Mê chơi chim quên cả nguy hiểm
Theo thông tin mới nhất từ Cục Thú y, hiện nay cả nước có 67 ổ dịch tại 21 tỉnh có dịch cúm gia cầm H5N1; số gia cầm mắc bệnh, chết là 63.611 con, toàn bộ số gia cầm trong đàn mắc bệnh đã được địa phương tiêu hủy. Chỉ trong vòng chưa đến một tuần, thời điểm hiện tại đã có thêm 10 tỉnh thành có báo cáo ổ dịch cúm gia cầm phát sinh.
Là một trong những tỉnh, thành có dịch cúm A/H5N1 bùng phát, biện pháp “nội bất xuất, ngoại bất nhập” đối với gia cầm không rõ nguồn gốc được tỉnh Lào Cai áp dụng. Tuy nhiên, nguy cơ lây lan dịch cúm từ những chú chim rừng tưởng chừng vô hại dường như chưa được quan tâm đến. Đánh bẫy tràn lan, không kiểm tra, kiểm dịch, những chú chim hót líu lo ở những buổi chợ phiên nhộn nhịp có thể sẽ là nguồn lây lan dịch cúm hết sức nguy hiểm.
Không còn là thú vui
Cao nguyên trắng Bắc Hà vốn đã đẹp kiêu sa với những dãy núi đồi trùng trùng điệp điệp, rực lên màu hoa mận đỏ chót, đến ngày chủ nhật lại rộn lên tiếng chim hót líu lo của buổi chợ phiên đặc biệt chỉ dành cho đấng mày râu miền Tây Bắc. Khoe chim, chơi chim, mua chim, bán chim, thú vui xuất phát từ nét văn hóa của người dân tộc nơi đây đã từ rất lâu. Góc chợ độc đáo miền Tây Bắc này là nơi tụ họp những người đàn ông đam mê chim chóc dân tộc Mông, Tày, Nùng… từ tận Cao Sơn, La Pán Tẩn, Lùng Khấu Nhin xuống, từ Bản Mế, Sín Chải, Si Ma Cai sang, hay cả người Kinh từ thành phố cũng về đây đi chợ.
Những ngày trước đây, xuất phát từ thú vui, những người đàn ông rôm rả bàn tán, trao đổi với nhau về cách chọn chim, chăm sóc chim để học hỏi, tìm bạn tâm giao. Chuyện mua bán không hề được đặt nặng qua những buổi chợ chim Bắc Hà. Ngày nay, do nhu cầu của khách chơi chim tứ xứ, người dân vùng cao thường săn bắt chim rừng vừa là thú vui, vừa là nguồn kiếm thêm thu nhập.
Mỗi buổi chợ phiên diễn ra, theo anh Giàng A Lử, một người chơi chim thường xuyên có mặt ở Bắc Hà, mỗi phiên có khoảng hàng trăm con chim được đưa đến chợ. Người Mông ở Tây Bắc được coi là những bậc thầy về bẫy chim rừng, trước kia vốn thân thiện với thiên nhiên nên chỉ bắt chim trống về nuôi nghe tiếng hót, chứ không ăn bắt chim tràn lan như hiện nay.
Không chỉ có những người trưởng thành mang chim đến chợ, những cậu bé tầm 7, 8 tuổi mỗi chủ nhật nào đều xách một chiếc lồng chim đến bán. Anh Giàng A Lử cho hay, chim ngày trước được tuyển chọn rất kĩ lưỡng trước khi đến tay những người mua khó tính, bây giờ mọi thứ đều trở thành đại trà, kể cả thú chơi chim. Phiên chợ nào cũng đầy đủ các loại chim sinh sống trong rừng, kể cả loại hiếm nhất, từ lớn đến bé, từ đực đến cái.
Họa mi, Khướu đen, Quế lâm, Ngũ sắc và nhiều loài chim quý khác ở tỉnh Lào Cai nói riêng và khu vực Tây Bắc hiện không có tên trong Sách đỏ nhưng tình trạng bẫy chim đem ra chợ bán ồ ạt như thế vẫn âm thầm diễn ra mà không có bất cứ sự ngăn cấm nào. Không chỉ có ở chợ phiên Bắc Hà, cả chợ chim Mường Khương không khí săn bắt và mua bán chim rừng đều diễn ra sôi nổi. Buồn một nỗi, các loại chim bị bắt ra khỏi rừng, tách chúng khỏi môi trường sống tự nhiên, buộc chúng phải biết ăn thức ăn chế biết sẵn, uống nước trong lồng. Con nào biết ăn thì sống, không biết ăn thì chết trước sự vô tư của những người săn bắt chim mang bán. Một con họa mi biết hót vừa đưa từ rừng về giá chỉ khoảng vài trăm ngàn đồng, còn có thể mặc cả; những chú chim quế lâm, ngũ sắc bé nhỏ được bán với giá 40 đến 50 ngàn đồng một con, mà cả người bán chim lẫn người mua không chắc chim có thể sống được trong chiếc lồng bé xíu, phải đi cả quãng đường xa sau buổi chợ.
