu, đu đủ, dừa, xoài, sung,… để khi đọc lên, hợp thành các cụm từ như “cầu vừa đủ xài sung”, hay “cầu sung (túc) vừa đủ xài”. Bên cạnh đó, còn có thể bổ sung thêm các loại quả như: “dưa hấu” – xanh vỏ, đỏ lòng, tượng trưng cho lòng trung nghĩa; “lựu” – có nhiều hạt, tượng trưng cho sự sung túc, sum vầy, con cháu đầy đàn; “bưởi” – căng tròn, mát lạnh trong ruột, hứa hẹn sự may mắn,… Màu sắc của các loại quả cũng được chọn lựa tuân theo ngũ hành, có tính may mắn: Đỏ – may mắn, phú quý; Vàng – sung túc,… Vị của các loại quả phải là ngọt, không mang vị đắng, cay.
Mâm ngũ quả gồm 5 loại trái cây khác nhau, mỗi loại tượng trưng cho một ước nguyện, thông qua tên gọi, màu sắc và cách sắp xếp của chúng. Do trái cây bày mâm ngày càng đa dạng nên mâm ngũ quả cũng ngày càng phong phú hơn và người ta cũng không câu nệ ngũ quả nữa mà có thể là bát quả, cửu quả,… dù bày biện nhiều loại trái cây hơn nhưng người ta vẫn cứ gọi là “mâm ngũ quả”.
Đôi khi mâm ngũ quả cũng được sử dụng trong Mâm Quả Ngày Cưới của người Việt. Vào ngày tổ chức lễ cưới nhà trai sẽ mang những Lễ Vật sang nhà gái để xin rước cô dâu về. Mâm ngũ quả của ngày cưới sẽ còn được chuẩn bị kỹ càng hơn nữa vì còn mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng để ngầm mang lại điều lành cho đôi trẻ.
Ngày nay, mâm ngũ quả đã có nhiều thay đổi, chúng mang ý nghĩa trang trí cho không gian nhiều hơn là ý nghĩa tâm linh. Sự phong phú của các loại trái cây cũng làm cho mâm ngũ quả theo đó mà có thể trở thành thập quả, tuy vậy, cái tên gọi: “ngũ quả” đã đi sâu vào tiềm thức, tâm linh người Việt bao đời.
Việc bày biện mâm ngũ quả trên bàn thờ của gia đình trong ngày Tết cũng là một nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt Nam. Chính vì vậy dù sinh sống ở phương trời nào, người dân Việt vẫn không quên tục lệ này trong dịp Tết Nguyên đán nhằm gìn giữ bản sắc dân tộc cho bản thân và cho con cháu.
Mâm ngũ quả góp phần làm cho quang cảnh ngày Tết và không gian thờ cúng trong từng gia đình thêm ấm áp, rực rỡ mà hài hòa, thể hiện sinh động ý nghĩa triết học-tín ngưỡng-thẫm mỹ đồng thời cũng chứa đựng ước vọng của con người. Tuy mỗi miền mỗi khác, nhưng tựu trung, mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết vẫn là nơi hội tụ của hồn quả, hương cây, nếp văn hóa dân tộc và của ý nguyện cầu hòa, an, đủ của người dân Việt./.
Cẩm Tú