Không quan tâm đến dịch
Ngoài các buổi chợ phiên, ở vùng cao Tây Bắc có thể thấy người dân săn bắt và mua bán chim ở bất kì đâu trên đường phố. Khu du lịch thị trấn Sa Pa ngày nào cũng vậy, chị Giềng Thị Sanh ở xã Trung Chải, người dân tộc Mông hằng ngày vẫn mang một gùi những cây hoa rừng và ba bốn chiếc lồng chim lên phố bán. Trong những ngày Lào Cai tập trung mọi nguồn lực để phòng chống dịch cúm gia cầm, chị vẫn đi qua chốt kiểm dịch của xã với những con chim họa mi và quế lâm mà không một ai để ý. Hỏi đến dịch cúm, chị lắc đầu không biết, chỉ biết rằng cái gì khách du lịch hỏi mua thì mang lên thị trấn bán. Mỗi ngày chồng chị Sanh lên rừng kiếm củi và đặt bẫy chim, nhiều thì được 5, 6 con, ít thì 3, 4 con chim nhỏ.
Có những ngày số chim chết trên đường đi bán cũng vào độ chừng ấy. Chim chết thì vứt đi bên vệ đường như là thói quen lâu nay vẫn thế, bất kể có dịch cúm hay không. Dường như trong ý thức của người dân vùng cao Tây Bắc, không kể đến những người chuyên chăn nuôi gia cầm như gà, vịt, ngan ngỗng, người dân vẫn chưa hiểu hết tác hại của virus nguy hiểm H5N1 và các con đường lây lan của chúng.
Không phải lúc nào cũng bán được nhiều chim rừng ở phố, có khi cả tháng không bán được con chim nào, ấy vậy mà gia đình chị Sanh vẫn bẫy chim về nhốt lồng để dành đợi khách. Không có cơ quan nào kiểm tra mấy lồng chim nhỏ trên phố, cũng không ai quản lý được mỗi khi những chú chim bé nhỏ theo nườm nượp theo tay khách du lịch đi từ nơi này sang nơi khác.
Là thành viên trên một diễn đàn nuôi chim cảnh, anh Nguyễn Đăng Minh ở TP Lào Cai cho biết, Lào Cai và các tỉnh vùng cao Tây Bắc là nguồn cung cấp các loại chim bẫy từ rừng về làm cảnh. Mùa dịch cúm gia cầm, mọi hoạt động mua bán của giới chơi chim chuyên nghiệp hầu như dừng lại hết. Không khí ảm đạm bao trùm khắp các cửa hàng buôn bán chim cảnh ở thành phố Lào Cai. Nhưng nếu gặp được con chim quý thì anh Minh vẫn đánh liều mua rồi về khử trùng, phòng dịch cho chim theo hướng dẫn của Cục Thú y thành phố tuyên truyền đến người dân, đề phòng chim bay đến từ vùng có dịch cúm.
Theo anh Minh, mua chim của những người dân bản bẫy được trên rừng rẻ hơn nhiều lần so với việc mua đi bán lại trong giới chơi chim hay ở các phiên chợ chim tập trung nhiều người sành sỏi. Ông Lê Tân Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai cho biết: Trước tình hình dịch cúm, chính quyền đã thường xuyên thông báo qua hệ thống truyền thanh của các xã, huyện, thị trấn Sa Pa về tác hại và cách phòng chống dịch cúm cho người dân chú ý, không chỉ tác hại trên đàn gia súc, gia cầm, mà cả đối với các loại chim rừng.
Vừa tận diệt nguồn chim rừng quý hiếm, vừa đem lại nguy cơ lây lan các căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, hàng trăm chú chim rừng bé nhỏ đứng nép vào nhau, run bần bật trong những chiếc lồng bằng gỗ ở buổi chợ phiên, khắp trên đường phố vẫn gây một nỗi ám ảnh lớn với tôi trong mùa dịch cúm”.
Tiêu hủy gia cầm ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.
Tại tỉnh Lào Cai, cán bộ Tổ công tác chốt kiểm dịch động vật Km2, quốc lộ 70 đã phát hiện xe ôtô tải biển kiểm soát 24N – 4298 chở hai lồng gà trọng lượng gần 100kg để lẫn với vật liệu xây dựng và các mặt hàng khác. Các cơ quan chức năng đã tổ chức phun khử trùng và tiêu hủy toàn bộ số gà này. Như vậy, tính từ thời điểm công bố dịch cúm trên gia cầm tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai đến nay, số vụ vận chuyển gia cầm trái phép bị phát hiện, bắt giữ và xử lý đã lên tới con số hàng chục vụ. Tổng số gà vận chuyển trái phép bị tiêu hủy là 1.726kg (trong đó có 600kg gà mổ sẵn) và 215 con gà thịt, 200 con ngan giống và 6.900 quả trứng gia cầm.
Kết quả giám sát tại 147 chợ buôn bán gia cầm sống tại 44 tỉnh, thành cho thấy tỷ lệ mẫu vịt dương tính với virus cúm A/H5N1 gần 6%, tỷ lệ chợ có phát hiện virus A/H5N1 trên 61%. Ngoài ra, virus cúm A/H5N1 tồn lưu trong môi trường, đàn chim hoang, chim di trú cũng như việc nhập lậu gia cầm qua biên giới gây nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Theo TS Viên Quang Mai, PGĐ Viện Pasteur Nha Trang, kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy, với sự hiện diện đáng kể số lượng H5N1 trên lông các loại chim, đặc biệt là chim sẻ, chứa đựng các hạt virus truyền bệnh được xem như bằng chứng khẳng định chim phóng sinh là nguy cơ gây lây nhiễm virus cúm cho con người ở những vùng có tổ chứ c nghi lễ phóng sinh trong thời gian dịch cúm gia cầm đang lưu hành. Virus H5N1 là virus cúm gia cầm duy nhất có thể lan truyền trong các loại chim rừng